Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 21.09.2016: Mục 30 – Thương xót như Thiên Chúa Cha (xc. Lc 6,36-38)

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Chúng ta vừa nghe đoạn trích Tin Mừng theo Thánh Lu-ca (Lc 6,36-38), mà khẩu hiệu của Năm Thánh ngoại thường này bắt nguồn từ đó: Thương xót như Thiên Chúa Cha. Nguyên văn của khẩu hiệu ấy là như sau: „Hãy có Lòng Thương Xót như Cha anh em là Đấng Xót Thương“ (c. 36). Ở đây, vấn đề không phải là khẩu hiệu được nêu ra nhằm tạo sự ấn tượng, nhưng là một bổn phận sống. Để hiểu thấu đáo những lời đó, chúng ta có thể so sánh chúng với đoạn song song trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, trong đó Chúa Giê-su nói rằng: „Vậy anh em hãy nên hòa thiện, như Cha an hem trên trời là Đấng hoàn thiện“ (Mt 5,48). Trong bài giảng được gọi là Bài Giảng Trên Núi mà nó được công bố với các Mối Phúc, Chúa Giê-su đã dậy chúng ta rằng, sự hoàn thiện hệ tại ở Tình Yêu, sự kiện toàn tất cả mọi lề luật. Trong mối liên hệ này, Thánh Lu-ca đã giải thích rằng, sự hoàn hiện hàm chứa trong Tình Yêu thương xót: trở nên hoàn thiện có nghĩa là trở nên nhân hậu. Vậy một người thiếu nhân hậu có phải là người hoàn thiện không? Xin thưa rằng không! Một người thiếu nhân hậu có phải là người tốt không? Xin thưa rằng không! Tốt lành và trọn hảo đâm rễ sâu vào trong Lòng Thương Xót. Chắc chắn Thiên Chúa là Đấng trọn lành. Nhưng nếu chúng ta quan sát Ngài như thế thì việc hướng tới sự trọn lành tuyệt đói đó là điều không thể đối với con người. Nhưng việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa với tư cách là Đấng Nhân Hậu sẽ cho phép chúng ta nhận thức được tốt hơn về sự trọn lành của Ngài hệ tại ở đâu, và điều ấy sẽ khích lệ chúng ta trở nên như Ngài, Đấng được lấp đầy bởi Tình Yêu, bởi sự cảm thông và bởi Lòng Thương Xót.

Nhưng Cha tự hỏi: Những Lời của Chúa Giê-su có thực tế không? Liệu có thể Yêu như Thiên Chúa yêu và trở nên nhân hậu như Ngài được không?

Trong khi quan sát lịch sử cứu độ, chúng ta nhận ra rằng, toàn bộ công cuộc mạc khải của Thiên Chúa là một Tình Yêu trường kỳ và không ngừng đối với con người: Thiên Chúa giống như một người cha hay một người mẹ yêu thương con cái mình khôn xiết kể, và tưới đổ Tình Yêu này một cách ngập tràn trên từng thụ tạo. Cái chết của Chúa Giê-su trên Thập Giá hình thành nên đỉnh điểm của lịch sử Tình Yêu giữa Thiên Chúa và con người. Tình Yêu ấy vô cùng to lớn đến độ chỉ có Thiên Chúa mới có thể hiện thực hóa được nó. Công tâm mà nói thì Tình Yêu của chúng ta trong mối tương qua với Tình Yêu không mức độ này, luôn luôn là bất toàn. Nhưng nếu Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta phải trở nên nhân hậu như Thiên Chúa Cha, thì Ngài không nghĩ tới mức độ! Ngài yêu cầu các môn đệ của Ngài hãy trở nên những dấu chỉ, những kênh máng và những nhân chứng cho Lòng Thương Xót của Ngài.

 

Giáo hội chỉ có thể trở nên một Bí Tích cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong thế giới, đối với mọi thời đại cũng như đối với toàn thể nhân loại. Vì thế, bất cứ Ki-tô hữu nào cũng đều được kêu gọi để trở nên những nhân chứng của Lòng Thương Xót, và điều này sẽ diễn ra trên đường dẫn tới sự thánh thiện. Chúng ta hãy nghĩ tới tất cả các Thánh đã trở nên nhân hậu, vì các Ngài đã để cho con tim của mình được lấp đầy bởi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Các Ngài đã tạo cho Tình Yêu của Thiên Chúa một hình tượng, bằng cách là các Ngài tưới gội nó trên vô vàn những nỗi khốn cùng của nhân loại khổ đau. Dung nhan Chúa Ki-tô đầy nhân hậu bừng sáng lên trong sự nở rộ ấy của rất nhiều hình thức Đức Ái đối với tha nhân.

Chúng ta sẽ tự hỏi: Đối với các môn đệ, trở nên nhân hậu có nghĩa là gì? Chúa Giê-su đã giải thích điều này bằng hai động từ: „tha thứ“ (Lc 6,37) và „cho đi“ (Lc 6,38).

Ở tuyến đầu tiên, Lòng Thương Xót biểu lộ trong sự tha thứ: „Anh em đừng xét đoán, để anh em khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án để anh em khỏi bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ để anh em sẽ được Thiên Chúa thứ tha“ (Lc 6,37). Chúa Giê-su không có dự định lật đổ những hệ thống pháp lý của con người. Nhưng Ngài nhắc nhớ các môn đệ rằng, người ta phải chấm dứt việc kến án và những lời lên án hầu có được những mối tương quan huynh muội. Trong thực tế, sự tha thứ chính là trụ cột gánh mang cuộc sống của các cộng đoàn Ki-tô giáo, vì tính nhưng không của Tình Yêu tự biểu lộ trong sự tha thứ, mà với Tình Yêu nhưng không ấy, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta với tư cách là người đầu tiên. Người Ki-tô hữu phải tha thứ! Nhưng vì lý do nào? Vì họ đã được tha thứ. Tất cả chúng ta, tức những người đang quy tụ nhau lại tại quảng trường này ngày hôm nay, đều đã có kinh nghiêm về ơn tha thứ. Không ai trong chúng ta mà lại không cần tới ơn tha thứ của Thiên Chúa trong cuộc sống mình. Vì chúng ta đã được tha thứ, nên chúng ta cũng phải trao tặng sự tha thứ. Chúng ta đọc điều này hằng ngày trong Kinh „Lạy Cha“: „Xin Cha tha tội cho chúng con; và xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con“. Do đó, chúng ta cần phải tha thứ cho những hành vi độc ác cũng như cho rất nhiều điều khác, vì chúng ta cũng đã được tha thứ cho tất cả mọi điều gian ác và tội lỗi mà chúng ta đã phạm. Như vậy, việc tha thứ diễn ra từ một lý do rất đơn giản: nếu Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi thì tại sao tôi lại không tha thứ cho người khác? Chẳng lẽ tôi lớn hơn Thiên Chúa sao? Trụ cột tha thứ này sẽ đặt trước mắt chúng ta sự nhưng không của Tình Yêu Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta với tư cách là người đầu tiên. Việc xét đoán những anh chị em đã hành động sai trái cũng như việc kết án họ, chính là một điều vô cùng sai quấy; không phải vì người ta không muốn nhìn nhận tội lỗi, nhưng vì việc kết án những tội nhân sẽ phá vỡ mối tương quan huynh đệ giữa chúng ta với người anh chị em đó, và như thế là xem thường Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng không muốn khước từ con cái mình. Chúng ta không có quyền kết án những anh chị em đã hành động sai trái. Chúng ta không đứng trên những người anh chị em đó: Đúng hơn, bổn phận của chúng ta là tái đem lại phẩm giá cho những người anh chị em đó với tư cách là con cái của Thiên Chúa Cha, và đồng hành với những anh chị em đó trên con đường hoán cải của họ.

Chúa Giê-su đã chỉ cho Giáo hội của Ngài thấy một trụ cột thứ hai: „Cho Đi“. Tha thứ là trụ cột thứ nhất; cho đi là trụ cột thứ hai. „Anh em hãy cho để anh em sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy“ (Lc 6,38). Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta gấp bội so với sự xứng đáng của chúng ta, nhưng Ngài sẽ còn quảng đại hơn nữa đối với những ai đã thể hiện sự quảng đại trên dương thế này. Chúa Giê-su đã không nói tới điều gì sẽ diễn ra đối với những kẻ không biết cho đi, nhưng hình ảnh về „mức độ“ chính là một sự cảnh báo: Theo mức độ Tình Yêu mà chúng ta trao tặng, chính chúng ta sẽ quyết định cho mình về việc chúng ta sẽ bị kết án thế nào cũng như về việc chúng ta sẽ được yêu thương thế nào. Ngay trong suy nghĩ, chúng ta cũng nhận ra một lô-gích chặt chẽ: người ta đón nhận từ Thiên Chúa với mức độ nào, thì người ta cũng sẽ trao cho người anh em mình với mức độ đó; và người ta trao cho người anh em theo mức độ nào, thì người ta cũng sẽ nhận được từ Thiên Chúa theo mức độ đó!

Tình Yêu luôn nhân hậu, và vì thế, là con đường duy nhất để bước đi. Tất cả chúng ta đều rất cần phải trở nên nhân hậu một chút để không nói xấu người khác, không kết án họ, không „bới lông tìm vết“ người khác với sự chỉ trích, đố kỵ và ghen tương. Chúng ta phải tha thứ, phải nhân hậu, phải sống cuộc đời mình trong Tình Yêu. Tình Yêu ấy sẽ cho phép các môn đệ của Chúa Giê-su không đánh mất đi căn tính mà họ đã đón nhận từ Ngài, và nhận ra mình là con cái của cùng một Thiên Chúa Cha. Trong Tình Yêu mà họ thực hành nơi cuộc sống, Lòng Xót Thương không cùng sẽ thấy được tiếng vang của mình (xc. 1Cor 13,1-12). Nhưng chúng ta đừng quên những điều sau đây: Lòng Thương Xót và sự cho đi; Lòng Thương Xót và sự cho đi. Và như thế, con tim sẽ tự mở ra; nó sẽ mở ra trong Tình Yêu. Trái lại, sự ích kỷ và sự giận dữ sẽ làm cho con tim bị nhỏ lại, và làm cho nó trở nên chai cứng như cục đá. Anh chị em thích cái gì? Thích một con tim bằng đá hay một con tim được lấp đầy bởi Tình Yêu? Nếu anh chị em thích một con tim được lấp đầy bởi Tình Yêu, thì anh chị em hãy trở nên nhân hậu!

 

Quảng trường Thánh Phê-rô, sáng thứ Tư ngày 21 tháng 09 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội