Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung Trưa Chúa Nhật 29.01.2017: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó!

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Phụng Vụ Chúa nhật hôm nay cho phép chúng ta chiêm ngưỡng các Mối Phúc (xc. Mt 5,1-12). Những Mối Phúc ấy đã khai mào một đại diễn từ mà nó được gọi là „Bài Giảng Trên Núi“, hay cũng còn được gọi là „Đại Hiến Chương“ của Tân Ước. Chúa Giê-su đã mạc khải Thánh Ý Thiên Chúa để dẫn đưa con người đi tới với niềm hạnh phúc. Sứ điệp này đã được chứa đựng trong những lời loan báo của các Ngôn Sứ: Thiên Chúa đứng về phía những người nghèo và những người bị áp bức, và sẽ giải thoát họ khỏi những kẻ lạm dụng. Nhưng trong lời công bố của Ngài, Chúa Giê-su đã đi theo một con đường đặc biệt: Ngài bắt đầu với thuật ngữ „phúc thay“, có nghĩa là hạnh phúc thay; từ đó, Ngài mô tả tình trạng để được chúc phúc; và Ngài khép lại với một lời hứa.

Lý do được chúc phúc, tức lý do dẫn tới hạnh phúc, không nằm trong tình trạng bị đòi hỏi – chẳng hạn như „những ai có tâm hồn nghèo khó“, „những kẻ buồn sầu“, „những kẻ đói khát sự công chính“, „những kẻ bị bách hại“… -, nhưng trong lời hứa sau đó, mà lời hứa ấy được đón nhận với Đức Tin như là tặng phẩm của Thiên Chúa. Nó xuất phát từ tình trạng cần phải mở ra cho tặng phẩm của Thiên Chúa và tìm thấy đường để đi vào một thế giới mới, đi vào „vương quốc“ mà Chúa Giê-su công bố. Điều này không hề là một sự tự động, nhưng là một con đường cuộc sống trong việc đi theo Chúa, vì thế thực tại nghèo túng và đau khổ sẽ được nhìn trong một viễn tượng mới, và sẽ được trải qua với sự hoán cải tương ứng mà người ta thực hiện. Người ta sẽ không có phúc nếu người ta đã không hoán cải, không ở trong tình trạng sống và quý trọng tặng phẩm của Thiên Chúa.

Cha muốn đề cập một cách đặc biệt tới Mối Phúc thứ nhất: „Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ“ (Mt 5,49. Người có tâm hồn nghèo khó là người đã đón nhận những cảm nghĩ và những thái độ của bất cứ người nghèo nào mà họ không nổi dậy trong hoàn cảnh của mình, nhưng hiểu nó để trở nên can đảm và ngoan ngùy cũng như sẵn sàng trước ân sủng của Thiên Chúa. Niềm hạnh phúc của những người nghèo – của những người có tâm hồn nghèo khó – sở hữu một chiều kích kép: đối với tài sản vật chất và đối với Thiên Chúa. Trong mối liên đệ đến tài sản, đến tài sản vật chất, thì người có tâm hồn nghèo khó là người có sự điều độ đúng mực: không cần phải khước từ, nhưng có khả năng thưởng nếm những điều chính yếu, có khả năng chia sẻ, có khả năng tái sửng sốt mỗi ngày về sự ưu việt của những sự việc mà không hề trở nên nặng nề trong sự ngột ngạt của sự hưởng thụ đầy thèm khát. Tôi càng có nhiều thì tôi càng muốn có nhiều hơn nữa; tôi càng có nhiều thì tôi lại càng ước muốn có nhiều hơn: đó là sự hưởng thụ đầy thèm khát. Và điều đó sẽ giết chết tâm hồn. Và người nam hay người nữ nào thực hiện điều đó, tức sở hữu hành vi „tôi càng có nhiều thì tôi càng muốn có nhiều hơn“, thì sẽ không được tự do và sẽ không đạt tới được niềm hạnh phúc. Trong mối liên hệ với Thiên Chúa, người có tâm hồn nghèo khó là người ca ngợi và nhìn nhận cách biết ơn rằng, thế giới là một phúc lành, và Tình Yêu sáng tạo của Thiên Chúa Cha hiện diện ngay từ lúc khởi đầu thế giới. Nhưng nó cũng là một sự mở ra cho Ngài, ngoan ngùy đối với quyền thống trị của Ngài: Ngài là Thiên Chúa, Đấng vĩ đại, không phải tôi lớn vì tôi có nhiều thứ! Ngài là Đấng đã muốn có thế giới cho tất cả mọi người, và Ngài đã muốn có nó để con người được hạnh phúc. Người có tâm hồn nghèo khó chính là một Ki-tô hữu không phó mặc bản thân mình cho chính mình, cho sự giầu sang vật chất của mình, không chai lỳ với những ý kiến riêng của mình, nhưng lắng nghe với đầy lòng kính trọng, và thích đặt mình bên dưới những quyết định của người khác.

Ước gì trong các cộng đoàn chúng ta sẽ có nhiều những con người nghèo khó trong tâm hồn hơn, và sẽ có ít những mâu thuẫn, những bất hòa và những cuộc luận chiến hơn! Sự khiêm nhượng, giống như Đức Ái, là một nhân đức có tính căn bản đối với đời sống chung trong các cộng đoàn Ki-tô hữu. Những người nghèo trong ý nghĩa tương ứng với bài Tin Mừng hôm nay sẽ tỏ thái độ như là những con người luôn hướng mục tiêu về Triều Đại Thiên Chúa, và như thế, cho phép nhận ra rằng, Triều Đại ấy sẽ được tiên đoán ngay từ lúc nhú mầm trong cộng đoàn huynh đệ, tức cộng đoàn yêu thích việc chia sẻ những tài sản.

Cha muốn nhấn mạnh điều đó: yêu thích việc chia sẻ những tài sản. Luôn luôn có một con tim rộng mở và có một đôi tay mở ra thay vì khép lại. Nếu con tim bị khép lại thì rồi đó sẽ là một con tim bị thu hẹp. Nó sẽ không biết yêu thương, dù chỉ một lần. Nếu con tim mở ra, thì nó sẽ đi trên con đường Tình Yêu. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương và là hoa trái đầu mùa của những con người có tâm hồn nghèo khó, vì Mẹ hoàn toàn tuân phục đối với Thánh Ý Thiên Chúa, giúp chúng ta để chúng ta biết phó thác cho Thiên Chúa, Đấng giầu Lòng Nhân Hậu, để Ngài ban ân sủng của Ngài cho chúng ta một cách dồi dào, đặc biệt là dồi dào trong sự tha thứ của Ngài.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật ngày 29 tháng 01 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017