Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Dành Cho Các Giáo Lý Viên, Quảng Trường Thánh Phê-rô, CN 25.09.2016: Sự bất an về nhiều La-za-rô

 

Anh chị em thân mến!

 

Trong Bài Đọc II, Thánh Phao-lô Tông Đồ đã trao cho Ti-mô-thê, nhưng cũng trao cho cả chúng ta nữa, một số lời khuyên mà chúng nằm sâu trong con tim của Ngài. Ngoài những lời khác ra, Ngài còn nói: „Hãy tuân thủ các giới răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách“ (xc. 1Tim 6,14). Ngài đã nói một cách rất đơn giản về Lề Luật. Có vẻ như Ngài muốn rằng, chúng ta hãy chăm chú hướng về những điều căn bản của Đức Tin. Trong thực tế thì Thánh Phao-lô đã không khuyên người ta hãy thực hiện những chi tiết và những khía cạnh vụn vặt, nhưng Ngài nhấn mạnh tới điểm trung tâm của Đức Tin. Điểm trung tâm mà tất cả đều xoay quanh nó, tức con tim sôi sục có khả năng trao ban sự sống cho tất cả, chính là sứ điệp Phục Sinh, sứ điệp nguyên thủy: Đức Giê-su là Chúa, Ngài đã phục sinh, Đức Giê-su là Thiên Chúa, Ngài yêu thương bạn, và đã hiến trao mạng sống của Ngài cho bạm; phục sinh và hằng sống, Ngài đứng về phía bạn và chờ đợi bạn mỗi ngày. Chúng ta không được quên điều đó.

Trong ngày mừng Năm Thánh dành cho các Giáo Lý Viên này, mỗi người trong chúng ta đều được kêu gọi, đừng bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc đặt sứ điệp chính yếu của Đức Tin vào vị trí đầu tiên: Đức Chúa đã phục sinh. Không có bất cứ nội dung nào quan trọng hơn; không có bất cứ điều chi đáng tin cậy và thời sự hơn. Bất cứ nội dung nào của Đức Tin cũng đều sẽ tuyệt vời nếu như nó luôn liên kết với điểm trung tâm ấy, nếu nó được xuyên thủng bởi sứ điệp Phục Sinh. Trái lại, nếu nó tách ra khỏi điểm trung tâm ấy, nó sẽ đánh mất đi ý nghĩa và sức mạnh. Chúng ta luôn luôn được kêu gọi, hãy sống sự mới mẻ của Tình Yêu Thiên Chúa, và hãy công bố rằng: „Chúa Giê-su thực sự yêu thương bạn như bạn đang là. Hãy trao cho Ngài không gian: Hãy tạo cho Ngài khả năng để Ngài yêu thương bạn, bất chấp những thất vọng và những tổn thương trong cuộc sống. Ngài sẽ không bao giờ thất vọng về bạn!

Giới Luật mà Thánh Phao-lô nói về, cũng cho phép chúng ta nghĩ tới điều răn mới của Chúa Ki-tô. „Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em“ (Ga 15,12). Trong lúc người ta sống tình yêu thương, người ta sẽ công bố Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu – không phải thông qua những chứng từ đầy mệt mỏi, không bao giờ, bằng cách người ta cưỡng bức chân lý, và cũng không phải bằng cách người ta khăng khăng thực thi một bổn phẩn tôn giáo hay luân lý nào đó cách chai cứng. Người ta công bố Thiên Chúa thông qua việc gặp gỡ với những con người và trong sự lưu tâm tới những câu chuyện cũng như tới những con đường của họ. Vì Thiên Chúa không phải là một ý tưởng, nhưng là một ngôi vị sống động: Sứ điệp của Ngài được loan tải thông qua những chứng tá đơn sơ nhưng chân thực, thông qua sự lắng nghe và sự đón nhận, cũng như thông qua niềm vui mà người ta chiếu tỏa nó ra chung quanh. Người ta sẽ không nói tốt về Chúa Giê-su nếu như người ta buồn rầu; và đồng thời người ta sẽ ít tạo điều kiện cho vẻ đẹp của Thiên Chúa nếu như người ta chỉ thực hiện những bài giảng cho hay. Người ta công bố Thiên Chúa của niềm hy vọng bằng cách là sống Tin Mừng Tình yêu ngay trong ngày hôm nay, mà không hề sợ hãi trong việc làm chứng cho Tin Mừng ấy bằng những hình thức loan báo mới.

