Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Mừng Kỷ Niệm 100 Năm Ngày Đức Mẹ Hiện Ra Lần Đầu Tiên Tại Fatima: Chúng ta có một người Mẹ!

 

Anh chị em thân mến!

 

Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người phụ nữ, mình khoác áo mặt trời“ – Thị Nhân đảo Patmos đã làm chứng như thế trong sách Khải Huyền (Kh 12,1), và ở đây cũng lưu ý rằng, người phụ nữ ấy đang chuẩn bị sinh hạ một người con cho thế giới. Rồi trong Tin Mừng, chúng ta đã nghe thấy Chúa Giê-su nói với người môn đệ: „Đây là Mẹ anh“ (Ga 19,27). Chúng ta có một người Mẹ! Một „phụ nữ rất đẹp“, các Thị Nhân của Fatima đã cùng nhau bày tỏ như thế trên đường trở về nhà trong ngày được chúc lành, tức ngày 13 tháng 05 cách nay đúng 100 năm. Và vào buổi chiều hôm đó, Jacinta đã không thành công trong việc kìm hãm bản thân mình, vì thế em đã tiết lộ cho mẹ em biết Bí Mật: „Hôm nay con đã nhìn thấy Đức Mẹ.“ Theo hướng mà cặp mắt các em dõi theo, cái nhìn của nhiều người cũng hướng về đó, nhưng… những người ấy đã không nhìn thấy Đức Mẹ. Đức Mẹ Đồng Trinh đã không đến đây để cho chúng ta nhìn thấy: chúng ta sẽ đời đời nhìn ngắm Mẹ, tất nhiên, khi chúng ta lên Thiên Đàng.

Mặc dù, trong sự dự đoán, Mẹ đã cảnh báo chúng ta trước hỏa ngục, tức nơi mà một cuộc sống không có Thiên Chúa – thường được sử dụng và được dự liệu – sẽ đi tới, đó là cuộc sống làm sỉ nhục Thiên Chúa trong các thụ tạo của Ngài, nhưng điều quan trọng hơn là Mẹ đã đến để nhắc cho chúng ta nhớ tới ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng đó đang cư ngụ trong chúng ta, và đang bao bọc chúng ta. Vì „Con của Bà được đưa ngay lên cùng Thiên Chúa“ (Kh 12,5), như chúng ta đã nghe trong Bài Đọc I. Và theo những lời của chị Lucia, ba em nhỏ được tuyển chọn đã được ở trong ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng đó toát ra từ Mẹ Thiên Chúa. Mẹ đã bao phủ các em trong tấm áo choàng ánh sáng mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Theo cảm nhận chung của nhiều tín hữu, nếu không muốn nói là của tất cả mọi người hành hương, thì trước tiên, Fatima chính là chiếc áo choàng ánh sáng đó. Chiếc áo choàng ấy đang che phủ chúng ta ở đây cũng như ở bất cứ nơi nào khác trên trái đất này, khi chúng ta chạy đến trú ẩn dưới sự bảo vệ chở che của Đức Trinh Nữ Maria, để cầu xin Mẹ, như Kinh Salve Regina đã dậy: „chỉ cho chúng con thấy Chúa Giê-su“.

Quý vị hành hương thân mến, chúng ta có một người Mẹ. Nếu chúng ta bám chặt vào Mẹ như những đứa con, chúng ta sẽ sống trong niềm hy vọng mà nó đặt nền tảng trên Chúa Giê-su, vì – như chúng ta đã nghe trong Bài Đọc II – tất cả những ai „được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô“ (Rm 5,17). Khi Chúa Giê-su lên trời, Ngài cũng mang theo nhân tính đến bên Cha trên trời – đó là nhân tính của chúng ta mà Ngài đã đón nhận trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria và sẽ không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng. Như một chiếc neo, chúng ta gắn chặt niềm hy vọng của mình vào trong nhân tính mà nhân tính ấy đã ngồi bên hữu Thiên Chúa Cha trên Thiên Đàng (Eph 2,6). Niềm hy vọng này có thể trở thành lực đẩy đối với cuộc sống của tất cả chúng ta! Đó là một niềm hy vọng luôn đỡ nâng chúng ta cho tới hơi thở cuối cùng.

