Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Dành Cho Các Bệnh Nhân Nhân Dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, sáng CN 11 TN, 12.06.2016

 

Anh chị em thân mến,

Tôi cùng chịu đóng đinh vào Thập Giá với Chúa Ki-tô; tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Ki-tô sống trong tôi” (Gal 2,19-20). Thánh Phao-lô Tông Đồ đã sử dụng những từ ngữ rất mạnh như thế để diễn tả về mầu nhiệm đời sống Ki-tô giáo: Tất cả được gồm tóm bởi sự chết và sự phục sinh trong sự năng động của Đại Lễ Phục Sinh, mà người ta đã nhận lãnh trong Bí Tích Thanh Tẩy. Thực ra, với việc được dìm vào trong nước, bất cứ ai cũng đều chết và đều được mai tang cùng với Chúa Ki-tô (xc. Rom 6,3-4), bằng cách là người ấy diễn tả đời sống mới trong Chúa Thánh Thần, khi người ấy tái đi ra khỏi nước. Ngày hôm nay được dành để cử hành Năm Thánh cho những người mà họ đang mang trong mình những dấu chỉ của sự bệnh tật và tật nguyền. Trong ngày hôm nay, Lời sự sống này có một sự cộng hưởng đặc biệt trong cuộc đoàn tụ của chúng ta.

Trong thực tế, dù sớm hay muộn, tất cả chúng ta cũng đều được kêu gọi hãy quan tâm đến sự già yếu và bệnh tật của chính mình, cũng như hãy quan tâm đến sự già lão và yếu đau của người khác, thậm chí đôi khi còn phải “va chạm” với chúng. Và có biết bao nhiêu là những khuôn mặt khác nhau đang tham dự vào kinh nghiệm rất đặc trưng và bi ai này của con người! Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, trong một cách thế gay go và đầy thúc bách, họ đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Và một quan điểm cay độc cũng có thể lọt vào trong tâm hồn chúng ta, để cho rằng tất cả đều có thể được giải quyết, bằng cách là người ta chịu đựng chúng cách kiên nhẫn, hay bằng cách là người ta chỉ trông cậy vào sức lực riêng. Ngược lại, trong những trường hợp khác, người ta đặt hoàn toàn sự tin tưởng của mình vào những khám phá khoa học, và nghĩ rằng, chắc chắn ở một nơi nào đó trên thế giới này đang có một thứ thuốc mà nó có khả năng chữa lành bệnh tật. Nhưng thật tiếc rằng, vấn đề không phải là như thế, và ngay cả khi có những thứ thuốc đó, thì cũng chỉ có một ít người có thể tiếp cận chúng.

Bản tính con người bị gây thương tổn bởi tội lỗi, đang gánh chịu thực tế của những hạn chế được ghi sẵn trong chính mình. Chúng ta đều biết về sự phản kháng, đặc biệt là trong thời đại hôm nay, mà sự phản kháng ấy đang bùng lên khi chứng kiến một cuộc sống được đánh dấu bởi những giới hạn rất nặng nề về thể lý. Người ta nghĩ rằng, một con người bệnh tật hay tật nguyền thì không thể hạnh phúc, vì người ấy không có khả năng hiện thực hóa lối sống bị thúc bách bởi nền văn hóa hưởng thụ và tiêu khiển. Trong một thời đại mà trong đó, một sự chăm sóc nào đó đối với cơ thể đã trở thành huyền thoại của quảng đại quần chúng, và vì thế, trở thành sự kinh doanh, điều gì không hoàn hảo sẽ phải bị che đậy hoặc hóa trang, vì nó gây nguy hiểm cho niềm hạnh phúc và sự vô tư của những người có đặc quyền, và gây khó khăn cho kiểu mẫu thống trị. Tốt hơn, người ta sẽ giữ những người ấy lại trong phòng, trong “vùng đất có hàng rào bao quanh” nào đó mà có lẽ hàng rào ấy được mạ vàng, hay trong “các khu tự trị” được dành riêng cho những cán bộ thuộc ban công tác xã hội giả hình, và của cơ quan nhà nước phụ trách vấn đề phúc lợi xã hội, để họ không gây khó chịu cho nhịp điệu của tình trạng an lành giả tạo. Trong một số trường hợp, thậm chí có quan điểm còn chủ trương rằng, sẽ tốt hơn nếu loại bỏ được họ ở mức sớm nhất có thể, vì họ sẽ trở thành một gánh nặng kinh tế không thể chịu đựng được trong thời gian khủng hoảng. Nhưng trong thực tế, con người ngày nay đang sống trong sự tự lừa dối chính mình như thế nào khi họ nhắm nghiền cặp mắt trước những bệnh tật và những giới hạn! Con người sẽ không hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc sống, mà ý nghĩa ấy cũng đòi hỏi phải đón nhận sự đau khổ và những hạn chế. Thế giới sẽ không tốt hơn nếu nó chỉ tồn tại  nhờ vào những con người “hoàn hảo” cách hiển nhiên, nhưng chỉ tốt hơn nhờ vào tình liên đới giữa những con người biết gia tăng sự đón nhận và sự kính trọng lẫn nhau. Những lời sau đây của Thánh Phao-lô Tông Đồ chân thực biết chừng nào: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan; và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cor 1,27)!

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay (xc. Lc 7,36- 8,3) cũng dẫn đến trước mắt chúng ta một trạng huống đặc biệt của sự yếu đuối. Nữ tội nhân bị kết án và bị loại trừ, trong khi đó Chúa Giê-su lại đón nhận và bênh vực chị ta: “Chị đã chứng tỏ mình yêu mến nhiều” (Lc 7,47). Đó là sự kết luận của Chúa Giê-su, Đấng lưu tâm tới những nỗi khổ đau và những giọt lệ của người phụ nữ này. Sự trìu mến của Ngài là một dấu chỉ của Tình Yêu mà Thiên Chúa dành riêng cho những người đau khổ và bị loại trừ. Không chỉ có những nỗi khổ đau thể lý; ngày hôm nay, một trong những loại bệnh thường xuyên diễn ra nhất cũng chính là cơn bệnh liên quan tới tinh thần. Đó là một nỗi đau khổ mà nó bao gồm cả tâm tư lẫn tình cảm, và gây ra sự buồn phiền, vì nó thiếu Tình Yêu. Khi người ta bị gây thất vọng hay bị phản bội trong những mối tương quan quan trọng, thì rồi người ta sẽ khám phá ra rằng, người ta rất dễ bị gây tổn thương, yếu đuối và bất lực. Sau đó cơn cám dỗ thúc người ta tự nhốt mình lại trong chính mình, sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, và người ta có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội trong cuộc sống để yêu thương, bất chấp tất cả.

Ngoài ra, niềm hạnh phúc mà bất cứ ai cũng đều mong muốn, có thể tìm thấy sự diễn tả của nó trong nhiều hình thức, và chỉ có thể được đạt tới  khi chúng ta có khả năng sống yêu thương. Nó luôn luôn là một vấn nạn của Đức Ái; không có con đường nào khác. Thách đố thực sự chính là khả năng sống yêu thương hơn nữa. Biết bao nhiêu là những con người tật nguyền và đau khổ đang tái mở ra cho cuộc sống, ngay sau khi họ khám phá ra rằng, họ đang được yêu thương! Và biết bao nhiêu là Tình Yêu có thể bắt nguồn từ một con tim, ngay cả khi chỉ là một nụ cười! Và rồi chính sự mỏng giòn của chúng ta lại có thể trở thành niềm an ủi và sự hỗ trợ trong nỗi cô đơn của chúng ta. Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta cho đến cùng trong cuộc khổ hình của Ngài (xc. Ga 13,1); trên Thập Giá, Ngài đã mạc khải về Tình Yêu, mà Tình Yêu ấy không ngần ngại trao hiến chính mình. Chúng ta có thể trách móc gì Thiên Chúa vì những căn bệnh của chúng ta và vì những nỗi khổ đau mà chúng đã được khắc ghi vào trong dung nhan của Người Con chịu Đóng Đinh của Ngài? Thêm vào với nỗi khổ đau về thân xác là sự chế nhạo, là sự loại trừ và là sự thương hại có tính kẻ cả, trong khi Ngài đã đáp lại với Lòng Thương Xót, mà Lòng Thương Xót ấy đón nhận tất cả và tha thư tất cả: “Nhờ những vết thương của Ngài mà chúng ta được chữa lành” (Is 53,5; 1Pr 2,24). Chúa Giê-su chính là vị bác sĩ chuyên chữa lành bằng dược phẩm Tình Yêu, vì Ngài đón nhận nỗi khổ đau của chúng ta về với chính Ngài và cứu độ nó. Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa có thể thấu hiểu mọi nỗi bệnh hoạn tật nguyền của chúng ta, vì chính Ngài cũng đã nếm trải những bệnh hoạn tật nguyền đó nơi chính bản thân Ngài (xc. Dt 4,15).

Phương cách mà chúng ta sống các cơn bệnh và những tật nguyền của chúng ta, chính là một bằng chứng của Tình Yêu mà chúng ta sẵn sàng cho đi. Cách thức mà chúng ta quan tâm tới sự đau khổ và tới những giới hạn, chính là tiêu chuẩn đối với sự tự do của chúng ta trong việc trao đi những kinh nghiệm về ý nghĩa cuộc sống. Vì thế, chúng ta đừng để cho mình bị làm rối tung bởi những nỗi nguy ngập ấy (xc. 1Ths 3,3). Chúng ta biết rằng, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ trong sự yếu đuối (xc. 2Cor 12,10), và sẽ có thể đón nhận ân sủng, để bổ sung cho Giáo hội, cho thân xác của Chúa Ki-tô, trong chúng ta, những gì còn thiếu nơi cuộc khổ hình của Ngài (xc. Col 1,24) – đó là một thân xác sẽ giữ lại tất cả những dấu đinh như là dấu chỉ về cuộc chiến đấu đầy khốc liệt của Ngài, theo hình ảnh của Chúa Phục Sinh, nhưng đó là những dấu đinh mà chúng mãi mãi được làm ngời sáng bởi Tình Yêu.

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội