Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Làm Phép Dầu Tại Đền Thờ Thánh Phê-rô, Thứ Năm Tuần Thánh, 13.04.2017

Anh chị em thân mến!

Thần Khí Chúa ngự trên tôi,

vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,

để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.

Người đã sai tôi đi công bố

Cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,

cho người mù biết họ được sáng mắt,

trả lại tự do cho người bị áp bức“ (Lc 4,18).

Chúa Ki-tô, Đấng được xức dầu bởi Thần Khí, đã mang „Tin Mừng“ đến cho những người nghèo khổ. Tất cả những gì mà Chúa Giê-su và cả chúng ta nữa công bố, đều là Tin Mừng. Tin Mừng ấy được lấp đầy bởi niềm vui của Phúc Âm: Nó biểu lộ niềm vui của người được xức bằng dầu thứ tha trong tội lỗi của mình và trong đặc sủng với dầu của sự sai đi để xức dầu cho những người khác. Và giống như Chúa Giê-su, Linh mục tạo cho việc công bố Tin Mừng một hình tượng vui mừng với toàn bộ con người của Ngài. Khi Ngài giảng – ngắn bao nhiêu có thể -, thì Ngài hãy thực hiện việc này với niềm vui mà nó đụng chạm tới con tim của những con người được ủy thác cho Ngài với lời nói mà qua đó, Thiên Chúa đã đụng chạm đến chính vị Linh mục trong lúc vị Linh mục đó cầu nguyện. Như từng người một trong số những tông đồ truyền giáo, với toàn bộ kiếp hiện sinh của mình, Linh mục hãy tạo cho việc loan báo Tin Mừng một sự diễn tả vui mừng. Và mặt khác, đó là những cá nhân, dù nhỏ bé nhất – tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về điều đó -, những cá nhân đó sẽ cảm thấy niềm vui tốt hơn, và sẽ loan báo: nếu một ai đó thực hiện thêm một bước tiến nho nhỏ nữa, và như thế làm cho Lòng Thương Xót tràn cả vào vùng đất không người ở; nếu ai đó quyết ấn định ngày giờ và thời gian cụ thể cho cuộc gặp gỡ; nếu ai đó điềm tĩnh và sẵn sàng cho phép người khác sử dụng thời gian của mình…

Có thể nói về Tin Mừng theo một cách đơn giản là „tin vui“, nó giống như là một „sứ điệp vui mừng“, hay một „bản tin tốt lành“. Nhưng nó chứa đựng một cái gì đó mà tất cả những điều còn lại bao hàm trong mình: Niềm Vui Tin Mừng. Nó bao hàm tất cả, vì nó vui mừng trong chính nó.

Tin vui là hạt ngọc quý giá phát xuất từ Tin Mừng. Nó không phải là đồ vật, nhưng nó là một sứ mạng. Tin vui này biết rõ ai là người đã nếm trải „niềm vui nội tâm và đầy ủi an của việc loan báo Tin Mừng“ (Thông Điệp Evangelii gaudium, 10).

Tin Vui phát xuất từ việc được xức dầu. Sự „xức dầu tư tế“ đầu tiên của Chúa Giê-su chính là sự xức dầu mà nó được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần trong cung lòng Đức Maria.

Trong ngày ấy, Tin Vui đã làm cho người Mẹ Đồng Trinh cất lên bài ca Magnificat; Tin Vui ấy chất đầy con tim của Thánh Giu-se, phu quân của Đức Maria, với sự thinh lặng thánh thiêng, và làm cho Gio-an nhảy lên trước niềm vui trong dạ mẹ mình là bà Elisabeth.

Hôm nay Chúa Giê-su trở về Nazareth, và niềm vui của Chúa Thánh Thần đã canh tân sự xức dầu trong hội đường nhỏ của ngôi làng: Thần Khí ngự xuống trên Ngài, Thần Khí được đổ trên Ngài và xức cho Ngài dầu thơm hoan lạc (xc. Tv 45,8).

Đó là Tin Vui. Một từ duy nhất – Tin Mừng -, Tin Mừng này trở thành chân lý vui mừng và nhân hậu ngay tại việc công bố.

Không ai có thể tách rời được ba ân sủng sau đây của Tin Mừng ra khỏi nhau: chân lý của nó – không thể được thương lượng -, Lòng Thương Xót của nó – vô điều kiện đối với mọi tội nhân –, và niềm vui của nó – sâu thẳm và bao hàm.

Chân lý của Tin Mừng sẽ không bao giờ chỉ là một trong những chân lý trừu tượng, tức những chân lý không tiếp nhận toàn bộ hình tượng trong cuộc sống con người, vì chúng ngỡ rằng mình dễ chịu hơn những văn tự được in trong những cuốn sách.

Lòng Thương Xót của Tin Mừng sẽ không bao giờ là một sự thương hại sai quấy, mà sự thương hại ấy vẫn để các tội nhân ở lại trong nỗi khốn cùng của họ, vì không trao cánh tay ra cho họ để kéo họ đứng dậy, cũng như không đồng hành với họ trong những cố gắng tiến về phía trước.

Không bao giờ Tin Mừng trở nên sầu thảm hay trung tính, vì nó là sự diễn tả của một niềm vui hoàn toàn cá nhân, và thực ra, đó là „niềm vui của một người Cha không muốn mất đi bất cứ một đứa con nào, cho dẫu đó chỉ là đứa con nhỏ nhất của Ngài“ (Thông Điệp Evangelii gaudium, 237): Đó là niềm vui của Chúa Giê-su khi Ngài thấy rằng, Tin Mừng được công bố cho những người nghèo, và thấy những kẻ bé mọn lên đường để loan báo Tin Mừng (xc. nt., 5).

Những niềm vui của Tin Mừng – giờ đây Cha sử dụng ở số nhiều, vì có rất nhiều niềm vui khác nhau, tùy thuộc vào cách Chúa Thánh Thần công bố chúng cho mỗi con người thuộc mọi nền văn hóa và thuộc mọi thời đại – là những niềm vui đặc biệt. Chúng phải được đổ vào trong những bầu da mới, vào trong những bầu da mà Chúa Giê-su đã nói về chúng để diễn tả sự mới mẻ của Tin Mừng do Ngài mang đến.

Cha muốn cùng với anh chị em - các Linh mục và anh chị em thân mến – quan sát ba hình tượng của những chiếc bình da mới mà trong chúng, Tin Mừng được bảo quản rất tốt và không bị trở thành dấm, nhưng có thể được đổ vào trong sự tràn trề.

Một hình ảnh về Tin Mừng chính là những chiếc chum nước trong tiệc cưới Cana (xc. Ga 2,6). Trong một chi tiết, chúng phản ánh rất tốt chiếc vò da hoàn hảo, là chính Mẹ Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria. Tin Mừng viết rằng: „Họ đổ đầy tới miệng những chiếc bình đó“ (Ga 2,7). Cha hình dung ra rằng, một người trong số các viên đầy tớ đã nhìn Đức Maria để hỏi Mẹ xem liệu đổ bằng ấy nước đã đủ chưa, hay phải đổ thêm một vài thùng nước nữa vào trong những chiếc bình đó. Đức Maria chính là chiếc vò mới của sự viên mãn có sức lan tỏa. Mẹ là „Nữ Tỳ của Thiên Chúa Cha, người đã bùng lên trong khúc ca ngợi khen“ (Thông Điệp Evangelii gaudium, 286), là Thân Mẫu của Thiên Chúa, Đấng mau chóng cứu giúp. Chỉ vừa mới đón nhận Lời Sự Sống vào trong cung lòng vô nhiễm của mình, Mẹ đã lên đường đến thăm người chị họ Elisabeth và phục vụ bà. Sự viên mãn có sức lan tỏa của Mẹ làm cho chúng ta có thể thắng vượt cơn cám dỗ của sự hãi sợ: sự thiếu can đảm trong việc để cho mình được đổ đầy tới miệng; sự nhút nhát đến độ bỏ qua việc thiêu đốt người khác bằng niềm vui. Nếu thiếu can đảm như thế thì thật rất tiếc, bởi vì „Niềm Vui Tin Mừng sẽ lấp đầy con tim và toàn bộ cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giê-su“ (Nt., số 1).

Hình ảnh thứ ha của Tin Mừng đó là chiếc bình đựng nước mà người thiếu phụ Samaria đội trên đầu với chiếc gầu múc nước bằng gỗ trên tay, trong ánh nắng chói chang lúc ban trưa (xc. Ga 4,5-30). Ở đây, vấn đề đã diễn tả rất tốt một điều căn bản: tính cụ thể. Thiên Chúa, nguồn cội của mạch nước hằng sống, đã không có chiếc gầu để múc nước và để uống một ngụm. Và người thiếu phụ Samaria đã lấy chiếc gầu khỏi chiếc bình của bà và đã làm thỏa cơn khát của Chúa. Và chị còn làm thỏa lòng Ngài hơn nữa qua việc nhìn nhận những tội lỗi cụ thể của mình. Vì Chúa Thánh Thần đã lay mạnh chiếc bình của người thiếu phụ Samaria trước khi Lòng Thương Xót trào ra, nên Ngài đã tuôn tràn trên tất cả mọi cư dân của ngôi làng bé nhỏ ấy, và họ đã đến mời Chúa lưu lại với họ.

Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một chiếc vò mới với sự cụ thể có tính bao hàm này trong tâm hồn „người thiếu phụ Samaria“ của một Mẹ Tê-rê-sa Calcutta. Ngài gọi Mẹ và nói với Mẹ: „Ta khát“. „Hỡi kẻ bé mọn của Ta, hãy đến đây và hãy mang Ta vào trong những khu ổ chuột của người nghèo. Hãy đến đây, hãy trở thành ánh sáng của Ta. Ta không thể đi một mình. Họ không biết Ta, vì thế họ cũng không muốn có Ta. Hãy mang Ta đến với họ!“ Và bắt đầu với những công việc cụ thể, Mẹ đã mang Tin Mừng đến cho tất cả, với nụ cười của Mẹ, và với việc Mẹ giơ tay đụng đến những vết thương.

Hình ảnh thứ ba của Tin Mừng là chiếc vò mênh mông thuộc về trái tim bị đâm thủng của Chúa Giê-su: sự nguyên vẹn đầy dịu hiền, khiêm nhượng, nhưng nghèo khó và lôi cuốn tất cả đến cùng mình. Chúng ta phải học từ trái tim đó để biết được rằng, người ta chỉ có thể công bố một niềm vui lớn cho những người đang rất nghèo túng khi điều đó diễn ra với một cách thế đầy kính trọng và khiêm nhu cho đến độ chịu sỉ nhục. Việc loan báo Tin Mừng không được phép tự cao tự đại. Sự toàn vẹn của chân lý không được phép trở nên cứng nhắc. Chúa Thánh Thần sẽ công bố và dậy cho biết „chân lý thiện toàn“ (Ga 16,13) và không sợ hãi trước việc cho phép uống từng ngụm chân lý đó. Chúa Thánh Thần sẽ nói với chúng ta trong lúc chúng ta phải nói với những đối thủ của mình (xc. Mt 10,19) và soi sáng những bước đi nho nhỏ tiến về phía trước mà chúng ta có thể thực hiện trong từng khoảnh khắc. Sự toàn diện dịu hiền này trao ban niềm vui cho những người nghèo, tái nâng những tội nhân đứng dậy và làm cho những con người đang bị áp bức bởi ma quỷ được tiếp nhận hơi thở.

Các Linh mục thân mến, khi chúng ta chiêm ngưỡng ba chiếc vò mới ấy và đến uống từ những chiếc vò đó, thì Tin Mừng sẽ có được sự tròn đầy, cũng như sẽ có được sự viên mãn tỏa lan trong chúng ta, tức sự viên mãn mà Mẹ Thiên Chúa đã chuyển giao với toàn bộ kiếp nhân sinh của Mẹ, cũng như sẽ có được sự cụ thể mang tính bao hàm nơi việc loan báo Tin Mừng của người thiếu phụ Samaria và có được sự toàn vẹn đầy dịu hiền mà với nó Chúa Thánh Thần sẽ không ngừng trào dâng và tuôn ra từ trái tim bị đâm thủng của Chúa Giê-su, Chúa Chúng ta.

Đền Thờ Thánh Phê-rô - Thánh Lễ Làm Phép Dầu

Sáng thứ Năm Tuần Thánh, ngày 13 tháng 04 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017