Trong niềm hy vọng đó, chúng ta đã tập trung lại đây để tạ ơn về vô vàn những ân sủng mà Thiên Đàng đã ban cho chúng ta trong suốt một trăm năm qua. Thời gian đó đã qua đi dưới tà áo ánh sáng mà Mẹ Thiên Chúa đã dang ra trên khắp bốn phương trời, bắt đầu từ dân tộc Bồ-đào-nha tràn đầy hy vọng. Chúng ta có Thánh Francesco Marto và Jacinta như là những mẫu gương trước mắt. Đức Trinh Nữ Maria đã cho phép hai vị Thánh này bước vào trong đại dương mênh mông của ánh sáng Thiên Chúa, và dẫn hai vị Thánh đó tới chỗ tôn thờ Thiên Chúa. Từ đó, sức mạnh đã đến với các Ngài để vượt thắng những nghịch cảnh cũng như những nỗi khổ đau. Sự hiện diện của Thiên Chúa trở thành một thành tố chắc chắn trong đời sống các Ngài, như được diễn tả rõ ràng trong sự cầu nguyện liên lỷ cho các tội nhân cũng như trong niềm ước ao muốn được lưu lại mãi mãi bên „Chúa Giê-su“ ẩn mình trong Nhà Tạm.

Trong những dòng nhật ký của mình (III, số 6), chị Lucia, người được ơn thị kiến, đã viết ra những lời sau đây của Đức Mẹ: „Phải chăng con không thấy rất nhiều người trên những con hẻm, trên những con đường và, trên những cánh đồng hay sao, họ đang khóc than vì đói, vì họ không có cái gì để ăn, và con không nhìn thấy Đức Thánh Cha đang cầu nguyện trước ảnh Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ trong một nhà thờ hay sao? Con không nhìn thấy rất nhiều người đang cầu nguyện cùng Đức Thánh Cha sao?“ Xin cám ơn anh chị em vì anh chị em đã đồng hành với Cha! Cha không thể không đến đây để tôn kính Đức Trinh Nữ và Mẹ Maria, và trao phó cho Mẹ những người con trai cũng như những người con gái của Mẹ. Họ sẽ không hư mất dưới tấm áo choàng che chở của Mẹ; từ cánh tay của Mẹ, họ sẽ nhận được niềm hy vọng và niềm bình an mà họ đang cần tới; Cha cầu xin niềm hy vọng và ơn bình an đó cho tất cả những người anh chị em của Cha, cho những người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, và cho toàn thể nhân loại, đặc biệt là cho các bệnh nhân và cho những người tàn tật, cho các tù nhân, cho những người thất nghiệp, cho những người nghèo và những người bị bỏ rơi. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa trong niềm hy vọng rằng, nhiều người sẽ lắng nghe chúng ta; và chúng ta hãy hướng về những con người trong niềm xác tín rằng, Thiên Chúa sẽ đến giúp chúng ta.

Ngài đã tác thành chúng ta với tư cách là niềm hy vọng cho người khác, một niềm hy vọng thực tế và khả thi theo hoàn cảnh sống của mỗi người. Nếu Thiên Đàng „đòi hỏi“ và „yêu cầu“ mỗi người chúng ta phải chu toàn những bổn phận tùy theo hoàn cảnh của mình (Thư của Chị Lucia, 28.02.1943), thì Thiên Đàng cũng sẽ đặt vào trong sự chuyển động một sự năng động hóa theo quy luật chung để chống lại sự thờ ơ lãnh đạm mà nó đang làm cho con tim chúng ta bị đông cứng, cũng như đang làm tồi tệ hóa sự thiển cận của chúng ta. Chúng ta không muốn sở hữu một niềm hy vọng tan vỡ! Cuộc sống chỉ có thể sống sót nhờ vào sự quảng đại của một sự sống khác. „Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác“ (Ga 12,24). Thiên Chúa, Đấng luôn luôn đi trước chúng ta, đã nói và đã thực hiện điều đó. Nếu chúng ta không có một Thánh Giá để vác, thì có nghĩa là Ngài đã vác lấy Thánh Giá đó trước rồi. Không phải chúng ta leo lên Thánh Giá để tìm Chúa Giê-su; đúng hơn, Ngài chính là Đấng đã hạ mình xuống cho tới tận Thập Giá để tìm thấy chúng ta và chiến thắng bóng tối sự ác trong chúng ta, cũng như tái mang chúng ta trở về với ánh sáng.

Dưới sự bảo vệ chở che của Mẹ Maria, chúng ta là những người trực đêm trong thế giới, những con người mong chờ buổi ban mai, những con người có thể chiêm ngưỡng dung nhan đích thực của Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế, trong ánh quang rạng ngời của ngày phục sinh, cũng như có thể tái khám phá ra gương mặt trẻ trung và xinh đẹp của Giáo hội, gương mặt ấy sẽ bừng sáng lên nếu Giáo hội trở nên một Giáo hội truyền giáo, gọi mời, tự do, trung tín và nghèo khó về các phương tiện, nhưng giầu có nơi Tình Yêu và Đức Ái.

 

Fatima, Bồ-đào-nha,

Lễ Kỷ Niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra,

và Lễ Tôn Phong Hiển Thánh Cho hai Thị Nhân Francesco Marto và Jacinta,  Sáng thứ Bảy ngày 13 tháng 05 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017