Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá 20.03.2016

 

Anh chị em thân mến,

 

Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến“ (xc. Lc 19,38), dân chúng Giê-ru-sa-lem đã hô lên như thế trong cuộc nghênh đón Chúa Giê-su. Chúng ta đã tiếp nhận niềm hăng hái này: thông qua việc giơ cao những cành lá cọ và những cành Ô-lưu, chúng ta cũng đã diễn tả lời tán dương và niềm vui, cũng như đã diễn tả niềm mong ước muốn được nghênh đón Chúa Giê-su, Đấng đến với chúng ta. Giống như Ngài đã từng trẩy lên Giê-ru-sa-lem, Ngài cũng muốn đi vào trong các thành phố của chúng ta cũng như đi vào cuộc sống chúng ta; như Ngài đã từng cưỡi trên lưng một con lừa cách giản dị, Ngài cũng đến với chúng ta cách khiêm tốn, nhưng Ngài đến „nhân danh Chúa“: với quyền năng của Tình Yêu Thiên Chúa, Ngài tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta, và giao hòa chúng ta với Thiên Chúa Cha cũng như với chính chúng ta với nhau. Chúa Giê-su vui mừng trước sự diễn tả cách bình dân về mối thiện cảm của quần chúng. Khi tận mắt chứng kiến sự phản đối của những người Pha-ri-siêu, tức những kẻ muốn dân chúng phải thinh lặng, khi dân chúng đang reo mừng tung hô Ngài, Chúa Giê-su đã trả lời cho những kẻ ấy rằng: „Nếu dân chúng im lặng thì những hòn đá sẽ hô lên“ (Lc 19,40). Không gì có thể ngăn cản được niềm hăng hái trước cuộc đi vào thành của Chúa Giê-su; không gì có thể ngăn cản chúng ta trước việc thấy được nguồn mạch của niềm vui chúng ta trong Ngài, đó là niềm vui đích thực, niềm vui ấy luôn tồn tại và có khả năng trao ban sự bình an. Vì chỉ có Chúa Giê-su mới có thể cứu chúng ta khỏi những vòng xoáy của tội lỗi, của sự chết, của nỗi sợ hãi và của sự buồn rầu.

Nhưng Phụng Vụ hôm nay dậy chúng ta rằng, Thiên Chúa đã không cứu độ chúng ta thông qua một cuộc tiến vào thành cách khải hoàn hay thông qua những chiến công hùng mạnh. Trong Bài Đọc II, Thánh Phao-lô Tông Đồ đã tóm tắt con đường cứu độ với hai động từ: Ngài „trút bỏ vinh quang“ và „hạ mình“ (Phil 2,7.8). Cả hai động từ đó đều nói với chúng ta rằng, Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta đã đi tới điểm tột cùng. Chúa Giê-su đã trút bỏ vinh quang: Ngài khước từ vinh quang của Con Thiên Chúa và trở thành Con Người, để liên đới với các tội nhân chúng ta trong tất cả mọi sự, trong khi Ngài là Đấng vô tội. Không chỉ có như thế. Ngài còn sống giữa chúng ta „như một người nô lệ“ (Phil 2,7), không phải với tư cách là vua, cũng không phải với tư cách là hoàng tử, nhưng với tư cách là người nô lệ. Ngài đã hạ mình xuống, và mức độ hạ mình xuống của Ngài mà Tuần Thánh chỉ ra cho chúng ta thấy, có vẻ như không có giới hạn.

Dấu chỉ thứ nhất của Tình Yêu „cho đến cùng“ này (Ga 13,1) chính là việc Ngài rửa chân cho các môn đệ. „Thiên Chúa và Thầy“ (Ga 13,14) khom mình xuống dưới chân các môn đệ, đó là một việc mà chỉ những kẻ nô lệ mới phải làm. Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy mẫu gương của Ngài mà chúng ta cần có để đạt tới được Tình Yêu của Ngài, tức Tình Yêu cúi mình xuống trên chúng ta. Chúng ta không thể không yêu mến Ngài, nhưng chúng ta cũng không thể yêu mến Ngài nếu như chúng ta không được Ngài yêu thương trước, nếu như chúng ta không có sự kinh nghiệm về sự trìu mến đầy ngạc nhiên của Ngài, cũng như nếu chúng ta không chấp nhận rằng, Tình Yêu đích thực hệ tại ở chỗ phục vụ cách cụ thể.

Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu. Sự hạ mình mà Chúa Giê-su đã thực hiện, đi tới tột đỉnh điểm trong cuộc khổ hình: bởi một người môn đệ mà Ngài đã tuyển chọn và gọi là bạn hữu, Ngài đã bị bán với 30 đồng bạc, và đã bị phản bội với một nụ hôn. Hầu như tất cả mọi môn đệ khác đều chạy trốn và bỏ rơi Ngài. Phê-rô đã chối Ngài tới ba lần tại sân đền thờ. Không những bị làm nhục trong tinh thần bởi những lời nhạo báng, bởi những lời xúc phạm và bởi nước miếng, mà Ngài còn phải chịu đựng sự tra tấn một cách khủng khiếp nơi thân xác: Những cú nện, những làn roi da và mạo gai trên đầu đã làm cho dung nhan của Ngài không còn có thể được nhận ra. Ngài cũng còn phải chịu đựng sự sỉ nhục và sự kết án một cách bất công bởi những kẻ nắm quyền chính trị và tôn giáo: Ngài bị biến thành kẻ có tội (xc. 2Cor 5,21) và bị liệt vào hàng những tên tội phạm (xc. Lc 22,37). Phi-la-tô đã gửi Ngài đến cho Hê-rô-đê, rồi Hê-rô-đê lại gửi Ngài về lại cho vị tổng trấn của Rô-ma. Trong khi bị khước từ hết mọi nền công lý, Chúa Giê-su còn phải trải qua thái độ thờ ơ lãnh đạm nơi thân xác, vì không ai muốn tự nhận trách nhiệm trước số phận của Ngài. Đám đông dân chúng mà cách đó không lâu còn reo hò chúc tụng Ngài, giờ đây đã thay lời chúng tụng thành lời hò hét đòi kết tội Ngài, và thậm chí còn thích thú với việc một tên sát nhân được phóng thích thay vì Ngài. Ngài đã bị kết án tử hình thập giá, một cái chết đau đớn nhất và cũng nhục nhã nhất, đó là cái chết chỉ được dành riêng cho những kẻ phản bội, những tên nô lệ và những tên tội phạm gớm ghiếc nhất. Nỗi cô đơn, sự vu khống và nỗi khổ đau vẫn chưa phải là tột điểm nơi sự trút bỏ vinh quang của Ngài. Để trở nên liên đới với chúng ta trong mọi sự, trên Thập Giá, Ngài còn phải trải qua việc bị bỏ rơi một cách đầy nhiệm màu bởi Thiên Chúa Cha. Nhưng trong việc bị bỏ rơi này, Ngài đã cầu nguyện cũng như đã tín thác vào Thiên Chúa Cha: „Lạy Cha, con xin đặt Thần Khí của con vào trong tay Cha“ (Lc 23,46). Bị treo trên cây thập giá, bên cạnh việc bị chế giễu, Ngài còn phải đối diện với cơn cám dỗ cuối cùng – Ngài bị khiêu khích hãy xuống khỏi Thập Giá, bị khiêu khích chiến thắng sự ác bằng bạo lực và bày tỏ dung nhan của một Thiên Chúa quyền uy không ai có thể thắng nổi. Nhưng Chúa Giê-su đã mạc khải ngay ở đây, trên đỉnh cao của sự tự hủy, dung nhan đích thực của Thiên Chúa, Đấng là Lòng Xót Thương. Ngài tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Ngài vào Thập Giá; Ngài mở cổng Thiên Đàng ra cho tên tội phạm biết ăn năn, tức tên tội phạm cũng bị đóng đinh vào một cây thập giá bên cạnh Ngài, và đụng chạm tới con tim của viên sĩ quan quân đội. Mầu nhiệm sự ác càng mênh mông bao nhiêu thì hiện thực Tình Yêu lại càng không cùng bấy nhiêu, Tình Yêu ấy đã chạy qua vực thẳm, đã đi tới mộ và đã đến được địa ngục; Tình Yêu ấy đã đón nhận tất cả mọi nỗi khổ đau của chúng ta để cứu độ nó; để mang ánh sáng vào trong bóng tối, mang sự sống vào trong cõi chết, và mang Tình Yêu vào nơi hận thù.

Cách thức hành động của Thiên Chúa có thể vượt lên trước chúng ta thật xa, trong khi chúng ta tự làm cho mình trở nên nặng nề trong việc từ bỏ ít nhất là một chút gì đó từ chính chúng ta. Ngài đã khước từ chính bản thân Ngài vì chúng ta; vì thế điều đó đòi hỏi chúng ta phải khước từ một điều chi đó vì Ngài và vì những người khác! Nhưng nếu chúng ta muốn đi theo vị Thầy, thì việc chỉ reo mừng thôi vẫn chưa đủ, vì Ngài đến để cứu độ chúng ta, nên chúng ta cũng còn được kêu gọi chọn đi theo con đường của Ngài; con đường của sự phục vụ, con đường hy sinh và con đường từ bỏ chính mình. Chúng ta có thể học đi theo con đường ấy bằng cách là chúng ta tạm dừng trong những ngày này và chiêm ngưỡng Đấng Bị Đóng Đinh, „chức giáo sư của Thiên Chúa“. Chúng ta có thể học ở đó Tình Yêu khiêm nhượng, và đó là Tình Yêu cứu độ và ban tặng sự sống, để từ bỏ sự ích kỷ cũng như từ bỏ khát vọng quyền lực và tiền tài. Chúng ta bị cuốn hút bởi hàng ngàn lời tán tỉnh của vẻ bên ngoài đẹp đẽ, và khiến cho mình không còn ý thức được rằng, „giá trị của con người nằm trong chính họ hơn là trong những điều họ sở hữu“ (Gaudium et spes, 35). Với sự hạ mình của Ngài, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy thanh tẩy cuộc sống của mình. Chúng ta hãy hướng lên Ngài, hãy cầu xin cho được ơn hiểu một chút gì đó về việc Ngài đã tự hủy vì chúng ta. Chúng ta hãy nhìn nhận Ngài như là Thiên Chúa của cuộc sống chúng ta, và chúng ta hãy đáp lại Tình Yêu khôn cùng của Ngài, bằng cách là chúng ta sẽ yêu thương một cách cụ thể.

 

Quảng Trường Thánh Phê-rô Chúa Nhật Lễ Lá ngày 20 tháng 03 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội