Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 31.08.2016: Mục 27 – Lòng Thương Xót trao ban phẩm giá (xc. Mt 9,20-22)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe giới thiệu cho chúng ta một nhân vật nổi bật nhờ vào Đức Tin và sự can đảm của bà.  Đó là một phụ nữ mà Chúa Giê-su đã chữa khỏi bệnh băng huyết (xc. Mt 9,20-22). Trong khi bà tiến về phía trước giữa đám đông quần chúng, bà đã đến sát được với Chúa Giê-su ở phía sau lưng Ngài, và bà đã đụng vào gấu áo choàng của Ngài: „Vì bà nghĩ bụng: ´Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu`“ (Mt 9,21). Đức Tin của bà vĩ đại biết chừng nào! Đức Tin và niềm hy vọng to lớn mà bà đã được hồi sinh từ đó, đã cho phép bà nghĩ như thế, và với một chút ranh mãnh, bà đã thực hiện điều mà bà đang mang trong lòng. Niềm mong ước được Chúa Giê-su chữa lành đã thúc bách bà vượt qua những quy tắc đã được ấn định bởi luật Mô-sê. Người phụ nữ nghèo nàn này không chỉ đau yếu trong suốt nhiều năm trời. Hơn nữa, bà còn bị coi là ô uế, vì bà bị băng huyết (xc. Lev 15,19-30). Vì nguyên nhân này, bà bị khai trừ khỏi các buổi Phụng Vụ, khỏi cuộc sống vợ chồng, cũng như bị loại khỏi các mối tương quan bình thường với những người thân cận. Thánh Sử Mác-cô bổ sung thêm rằng, bà đã đến với nhiều thầy thuốc, đã phải tán gia bại sản để chạy chữa cơn bệnh, cũng như đã phải chịu đựng những pha chữa trị đầy đớn đau. Nhưng tình trạng của bà càng ngày càng thêm trầm trọng. Người phụ nữ này còn bị loại ra khỏi cộng đồng xã hội nữa. Để hiểu được hoàn cảnh của bà thì phải lưu tâm tới tình trạng của bà – một con người bị ruồng rẫy – cơ bản thì bà cảm thấy rằng, Chúa Giê-su có thể chữa lành bệnh cho bà cũng như có thể cứu bà thoát khỏi tình trạng bị ruồng rẫy cũng như tình trạng bị khinh thường mà bà đã phải trong hoàn cảnh như thế trong suốt nhiều năm trời. Tắt một lời là, bà biết và bà cảm thấy rằng, Chúa Giê-su có thể cứu giúp bà.

Trường hợp này làm cho chúng ta nghĩ tới những cách thức mà người phụ nữ thường cảm nhận cũng như thường hình dung về mình như thế nào. Tất cả chúng ta, kể cả những cộng đoàn Ki-tô giáo, thường hay thận trọng trước những hình dung bị in đậm dấu vết bởi những thiên kiến và những phỏng đoán tai hại của phái nữ. Trong ý nghĩa đó, ngay cả các sách Tin Mừng cũng tái khôi phục sự thật, và dẫn chúng ta quay trở về với một vị trí có khả năng giải thoát. Chúa Giê-su đã cảm phục trước Đức Tin của người phụ nữ đang bị tất cả mọi người tránh né này, và Ngài đã biến niềm hy vọng của bà thành ơn cứu chữa. Chúng ta không biết tên của người phụ nữ ấy là gì, nhưng một ít dòng mà qua đó các sách Tin Mừng mô tả về cuộc gặp gỡ của bà với Chúa Giê-su, đã phác họa nên một con đường Đức Tin mà nó có thể hồi phục chân lý và tầm quan trọng nơi phẩm giá của mỗi con người. Trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su, con đường giải thoát và cứu độ sẽ được san bằng.

Theo Tin Mừng của Thánh Mát-thêu, Chúa Giê-su đã „quay lạithấy“ người phụ nữ khi bà rờ vào gấu áo choàng của Ngài (Mt 9,22), và nói với bà. Như đã được nói ở trên, người phụ nữ này đã hành động cách kín đáo vì tình trạng bị ruồng rẫy của mình. Bà bước tới phía sau lưng Ngài, và cố gắng không để ai thấy, bởi bà đang là một người bị xua trừ. Nhưng Chúa Giê-su vẫn nhìn thấy bà, và ánh mắt của Ngài không h tỏ ra sự trách cứ. Ngài không nói: „Cút đi, mày là đồ bị phế bỏ!“, hay „Mày là con hủi, cút đi!“ Không, Ngài không trách móc. Đúng hơn, cái nhìn của Chúa Giê-su đã được lấp đầy bởi Lòng Thương Xót và sự trìu mến. Ngài biết điều gì đã xảy ra, và cố gắng tiếp xúc riêng tư với bà, điều mà người phụ nữ này đang mong muốn từ tận đáy lòng. Điều ấy có nghĩa là, Chúa Giê-su đã không chỉ đón nhận bà, nhưng cũng còn ca ngợi bà về cuộc gặp gỡ này, đến độ Ngài đã dành cho bà những lời nói cũng như sự quan tâm của Ngài.

Trong trung tâm điểm của trình thuật, thuật ngữ CỨU CHỮA được lập đi lập lại tới ba lần. „Vì bà nghĩ bụng: ´Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!´ Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: ´Này con, cứ an tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.`Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa“ (Mt 9,21-22). Câu nói - „Này con, cứ an tâm“ – đã diễn tả toàn bộ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đối với người phụ nữ này cũng như đối với tất cả những ai bị ruồng bỏ. Trong thâm tâm của mình, chúng ta thường cảm thấy mình bị ruồng bỏ vì tội lỗi của mình biết dường nào. Chúng ta đã phạm rất nhiều, rất nhiều tội lỗi. Nhưng Chúa sẽ nói với chúng ta: „Đừng sợ, hãy đến đây! Đối với Ta, con không phải là thằng hay là con bị ruồng bỏ. Này con, cứ an tâm. Con là một người con trai, một người con gái.“ Đó là phút giây ân sủng, phút giây tha thứ, phút giây được bao gồm trong sự sống của Chúa Giê-su, trong đời sống của Giáo hội. Đó là khoảnh khắc của Lòng Thương Xót. Ngày hôm nay Chúa Giê-su sẽ nói với tất cả chúng ta – những tội nhân, dù là những tội nhân to hay nhỏ thì tất cả chúng ta cũng đều là những tội nhân -: „Cứ an tâm, hãy đến đây! Con không còn phải là một thằng hay một đứa bị ruồng bỏ nữa: Ta tha thứ cho con, ta muốn ôm lấy con“. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là như thế. Chúng ta phải can đảm đi đến với Ngài, để xin cho được ơn tha thứ đối với các tội lỗi của chúng ta, và can đảm để tiếp tục lên đường, giống như người phụ nữ (trong bài Tin Mừng) đã làm. Ngoài ra, thuật ngữ „CỨU CHỮA“ còn được đi theo với rất nhiều những hàm ý khác: Trước tiên, sức khỏe đã được tái ban lại cho người phụ nữ; và sau đó, bà được giải thoát khỏi sự kỳ thị về xã hội và tôn giáo; ngoài ra, niềm hy vọng còn trở thành hiện thực, mà niềm hy vọng ấy vẫn được bà mang trong tim; những nỗi sợ hãi và ngã lòng của bà đã bị xóa sạch; sau cùng, người phụ nữ ấy lại được hội nhập vào với cộng đồng của mình và được giải thoát khỏi bất cứ sự tủi nhục nào khiến người ta phải hoạt động trong thầm kín. Khía cạnh sau cùng này mang một ý nghĩa đặc biệt: Một người bị ruồng bỏ sẽ luôn luôn hoặc đôi khi hay suốt cuộc đời mình, hoạt động trong thầm kín: Chúng ta hãy nghĩ tới những người bị phong hủi thuộc bất cứ thời đại nào, hãy nghĩ tới những người vô gia cư của xã hội ngày nay…; chúng ta hãy nghĩ tới các tội nhân, hãy nghĩ tới những tội nhân là chính chúng ta: chúng ta luôn luôn làm một cái gì đó vụng trộm, chúng ta cần phải vụng trộm vì chúng ta xấu hổ về điều mà chúng ta đang là… Và Ngài sẽ giải thoát chúng ta khỏi điều đó. Chúa Giê-su sẽ giải thoát chúng ta và mời chúng ta đng dậy: „Hãy đứng dậy và hãy đến đây, hãy đứng trên hai chân của con!“, như Thiên Chúa đã sáng tạo nên chúng ta: Thiên Chúa đã sáng tạo nên chúng ta để chúng ta đứng thẳng trên đôi chân của mình, chứ không phải để chúng ta khom lưng cúi đầu. Hãy đứng thẳng trên đôi chân của mình! Chúa Giê-su ban cho chúng ta ơn chữa lành hoàn toàn, mà ơn chữa lành đó sẽ tái liên kết cuộc sống của người phụ nữ với bầu trời của Tình Yêu Thiên Chúa, và đồng thời phục hồi phẩm giá hoàn toàn lại cho bà.

Vì thế, không phải chiếc áo choàng được đụng tới đã trao ban sự chữa lành cho người phụ nữ, nhưng là Lời của Chúa Giê-su được đón nhận trong Đức Tin, những lời ấy mới có thể an ủi và chữa lành cho bà cũng như có thể tái củng cố trong mối tương quan với Thiên Chúa và dân Người. Chúa Giê-su là nguồn mạch duy nhất của phúc lành mà ơn Chữa Lành đối với mọi người bắt nguồn từ đó, và Đức Tin chính là điều kiện quan trọng nhất để đón nhận ân sủng ấy. Qua những hành động xót thương của mình, Chúa Giê-su đã nhiều lần chỉ cho Giáo hội thấy con đường mà nó dẫn đưa tới sự gặp gỡ với mỗi người, để mỗi người trong chúng ta đều có thể được chữa lành cả nơi thân xác lẫn tâm hồn, cũng như nhận lại được phẩm giá của mình với tư cách là con Thiên Chúa. Xin cám ơn anh chị em.

Quảng trường Thánh Phê-rô, sáng thứ Tư ngày 31 tháng 08 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội