Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 10.07.2016: Ai là người thân cận của tôi?

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay Phụng Vụ trình bày cho chúng ta dụ ngôn về „người Samaritanô nhân hậu“ được trích từ Tin Mừng theo Thánh Lu-ca (Lc 10,25-37). Trong hình thức thuật truyện đơn giản và đầy gợi ý, trình thuật này chỉ ra một lối sống, mà trung tâm điểm của nó không phải là bản thân chúng ta, nhưng là những người khác với những khó khăn của họ, đó là những người mà chúng ta gặp gỡ trên đường, mà họ đang đặt chúng ta trước một thách đố. Những người khác đang đặt chúng ta trước một thách đố.

Và khi những người khác không thách đố chúng ta, thì rồi một điều chi đó sẽ không ổn: một điều chi đó trong con tim sẽ không còn mang tính Ki-tô nữa. Chúa Giê-su đã sử dụng dụ ngôn này trong cuộc đối thoại với một vị luật sĩ trong mối liên hệ đến giới luật kép mà nó cho phép người ta đạt tới được cuộc sống vĩnh cửu: Yêu mến Thiên Chúa với tất cả con tim và yêu thương tha nhân như chính mình (Lc 10,25-28). „Đúng là như thế“ – vị Luật Sĩ trả lời, „nhưng xin nói cho tôi biết: Ai là người thân cận của tôi?“ (Lc 10,29). Chúng ta cũng có thể đặt ra cho mình câu hỏi đó: Ai là người thân cận của tôi? Ai là người mà tôi phải yêu thương như chính tôi? Ai là những người thân thuộc của tôi? Ai là bạn bè của tôi? Ai là người đồng hương của tôi? Những người mà họ không thuộc về một tôn giáo như tôi thì sao?... Ai là tha nhân của tôi?

Và Chúa Giê-su đã trả lời bằng dụ ngôn này. Một người trên đường từ Giê-ru-sa-lem tới Giê-ri-cô, đã bị bọn cướp tấn công, bị đánh nhừ tử và bị vứt sang vệ đường. Một vị tư tế và một thầy Lê-vi đã đi ngang qua đoạn đường đó. Mặc dầu họ trông thấy người bị thương đang nằm vất vưởng bên vệ đường, họ đã không hề dừng lại, nhưng vẫn tiếp tục bỏ đi (Lc 10,31-32). Sau đó, một người Samaritanô đến, đó là một cư dân của thành Samaria, tức kẻ bị người Do-thái khinh thường vì không phải là người đi theo một tôn giáo đích thực. Nhưng ngược hẳn lại với hai vị bậc thầy của người Do-thái nêu trên, ngay khi nhìn thấy nạn nhân tội nghiệp và bất hạnh, người Samaritanô „đã chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu và rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng con lừa của mình, đưa về quán trọ và săn sóc“ (Lc 10,33-34). Và ngày hôm sau, người Samaritanô đã trao phó nạn nhân cho viên chủ quán, lấy hai quan tiền trao cho ông ta và nói: „Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác“ (Lc 10,35).

Ở điểm này, Chúa Giê-su đã hướng về viên luật sĩ và hỏi ông ta: „Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó – vị tư tế, thầy Lê-vi và người Samaritanô – ai đã chứng tỏ mình là người thân cận của kẻ đã bị rơi vào tay bọn cướp?“ Và vì viên luật sĩ là kẻ thông minh, nên dĩ nhiên ông ta đã trả lời rằng: „Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy“ (Lc 10,36-37). Bằng cách đó, Chúa Giê-su đã hoàn toàn đảo lộn quan điểm ban đầu của vị luật sĩ – và cũng cả của chúng ta nữa! Tôi không bao giờ được phép lên danh sách những người khác để quyết định xem, ai là người thân cận của tôi và ai không phải. Liệu tôi có phải là người thân cận của kẻ khác hay không, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào tôi – đó là quyết định của tôi -, việc trở thành người thân cận của kẻ mà tôi gặp gỡ, mà họ đang cần tới sự giúp đỡ của tôi, ngay cả khi đó là những người lạ, hoặc thậm chí là kẻ thù, hoàn toàn tùy thuộc vào tôi. Và Chúa Giê-su kết luận: „Hãy đi và làm như vậy!“ (Lc 10,37).

Đó là một bài học tuyệt vời! Chúa Giê-su đang lập lại điều đó với từng người một trong chúng ta: „Hãy đi và làm như vậy!“ thì bạn sẽ chứng tỏ được rằng, bạn đang là người thân cận của những anh chị em mà bạn thấy họ đang gặp cảnh khốn khó. „Hãy đi và làm như vậy!“ Thực hiện những công việc tốt lành không phải chỉ là việc nói ra những lời mà chúng bị gió cuốn bay. Cha vừa chợt nhớ tới một bài hát: »Parole, parole, parole« (lời, chỉ có những lời) – đầu đề của một ca khúc rất nổi tiếng của Ý. Đừng như thế, nhưng hãy hành động và hành động! Nhờ vào những công việc tốt lành mà chúng ta thực hiện cho những người thân cận, với Tình Yêu và niềm vui, Đức Tin của chúng ta sẽ đâm chồi và sẽ đơm bông kết trái.

Chúng ta hãy tự hỏi – và mỗi người hãy tự trả lời lấy cho mình từ trong lòng: Đức Tin của chúng ta có đơm bông kết trái hay không? Đức Tin của chúng ta có sản sinh ra những công việc tốt lành hay không? Hay nó lại đang vô sinh và vì thế, đang chết hơn là đang sống? Tôi có chứng tỏ mình là một người thân cận không, hay tôi lại bỏ đi một cách dễ dàng? Tôi có thuộc về số những người mà họ chỉ tìm đến với những người làm hài lòng mình hay không? Sẽ thật là tốt nếu chúng ta tự đặt ra cho mình những câu hỏi đó, cũng như thường xuyên tự hỏi như vậy, vì cuối đời, chúng ta sẽ bị kết án dựa vào những công việc của Đức Xót Thương. Thiên Chúa sẽ có thể nói với chúng ta: Này con, bây giờ con có còn nhớ tới lần mà con đi trên đường từ Giê-ru-sa-lem tới Giê-ri-cô không? Người nửa sống nửa chết đó là Ta đấy! Con có nhớ không? Những em bé đói khát ấy cũng chính là Ta đấy! Con có nhớ không? Những người tị nạn mà nhiều người đang muốn xua đuổi họ, cũng là Ta đấy! Bất cứ cụ ông cụ bà nào mà họ đang bị bỏ rơi một mình trong những trại dưỡng lão, đó là Ta đấy! Những bệnh nhân cô đơn trong các bệnh viện chẳng được ai đến thăm, đó là Ta đấy!

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta để chúng ta có thể đi trên con đường Đức Ái, con đường của Tình Yêu quảng đại đối với người khác, trên con đường của người Samaritanô nhân hậu. Xin Mẹ giúp chúng ta sống theo giới răn chính mà Chúa Ki-tô đã để lại cho chúng ta. Đó là con đường để đạt tới được sự sống đời đời.

Quảng trường Thánh Phê-rô trưa Chúa nhật ngày mồng 10 tháng 07 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội