Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Dành Cho Các Tình Nguyện Viên Nhân Dịp Năm Thánh, Sáng Thứ Bảy Ngày 03.09.2016: „Anh chị em đã tạo hình cho Lòng Thương Xót

Anh chị em thân mến,

Chúng ta vừa nghe bài ca Bác Ái mà Thánh Phao-lô Tông Đồ đã viết cho cộng đoàn Cô-rin-tô. Đó là một trong những trang sách tuyệt vời và cao đẹp nhất đối với chứng tá của Đức Tin chúng ta (1Cor 13,1-13). Trong các tác phẩm của Ngài, Thánh Phao-lô rất hay nói về Đức Ái và Đức Tin; nhưng trong đoạn văn này, một cái gì đó đặc biệt vĩ đại và hiếm có đã được giới thiệu với chúng ta. Đức Ái, trong sự khác biệt với Đức Tin và niềm hy vọng, „không bao giờ ngừng“ (1Cor 13, 8), Ngài nói rằng, Đức Ái luôn bền vững. Giáo huấn đó phải hình thành nên một sự xác tín không hề chuyển lay đối với chúng ta; Tình Yêu của Thiên Chúa không bao giờ ngừng trong cuộc sống chúng ta và trong lịch sử thế giới. Đó là một Tình Yêu luôn luôn trẻ trung, hoạt bát và năng động, và cuốn hút về với mình theo một cách thức không gì có thể so sánh. Đó là một Tình Yêu tín trung, Tình Yêu ấy không hề lừa dối, bất chấp những mâu thuẫn của chúng ta. Đó là Tình Yêu đơm bông kết trái, Tình Yêu ấy hoạt động và vượt ra ngoài cũng như vượt lên trên sự biếng nhác của chúng ta. Chúng ta chính là những nhân chứng của Tình Yêu ấy. Vì Tình Yêu của Thiên Chúa đến với chúng ta; nó như một dòng nước mạnh của một con sông chủ đạo, con sông ấy cuốn theo chúng ta, nhưng không hề chế ngự chúng ta; đúng hơn, nó chính là điều kiện của sự sống: „Tôi sẽ chẳng là gì nếu như không có Đức mến“ – Thánh Phao-lô nói như thế (1Cor 13,2). Chúng ta càng để cho mình chộp lấy bởi Tình Yêu ấy, thì cuộc sống của chúng ta sẽ càng được tái sinh. Chúng ta có thể nói một cách thực sự với tất cả sức lực chúng ta rằng: Tôi được yêu thương, nên tôi sống!

Tình Yêu mà Thánh Tông Đồ nói tới, không phải là một cái chi đó trừu tượng và bất định; có lẽ nó là một Tình Yêu mà người ta nhìn ngắm, đụng chạm tới và kinh qua một cách cá nhân. Hình thức lớn nhất và có sức diễn tả nhất của Tình Yêu ấy chính là Chúa Giê-su. Toàn bộ nhân vị và cuộc sống của Ngài không phải là bất cứ điều chi khác ngoài sự diễn tả một cách cụ thể Tình Yêu của Thiên Chúa Cha, và đạt tới đỉnh điểm trong khoảnh khắc: „Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những tội nhân; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta“ (Rom 5,8). Đó là Tình Yêu! Đó không phải là lời nói, đó là Tình Yêu. Từ trên núi Calvario, nơi cuộc khổ hình của con Thiên Chúa đạt tới tột đỉnh của nó, phát sinh ra nguồn mạch Tình Yêu, mà nguồn mạch ấy tẩy xóa hết mọi tội lỗi và biến tất cả thành một sự sống mới. Bằng cách thức không thể xóa nhòa được, chúng ta sẽ luôn luôn mang theo bên mình niềm xác tín ấy của Đức Tin: Chúa Ki-tô đã „yêu thương tôi và hiến mình vì tôi“ (Gal 2,20). Đó là một xác tín lớn: Chúa Ki-tô đã yêu thương tôi, và Ngài đã hiến chính bản thân Ngài cho tôi, cho bạn, cho anh và cho chị, cho tất cả, cho từng người một trong chúng ta! Không gì và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Thiên Chúa (xc.Rm 8,35-39). Tình Yêu chính là sự diễn tả cao nhất của toàn bộ cuộc sống, và làm cho chúng ta có thể sống sự diễn tả đó.

Khi tận mắt chứng kiến nội dung chính này của Đức Tin, Giáo hội không bao giờ cho phép mình được hành động như vị tư tế và vị Lê-vi đã hành động đối với người bị bỏ nằm dở sống dở chết bên đường (xc. Lc 10,25-36). Người ta không thể tránh né cái nhìn và đi sang phía bên kia để không nhìn thấy muôn vàn những hình thức nghèo túng mà chúng đang cần tới Lòng Thương Xót. Và việc đi sang phía bên kia để không nhìn thấy những con người đói khát, những bệnh nhân, những người bị bóc lột… đó là một trọng tội! Đó cũng là một thứ tội của thời hiện đại, một tội của thời đại hôm nay! Các Ki-tô hữu chúng ta không được tự cho phép mình làm điều đó. Chẳng có Giáo hội nào và cũng chẳng có Ki-tô hữu nào có được giá trị nếu như „cứ tiếp tục đi“, và chẳng có Giáo hội hay Ki-tô hữu nào xứng đáng để tưởng rằng, mình đang có một lương tâm trong sáng chỉ vì chúng ta đã cầu nguyện, hay chỉ vì tôi đã tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Không! Ngọn đồi Calvariô vẫn luôn còn mang tính thời sự; nó chưa biến dạng, và nó cũng chẳng phải là những họa phẩm đẹp trong các nhà thờ của chúng ta. Đỉnh cao của sự đồng đau khổ này mà từ đó phát sinh ra Tình Yêu của Thiên Chúa đối với những nỗi khốn cùng của nhân loại chúng ta, cũng vẫn còn đang nói với chúng ta trong những ngày này, cũng như đang thúc bách chúng ta không ngừng đưa ra những dấu chỉ mới của Lòng Thương Xót. Cha sẽ không bao giờ cảm thấy mỏi mệt để nói rằng, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng đẹp, nhưng là một hành động cụ thể. Lòng Thương Xót luôn luôn cụ thể. Lòng Thương Xót không phải là một việc làm „có tính ngẫu nhiên“; nó được vớ lấy ở nơi đang có sự dữ, đang có bệnh tật, đang có sự đói khát, đang có sự bóc lột con người. Và ngay cả Lòng Thương Xót của con người cũng sẽ chưa phải là Lòng Thương Xót cho tới bao lâu nó chưa trở nên cụ thể trong những hành vi nơi cuộc sống hằng ngày. Lời cảnh báo của Thánh Gio-an Tông Đồ vẫn luôn còn hiệu lực: „Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm“ (1Ga 3,18). Vì người ta khẳng định chân lý của Lòng Thương Xót qua những công việc của cuộc sống hằng ngày, mà những công việc đó làm cho hành động của Thiên Chúa giữa chúng ta trở nên rõ rệt.

Anh chị em thân mến, ở đây, anh chị em đang đại diện cho một thế giới to lớn và đa sắc màu của những người phục vụ cách tình nguyện. Anh chị em đang thuộc về những thực tế giá trị nhất của Giáo hội. Hằng ngày, nhưng thường là trong âm thầm và thinh lặng, anh chị em đang tạo hình cho Lòng Thương Xót và làm cho nó trở nên rõ rệt. Anh chị em chính là những kiến trúc sư của Lòng Thương Xót: với đôi tay của anh chị em, với cặp mắt của anh chị em, với đôi tai của anh chị em, với sự gần gũi của anh chị em, với sự đáng yêu của anh chị em… Những kiến trúc sư! Anh chị em đang diễn tả một trong những niềm mong muốn tuyệt vời nhất của con tim nhân loại, và cụ thể, niềm mong muốn ấy là: một con người khổ đau cảm thấy mình được yêu. Trong những nhu cầu và những tình trạng khốn cùng khác nhau của nhiều người, sự hiện diện của anh chị em đang thể hiện như là cánh tay giơ ra của Chúa Ki-tô mà tất cả đều có thể đến được. Anh chị em chính là cánh tay đang được giơ ra của Chúa Ki-tô. Anh chị em có nghĩ thế không? Sự đáng tin của Giáo hội, với cách thức có tính thuyết phục, cũng vượt lên trên sự phục vụ của anh chị em đối với những em bé bị bỏ rơi, đối với các bệnh nhân, đối với những người nghèo không có cơm ăn, áo mặc và việc làm, đối với những cụ già, những người vô gia cư, các tù nhân, những người tị nạn, những di dân, các nạn nhân của các thảm họa thiên nhiên… Vì thế, bất cứ nơi đâu cần đến sự giúp đỡ, thì ở đó, chứng tá đầy sáng tạo và vô vị lợi của anh chị em cũng sẽ đến đó. Anh chị em đang làm cho giới luật của Chúa Ki-tô trở nên rõ ràng, mà cụ thể, giới luật ấy là: người này nên vác đỡ gánh nặng cho người kia (xc. Gal 6,2, Ga 13,34). Anh chị em thân mến, anh chị em đang đụng chạm tới thân xác của Chúa Ki-tô bằng chính đôi tay của mình. Xin anh chị em đừng quên điều đó. Anh chị em đang đụng chạm tới thân xác của Chúa Ki-tô bằng chính đôi tay của mình. Anh chị em hãy luôn sẵn sàng trong tình liên đới của anh chị em, hãy quảng đại trao tặng sự gần gũi của anh chị em, hãy hoàn toàn hăng hái trong việc đánh thức niềm vui, và hãy trở nên đáng tin trong niềm an ủi. Thế giới đang cần tới những dấu chỉ của tình liên đới, đặc biệt là đối với cơn cám dỗ của sự thờ ơ lãnh đạm. Thế giới đang cần tới những con người có khả năng, với cuộc sống của mình, chiến đấu chống lại sự ích kỷ và tinh thần chỉ nghĩ tới mình, chỉ chăm lo cho mình nhưng không còn chăm lo săn sóc cho những người anh chị em đang gặp cảnh khốn cùng nữa. Anh chị em hãy luôn luôn hài lòng và tràn ngập niềm vui vì sự phục vụ của mình, nhưng đừng bao giờ biến điều đó thành nguyên cớ dẫn tới sự kiêu căng, mà sự kiêu căng thì luôn khiến người ta nghĩ rằng mình tốt hơn người khác. Trái lại, công việc bác ái của anh chị em phải là sự tiếp tục đầy khiêm nhượng và hùng hồn của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng vẫn đang tiếp tục nghiêng mình xuống với những con người khổ đau, và đón nhận những nỗi khổ đau của họ về cho mình. Vì Đức Ái thì „xây dựng“ (1Cor 8,1), và ngày lại ngày, làm cho các cộng đoàn của chúng ta có khả năng trở nên những dấu chỉ của sự hiệp thông huynh muội.

Anh chị em hãy tâm sự với Chúa Ki-tô về những điều đó. Hãy gọi tên Ngài. Hãy thực hiện điều đó giống Sơ Preyma, như Sơ đã kể cho chúng ta: Sơ đã gõ cửa nhà tạm. Hãy can đảm! Thiên Chúa lắng nghe chúng ta. Hãy gọi tên Ngài! Chúa ơi, xem này… Chúa hãy nhìn thử coi, biết bao nhiêu là sự nghèo túng, biết bao nhiêu là sự thờ ơ lãnh đạm, biết bao nhiêu là những kẻ chỉ tìm cách nhìn sang hướng khác: „Điều đó chẳng đụng chạm gì tới tôi, vì tôi chẳng bận tâm gì tới điều đó!“ Hãy nói về điều đó với Chúa: „Chúa ơi, tại sao lại vậy? Chúa ơi, tại sao lại như thế cơ chứ? Tại sao con quá yếu đuối nhưng Chúa lại kêu gọi con thực hiện sự phục vụ này? Xin hãy giúp con, xin hãy ban sức mạnh cho con, cũng như hãy ban cho con sự khiêm nhượng!“ Cốt lõi của Lòng Thương Xót chính là cuộc đối thoại đó với Thánh Tâm đầy Lòng Thương Xót của Chúa Giê-su.

Ngày mai, với niềm vui, chúng ta sẽ chứng kiến Mẹ Tê-rê-sa được Tôn Phong Hiển Thánh. Chứng tá của Lòng Thương Xót này của thời đại chúng ta đang bổ sung thêm vào vô vàn những tốp người cả nam lẫn nữ, mà với sự thánh thiện của mình, họ đã và đang làm cho Tình Yêu của Chúa Ki-tô trở nên rõ rệt. Chúng ta cũng hãy noi gương bắt chước họ, và hãy cầu xin để mình trở nên những khí cụ khiêm nhượng trong tay Thiên Chúa, hầu xoa dịu nỗi khổ đau của thế giới, cũng như trao tặng cho thế giới niềm vui và niềm hy vọng phục sinh. Xin cám ơn anh chị em.

*Trước khi Cha ban phép lành cho anh chị em, Cha mời anh chị em hãy thinh lặng để cầu nguyện cho rất nhiều người đang đau khổ; cho rất nhiều người bất hạnh, cho rất nhiều người đang bị loại ra khỏi cộng đồng xã hội. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những tình nguyện viên giống như anh chị em, để họ đi đến cuộc gặp gỡ với thân xác của Chúa Ki-tô, để đụng chạm tới thân xác ấy, lo lắng chăm lo cho thân xác ấy, hầu cảm thấy sự gần gũi của Ngài. Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho rất nhiều người, rất nhiều người mà họ đang cố nhìn sang hướng khác khi bất chợt chứng kiến cảnh khốn cùng của nhiều người, và họ đang nghe theo một giọng nói trong tâm hồn mình, giọng ấy nói với họ: „Điều đó chẳng đụng chạm gì tới tôi, vì tôi chẳng bận tâm gì tới chuyện đó“. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng.

(Thinh lặng)

Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Đức Mẹ: Kính Mừng Maria…

(Phép Lành)

Quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Bảy ngày mồng 03 tháng 09 năm 2016

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội