Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN 02.07.2017: Người Ki-tô hữu không được phép mang một con tim bị chia tách!

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong Phụng Vụ hôm nay, chúng ta được nghe thấy những lời cuối cùng của diễn từ truyền giáo nơi chương 10 của Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (xc. Mt 10,37-42), mà với diễn từ ấy, Chúa Giê-su đã chỉ dẫn cho các môn đệ trong khoảnh khắc mà trong đó, lần đầu tiên Ngài sai họ đi vào các làng mạc tại Galilea và tại Giu-đê-a để truyền giáo. Trong phần kết thúc này, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh tới hai khía cạnh có tính căn bản đối với đời sống của các môn đệ truyền giáo: thứ nhất là mối liên kết của họ đối với Chúa Giê-su phải mạnh mẽ hơn bất cứ mối liên hệ nào khác; và thứ hai là: các nhà truyền giáo không rao giảng về bản thân mình, nhưng loan báo Chúa Giê-su, và qua Ngài, loan báo về Tình Yêu của Cha trên trời. Hai khía cạnh này được liên kết với nhau, vì Chúa Giê-su càng đứng trong trung tâm điểm của con tim và đời sống người môn đệ nào, thì người môn đệ ấy càng để cho sự hiện diện của Ngài được „bừng lên“. Hai điều đó thuộc về nhau.

Ai yêu cha hay mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy…“ (Mt 10,37) – Chúa Giê-su nói. Mối thiện cảm của một người cha, sự trìu mến của một người mẹ, tình bạn nội tâm giữa những người anh chị em: mặc dầu tất cả những điều đó đều rất tốt và được khuyến khích, nhưng chúng không được phép đặt mình lên trước Chúa Ki-tô. Không phải vì Ngài muốn rằng, chúng ta trở thành những kẻ vô tâm và vô ơn, không, nhưng trái lại, vì tư cách người môn đệ đòi hỏi một mối tương quan trổi vượt với vị Thầy. Bất cứ người môn đệ nào, dù là Giáo dân, Linh mục hay Giám mục, cũng đều phải có mối tương qua trổi vượt ấy. Có lẽ câu hỏi trước tiên mà chúng ta phải đặt ra cho một Ki-tô hữu, phải là: „Giờ đây, bạn có gặp gỡ Chúa Giê-su không? Bạn có cầu nguyện với Ngài không?“ – Mối tương quan. Người ta cũng có thể diễn tả bằng cách nói của sách Sáng Thế: Tại sao người ta lại lìa bỏ cha mẹ mình để liên kết với Chúa Giê-su Ki-tô, và cả hai trở nên một (xc. St 2,24)?

Ai để cho mình bị lôi kéo bởi mối hiệp thông Tình Yêu và sự sống đó với Chúa Giê-su, người ấy sẽ trở thành một người đại diện cho Ngài, trở thành một „sứ giả“ cho Ngài, đặc biệt nhất là nhờ vào cách thức người ấy sống và người ấy là. Và vì thế, Chúa Giê-su đã nói tiếp với các môn đệ khi Ngài sai các ông đi truyền giáo: „Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy“ (Mt 10,40). Việc người ta có thể nhận ra rằng, Chúa Giê-su thực sự là „Chúa“ đối với bất cứ người môn đệ nào, cũng như nhận ra rằng, Ngài thực sự đứng trong trung tâm điểm đời sống của họ, thực sự là tất cả cuộc sống của họ, đó là điều rất cần thiết. Liệu người Ki-tô hữu có những giới hạn và những lầm lỗi hay không, sẽ là điều không qua trọng cho tới bao lâu người Ki-tô hữu ấy vẫn còn khiêm tốn nhìn nhận những điều đó. Điều quan trọng nằm ở chỗ là, người ấy không mang trong mình một con tim bị phân tách – và đó là điều nguy hiểm. Tôi là Ki-tô hữu, tôi là một môn đệ của Chúa Giê-su, tôi là Linh mục, tôi là Giám mục, nhưng tôi lại mang một con tim bị chia tách. Không, như thế là không được. Người Ki-tô hữu không được phép có một con tim bị chia tách, nhưng phải có một con tim đơn thành và thống nhất; người Ki-tô hữu không được phép đi một lúc với hai đôi dầy, nhưng phải trung thực với chính mình và với người khác. Sự giả dối không phải là tính cách của người Ki-tô hữu. Vì lý do đó, Chúa Giê-su đã cầu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ để họ khỏi rơi vào tinh thần thế tục. Hoặc là bạn hiệp thông với Chúa Giê-su, với tinh thần của Chúa Giê-su, hoặc là bạn đi theo tinh thần thế tục.

Và ở đây, kinh nghiệm của chúng tôi với tư cách là Linh mục sẽ dậy cho chúng ta một chút gì đó rất tuyệt vời và rất quan trọng: đó chính là sự đón nhận thông qua dân thánh thiện và tín trung của Thiên Chúa, đó chính là „ly nước mát trong“ được trao cho mỗi người với Đức Tin đầy mối thiện cảm mà trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 10,42), Chúa Giê-su đã nói tới; Ngài là Đấng sẽ giúp bạn trở thành một Linh mục tốt! Cũng có một mối quan hệ hỗ tương ngay cả trong sứ vụ truyền giáo: Khi bạn từ bỏ tất cả vì Chúa Giê-su, thì người ta sẽ nhận ra Chúa ở trong bạn, nhưng đồng thời, người ta cũng sẽ giúp bạn quay về với Ngài mỗi ngày, canh tân chính bạn, và thanh tẩy mình khỏi bất cứ sự thỏa hiệp nào, cũng như vượt thắng mọi cơn cám dỗ. Vị Linh mục nào càng gần gũi với Dân Chúa thì người Linh mục ấy càng cảm thấy mình gần gũi với Chúa Giê-su hơn; và vị Linh mục nào càng gần gũi với Chúa Giê-su, thì người Linh mục ấy càng cảm thấy mình gần gũi với Dân Chúa hơn.

Đức Trinh Nữ Maria đã có được kinh nghiệm ngay nơi bản thân mình về việc yêu mến Chúa Giê-su có nghĩa là gì, và ở đây, từ bỏ chính mình, và như thế, trao cho mối liên hệ gia đình một ý nghĩa mới, bắt đầu từ Niềm Tin tưởng vào Ngài. Nhờ lời cầu bầu đầy từ mẫu của Mẹ, xin Mẹ giúp chúng ta trở nên những thừa sai đầy tự do và vui mừng của Tin Mừng.

Quảng trường Thánh Phê-rô

trưa Chúa Nhật ngày mồng 02 tháng 07 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017