Bài Tin mừng của ngày Chúa Nhật hôm nay giúp chúng ta hiểu rõ được Tình Yêu có nghĩa là gì, và bài Tin Mừng ấy giúp chúng ta, trước tiên là ngăn ngừa những mối nguy hiểm. Trong dụ ngôn có một người phú hộ, người này đã không quan tâm tới La-za-rô, một người nghèo, „nằm ngay trước cửa nhà ông ta“ (xc. Lc 16,29). Nói một cách nghiêm túc thì người phú hộ này đã không gây ra bất cứ điều xấu nào cho ai; dụ ngôn đã không nói tới việc ông ta là người xấu. Nhưng ông ta có một căn bệnh; căn bệnh này còn tồi tệ hơn cả La-za-rô, mặc dầu „thân xác của La-za-rô toàn mụn nhọn“ (xc. Lc 16, 20). Viên phú hộ này phải chịu đựng một sự mù lòa nặng nề, vì nó không cho phép ông ta nhìn vượt ra bên ngoài thế giới của mình với những bữa tiệc và những bộ quần áo lụa là gấm vóc. Ông ta không nhìn tới được khu vực trước cửa nhà mình, nơi La-za-rô đang nằm, vì điều gì đang xảy ra bên ngoài đã không khiến cho ông phải bận tâm. Ông ta không nhìn bằng cặp mắt, vì ông ta không cảm nhận bằng con tim. Tinh thần thế tục bị thẩm thấu vào trong con tim của ông, tinh thần ấy làm tê liệt tâm hồn. Tinh thần thế tục được ví như một „lỗ đen“, nó ngấu nghiến sự thiện và dập tắt Tình Yêu, vì nó hấp thụ tất cả trong cái TÔI riêng. Và rồi người ta sẽ chỉ nhìn thấy những vẻ bên ngoài, và không nhận thấy người khác, vì người ta đã trở nên thờ ơ lãnh đạm đối với tất cả. Ai phải chịu đựng sự mù lòa nặng nề này, thì người ấy sẽ thường xuyên đón nhận những cách thế xử sự mà chúng sẽ làm cho người ta bị lác mắt trước tất cả: với sự tôn sùng, người ta sẽ ngắm nghía những nhân vật nổi tiếng, thuộc tầng lớp cao, và được thế gian ngưỡng mộ, và tránh né cái nhìn của mình trước rất nhiều La-za-rô của thời đại hôm nay, trước những người nghèo và những người đau khổ mà Thiên Chúa yêu thương họ cách đặc biệt.

Nhưng Thiên Chúa lại ngắm nhìn những con người bị khinh thường và bị loại trừ bởi thế gian. La-za-rô là người duy nhất trong tất cả mọi dụ ngôn của Chúa Giê-su, được Ngài nêu tên. Tên của ông có nghĩa là: „Thiên Chúa cứu giúp“. Thiên Chúa không quên ông, Ngài sẽ đón ông vào cùng với Ab-ra-ham trong bữa tiệc của vương quốc Ngài, trong sự hiệp thông phong phú của Đức Ái. Trái lại, viên phú hộ đã không một lần được nhắc tới tên trong dụ ngôn; cuộc đời của ông bị rơi vào dĩ vãng, vì ai sống cho chính mình thì sẽ không viết nên lịch sử. Người Ki-tô hữu phải viết nên lịch sử! Họ phải đi ra khỏi chính mình để viết nên lịch sử! Nhưng ai chỉ sống cho chính mình thì sẽ không viết nên lịch sử. Sự vô cảm của thời đại hôm nay tạo ra nhiều vực thẳm, mà chúng không được vượt qua cách vĩnh viễn. Và trong khoảnh khắc ấy, chúng ta đã bị sa vào căn bệnh thờ ơ lãnh đạm này, căn bệnh ích kỷ, căn bệnh tinh thần thế tục.

Còn một điều đặc biết khác, một sự trái ngược trong dụ ngôn. Cuộc sống xa hoa của người khuyết danh đã được viết ra để lưu ý người khác: Ông ta đòi hỏi tất cả những gì liên quan đến nhu cầu và quyền lợi của mình. Thậm chí, với tư cách là người chết, ông ta còn khăng khăng đòi cho được sự giúp đỡ, và đòi cho được những lớp áo ngoài của mình. Trái lại, sự nghèo túng của La-za-rô đã được diễn tả với đại phẩm giá: từ môi miệng ông đã không toát ra bất cứ lời than phiền nào, đã không thoát ra sự chống đối hay những lời bất kính nào. Đó là một giáo huấn đầy gía trị: Với tư cách là những người phục vụ Lời Chúa Giê-su, chúng ta được kêu gọi, đừng nhìn vào những điều bên ngoài và đừng tìm kiếm danh vọng; chúng ta không được phép trở nên sầu muộn và ca thán, dù là một lần. Chúng ta không phải là những Ngôn Sứ bất hạnh, những người tìm thấy sự hài lòng trong việc phát hiện ra những nguy cơ hay những chệch hướng. Chúng ta không phải là những người ẩn mình trong thế giới riêng của mình, phát biểu những lời kết án cay đắng về xã hội, về Giáo hội, và về tất cả, cũng như bôi bẩn thế giới bằng sự tiêu cực. Chủ nghĩa hoài nghi và than vãn không thuộc về người tin tưởng vào Lời Thiên Chúa.

Ai công bố niềm hy vọng của Chúa Ki-tô, người ấy chính là một sứ giả niềm vui, và có khả năng nhìn xa trông rộng: họ có đường chân trời vì không có bất cứ bức tường nào che khuất tầm nhìn của họ. Người ấy có khả năng nhìn xa trông rộng vì người ấy biết cách nhìn vượt lên những điều xấu xa và vượt qua các vấn đề. Đồng thời, người ấy cũng nhìn thấy rõ trong khoảng cách ngắn, vì người ấy lưu tâm tới tha nhân cũng như lưu tâm tới những nhu cầu của họ. Đó là điều mà Thiên Chúa đòi hỏi từ chúng ta hôm nay: khi tận mắt chứng kiến rất nhiều La-za-rô, những người mà chúng ta nhìn thấy, chúng ta được kêu gọi hãy trở nên băn khoăn và hãy tìm kiếm những cách thế để gặp gỡ họ cũng như để giúp đỡ họ, mà không hề tìm cách đẩy việc đó cho người khác, hay nói: „Ngày mai tôi sẽ giúp bạn, hôm nay tôi không có thời gian, ngày mai tôi sẽ giúp bạn.“ Và đó là một trọng tội. Thời gian để giúp đỡ chính là một thời gian được Chúa Giê-su ban tặng, là Tình Yêu bất biến: Đó là gia tài trên trời của chúng ta, nhưng chúng ta có thể tậu được gia tài đó ngay tại dương thế này.

Để kết luận, thưa các Giáo Lý Viên và anh chị em thân mến, ước gì Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta, để mỗi ngày, thông qua niềm vui của sứ điệp nguyên thủy, chúng ta có thể công bố rằng: „Chúa Giê-su đã chết và đã phục sinh, Chúa Giê-su yêu thương từng cá nhân một trong chúng ta!“ Và để kinh nghiệm về sự canh tân, xin Ngài ban sức mạnh cho chúng ta để sống giới răn Tình Yêu và công bố giới răn đó; cũng xin Ngài ban sức mạnh để chúng ta vượt thắng sự mù lòa của những điều có vẻ, cũng như vượt thắng những sầu muộn thế gian. Xin Ngài làm cho chúng ta biết nhậy cảm đối với những người nghèo, họ không phải là những người chỉ được nói tới trong những trang phụ lục của Tin Mừng, nhưng được viết ngay ở trang giữa, tức trang luôn luôn nằm trước mắt tất cả mọi người ngay khi được mở ra.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô sáng Chúa Nhật ngày 25 tháng 09 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội