Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư Ngày 29.03.2017 (Rm 4,16-25)

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Đoạn thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma mà chúng ta vừa nghe, trao cho chúng ta một tặng phẩm lớn. Vì chúng ta vẫn có thói quen coi Áp-ra-ham là Tổ Phụ của chúng ta trong Đức Tin nên hôm nay Thánh Tông Đồ làm cho chúng ta hiểu thêm rằng, đối với chúng ta, Áp-ra-ham còn là người cha trong niềm hy vọng nữa: không chỉ là Tổ Phụ trong Đức Tin, nhưng còn là Tổ Phụ trong niềm hy vọng. Sở dĩ như thế là vì chúng ta có thể nhận ra trong câu chuyện của ông một sự loan báo về sự phục sinh, về một đời sống mới, mà đời sống ấy sẽ chiến thắng sự ác, thậm chí chiến thắng cả sự chết.

Bản văn viết rằng, Áp-ra-ham tin vào Thiên Chúa, „Đấng làm cho kẻ chết được sống, và khiến những gì không có hóa có“ (Rm 4,17). Và sau đó, bản văn giải thích: „Ông đã gần 100 tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, dù ý thức rằng, thân xác ông cũng như dạ bà Xa-ra đều đã chết“ (Rm 4,19). Đó chính là kinh nghiệm, mà chúng ta cũng được kêu gọi để sống kinh nghiệm đó. Thiên Chúa, Đấng mạc khải bản thân mình cho Áp-ra-ham, chính là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, Đấng giải thoát con người khỏi nỗi tuyệt vọng và sự chết, Đấng kêu gọi con người bước vào sự sống. Trong câu chuyện của Áp-ra-ham, tất cả đều trở thành lời ngợi ca Thiên Chúa, Đấng giải thoát và khơi lên đời sống mới, tất cả đều trở thành lời tiên đoán. Và đối với chúng ta cũng như thế: giờ đây chúng ta nhận biết và cử hành sự viên mãn của tất cả những điều đó trong mầu nhiệm phục sinh. Vì Thiên Chúa „đã làm cho Chúa Giê-su […] sống lại từ cõi chết“ (Rm 4,24), để trong Ngài, chúng ta cũng có thể vượt qua sự chết để đi vào sự sống. Vì thế, Áp-ra-ham có quyền được gọi là „Tổ Phụ của mọi dân tộc“, vì ông bừng sáng lên với tư cách là điềm báo hiệu của một nhân loại mới – và chúng ta cũng như thế! - , mà nhân loại ấy, nhờ Chúa Ki-tô, sẽ được cứu chuộc khỏi tội lỗi và sự chết, và được dẫn đưa vào trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa một lần cho muôn lần.

Ở điểm này, Thánh Phao-lô giúp chúng ta chiêm ngưỡng cách chính xác mối liên hệ rất khắng khít giữa Đức Tin và niềm hy vọng. Vì Ngài nói về Áp-ra-ham như sau: „Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin“ (Rm 4,18). Niềm hy vọng của chúng ta không dựa vào những tính toán, những tiên lượng và những bảo đảm nhân loại, nhưng nó biểu lộ ở bất cứ nơi nào mà tại đó không còn niềm hy vọng nữa, ở bất cứ nơi nào mà ở đó không còn có bất cứ điều gì để người ta có thể hy vọng vào nữa, giống hệt như nơi Áp-ra-ham khi ông tận mắt chứng kiến cái chết của mình đang đến cũng như chứng kiến sự vô sinh của bà Xa-ra, vợ mình. Sự tận cùng của họ đã đến gần, họ không thể sinh con đẻ cái nữa, và trong hoàn cảnh đó, Áp-ra-ham vẫn tin tưởng và vẫn hy vọng mặc dù không còn gì để hy vọng. Và đó là điều tuyệt vời! Niềm hy vọng bén rễ sâu trong Đức Tin, và vì thế nó ở trong tình trạng sẵn sàng vượt lên trên niềm hy vọng ấy. Vâng, vì nó không đặt nền tảng trên những lời nói của chúng ta, nhưng trên Lời Chúa.

Ngay cả trong ý nghĩa đó, chúng ta cũng được kêu gọi hãy theo gương Tổ Phụ Áp-ra-ham, người đã tin tưởng vào Thiên Chúa ngay cả khi tận mắt chứng kiến thực tế mà nó có vẻ như được dành cho cái chết cách công khai, „vì ông hoàn toàn xác tín rằng, điều gì Thiên Chúa đã nói thì Người cũng có đủ quyền năng để thực hiện“ (Rm 4,21). Cha thích đặt ra cho anh chị em một câu hỏi: Chúng ta, tất cả chúng ta, có xác tín vào điều đó không? Chúng ta có xác tín rằng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài sẵn sàng làm tất cả những gì Ngài đã hứa với chúng ta hay không? Nhưng thưa Cha, chúng ta phải trả giá bao nhiêu cho điều đó? Chỉ có một cái giá duy nhất: „mở con tim mình ra“. Hãy mở con tim của anh chị em ra, và sức mạnh này của Thiên Chúa sẽ mang anh chị em tiến về phía trước, sẽ thực hiện những điều kỳ diệu và sẽ dậy cho anh chị em biết niềm hy vọng là gì. Đó là cái giá duy nhất: mở con tim cho Đức Tin, và Ngài sẽ thực hiện những điều còn lại. Đó là điều nghịch lý, và đồng thời cũng là yếu tố mạnh nhất và cao nhất nơi niềm hy vọng của chúng ta! Đó là niềm hy vọng mà nó đặt nền trên lời hứa, mà lời hứa ấy có vẻ như không chắc và không thể đoán biết được từ quan điểm con người, nhưng lời hứa ấy không ít hơn ngay cả khi tận mắt chứng kiến sự chết, nếu Ngài là Thiên Chúa của sự phục sinh, Đấng sẽ thực hiện lời hứa cho chúng ta! Lời hứa không đến từ bất cứ nơi nào đó! Lời hứa đến từ Thiên Chúa là Chúa của sự phục sinh và của sự sống.

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ân sủng để không chỉ đặt nền trên những điều chắc chắn và trên những khả năng của chúng ta, nhưng còn đặt trên cả niềm hy vọng nữa, mà niềm hy vọng ấy phát sinh từ lời hứa của Thiên Chúa với tư cách là con cái của Tổ Phụ Áp-ra-ham. Khi Thiên Chúa hứa một điều gì đó, thì Ngài sẽ hoàn thành điều Ngài đã hứa. Không bao giờ Ngài nuốt lời. Và rồi, cuộc sống chúng ta sẽ tiếp nhận một ánh sáng mới, trong sự ý thức rằng, Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Con của Ngài được phục sinh, cũng sẽ làm cho chúng ta sống lại, và làm cho chúng ta thực sự trở nên một với Ngài, cùng với tất cả những người anh chị em của chúng ta trong Đức Tin. Tất cả chúng ta đều tin.

Hôm nay, tất cả chúng ta đang tập trung tại quảng trường này, chúng ta sẽ ngợi khen Chúa, sẽ cùng đọc Kinh Lạy Cha và sau đó sẽ lãnh nhận phép lành… Nhưng điều đó sẽ trôi qua. Và đó cũng là  một lời hứa của niềm hy vọng. Hôm nay, nếu chúng ta có một con tim rộng mở, thì Cha xin cam đoan với anh chị em rằng, tất cả chúng ta sẽ mãi gặp gỡ nhau trên quảng trường Nước Trời, nơi không bao giờ qua đi. Đó là lời hứa của Thiên Chúa, và đó là niềm hy vọng của chúng ta, nếu chúng ta mở con tim mình ra. Xin cám ơn tất cả anh chị em.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 29 tháng 03 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017