ĐGH Phanxicô - Bài Giảng Lễ Tại Gyumri, Armenia

(muoianhsang.com)

 

Họ sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa... tu bổ những thành bị bỏ hoang” (Is 61:4). Ở nơi này, anh chị em thân mến, chúng ta có thể nói rằng những lời của Tiên Tri Isaia đã đi qua. Sau một sự tàn phá khủng khiếp của trận động đất, chúng ta hôm nay qui tụ ở đây để tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả mọi điều đã được tái thiết.

Nhưng chúng ta cũng tự hỏi: Chúa đang mời gọi chúng ta xây dựng điều gì ngày nay trong cuộc sống của chúng ta, và thậm chí quan trọng hơn, Ngài mời gọi chúng ta xây dựng đời sống chúng ta trên nền tảng nào? Trong khi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này, tôi muốn đưa ra ba nền tảng vững chắc mà chúng ta có thể không mỏi mệt xây dựng và tái thiết đời sống Kitô Giáo.

Nền tảng đầu tiên là ký ức. Một ân sủng mà chúng ta có thể xin là ân sủng để biết nhớ: để gợi nhớ lại điều Thiên Chúa đã thực hiện ở nơi và vì chúng ta, và để nhắc nhớ chính bản thân chúng ta rằng, như bài Tin Mừng hôm nay nói, Ngài đã không lãng quên chúng ta nhưng “nhớ” chúng ta (Lc 1:72). Thiên Chúa đã tuyển chọn chúng ta, yêu thương chúng ta, kêu gọi chúng ta và tha thứ cho chúng ta. Những điều cao cả đã xảy ra ở nơi câu chuyện tình yêu cá nhân của chúng ta với Ngài, và những điều này phải được lưu trữ trong tư tưởng và tâm hồn của chúng ta. Nhưng có một kiểu ký tức khác mà chúng ta phải bảo tồn: đó là ký ức của một dân tộc. Các dân tộc, giống như những cá nhân, đều có một ký ức. Ký ức của dân tộc các bạn là cổ xưa và quí báu. Tiếng nói của các bạn vang vọng lại tiếng nói của các bậc thầy và thánh nhân của quá khứ; những lời nói của các bạn gợi lại những lời của những người đã tạo nên bảng chữ cái của các bạn để loan báo lời của Thiên Chúa; những bài ca của các bạn hoà quyện với những gian truân và niềm vui của lịch sử của các bạn. Khi các bạn chiêm ngắm những điều này, các bạn có thể nhận thấy cách rõ ràng sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài không bỏ mặc các bạn. Ngay cả khi đối diện với nỗi thống khổ khủng khiếp, thì chúng ta có thể nói theo những lời của bài Tin Mừng hôm nay là Thiên Chúa đã viếng thăm dân tộc của các bạn (x. Lc 1:68). Ngài đã nhớ đến sự trung thành với Tin Mừng của các bạn, những hoa trái đầu tiên của niềm tin của các bạn, và tất cả những người đã làm chứng, thậm chí bằng giá máu của họ, rằng tình yêu của Thiên Chúa thì quý giá hơn chính sự sống (x. Tv 63:4). Thật tốt lành khi gợi nhắc lại bằng lòng biết ơn niềm tin Kitô Giáo đã trở thành hơi thở sự sống của các bạn và trái tim của ký ức lịch sử của họ thế nào.

Niềm tin cũng là niềm hy vọng cho tương lai của các bạn và là ánh sáng cho hành trình của đời sống. Niềm tin là nền tảng thứ hai mà tôi muốn đề cập. Luôn có một mối nguy có thể làm lu mờ ánh sáng của niềm tin, và đó là một cơn cám dỗ làm giảm niềm tin xuống thành một điều gì đó từ trong quá khứ, một điều quan trọng nhưng thuộc về một thời đại khác, như thế niềm tin là một cuốn sách khai sáng tuyệt vời cần phải cất giữ trong viện bảo tàng. Một khi bịkhoá trong các khu lưu trữ của lịch sử, niềm tin mất đi sức mạnh biến đổi của nó, vẻ đẹp sống động của nó, và sự mở ra tích cực của nó trước toàn thể. Tuy nhiên, niềm tin được sinh ra và tái sinh từ cuộc gặp gỡ mang lại sự sống với Chúa Giêsu, từ việc kinh nghiệm lòng thương xót của Ngài soi sáng mọi hoàn cảnh trong đời sống của chúng ta thế nào. Thật tốt cho chúng ta khi canh tân cuộc gặp gỡ sống động này với Chúa mỗi ngày. Thật tốt để chúng ta đọc lời Chúa và trong sự cầu nguyện thinh lặng mở tâm hồn chúng ta ra cho tình yêu của Ngài. Thật tốt cho chúng ta khi để cho cuộc gặp gỡ của chúng ta với sự dịu dàng của Chúa làm thắp lên niềm vui trong tâm hồn chúng ta: một niềm vui lớn lao hơn nỗi buồn, một niềm vui thậm chí đứng vững trong nỗi đau và sau đó trở thành sự bình an. Tất cả điều này đổi mới cuộc đời của chúng ta, làm cho chúng ta tự do và mở ra cho những điều kinh ngạc, sẵn sàng và sẵn lòng với Chúa và với người khác.

Điều cũng có thể xảy ra là Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đi theo Ngài gần hơn nữa, trao sự sống của chúng ta cho Ngài và cho anh chị em của chúng ta. Khi Ngài kêu gọi – và tôi nói điều này đặc biệt với các bạn trẻ - đừng sợ; hãy thưa với Ngài “Xin vâng!” Ngài biết chúng ta, Ngài thực sự yêu thương chúng ta, và Ngài muốn giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi gánh nặng của sự sợ hãi và kiêu hãnh. Bằng việc dành chỗ cho Ngài, chúng ta trở nên biết toả sáng tình yêu của Ngài. Do đó các bạn biết tiếp tục lịch sử lớn lao của việc truyền giáo của các bạn. Đây là điều mà Chúa Giêsu và thế giới đang cần trong những thời điểm rắc rối này, cũng là thời điểm của lòng thương xót.

Nền tảng thứ ba, sau ký ức và niềm tin, là tình yêu thương xót: trên đá tảng này, đá tảng của tình yêu mà chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa và mang lại cho người thân cận của chúng ta, sự sống của một người môn đệ Chúa Giêsuđặt trên đó. Khi thi hành việc bác ái, diện mạo của Giáo Hội được làm cho tươi trẻ lại và làm cho đẹp đẽ. Tình yêu cụ thể là danh thiếp của người Kitô Hữu; bất kì một cách thể hiện bản thân nào khác của chúng ta có thể là lầm lạc và thậm chí vô ích, vì chính ngang qua tình yêu của chúng ta dành cho nhau mà mọi người sẽ biết rằng chúng ta là môn đệ của Ngài (x. Ga 13:35). Chúng ta được mời gọi trên hết là để xây dựng và tái thiết lại những con đường của sự hiệp thông, không mỏi mệt tạo nên những chiếc cầu của sự hiệp nhất và hoạt động để vượt thắng những chia rẽ của chúng ta. Chớ gì những người tin luôn biết làm gương, cộng tác với nhau trong sự tôn trọng lẫn nhau và một tinh thần đối thoại, biết rằng “sự tranh giành nhau duy nhất có thể giữa các môn đệ của Chúa là xem ai có thể mang lại tình yêu lớn lao hơn!” (Gioan Phaolô II, Bài Giảng, 27/09/2001: Insegnamenti XXIV/2 [2001], 478).

Cùng một trật, chúng ta phải hỏi bản thân chúng ta: làm thế nào chúng ta có thể trở nên thương xót, với tất cả những lỗi lầm và những thất bại mà chúng ta thấy ở nơi bản thân chúng ta và tất cả về chúng ta? Tôi có thể đưa ra đây một ví dụ điển hình, một sứ giả vĩ đại của lòng thương xót thánh, người mà tôi muốn lôi kéo sự chú ý lớn lao hơn nữa đến với Ngài bằng cách phong cho Ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh: Thánh Gregory Narek, lời và tiếng nói của Armenia. Thật khó để tìm thấy sự ngang bằng của Ngài trong khả năng để đo chiều sâu của sự thống khổ đã in sâu trong tâm hồn con người. Nhưng Ngài luôn quân bình sự yếu đuối của con người với lòng thương xót của Thiên Chúa, dâng lên lời cầu nguyện tín thác chân thành và đầy nước mắt vào Thiên Chúa là “Đấng ban phát ơn huệ, cội rễ của sự tốt lành...tiếng nói ủi an, tin vui ủi an, động lực vui tươi...lòng thương cảm khôn sánh, lòng thương xót không cạn vơi...nụ hôn của ơn cứu độ” (Book of Lamentations, 3, 1). Ngài chắc chắn rằng “ánh sáng của lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ bị che phủ bởi bóng tối của sự phẫn nộ” (ibid., 16, 1). Thánh Gregory Narek là một bậc thầy về sự sống, vì Ngài dạy cho chúng ta rằng điều quan trọng nhất là nhận ra rằng chúng ta đang cần đến lòng thương xót.Bất chấp những thất bại của chúng ta và những thương tổn đã thực hiện với chúng ta, chúng ta phải không được trở nên qui ngã nhưng mở rộng tâm hồn chúng ta ra trong sự chân thành và tín thác đối với Thiên Chúa, với “Thiên Chúa là Đấng hằng ở gần bên, yêu thương và tốt lành” (ibid., 17, 2), “đầy tràn tình yêu dành cho nhân loại..một ngọn lửa thiêu đốt hết rơm rạ của tội lỗi” (ibid., 16, 2).

Trong những lời của Thánh Gregory, giờ đây tôi muốn khẩn xin lòng thương xót của Thiên Chúa và ơn ban của tình yêu vững bền của Ngài: Chúa Thánh Thần, “Đấng bảo vệ mạnh mẽ, Đấng chuyển cầu và Đấng kiến tạo hoà bình, chúng con dâng lên Chúa những lời nguyện cầu của chúng con...Xin ban cho chúng con ân sủng biết hỗ trợ lẫn nhau trong bác ái và trong những việc lành...Lạy Thần Khí của sự dịu ngọt, lòng thương cảm, nhân từ yêu thương và lòng thương xót... Chúa chính là lòng thương xót...Xin thương xót chúng con, Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, theo lòng thương xót cao cả của Chúa” (Ca vịnh Lễ Hiện Xuống).

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ Vatican Radio)

 


Văn Kiện Giáo Hội