ĐGH Phanxicô - Suy Tư Về Sự Tha Thứ Tại Assisi Dịp Kỷ Niệm Sự Tha Thứ Của Assisi

(muoianhsang.com) Thứ bảy, 06 Tháng 8 2016 06:49

Anh Chị Em Thân Mến,

Hôm nay tôi muốn, trước hết, nhắc lại những lời mà, theo truyền thống xưa, là Thánh Phanxicô đã nói tại chính nơi này, trong sự hiện diện của tất cả mọi cư dân thành phố và các giám mục: “Tôi muốn đưa hết tất cả các bạn lên thiên đàng!” Còn điều gì tốt đẹp hơn mà Người Nghèo Thành Assisi xin, nếu không phải là ơn cứu độ, sự sống đời đời và niềm vui bất tận mà Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta ngang qua cái chết và sự phục sinh của Ngài?

Ngoài ra, đâu là thiên đàng nếu không phải là mầu nhiệm tình yêu mãi mãi hiệp nhất chúng ta với Thiên Chúa, để chiêm ngắm Ngài mãi mãi? Giáo Hội luôn luôn tuyên xưng điều này bằng việc thể hiện niềm tin của mình trong sự hiệp thông của các thánh. Chúng ta không bao giờ đơn độc trong việc sống đức tin; chúng ta sống đức tin trong sự đồng hành của tất cả các thánh và của những người thân yêu của chúng ta là những người đã thực hành niềm tin bằng sự đơn sơ vui vẻ và làm chứng cho niềm tin ấy bằng chính cuộc sống của họ. Có một mối dây liên kết, vô hình nhưng không vì lý do đó mà lại kém thật, điều làm cho chúng ta, ngang qua phép rửa, trở thành “một thân thể” được làm cho sống động bởi “một Thần Khí” (x. Ep 4:4). Khi Thánh Phanxicô Assisi xin Đức Giáo Hoàng Honorius III ban ơn toàn xá cho hết tất cả mọi người đến thăm Porziuncula, có lẽ Ngài nghĩ về những lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:2-3).

Sự tha thứ - chắc chắn là lộ trình trực tiếp của chúng ta đến nơi ấy trên thiên đàng. Ở đây tạiPorziuncola mọi thứ nói với chúng ta về sự tha thứ! Thật là một quà tặng lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong việc dạy chúng ta tha thứ và bằng cách này chạm vào lòng thương xót của Chúa Cha! Chúng ta vừa nghe dụ ngôn mà Chúa Giêsu dạy cho chúng ta tha thứ (x. Mt 18:21-35). Tại sao chúng ta nên tha thứ cho ai đó đã xúc phạm đến chúng ta? Bởi vì chúng ta đã được tha thứ trước, và còn vô biên hơn nữa. Dụ ngôn nói chính xác điều này: như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải tha thứ cho những người làm hại chúng ta. Vì thế lời kinh mà Chúa Giêsu dạy chúng ta cũng dạy cho chúng ta về sự tha thứ, Kinh Lạy Cha, mà trong đó chúng ta nói: “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6:12). Những khoản nợ là tội lỗi của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, và những kẻ nợ chúng ta là những người mà chúng ta, về phần mình, phải tha thứ.

Mỗi người chúng ta có thể là người đầy tớ trong dụ ngôn bị nặng nề bởi một món nợ quá lớn mà người ấy không bao giờ có thể trả được. Khi chúng ta quì trước một linh mục trong toà cáo giải, chúng ta thực hiện chính xác điều mà người đầy tớ đã thực hiện. Chúng ta nói, “Lạy Chúa, xin nhẫn nại với con”. Chúng ta biết rõ về nhiều sai lỗi của chúng ta và sự thật là chúng ta thường rơi vào cùng những tội cũ. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt để mang lại cho chúng ta sự tha thứ của Ngài mỗi khi chúng ta xin. Sự tha thứ của Ngài là một sự tha thứ vốn tròn đầy và trọn vẹn, một sự tha thứ đảm bảo với chúng ta rằng, ngay cả khi chúng ta rơi vào cùng những tội cũ, thì Ngài giàu lòng thương xót và không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta. Giống như người chủ trong dụ ngôn, Thiên Chúa chạnh lòng thương, một sự pha trộn của sự tội nghiệp  tình yêu; đó là cách mà Tin Mừng mô tả về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Cha của chúng ta chạnh lòng thương bất cứ khi nào chúng ta ăn năn, và Ngài lại cho chúng ta về nhà với một tâm hồn bình thản và bình an. Ngài nói cho chúng ta rằng tất cả đã được xá giải và được tha thứ. Sự tha thứ của Thiên Chúa không biết đến giới hạn; sự tha thứ lớn lao hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể hình dung và sự tha thứ đến với tất cả mọi người biết trong tâm hồn họ rằng họ đã làm sai và muốn trở về với Ngài. Thiên Chúa nhìn vào tâm hồn tìm kiếm sự tha thứ.

Thật không may thay, vấn đề xuất hiện bất cứ khi nào chúng ta phải giải quyết với một người anh em hay chị em là người đã xúc phạm chúng ta nặng nề. Phản ứng được mô tả trong dụ ngôn diễn tả điều đó cách hoàn hảo: “Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’” (Mt 18:28). Ở đây chúng ta gặp thấy tất cả bi kịch của các mối quan hệ con người của chúng ta. Khi chúng ta mắc nợ người khác, chúng ta mong đợi lòng thương xót; nhưng khi người khác mắc nợ chúng ta, chúng ta đòi công lý! Đây là một sự phản ứng không xứng đáng với người môn đệ của Đức Kitô, đó cũng không phải là dấu chỉ của một lối sống Kitô Giáo. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy tha thứ và tha thứ cách vô giới hạn: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy" (c. 22). Điều mà Ngài mang lại cho chúng ta là tình yêu của Chúa Cha, chứ không phải là những tuyên bố của chúng ta đối với công lý. Chỉ tin vào công lý mà thôi thì sẽ không phải là dấu chỉ là chúng ta là các môn đệ của Đức Kitô, là người đã đạt được lòng thương xót ngay dưới chân thập giá chỉ bằng công trạng của tình yêu của Con Thiên Chúa. Do đó, chúng ta đừng quên, câu nói hà khắc ở cuối dụ ngôn: Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình" (c. 35).

Anh chị em thân mến, sự tha thứ mà Thánh Phanxicô tự biến Ngài thành một “kênh” ở đây tạiPoriziuncola tiếp tục “mang lại nước trời” ngay cả sau tám thế kỷ. Trong Năm Thánh Thương Xót này, điều đó càng trở nên rõ ràng hơn là con đường của sự tha thứ thực sự canh tân Giáo Hội và thế giới. Mang lại cho thế giới ngày nay chứng tá của lòng thương xót là một nhiệm vụ mà không một ai trong chúng ta được miễn trừ. Thế giới cần sự tha thứ; quá nhiều người đang bị mắc kẹt trong sự thù hằn và bám chặt vào lòng hận thù, bởi vì họ không có khả năng tha thứ. Họ phá huỷ cuộc đời của họ và của những người xung quanh họ hơn là tìm niềm vui của sự thanh thản và bình an. Chúng ta hãy xin Thánh Phanxicô chuyển cầu cho chúng ta, để chúng ta cũng luôn biết là những dấu chỉ khiêm nhường của sự tha thứ và là kênh của lòng thương xót.

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ Vatican Radio)

 


Văn Kiện Giáo Hội