Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 06.04.2016: Mục 13 – Tin Mừng về Lòng Thương Xót

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Sau những suy tư về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong Cựu Ước, hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu với một sự chiêm ngưỡng về Lòng Thương Xót đó để thấy được Chúa Giê-su đã hiện thực hóa nó một cách hoàn toàn như thế nào. Ngài đã diễn tả, đã hiện thực hóa và đã công bố Lòng Thương Xót ấy trong từng khoảnh khắc một nơi cuộc sống dương thế của Ngài. Nhờ vào sự gặp gỡ với dân chúng, nhờ vào việc công bố Tin Mừng, chữa lành các bệnh nhân, đến gần với những người cùng rốt, tha thứ cho các tội nhân, Chúa Giê-su đã làm cho một Tình Yêu mà nó mở ra với tất cả, trở nên hiển nhiên: Không ai bị loại ra khỏi Tình Yêu ấy! Tình Yêu ấy hiện hữu trong sự mở ra một cách không giới hạn đối với tất cả. Tình Yêu này là một Tình Yêu thuần túy, nhưng không và tuyệt đối. Nó đạt tới đỉnh điểm của nó trong hy tế Thập Giá. Vâng, trong thực tế, Tin Mừng chính là „Tin Mừng về Lòng Thương Xót“, vì Chúa Giê-su chính là Lòng Thương Xót.

Tất cả bốn Tin Mừng đều làm chứng rằng, trước khi bắt đầu sứ mạng của mình, Chúa Giê-su đã muốn lãnh nhận Phép Rửa từ Gio-an Tẩy Giả (Mt 3,13-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22; Ga 1,29-34). Sự kiện này trao cho sứ mạng của Chúa Giê-su một sự chuẩn bị có tính quyết định. Và như vậy, Ngài đã biểu lộ bản thân Ngài cho thế giới không phải trong ánh hào quang của đền thờ: dù Ngài có thể làm điều đó. Ngài không để cho mình được công bố thông qua những lời hoan hô lừng vang khắp chốn: dù Ngài có thể làm điều đó. Đồng thời, Ngài cũng không đến trong bộ phẩm phục của một vị quan tòa: dù Ngài có thể làm điều đó. Nhưng thay vì như thế, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Nazareth, Ngài đã lên đường để đến với những con người thuộc dân của Ngài tại sông Gio-đan, và đã đặt mình vào trong hàng ngũ những tội nhân. Ngài không xấu hổ về chuyện đó: Mặc dù Ngài ở đó với tất cả; với tất cả những tội nhân, để được lãnh nhận Phép Rửa. Vì thế, ngay từ khi khai mạc sứ mạng của mình, Ngài đã chứng tỏ cho thấy Ngài là Đấng Messias, Đấng đến để chăm sóc con người vì tình liên đới cũng như vì sự cảm thông với kiếp hiện sinh của con người. Chính Ngài đã nói điều đó tại hội đường Nazareth khi Ngài tự đồng hóa mình với Ngôn Sứ Isaia: „Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa“ (Lc 4,18-19). Tất cả những gì Chúa Giê-su đã thực hiện sau khi Ngài lãnh nhận Phép Rửa, chính là việc hiện thực hóa kế hoạch nguyên thủy: Mang đến cho tất cả mọi người Tình Yêu cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã không mang đến sự căm hận và thái độ thù địch, nhưng mang đến Tình Yêu. Đó là một Tình Yêu vĩ đại, một con tim mở ra cho tất cả, cho tất cả chúng ta! Đó là Tình Yêu cứu độ!

Ngài đã đến gần với những người cùng rốt, và đã công bố cho họ biết về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa – Đấng luôn thứ tha -, cũng như công bố cho họ biết về niềm vui và về sự sống mới. Trong thực tế, Chúa Giê-su, Đấng là Con được Chúa Cha sai đến, chính là sự khởi đầu của thời đại Lòng Thương Xót đối với toàn thể nhân loại! Những con người mà hồi đó đứng trên bờ sông Gio-an, đã không nhận ra được ngay lập tức ý nghĩa và tầm quan trọng về những cử chỉ của Chúa Giê-su. Chính Gio-an Tẩy Giả cũng đã vô cùng kinh ngạc trước quyết định của Ngài (xc. Mt 3,14). Tuy nhiên, Thiên Cha trên trời thì lại không như thế! Ngài đã làm cho giọng nói của Ngài được nhận biết từ trên cao: „Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con“ (Mc 1,11). Bằng cách đó, Thiên Chúa Cha đã chứng thực con đường mà Chúa Con đã chọn đi theo với tư cách là Đấng Messias. Và chính Chúa Thánh Thần, dưới hình dạng một con chim bồ câu, cũng đã ngự xuống trên Ngài. Vì thế, con tim của Chúa Giê-su đã đập trong sự hòa nhịp với con tim của Thiên Chúa Cha cũng như với con tim của Chúa Thánh Thần, và chỉ cho tất cả mọi người thấy rằng, ơn cứu độ chính là hoa trái phát sinh từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Chúng ta còn có thể chiêm ngưỡng mầu nhiệm Tình Yêu lớn lao này với sự rõ ràng hơn, bằng cách là chúng ta hướng cái nhìn của mình về Chúa Giê-su chịu đóng đinh Thập Giá. Ngay trước khi cái chết của Ngài diễn ra với tư cách là người vô tội chết vì tội lỗi chúng ta, Ngài đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: „Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm“ (Lc 23,34). Trên Thập Giá, Chúa Giê-su đã thể hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha đối với tội lỗi của thế gian: tội lỗi của tất cả, tội lỗi của tôi, tội lỗi của bạn, tội lỗi của các bạn. Tại đó, trên cây Thập Giá, Ngài trình bày ra trước mặt Thiên Chúa Cha tất cả mọi tội lỗi của nhân loại. Và cùng với tội lỗi của thế gian, tội lỗi của tất cả chúng ta cũng được xóa sạch. Không có bất cứ điều chi, cũng như không có bất cứ ai bị loại ra khỏi lời cầu nguyện hiến tế ấy của Chúa Giê-su. Điều đó có nghĩa là, chúng ta không phải sợ hãi trước việc nhìn nhận mình là những tội nhân, cũng như không phải sợ hãi trước việc xưng thú các tội lỗi của mình. Chúng ta rất hay nói: „Nhưng hắn ta là một kẻ tội lỗi, hắn đã làm chuyện này, chuyện kia…“ Và chúng ta kết án người khác. Còn bạn thì sao? Bất cứ người nào trong chúng ta cũng đều nên tự hỏi: „Đúng, hắn là một kẻ tội lỗi. Còn tôi thì sao?“ Tất cả chúng ta đều là những tội nhân, nhưng chúng ta sẽ được tha thứ: Tất cả chúng ta đều có khả năng đón nhận ơn tha thứ ấy: Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta không được phép sợ hãi trước việc nhìn nhận mình là những tội nhân, cũng như trước việc cầu xin ơn tha thứ, bởi vì bất cứ tội nào cũng đều đã được Chúa Con mang lên cậy Thập Giá rồi. Và nếu chúng ta tín thác vào Ngài trong lúc chúng ta đi xưng tội, thì chúng ta hãy chắc chắn rằng, chúng ta sẽ được đón nhận ơn tha thứ. Bí Tích Giao Hòa sẽ làm cho sức mạnh của ơn tha thứ mà nó phát xuất từ Thập Giá, trở thành hiện thực với tất cả chúng ta, và canh tân trong cuộc sống chúng ta hồng ân Thương Xót mà Chúa Giê-su đã giành được cho chúng ta. Chúng ta không được phép sợ hãi trước sự khốn cùng của mình: bất cứ người nào trong chúng ta cũng đều có liên lụy tới nỗi khốn cùng ấy. Sức mạnh Tình Yêu của Đấng Chịu Đóng Đinh không biết tới những rào cản và không bao giờ bị cạn khô. Và Lòng Thương Xót này sẽ xóa sạch nỗi khốn cùng của chúng ta.

Anh chị em thân mến, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn để chúng ta có được kinh nghiệm về sức mạnh của Tin Mừng: Tin Mừng về Lòng Thương Xót sẽ biến đổi và cho phép bước vào trong con tim của Thiên Chúa. Nó làm cho chúng ta có khả năng tha thứ và có khả năng ngắm nhìn thế giới với sự tốt lành lớn lao. Nếu chúng ta đón nhận Tin Mừng của Đấng Chịu Đóng Đinh thì toàn bộ cuộc sống của chúng ta sẽ được nhào nặn bởi sức mạnh Tình Yêu có khả năng canh tân của Ngài.

 

*Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:

 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta cử hành Ngày Quốc Tế lần thứ ba về Thể Thao cho Hòa Bình và cho sự Phát Triển. Ngày Quốc Tế này do Liên Hiệp Quốc thiết lập. Thể thao là một ngôn ngữ phổ quát, nó đưa các dân tộc đến gần nhau, và có thể thực hiện một sự đóng góp nhằm đưa đến sự gặp gỡ giữa những con người với nhau, cũng như giúp vượt thắng những cuộc xung đột. Vì thế Cha khích lệ anh chị em hãy sống chiều kích thể thao như là môi trường luyện tập các đức hạnh trong sự phát triển toàn vẹn con người và cộng đồng xã hội.

Quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư ngày mồng 06 tháng 04 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội