Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 11.05.2016: Mục 18 – Người Cha Nhân Hậu (xc. Lc 15,11-32)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Cuộc hội kiến hôm nay sẽ diễn ra ở hai nơi: Vì sợ sẽ có mưa nên các bệnh nhân đã được bố trí ngồi trong đại sảnh đường Phao-lô VI, và sẽ hiệp thông với chúng ta qua những màn hình lớn; hai nơi nhưng một cuộc hội kiến. Chúng ta hãy chào thăm các bệnh nhân trong đại sảnh đường Phao-lô VI. Hôm nay chúng ta sẽ chiêm ngưỡng dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Dụ ngôn này nói về một người Cha và hai người con, và cho phép chúng ta có được kinh nghiệm về Lòng Xót Thương khôn cùng của Thiên Chúa.

Chúng ta sẽ bắt đầu với đoạn kết của của dụ ngôn nêu trên, tức với niềm vui tràn ngập con tim của người Cha, khi ông nói: „Chúng ta hãy mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy“ (Lc 15,23-24). Với những lời ấy, người Cha đã thu xếp cho người con thứ chỗ ở trong nhà, trong khi người con này nhìn nhận lỗi lầm của mình: „Con chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa…“ (Lc 15,19). Nhưng câu nó đó là điều không thể chịu đựng được đối với trái tim của người Cha. Ngược lại, người Cha đã nhanh chóng trao lại cho con của ông những dấu chỉ về phẩm giá của nó: trang phục đẹp đẽ, nhẫn và giầy. Chúa Giê-su đã không nói về người Cha bị làm nhục hay bị gây tổn thương, tức người Cha mà ông có thể nói với con của mình rằng: „Mày liệu mà đền tội đi!“. Không, người Cha này không nói thế, ông ôm chầm lấy đứa con và chờ đợi đứa con trong Tình Yêu. Đối với người Cha, chỉ có một điều duy nhất nằm trong con tim của ông, đó là việc người con đang đứng trước ông vẫn còn lành lặn và khỏe mạnh. Điều đó làm cho ông hạnh phúc, và ông đã tổ chức một bữa đại tiệc. Việc đón nhận người con trở về được mô tả một cách rất cảm động: „Người con đang còn ở đằng xa thì người Cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để“ (Lc 15,20). Thật trìu mến biết chừng nào! Người Cha nhìn thấy con mình từ đằng xa: Như thế có nghĩa là gì? Thưa có nghĩa là người Cha không ngừng đi ra đi vào trên hàng hiên để nhìn ra ngoài đường xem con ông có về không; đó là đứa con mà nó đã gây ra rất nhiều thiệt hại, nhưng người Cha vẫn mong chờ nó. Sự trìu mến của người Cha thật là tuyệt vời biết bao! Lòng Thương Xót của người Cha thật trào tràn, vô điều kiện, và thậm chí còn biểu lộ trước cả khi người con kịp nói. Tất nhiên, người con biết rằng, anh đã gây ra rất nhiều lầm lỗi, và anh đã thú nhận về điều đó: „Thôi, ta đứng lên, đi về cùng Cha và thưa với Người: ´Thưa Cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha, chẳng còn đáng gọi là con Cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho Cha vậy“ (Lc 15,18-19). Nhưng những lời đó đã biến dạng trước sự tha thứ của người Cha. Cái ôm và cái hôn của người Cha làm cho người con nhận ra rằng, bất chấp mọi sự, anh ta vẫn luôn được nhìn ngắm như một người con. Giáo huấn này của Chúa Giê-su rất quan trọng: Phận làm con cái Thiên Chúa của chúng ta chính là hoa trái phát xuất từ Tình Yêu của một con tim phụ tử; nó không phụ thuộc vào những công trạng hay những việc làm của chúng ta. Vì thế, không ai có thể cướp đi được điều đó khỏi chúng ta, dù ma quỷ cũng không! Không ai có thể cướp đi được phẩm giá đó của chúng ta!

Những lời đó của Chúa Giê-su khích lệ chúng ta đừng bao giờ thất vọng. Ở đây Cha nghĩ tới những người mẹ và những người Cha mà họ rất lo lắng khi họ thấy rằng, con cái của họ đã bỏ đi xa và chọn đi theo những con đường nguy hiểm. Cha nghĩ tới các Cha Xứ và các Giáo Lý Viên, mà đôi khi họ tự hỏi, liệu công việc của họ có phí công vô ích hay không. Nhưng đồng thời Cha cũng nghĩ tới những tù nhân mà cuộc sống của họ xem ra có vẻ như đã kết thúc đối với họ; Cha nghĩ tới những người đã đưa ra những quyết định sai trái và không thể nhìn thấy tương lai; Cha cũng nghĩ tới tất cả những người đang đói khát Lòng Thương Xót và sự tha thứ, và tin rằng mình không xứng đáng với những điều đó… Trong bất cứ hoàn cảnh cuộc sống nào đi nữa thì tôi cũng không được phép quên rằng, tôi không bao giờ ngừng là một người con của Thiên Chúa, là một người con của một người Cha đầy yêu thương, Đấng chờ đợi tôi trở về. Ngay trong những trạng huống tồi tệ nhất nơi cuộc sống của tôi, Thiên Chúa cũng vẫn chờ đợi tôi. Ngài muốn ôm chầm lấy tôi, Thiên Chúa chờ đợi tôi.

Dụ ngôn kể về một người con khác, tức người con cả; anh cũng cần phải khám phá ra Lòng Thương Xót của người Cha. Anh luôn luôn ở lại nhà, nhưng anh rất khác với người Cha! Những lời của anh không chứa đựng sự trìu mến: „Cha coi, đã bao năm trời con hầu hạ Cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ Cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của Cha đó, sau khi đã nuốt hết tiền bạc của Cha với bọn đĩ điếm, nay trở về, thì Cha lại giết bê béo ăn mừng!“ (Lc 15,29-30). Chúng ta nhận ra sự khinh miệt: anh không bao giờ nghĩ tới người „Cha“ và người „em“. Anh chỉ nghĩ đến chính mình và tự khoe khoang rằng, đã luôn ở lại nhà Cha của mình, cũng như đã luôn phục vụ Cha; nhưng anh không bao giờ sống sự gần gũi ấy với niềm vui. Và giờ đây anh kết tội người Cha là đã chưa bao giờ cho anh lấy một con dê nhỏ để mở một bữa tiệc. Quả là một người Cha tội nghiệp! Một đứa con thì đã bỏ nhà ra đi, còn đứa con kia thì không bao giờ thực sự gần gũi ông! Nỗi đau khổ của người Cha giống như nỗi đau khổ của Thiên Chúa, nỗi đau khổ của Chúa Giê-su khi chúng ta sống xa cách hoặc bỏ đi xa, hay khi chúng ta ở gần mà không hề chứng tỏ sự gần gũi.

Người con cả cũng cần tới Lòng Thương Xót. Những người công chính và những người tự coi mình là công chính, cũng cần tới Lòng Thương Xót. Người con này đại diện cho chúng ta khi chúng ta tự hỏi, liệu những vất vả đó có được trả công không, khi chúng ta không nhận được bất cứ sự tặng thưởng nào cho những nỗ lực đó. Chúa Giê-su đã nhắc nhớ rằng, người ta không ở trong nhà của Thiên Chúa Cha để được trả công cho việc đó, nhưng vì phẩm giá của những người con đồng trách nhiệm. Vấn đề không nằm ở chỗ là tham gia vào một cuộc „trao đổi mậu dịch“ với Thiên Chúa, nhưng hệ tại ở chỗ là đi theo Chúa Giê-su, Đấng đã hiến trao hoàn toàn bản thân mình trên Thập Giá.

 

Con à, lúc nào con cũng ở với Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy“ (Lc 15,31-32). Người Cha đã hướng những lời đó tới người con cả. Luận lý của người Cha đó là luận lý của Lòng Thương Xót! Người con thứ tin rằng, anh ta xứng đáng nhận hình phạt vì lầm lỗi của mình. Còn người con cả thì mong chờ một phần thưởng cho sự phục vụ của mình. Cả hai anh em đều không nói với nhau. Cuộc sống của họ thật khác biệt. Và suy nghĩ của cải hai cũng đều đi quá xa với Lô-gich của Chúa Giê-su: Nếu bạn làm điều lành thì bạn sẽ nhận được một phần thưởng, nếu bạn làm điều ác thì bạn sẽ bị trừng phạt; đó không phải là lô-gich của Chúa Giê-su; lô-gich đó không phải là của Ngài! Lô-gich này được lật ngược lại bởi những lời của người Cha: „Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy“ (Lc 15,32). Người Cha đã tái nhận lại được người con đã bị mất. Và giờ đây ông cũng có thể tái trao người con này lại cho người anh cả của anh! Không có người em thứ thì người anh cả cũng không còn phải là „người anh“ nữa. Niềm vui lớn nhất của người Cha hệ tại ở chỗ là được nhìn thấy rằng, những đứa con của ông nhìn nhận nhau là những người anh em.

Những người con có thể quyết định đồng tình hay khước từ niềm vui của người Cha. Họ phải quan tâm đến ý nguyện của mình cũng như phải quan tâm tới viễn tượng cuộc sống của mình. Dụ ngôn kết thúc ở dạng mở: chúng ta không được biết người con cả đã quyết định thế nào. Điều này trao cho chúng ta một sự khích lệ. Đoạn Tin Mừng này dậy chúng ta rằng, tất cả chúng ta đều cần phải bước vào nhà của Thiên Chúa Cha và đều cần phải tham dự vào niềm vui của Ngài, tham dự vào Đại Lễ Lòng Xót Thương của Ngài cũng như tham dự vào Đại Lễ của tình huynh đệ. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy mở con tim mình ra để trở nên „nhân hậu như Thiên Chúa Cha“!

 

Quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư ngày 11 tháng 05 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội