Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Canh Thức Mừng Kính Đức Maria, Chiều Thứ Bảy 08.10.2016

 

Anh chị em thân mến,

Trong buổi canh thức này, cùng với Đức Maria, một lần nữa chúng ta lại bước vào trong những khoảnh khắc có tính căn bản của cuộc đời Chúa Giê-su. Trong tinh thần và trong con tim, chúng ta đã hồi tưởng lại thời gian khi sứ mạng của Chúa Giê-su đã trở nên thành toàn trên thế giới: sự phục sinh như là dấu chỉ cho Tình Yêu tột bậc của Thiên Chúa Cha, mà Tình Yêu ấy đã tái dẫn đưa tất cả đi vào trong sự sống, và như là sự tiên đoán về sự hiện hữu tương lai của chúng ta; cuộc Thăng Thiên như là sự tham dự vào với vinh quang của Thiên Chúa Cha, mà trong vinh quang đó, nhân loại chúng ta cũng tìm thấy được một chỗ ưu tiên cho mình; Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống như là sự diễn tả về sứ mạng của Giáo hội trong lịch sử cho tới thời tận cùng, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Trong cả hai mầu nhiệm cuối cùng, chúng ta đã chiêm ngưỡng Đức Maria trong vinh quang Thiên Đàng, mà ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Mẹ đã được kêu cầu với tư cách là Thân Mẫu của Lòng Thương Xót.

Trong nhiều mối liên hệ, việc cầu nguyện với Tràng Hạt Mân Côi chính là sự tóm tắt lịch sử Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, mà lịch sử ấy đã, đang và sẽ trở thành lịch sử cứu độ đối với tất cả những ai để cho mình được tạo hình bởi ân sủng. Những mầu nhiệm mà chúng vượt lên trước chúng ta, chính là những cử chỉ cụ thể mà hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta biểu lộ trong đó. Thông qua việc chiêm ngưỡng có tính cầu nguyện về cuộc đời của Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta sẽ tái thấy được dung nhan đầy nhân hậu của Ngài, dung nhan ấy đến với tất cả trong những nỗi cùng khốn khác nhau của cuộc sống. Đức Maria đang đồng hành với chúng ta trên con đường này, và ở đây, chỉ cho chúng ta thấy Chúa Con, Đấng chiếu giãi Lòng Thương Xót của chính Thiên Chúa. Mẹ thực sự là Hodigitria (Mẹ Thiên Chúa), là Thân Mẫu, Đấng chỉ cho thấy con đường mà chúng ta nên đi, để trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô. Trong mỗi mầu nhiệm Kinh Mân Côi, chúng ta cảm nhận được Mẹ đang gần gũi với chúng ta biết dường nào, và chúng ta chiêm ngưỡng Mẹ với tư cách là Nữ Môn Đệ đầu tiên của chính Con Mẹ, mà Nữ Môn Đệ đó luôn thực thi Thánh Ý Chúa Cha (xc. Lc 8,19-21).

Việc cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi sẽ không đưa chúng ta đi ra khỏi những lắng lo của cuộc sống hằng ngày; trái lại, nó đòi chúng ta phải đi vào trong những câu chuyện của cuộc sống thường nhật để có thể nhận ra những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Mỗi lần, mỗi phút giây, khi chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm cuộc sống của Chúa Ki-tô, chúng ta đều được mời gọi hãy hiểu cho được việc Thiên Chúa bước vào trong cuộc sống chúng ta như thế nào, để rồi đón nhận Ngài và đi theo Ngài. Nếu chúng ta đón nhận về cho mình một số biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giê-su, và thủ đắc chúng để làm của riêng cho mình, thì chúng ta sẽ tham dự vào công cuộc loan báo Tin Mừng của Ngài, và nhờ thế, Triều Đại Thiên Chúa sẽ phát triển và mở rộng trên thế giới. Chúng ta là những người môn đệ, nhưng cũng là những nhà truyền giáo, và cũng là những người mang Chúa Ki-tô tới nơi mà Ngài yêu cầu chúng ta hiện diện ở đó. Vì thế, chúng ta không được phép cất kỹ ân sủng về sự hiện hữu của Ngài trong bản thân chúng ta. Đúng hơn, chúng ta được kêu gọi hãy chia sẻ cho tất cả mọi người Tình Yêu, sự trìu mến, sự tốt lành và Lòng Thương Xót của Ngài. Niềm vui phát xuất từ việc chia sẻ sẽ không làm cho người ta phải dừng bước trước bất cứ điều chi, vì nó mang đến một sứ điệp giải thoát và cứu độ.

Xin Đức Maria dậy cho chúng ta hiểu được việc trở thành môn đệ của Chúa Ki-tô có nghĩa là gì. Mặc dầu được tuyển chọn từ muôn người để trở thành Thân Mẫu của Chúa Ki-tô, nhưng Mẹ cũng đã học hỏi để trở thành Nữ Môn Đệ của Ngài. Thái độ đầu tiên của Mẹ hệ tại ở chỗ lắng nghe Thiên Chúa. Mẹ đã vâng nghe sứ điệp của Tổng Lãnh Thiên Thần, và đã mở con tim của Mẹ ra hầu đón nhận mầu nhiệm làm Mẹ Thiên Chúa. Mẹ đã đi theo Chúa Giê-su và đã lắng nghe bất cứ Lời nào phát xuất từ môi miệng Ngài (xc. Mc 3,31-35); Mẹ đã bảo trì tất cả trong lòng Mẹ (xc. Lc 2,19), và trở thành sự tưởng nhớ sống động của các dấu chỉ được thực hiện bởi Con Thiên Chúa, hầu khơi lên Đức Tin của chúng ta. Nhưng nếu chỉ lắng nghe thôi thì vẫn chưa đủ. Một cách nào đó, việc lắng nghe mới chỉ là bước đầu tiên, nhưng sau đó cần phải biến việc lắng nghe thành những hành động cụ thể. Thực ra, người môn đệ sẽ đặt toàn bộ cuộc sống mình vào trong sự phục vụ Tin Mừng.

Vì thế, Mẹ đã ngay lập tức lên đường đến với bà Elisabeth để giúp đỡ bà trong lúc bà đang mang thai (xc. Lc 1,39-56); tại Bê-lem, Mẹ đã sinh hạ Con Thiên Chúa cho thế giới (xc. Lc 2,1-7); tại Cana, Mẹ đã lo lắng cho đôi uyên ương đang trong ngày cưới (xc. Ga 2,1-11); trên đồi Golgotha, Mẹ đã không lùi bước trước đau khổ, nhưng vẫn lưu lại dưới chân Thập Giá Chúa Giê-su, và theo Thánh Ý Ngài, đã trở thành Mẹ Giáo hội (xc. Ga 19,25-27); sau khi Chúa phục sinh, Mẹ đã động viên các Tông Đồ quy tụ lại trong Nhà Tiệc Ly để chờ đợi Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho họ trở nên những sứ giả can trường của Tin Mừng (xc. Cv 1,14). Trong toàn bộ cuộc sống của Mẹ, Đức Maria đã hiện thực hóa điều mà nó được đòi hỏi từ phía Giáo hội, tức hãy thực hiện sự tưởng nhớ vĩnh cửu đối với Chúa Ki-tô. Nơi Đức Tin của Đức Maria, chúng ta thấy được mình nên mở cánh cửa tâm hồn mình ra như thế nào để vâng phục Thiên Chúa; nơi sự vô vị lợi của Mẹ, chúng ta khám phá ra được việc chúng ta rất nên lưu tâm tới những nỗi khốn cùng của người khác như thế nào; trong những giọt lệ của Mẹ, chúng ta tìm thấy được sức mạnh để an ủi những ai đang phải khổ đau. Trong từng khoảnh khắc ấy, Đức Maria đều diễn tả cho thấy sự giầu sang phong phú của Lòng Thương Xót phát xuất từ Thiên Chúa, mà Lòng Thương Xót ấy luôn đến với mỗi người trong những nỗi khốn cùng của cuộc sống hằng ngày.

Chiều hôm nay chúng ta hãy kêu cầu với Thân Mẫu rất đáng mến yêu của chúng ta trên Thiên Đàng với Lời Kinh cổ xưa nhất, mà với nó, các Ki-tô hữu đã hướng lên Mẹ, đặc biệt là trong những khoảnh khắc khó khăn cũng như trong lúc chịu Tử Đạo. Chúng ta hãy thân thưa với Mẹ trong niềm tin tưởng rằng, chúng ta sẽ có được kinh nghiệm về ơn trợ giúp từ Lòng Thương Xót từ mẫu của Mẹ, vì với tư cách là „Đức Trinh Nữ vinh quang và đầy ân sủng“, Mẹ có thể trở nên sự bao bọc chở che, trở nên ơn phù giúp và phúc lành cho chúng ta trong mọi ngày của đời sống chúng ta:

Chúng con chạy đến trú ẩn dưới sự bao bọc chở che và sự bảo vệ của Mẹ, ôi lạy Mẹ Thiên Chúa chí thánh; xin đừng hắt hủi lời cầu cứu của chúng con trong những cơn khốn cùng, nhưng xin cứu chúng con ra khỏi tất cả mọi nỗi hiểm nguy, cả trong lúc này và mãi mãi, ôi Mẹ là Trinh Nữ vinh quang và đầy ân sủng.“

 

Quảng trường Thánh Phê-rô, chiều thứ Bảy ngày mồng 08 tháng 10 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội