Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư, Ngày 22.06.2016 – Mục 24: Lòng Thương Xót thanh tẩy con tim (xc. Lc 5,12-16)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!“ (Lc 5,12): Người phong hủi đã hướng lời cầu xin mà chúng ta vừa nghe về Chúa Giê-su. Bệnh nhân này không chỉ muốn được chữa lành bệnh tật, nhưng còn muốn được nên „thanh sạch“, có nghĩa là muốn được trải nghiệm về ơn chữa lành một cách toàn diện, cả nơi thân xác lẫn tâm hồn. Trong thực tế, bệnh phong cùi bị coi là sự trừng phạt của Thiên Chúa, và là một sự sỉ nhục sâu xa. Một người bị mắc bệnh phong cùi phải giữ khoảng cách đối với tất cả mọi người. Người ấy không được đến gần đền thờ, cũng không được tham dự các buổi Phụng Vụ. Người ấy phải xa cách cả Thiên Chúa lẫn con người. Cuộc sống của người mắc bệnh phong cùi quả là đáng buồn biết chừng nào!

Nhưng người mắc bệnh phong cùi này không bằng lòng với cơn bệnh, cũng chẳng bằng lòng với những quy định mà chúng biến anh thành một người bị loại. Để đến với Chúa Giê-su, anh không sợ hãi trước việc bẻ gẫy Lề Luật và đi vào trong thành phố - điều mà anh không được phép làm, anh bị cấm làm như vậy – và khi anh thấy Ngài, „anh liền sấp mặt xuống và xin Ngài rằng: Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch“ (Lc 5,13). Tất cả mọi hành động và lời nói của người bị coi là ô uế này đã biểu lộ Đức Tin của anh! Anh nhìn nhận quyền năng của Chúa Giê-su: Anh chắc chắn rằng, Ngài có thể chữa lành cho anh, cũng như chắc chắn rằng, tất cả đều tùy thuộc vào ý muốn của Ngài. Đức Tin này là một sức mạnh, nó cho phép anh bẻ gẫy bất cứ quy tắc nào, và cố gắng gặp cho được Chúa Giê-su, và do đó, anh sấp mình xuống trước mặt Ngài và gọi Ngài bằng „Ngài/Chúa“. Lời cầu xin của người mắc bệnh phong cùi dẫn tới trước mắt chúng ta một điều rằng, chúng ta không cần phải thực hiện những bài diễn văn hay những bài thuyết trình dài dòng khi chúng ta bước tới trước mặt Chúa Giê-su. Chỉ cần một ít lời, kèm theo niềm tín thác hoàn toàn vào quyền năng cũng như vào sự tốt lành của Ngài, là đủ rồi. Trong thực tế, tín thác vào Thánh Ý Thiên Chúa có nghĩa là: để cho mình bị khuất phục bởi Lòng Xót Thương không cùng của Ngài. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, Cha thường cầu nguyện với lời Kinh ngắn sau đây: „Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con được sạch“. Cha đọc năm Kinh „Lạy Cha“, mỗi Kinh chỉ về một vết thương của Chúa Giê-su, vì Chúa Giê-su đã thanh tẩy chúng ta bằng các vết thương của Ngài. Vậy nếu Cha làm được điều đó, thì khi về nhà, anh chị em cũng có thể làm như thế, và hãy nói: „Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con được sạch!“, và khi đó hãy nghĩ tới những vết thương của Chúa Giê-su, và hãy đọc năm Kinh „Lạy Cha“ để nhớ tới năm vết thương của Ngài. Và Chúa Giê-su sẽ luôn luôn lắng nghe chúng ta.

Người mắc bệnh phong cùi này đã đụng chạm tới Chúa Giê-su ở nơi thẳm sâu nhất. Sách Tin Mừng nhấn mạnh rằng, Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương đối với anh ta, đã giơ cánh tay của Ngài ra, đụng vào người anh, và nói: „Ta muốn – hãy trở nên thanh sạch!“ (xc. Mc 1,41). Cử chỉ của Chúa Giê-su đi kèm với những lời của Ngài, và giải thích những lời giáo huấn. Ngược hẳn lại với những quy định của luật Mô-sê, mà những quy định ấy cấm người ta đến gần với người bị mắc bệnh cùi (xc. Lc 13,45-46), Chúa Giê-su đã giơ cánh tay của Ngài ra, và thậm chí, còn đụng tới thân thể của anh. Chúng ta vẫn thường xuyên gặp gỡ những người nghèo mà họ đến với chúng ta biết dường nào! Chúng ta có thể trở nên quảng đại, có lòng cảm thông, nhưng thông thường thì chúng ta không đụng vào họ. Chúng ta cho đi vài đồng tiền, bỏ những đồng tiền ấy vào trong bị của người ăn xin, nhưng chúng ta lại tránh đụng tay vào người họ. Chúng ta đừng quên rằng, đó chính là thân thể của Chúa Giê-su đấy! Chúa Giê-su dậy chúng ta rằng, chúng ta không được phép sợ hãi trước việc đụng tay vào những người nghèo và vào những người bị loại trừ, vì Ngài ở trong họ. Việc đụng chạm tới người nghèo có thể thanh tẩy chúng ta khỏi thói giả hình, và làm cho chúng ta trở nên bất an vì hoàn cảnh của họ. Hãy đụng chạm tới những người bị loại trừ! Hôm nay, nhiều bạn trẻ như thế đang đồng hành với Cha. Nhiều người nghĩ về họ rằng, tốt nhất, họ nên ở lại quê hương xứ sở của mình, nhưng ở đó họ đã phải trải qua rất nhiều khổ đau. Họ là những người tị nạn của chúng ta, nhưng nhiều người lại coi họ như là những người bị vứt bỏ. Cha xin anh chị em, hãy coi họ là những người anh chị em của chúng ta! Một Ki-tô hữu sẽ không bao giờ loại trừ bất cứ ai. Người ấy tạo ra chỗ cho tất cả và cho phép tất cả cùng đến.

Sau khi chữa lành cho người bị phong cùi, Chúa Giê-su đã ra lệnh cho anh không được phép nói với ai về chuyện đó, nhưng Ngài lại nói với anh: „Hãy đi trình diện với vị tư tế, và vì anh đã được sạch, nên anh hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết“ (Lc 5,14). Mệnh lệnh này của Chúa Giê-su chỉ ra cho thấy ít nhất ba điều. Thứ nhất: ân sủng hoạt động trong chúng ta không tò mò tìm kiếm những chuyện giật gân. Thông thường thì nó cư xử một cách tế nhị và không hề kích động. Để chăm sóc cho những vết thương của chúng ta và dẫn chúng ta đi trên con đường thánh thiện, nó kiên nhẫn nhào nặn con tim của chúng ta theo con tim của Chúa, để càng ngày chúng ta càng tiếp nhận hơn nữa cảm nghĩ của Ngài. Thứ hai: trong khi người mắc bệnh phong cùi để cho sự chữa lành hoàn toàn được thẩm định một cách chính thức bởi các tư tế, và dâng của lễ thanh tẩy, anh lại được tái đón nhận vào trong cộng đoàn các tín hữu và đời sống xã hội. Sự tái hội nhập của anh sẽ hoàn tất việc chữa lành. Lời cầu xin của anh đã được đáp ứng, vì giờ đây anh đã được thanh tẩy hoàn toàn! Cuối cùng: Khi người mắc bệnh phong hủi đến trước mặt vị tư tế, anh sẽ làm chứng cho Chúa Giê-su cũng như cho quyền năng Messias của Ngài. Sức mạnh của sự chạnh thương và cảm thông, mà với nó, Chúa Giê-su đã chữa lành bệnh nhân phong cùi, dẫn tới chuyện rằng, Đức Tin của bệnh nhân này đã mở ra cho sứ mạng. Trước đây anh là người bị loại trừ, nhưng giờ đây anh là một người trong chúng ta.

Chúng ta hãy nghĩ tới bản thân mình, nghĩ tới nỗi cùng khốn của chúng ta... Mỗi người đều có những nỗi cùng khốn riêng. Chúng ta hãy suy nghĩ một cách chân thành tới những điều đó. Chúng ta thường xuyên che đậy chúng bằng sự giả hình của „những dáng vẻ điệu nghệ“ biết dường nào! Và ngay sau đó, việc ngồi lại một mình để quỳ gối xuống trước mặt Chúa và cầu nguyện: „Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con được sạch!“ – là điều rất cần thiết. Hãy làm điều đó, hãy làm như vậy trước khi đi ngủ, vào mỗi buổi tối. Giờ đây chúng ta hãy cùng đọc với nhau lời Kinh tuyệt diệu này: „Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con được sạch!

 

Quảng trường Thánh Phê-rô, sáng thứ Tư ngày 22 tháng 06 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội