Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 25.05.2016: Mục 19 – Cầu nguyện như là nguồn cội của Lòng Xót Thương (xc. Lc 18,1-8)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Dụ ngôn trong Tin Mừng (xc. Lc 18.1-8) mà chúng ta vừa nghe, chứa đựng một bài học quan trọng: sự cần thiết phải cầu nguyện luôn luôn và không nản chí trong việc cầu nguyện (xc. Lc 18,1). Vì thế, vấn đề không phải là thỉnh thoảng mới cầu nguyện khi nó thích hợp với tôi. Không! Chúa Giê-su nói rằng, chúng ta „phải cầu nguyện không ngừng, và đừng bao giờ nản chí trong việc việc cầu nguyện“. Ngài đã nêu ra hình ảnh bà góa và vị quan tòa như một mẫu gương.

Vị quan tòa là một nhân vật đầy quyền lực, và được giao quyền để tuyên án trên nền tảng căn bản của luật Mô-sê. Từ lý do đó, truyền thống Kinh Thánh đã khuyên hãy bổ nhiệm những người biết kính sợ Thiên Chúa, đáng tin tưởng, chí công vô tư và liêm khiết làm quan tòa (xc. Er 18,21). Trái lại, vị quan tòa này không kính sợ Thiên Chúa, và cũng chẳng bận tâm gì tới con người (xc. Lc 18,2). Ông ta là một vị quan tòa bất công và vô liêm sỉ, ông ta không lưu tâm tới lề luật, nhưng chỉ hành động theo những mối quan tâm riêng của mình. Một bà góa đã chạy đến với ông để đòi hỏi công lý. Bên cạnh những trẻ em mồ côi và khách ngoại kiều, những bà góa thuộc vào hạng những người yếu thế nhất trong xã hội. Những quyền lợi của họ, dù được bảo vệ bởi Lề Luật, nhưng có thể bị chà đạp một cách dễ dàng, vì thế, những con người cô đơn và không được bảo vệ này chỉ có thể sống sót một cách khó khăn: Một bà góa nghèo cô đơn ở đó; không ai bảo vệ bà. Người ta có thể không thèm đếm xỉa đến bà, cũng như có thể khước từ bà trong việc tiếp cận công lý. Điều đó cũng được áp dụng cho một em bé mồ côi, một người ngoại kiều và một người tị nạn: Hồi đó, vấn đề này rất nghiêm trọng. Khi tận mắt chứng kiến sự thờ ơ lãnh đạm của vị quan tòa, người phụ nữ góa bụa đã chộp được vũ khí duy nhất của mình: kiên trì và liên lỷ, bà đã quấy rầy vị quan tòa với lời yêu cầu hãy đem lại công lý cho bà. Và chính nhờ sự quấy rầy này mà bà đã đạt được mục tiêu của mình. Vì thế, vị quan tòa đã thỏa mãn ý muốn của bà bất cứ khi nào. Tuyệt đối không phải vì Lòng Thương Xót, cũng chẳng phải lương tâm của ông đã thôi thúc ông làm chuyện đó. Ông chọn theo cách thức đơn giản: „Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thôi thì ta bênh vực mụ quách đi cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức cả đầu cả óc!“ (Lc 18,5).

Từ dụ ngôn này, Chúa Giê-su rút ra một kết luận đơn giản: Nếu như người phụ nữ góa bụa ấy còn khuất phục được vị quan tòa bất lương bằng những mong muốn kiên cường của mình, thì huống hồ là Thiên Chúa, Đấng là Cha tốt lành và công chính, chẳng lẽ Ngài lại không giúp đem lại công lý cho những kẻ được Ngài tuyển chọn hằng kêu lên Ngài cả ngày lẫn đêm hay sao! Vì thế, Ngài sẽ không để cho họ phải chờ đợi lâu, nhưng sẽ hành động „ngay tức thì“ (xc. Lc 18,17-8).

Từ lý do đó, Chúa Giê-su khuyên các môn đệ „đừng nản chí“ trong việc cầu nguyện. Tất cả chúng ta đều trải qua những khoảnh khắc mệt mỏi, những khoảnh khắc thất vọng; đặc biệt là khi lời cầu nguyện của chúng ta xem ra có vẻ như không có hiệu lực. Nhưng Chúa Giê-su bảo đảm cho chúng ta rằng: Ngược hẳn lại với vị quan tòa bất lương, Thiên Chúa sẽ thỏa mãn những nguyện ước của con cái Ngài một cách ngay tức thì, dù rằng điều này không có nghĩa là, thời gian và cách thức sẽ tương ứng với những mong chờ của chúng ta. Cầu nguyện không phải là cây đũa thần! Ở đây, nó giúp để bảo tồn Đức Tin vào Thiên Chúa, và tín thác vào Ngài ngay cả khi chúng ta không nhận thức được ý muốn căn bản. Chính Chúa Giê-su, Đấng cầu nguyện không ngừng, đã trao cho chúng ta một mẫu gương trong việc cầu nguyện. Trong thư gửi tín hữu Do-thái có những lời sau đây: „Khi còn sống kiếp phàm nhân, Chúa Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính“ (Dt 5,7). Nơi cái nhìn đầu tiên, sự quả quyết này xem ra có vẻ không thật, vì Chúa Giê-su đã chết trên Thập Giá. Tuy nhiên, trong thư gửi tín hữu Do-thái đã không chứa đựng bất cứ sai sót nào: trong thực tế, Thiên Chúa đã giải thoát Chúa Giê-su khỏi sự chết, bằng cách là đã làm cho Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết. Nhưng, con đường dẫn tới việc chiến thắng sự chết lại chính là cái chết! Bằng chứng của lời cầu xin được Thiên Chúa lắng nghe liên quan đến lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong vườn Getsemani. Bị tấn công bởi nỗi sợ hãi trước biến cố đang tới gần, Chúa Giê-su đã xin Chúa Cha giải thoát mình khỏi chén đắng khổ hình. Nhưng lời cầu nguyện của Ngài được thực hiện bởi niềm tín thác vào Thiên Chúa Cha, và Chúa Giê-su đã trọn niềm tín thác vào thánh ý của Thiên Chúa Cha mà không hề đưa ra bất cứ điều kiện nào: Chúa Giê-su đã nói: „Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha“ (Mt 26,39). Mục tiêu của sự cầu nguyện sẽ được thôi thúc từ tận bên trong. Điều quan trọng trên hết đó là mối tương quan với Thiên Chúa Cha. Lời cầu nguyện sẽ có công hiệu theo nhiều cách khác nhau: nó làm thay đổi ý muốn, và nhào nặn nó theo thánh ý của Thiên Chúa, vì ai cầu nguyện, thì trước tiên người ấy sẽ khát khao được hiệp nhất với Thiên Chúa, với Tình Yêu xót thương.

Dụ ngôn kết thúc với một câu hỏi: „Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?“ (Lc 18,8). Tất cả chúng ta đều bị cảnh báo với câu hỏi ấy: Chúng ta không được nản chí trong việc cầu nguyện, ngay cả khi lời cầu nguyện không được đáp lời. Lời cầu nguyện sẽ bảo toàn Đức Tin; nếu không có cầu nguyện thì Đức Tin sẽ bị chao đảo! Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta một Đức Tin, mà Đức Tin ấy sẽ trở thành một lời cầu nguyện không ngừng và liên lỷ giống như lời cầu xin của bà góa trong dụ ngôn; xin Ngài ban cho chúng ta một Đức Tin mà nó tự nuôi dưỡng mình bằng sự mong chờ cuộc tái lâm của Ngài. Trong cầu nguyện, chúng ta sẽ có được kinh nghiệm về sự cảm thông của Thiên Chúa, Đấng đến với con cái của mình như một người Cha tràn đầy Tình Yêu xót thương.

Quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư ngày 25 tháng 05 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội