Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Ngoại Thường Sáng Thứ Bảy 14.05.2016: „Sự cảm thông như là sự nhận biết về sự đồng cảm“

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay xem ra trời không được tốt lắm, vì đang có mưa, nhưng anh chị em đã chứng minh sự can đảm của mình và đã đến đây, bất chấp trời mưa. Xin cám ơn anh chị em! Cuộc hội kiến hôm nay sẽ diễn ra ở hai nơi: Vì trời mưa nên các bệnh nhân sẽ ở trong sảnh đường Phao-lô VI. Ở đó họ sẽ được thoải mái hơn và sẽ hiệp thông với chúng ta qua những màn hình lớn; còn chúng ta thì ở đây. Chúng ta hiệp thông với nhau, các bệnh nhân và chúng ta. Cha xin anh chị em hãy chào mừng họ bằng một tràng pháo tay. Tuy nhiên, vừa cầm dù, vừa vỗ tay, thì quả là không dễ!

Một trong những khía cạnh của sự cảm thông hệ tại ở chỗ là được đụng chạm tới hay cảm thấy mình có sự đồng cảm với những người đang cần được yêu thương. Người ta bắt gặp tư tưởng về Pietas – sự cảm thông – trong thế giới Hy-lạp và Rô-ma, mà tại đó, sự cảm thông được coi như là sự biểu thị một hành vi phục tùng đối với những người thuộc cấp trên: trước tiên là sự tôn kính một cách đúng mực đối với các vị thần, sau đó là sự kính trọng của con cái đối với cha mẹ, và đặc biệt là đối với những cụ già. Trái lại, ngày hôm nay chúng ta phải lưu ý để không được coi sự cảm thông ngang hàng với những thực hành đạo đức nào đó đang rất phổ biến. Nhửng thực hành đạo đức đó không phải là bất cứ điều chi khác ngoài một cảm giác hời hợt, mà cảm giác hời hợt này lại gây tổn thương cho người khác trong phẩm giá của họ. Đồng thời cũng không được nhầm lẫn sự cảm thông với sự thương hại mà chúng ta dành cho những con vật mà chúng sống với chúng ta; thực tế thì đôi khi cũng có chuyện chúng ta cảm thấy mình có sự cảm thông này đối với những con vật nhưng lại thờ ơ lãnh đạm khi tận mắt chứng kiến nỗi khổ đau của những người anh chị em. Chúng ta vẫn thường thấy nhiều người rất gắn bó với chó mèo nhưng lại không hề giúp đỡ những người bà con láng giềng khi họ gặp cảnh khốn cùng … Như thế thì không được!

Sự cảm thông mà chúng ta muốn nói tới, chính là một sự diễn tả về Lòng Xót Thương của Thiên Chúa. Nó chính là một trong bảy ơn Chúa Thánh Thần mà Chúa Giê-su đã ban cho các môn đệ của Ngài để „làm cho họ có khả năng đi theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần“ (GLHTCG số 1830). Trong các Tin Mừng, tiếng kêu cầu bộc phát của các bệnh nhân, của những người bị quỷ ám, của những người nghèo hay của những người đang phải mang gánh nặng, thường được lập đi lập lại với Chúa Giê-su rằng: „Xin dủ lòng thương tôi!“ (xc. Mc 10,47-48; Mt 15,22; ; 17,15). Chúa Giê-su đã trả lời cho tất cả bằng cái nhìn của sự cảm thông và của sự ủi an xuất phát từ sự hiện diện của Ngài. Trong những lời cầu cứu hay những lời van xin sự cảm thông, mỗi người đều thể hiện niềm tin tưởng của mình vào Chúa Giê-su, bằng cách là họ gọi Ngài là „Thầy“, là „Con vua Đa-vít“, và là „Chúa“. Họ cảm thấy rằng, có một điều chi đó ngoại thường được cất giấu trong Ngài, mà sự ngoại thường đó có thể giúp họ bước ra khỏi nỗi buồn chán của họ. Họ cảm thấy rằng, Tình Yêu của chính Thiên Chúa đang hiện hữu trong Ngài. Ngay cả khi đám đông chen lấn và vây kín chung quanh thì Chúa Giê-su cũng vẫn nhận ra những tiếng van xin sự cảm thông, và cảm thấy đồng cảm với những người kêu xin đó, đặc biệt nhất là khi Ngài nhìn thấy những con người đau khổ và bị gây tổn thương trong phẩm giá của họ, như trong trường hợp của người phụ nữ bị băng huyết (xc. Mc 5,32). Ngài mời họ đến gần để họ có được một niềm tin tưởng vào Ngài cũng như tin tưởng vào Lời của Ngài (xc. Ga 6,48-55). Đối với Chúa Giê-su, việc cảm thấy mình có sự đồng cảm được so sánh ngang với sự chia sẻ nỗi buồn đau của những người mà Ngài gặp gỡ. Nhưng đồng thời, điều đó cũng tương thích với hoạt động riêng để biến những nỗi khổ đau đó thành niềm vui.

Chúng ta cũng được kêu gọi hãy duy trì những hành vi cảm thông trong cuộc sống chúng ta khi tận mắt chứng kiến rất nhiều những trạng huống khác nhau của cuộc sống, bằng cách là chúng ta giũ bỏ khỏi chúng ta bất cứ sự thờ ơ lãnh đạm nào mà chúng ngăn cản chúng ta nhận ra những nhu cầu của những người anh chị em đang sống chung quanh chúng ta, và giải phóng chúng ta khỏi tình trạng nô dịch hóa bởi sự phồn vinh vật chất (xc. Tm 6,3-8).

Chúng ta hãy nhìn lên mẫu gương của Đức Maria, Mẹ luôn mang trong mình sự lo lắng cho bất cứ người con nào của Mẹ, và là mẫu mực về sự cảm thông đối với các tín hữu chúng ta. Nhà thơ Dante Alighieri đã diễn tả điều này trong lời cầu nguyện với Mẹ Thiên Chúa trong tác phẩm „thần khúc“ của ông: „In te misericordia, in te pietate, […] in te s’aduna quantunque in creatura è di bontate“ (Trong Mẹ là sự cảm thông, trong Mẹ là Lòng Thương Xót […], tất cả mọi sự tốt lành mà nó được thấy trong các loài thụ tạo, đều quy tụ trong Mẹ) (Paradiso XXXIII, 19-21). Xin cám ơn anh chị em!

Quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Bảy ngày 14 tháng 05 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 

 


Văn Kiện Giáo Hội