Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Regina Coeli, Trưa Chúa Nhật ngày 23.04.2017

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Chúng ta biết rằng, vào mỗi ngày Chúa Nhật chúng ta đều tưởng nhớ tới sự phục sinh của Chúa Giê-su, Chúa chúng ta, nhưng trong thời gian sau Đại Lễ Phục Sinh này, những ngày Chúa Nhật còn tiếp nhận thêm một ý nghĩa đầy tươi sáng. Trong truyền thống của Giáo hội, ngày Chúa Nhật hôm nay, tức ngày Chúa Nhật thứ nhất sau Đại Lễ Phục Sinh, được gọi là „in albis“. Điều đó có nghĩa là gì? Cách diễn tả này gợi nhớ tới nghi thức mà tất cả những ai đã đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy trong đêm Phục Sinh, đều sẽ hoàn tất. Mỗi người trong họ đều nhận được một chiếc áo trắng – „alba“ „màu trắng“ – để chứng tỏ phẩm giá mới của kiếp làm con Thiên Chúa.

Trong thời đại hôm nay người ta vẫn còn thực hiện điều đó: người ta mặc cho những em bé sơ sinh một chiếc áo nhỏ có tính biểu tượng, trong khi người lớn thì mặc một bộ quần áo vừa vặn với mình, như chúng ta đã thấy trong buổi cử hành đêm Vọng Phục Sinh. Trong quá khứ, người ta sẽ mặc bộ quần áo trắng ấy trong suốt một tuần, cho tới Chúa Nhật hôm nay, vì thế, Chúa Nhật này được gọi là „in albis deponendis“, có nghĩa là: Ngày Chúa nhật cởi bỏ bộ áo trắng. Và sau đó, bộ quần áo trắng được cởi bỏ, những người vừa mới lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy sẽ bắt đầu đời sống mới của họ trong Chúa Ki-tô và trong Giáo hội.

Nhưng còn một điều gì đó khác. Trong Năm Thánh 2000, Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã ấn định rằng, ngày Chúa Nhật này sẽ được thánh hiến cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Và thực sự, đó là một sự linh hứng tuyệt vời: Chúa Thánh Thần chính là Đấng linh hứng trong việc ấn định đó. Cách nay một ít tháng, chúng ta đã bế mạc Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, và Chúa nhật hôm nay mời gọi chúng ta hãy hăng hái trong việc tái đón nhận ân sủng mà nó phát sinh từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về cuộc hiện ra của Chúa Ki-tô phục sinh trước các môn đệ đang tập trung tại Nhà Tiệc Ly (xc. Ga 20,19-31). Thánh Gio-an viết rằng, trước tiên, Chúa Giê-su đã chào các môn đệ và sau đó Ngài nói với các ông: „Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.“ Nói như thế xong, Ngài hà hơi trên các môn đệ và thêm rằng: „Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần! Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha!“ (Ga 20,21-23).

Đó là ý nghĩa của Lòng Thương Xót mà nó đã biểu lộ ngay trong ngày phục sinh của Chúa Giê-su với tư cách là ơn tha thứ tội lỗi. Chúa Giê-su phục sinh đã ủy thác cho Giáo hội sứ vụ của Ngài với tư cách là sứ mạng đầu tiên, tức sứ mạng mang đến cho tất cả mọi người sứ điệp cụ thể của sự tha thứ. Đó là sứ mạng đầu tiên: công bố ơn tha thứ. Dấu chỉ hữu hình cho Lòng Thương Xót của Ngài mang theo mình sự bình an trong lòng và niềm vui về cuộc gặp gỡ được canh tân với Thiên Chúa.

Trong ánh sáng của Đại Lễ phục sinh, Lòng Thương Xót để cho mình được nhận ra như là một cách thức đích thực của sự nhận thức. Chúng ta biết rằng, người ta nhận thức thông qua vô vàn những cách thức khác nhau. Người ta nhận thức thông qua các giác quan, người ta nhận thức thông qua trực giác, thông qua lý trí và thông qua những cách thức khác. Người ta cũng có thể nhận thức nhờ vào kinh nghiệm về Lòng Thương Xót, vì Lòng Thương Xót mở cánh cửa tinh thần ra để hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa cũng như để hiểu về sự hiện hữu của mỗi cá nhân chúng ta. Lòng Thương Xót làm cho chúng ta nhận thức được rằng, bạo lực, ác cảm, và sự báo thù không có ý nghĩa gì, và nạn nhân đầu tiên chính là kẻ sống những cảm giác đó, vì người ấy tự cướp đi phẩm giá của chính mình. Lòng Thương Xót cũng mở cánh cửa tâm hồn ra và cho phép nó diễn tả sự gần gũi, đặc biệt là với những con người đang bị cô đơn và đang bị đẩy ra bên lề, vì nó cho phép chúng ta cảm thấy rằng, chúng ta là những người anh chị em của nhau và là con cái của một Thiên Chúa Cha. Nó giúp nhận ra tất cả những con người mà họ đang cần tới sự an ủi, và giúp tìm thấy những lời thích hợp để trao tặng sự khích lệ. Lòng Thương Xót sẽ sưởi ấm con tim của những người anh chị em, và làm cho nó trở nên dễ tiếp thu thông qua sự chia sẻ và sự tham dự hoàn toàn vào với nỗi khốn cùng của tha nhân. Vì thế, Lòng Thương Xót đón nhận tất cả trong bổn phận trở nên những khí cụ công lý, của sự hòa giải và của hòa bình. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, Lòng Thương Xót chính là trụ cột căn bản của đời sống Đức Tin, và là cách thức cụ thể mà với nó, chúng ta trao tính hữu hình cho sự phục sinh của Chúa Giê-su. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu của Lòng Thương Xót, giúp tất cả chúng ta tin vào tất cả những điều đó và sống trọn niềm vui.

Quảng trường Thánh Phê-rô,

trưa Chúa Nhật ngày 23 tháng 04 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017