Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Tại Quảng Trường Các Thánh Tử Đạo, Carpi, Italia, Chúa Nhật V MC, 02.04.2017

Anh chị em thân mến!

Các Bài Đọc hôm nay nói về Thiên Chúa của sự sống, Đấng chiến thắng sự chết. Chúng ta hãy chú tâm cách đặc biệt tới phép lạ và dấu chỉ cuối cùng mà Chúa Giê-su đã thực hiện tại mộ ông La-gia-rô, bạn của Ngài, trước khi Ngài bước vào cuộc Vượt Qua.

Ở đó, tất cả mọi sự sẽ qua đi: ngôi mộ bị đóng kín với một tảng đá lớn; khắp nơi chỉ toàn nước mắt và sự tuyệt vọng. Chúa Giê-su cũng bị dao động bởi mầu nhiệm bi ai của việc mất một người thân: „Ngài thổn thức trong lòng và xao xuyến“ (Ga 11,33). Sau đó „Chúa Giê-su khóc“ (Ga 11,35) rồi Ngài, như Tin Mừng nói, „lại thổn thức trong lòng“ (Ga 11,38), và đi tới mộ. Đó là con tim của Thiên Chúa: tránh xa sự ác, nhưng gần gũi với những người khổ đau. Ngài không làm cho sự dữ bị biến mất theo một cách thức ma thuật, nhưng chia sẻ nỗi khổ đau trong sự đồng đau khổ, Ngài biến nó thành của riêng Ngài và biến đổi nó, bằng cách là Ngài lưu lại trong nó.

Nhưng chúng ta nhận thấy rằng, Chúa Giê-su không để cho mình bị cuốn vào trong cảnh đau buồn chung về cái chết của La-gia-rô bởi sự bạc nhược. Và khi chính bản thân Ngài cũng bị khổ đau, thì lúc đó, Ngài đã mời gọi người ta hãy có một Đức Tin vững mạnh. Ngài không tự nhốt mình lại trong những giọt nước mắt của mình, nhưng với sự thổn thức, Ngài đã lên đường đi tới nấm mộ. Ngài không để cho mình bị bắt giam bởi những cảm giác ngao ngán mà chúng đang bao quanh Ngài, nhưng đã cầu nguyện với trọn niềm tín thác: „Lạy Cha, con cảm tạ Cha“ (Ga 11,41). Trong mầu nhiệm đau khổ, khi tận mắt chứng kiến mầu nhiệm này, suy nghĩ và việc đi tiếp bị vỡ ra từng mảnh giống như một tấm kính bị vỡ tan, Chúa Giê-su đã trao cho chúng ta một mẫu gương để dậy chúng ta nên xử sự như thế nào: Ngài không chạy trốn trước nỗi khổ đau mà nó thuộc về kiếp sống này, nhưng cũng không để cho mình bị giam giữ bởi sự yếm thế.

Nơi nấm mộ này đã diễn ra một cuộc gặp gỡ và một sự quan tâm đầy ấn tượng. Đứng ở phía bên kia là sự vô cùng ngỡ ngàng và sự tạm bợ nơi cuộc sống phải chết của chúng ta, mà sự sống ấy luôn bị xâm chiếm bởi nỗi sợ hãi trước cái chết, và thường xuyên trải qua những thất bại, một đêm đen nội tâm có vẻ như không thể thắng vượt. Tâm hồn được sáng tạo nên cho sự sống của chúng sẽ rất đau khổ khi nó cảm thấy rằng, cơn khát sự thiện vĩnh cửu đang bị áp chế bởi một sự ác cổ xưa và đen tối. Ở phía bên này là sự thất bại với nấm mồ. Nhưng ở phía bên kia có niềm hy vọng, và niềm hy vọng này sẽ chiến thắng sự chết và sự dữ. Niềm hy vọng ấy có một tên gọi: Niềm hy vọng có tên là Giê-su. Ngài không mang tới một ít sức khỏe hay một thứ thuốc men nào đó để kéo dài sự sống, nhưng Ngài công bố rằng: „Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù có chết cũng sẽ được sống“ (Ga 11,25). Vì thế, Ngài nói với sự dứt khoát: „Đem phiến đá này đi!“ (Ga 11,39), và Ngài gọi La-gia-rô với giọng lớn: „Hãy ra khỏi mồ!“ (Ga 11,43).

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng được mời gọi hãy quyết định xem mình nên đứng về bên nào. Người ta có thế đứng về phía của nấm mồ hay đứng về phía của Chúa Giê-su. Một đàng thì tự nhốt mình lại trong sự sầu muộn, còn đàng khác thì mở ra cho niềm hy vọng. Có người cứ muốn ở mãi trong cảnh điêu tàn của sự sống, nhưng cũng có người – như anh chị em – với ơn trợ giúp của Thiên Chúa, sẽ dọn dẹp đống đổ nát và xây dựng lại với niềm hy vọng đầy kiên nhẫn.

Khi tận mắt chứng kiến câu hỏi „Tại Sao“ của cuộc sống, chúng ta có hai cách: chúng ta có thể buồn rầu ngoái nhìn về những nấm mộ của ngày hôm qua và hôm nay, hay cũng có thể mang Chúa Giê-su đến với những nấm mồ của chúng ta. Vâng, vì mỗi người trong chúng ta cũng đều đã có sẵn một nấm mồ nhỏ, một khu vực trong con tim, khu vực ấy đang bị chết một chút: một vết thương; một sự bất công phải chịu đựng hay đã phạm phải; một mối ác cảm mà nó không có sự bình an; một vết cắn trong lương tâm, mà vết cắn đó luôn luôn tái xuất hiện; một tội lỗi mà chúng ta không vượt qua được. Ngày hôm nay chúng ta hãy cố tìm cho ra những nấm mồ nho nhỏ mà chúng ta đang có trong mình, và hãy mời Chúa Giê-su đến đó. Có thể hiếm nhưng cũng có thể chúng ta thường thích ở lì một mình trong những chiếc hang tối tăm nơi nội tâm chúng ta, thay vì mời Chúa Giê-su đến đó. Chúng ta luôn bị cám dỗ tìm kiếm chính mình, bằng cách là chúng ta suy nghĩ, chúng ta chìm đắm trong sự sợ hãi, và thích liếm láp những vết thương của mình thay vì đi đến với Đấng đang muốn nói với chúng ta: „Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng“ (Mt 11,28).

Chúng ta đừng để cho mình bị bắt giam bởi cơn cám dỗ muốn ở lì một mình và thất vọng để vỡ ra trong sự thương thân trách phận về điều mà nó đã xảy ra cho mình. Chúng ta đừng nhân nhượng trước lô-gích vô bổ và vô sinh của sự sợ hãi, đừng nhân nhượng trước việc lặp đi lặp lại một cách yên phận rằng, tất cả đều tồi tệ và chẳng còn có bất cứ điều gì như trước kia nữa. Đó là bầu khí của nấm mộ. Trái lại, Thiên Chúa muốn mở ra con đường sự sống, con đường gặp gỡ với Ngài, tín thác vào Ngài, con đường phục sinh con tim, con đường „Hãy đứng dậy! Đứng dậy và đi ra!“ Đó là điều mà Thiên Chúa đang đòi hỏi từ nơi chúng ta, và Ngài sẽ đứng về phía chúng ta để làm điều đó.

Và rồi chúng ta sẽ cảm thấy rằng, những lời mà Chúa Giê-su nói với ông La-gia-rô cũng được hướng về từng người trong chúng ta: „Hãy ra khỏi mộ!“ Hãy ra khỏi sự phong tỏa của nỗi sầu buồn vô vọng! Hãy tháo những chiếc băng cuốn của nỗi sợ hãi ra, vì những chiếc băng đó đang cản trở bạn lên đường! Hãy nói với những cái thòng lọng của sự yếu đuối và lo lắng mà chúng đang phong tỏa bạn rằng, Thiên Chúa sẽ tháo gỡ mọi nút thắt. Nếu chúng ta đi theo Chúa Giê-su, chúng ta sẽ học để không thắt chặt cuộc sống mình vào với những vấn đề đang phát triển: vẫn luôn có những vấn đề, luôn luôn, và khi chúng ta giải quyết một trong những vấn đề đó, thì rồi một cái khác sẽ lại ngoi lên. Nhưng chúng ta có thể tìm thấy một sự kiên định mới, và sự kiên định này chính là Chúa Giê-su, sự kiên định này có tên là Giê-su, Đấng là sự sống lại và là sự sống: cùng với Ngài, niềm vui sẽ cư ngụ trong con tim, niềm hy vọng sẽ được tái sinh, sự đau khổ sẽ được biến thành sự bình an, sự sợ hãi sẽ được biến thành niềm tín thác, cơn thử thách sẽ biến thành lễ vật vì Tình Yêu. Và ngay cả khi không bao giờ thiếu những gánh nặng: bàn tay chân thành của Ngài và những lời động viên của Ngài vẫn luôn có đó. Và Ngài nói với tất cả chúng ta, từng người một trong chúng ta: „Hãy bước ra khỏi mộ và đến với Ta!“ Ngài nói với tất cả chúng ta: „Đừng sợ!

Cũng giống như ngày xưa, ngày hôm nay Chúa Giê-su cũng đang nói với chúng ta: „Đem phiến đá này đi!“ Dù quá khứ có nặng nề bao nhiêu, tội lỗi có to lớn biết chừng nào, sự xấu hổ có mạnh đến mấy, thì chúng ta cũng đừng bao giờ chốt cửa không cho Chúa vào. Chúng ta đừng để phiến đá nằm trước Ngài, nhưng hãy quăng nó ra xa khỏi Ngài, bởi phiến đã đó sẽ ngăn cản Ngài bước vào: Giờ đây chính là mùa ân sủng để loại bỏ những tội lỗi, những bấu bám của chúng ta vào với những điều vô bổ thế gian, cũng như dũ bỏ sự kênh kiệu của chúng ta, bởi sự kênh kiệu ấy luôn phong tỏa tâm hồn chúng ta; và loại bỏ rất nhiều thái độ thù địch giữa chúng ta, trong các gia đình… Đây chính là giờ ân sủng để tránh xa tất cả những điều đó. Được Chúa Giê-su viếng thăm và được Ngài giải phóng cho, chúng ta hãy xin cho được ơn trở nên những chứng nhân của sự sống giữa thế giới này, bởi thế giới này đang đói khát sự sống; trở nên những chứng nhân có khả năng khơi lên niềm hy vọng vào Thiên Chúa trong những tâm hồn mệt mỏi và đang bị đè nặng bởi nỗi sầu muộn, cũng như có khả năng tái hồi sinh những tâm hồn ấy. Việc loan báo Tin Mừng của chúng ta chính là niềm vui về Thiên Chúa, Đấng đang sống, và hôm nay cũng vẫn đang còn nói như trong thời Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en: „Ta sẽ mở những nấm mồ của các ngươi ra, và sẽ mang các ngươi – hỡi dân Ta – ra khỏi những nấm mồ của các ngươi“ (Ed 37,12).

Quảng trường các Thánh Tử Đạo, Carpi, Italia

Chúa Nhật thứ V Mùa Chay ngày mồng 02 tháng 04 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017