Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN 09.07.2017Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói: „Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng“ (Mt 11,28). Chúa Giê-su đã không dành riêng câu nói này cho một trong những người bạn của Ngài, không, Ngài dành câu này cho „tất cả“ những ai đang mệt mỏi rã rời, và cho tất cả những ai đang bị đè nặng bởi cuộc sống. Và ai là người có thể cảm thấy mình bị loại trừ trước lời mời gọi đó? Thiên Chúa biết rõ cuộc sống nặng nề như thế nào. Ngài biết rằng, đang có rất nhiều thứ khiến cho con tim bị mệt mỏi: những thất vọng và những vết thương của quá khứ, những gánh nặng và những bất công mà người ta đang phải gánh chịu trong hiện tại, những mối bất an và những nỗi lo lắng trong cái nhìn hướng về tương lai.

Khi tận mắt chứng kiến tất cả những điều đó, Lời của Chúa Giê-su trước tiên là một lời mời gọi. Đó là lời mời gọi hãy đặt mình vào trong sự chuyển động và phản ứng: „Hãy đến!“ Khi những vấn đề diễn ra một cách tồi tề thì chắc chắn là đang có một sự khuyết phạm nào đấy ở nơi mà người ta đang hiện diện cũng như đang muốn ở lỳ lại đó. Điều ấy có vẻ như hiển nhiên, nhưng thật khó khăn biết chừng nào khi phải phản ứng lại và mở con tim mình ra! Điều đó không hề dễ. Trong những phút giây đem tối, tất nhiên sẽ có một sự phản ứng cho rằng, người ta muốn ở lại trong sự đơn độc và nghĩ rằng, cuộc sống bất công biết chừng nào, những người khác vô ơn biết bao, thế giới tồi tệ quá đỗi và v.v... Tất cả chúng ta đều biết rõ điều đó. Đôi khi chúng ta cũng có kinh nghiệm ấy. Nhưng bằng cách đó, chúng ta đang tự nhốt mình lại trong chính mình và thấy tất cả đều đen tối. Và rồi thậm chí người ta còn đi tới chỗ thân quen với sự buồn rầu, mà sự buồn rầu ấy sẽ trở thành một thành viên trong gia đình: nỗi buồn sầu này sẽ quật ngã chúng ta, nỗi buồn sầu này chính là một cái gì đó rất tồi tệ. Trái lại, Chúa Giê-su muốn chúng ta bước ra khỏi „bãi cát di động“ đó, và vì thế, Ngài nói với từng người một: „Hãy đến!“ – „Ai?“ – „Bạn, bạn, bạn…“ Nối thoát nằm ngay trong mối tương quan, và hệ tại ở chỗ giơ cánh ta ra và nhìn lên Đấng đang thực sự yêu thương chúng ta.

Trong thực tế, sẽ không đủ nếu chỉ mới đi ra khỏi chính mình. Người ta cũng còn phải biết mình đi đâu nữa. Vì có rất nhiều những mục tiêu lừa dối: chúng hứa hẹn những điều kiện dễ dàng, nhưng cuối cùng chỉ làm thay đổi một chút, chúng cam kết sẽ trao tặng sự bình an và sự tiêu khiển, nhưng sau đó thì để lại một cái gì đó trong sự cô đơn còn hơn cả trước đây, chúng giống như một „cuộc bắn pháo hoa“. Vì lý do đó, Chúa Giê-su đã chỉ cho chúng ta thấy, chúng ta nên đi tới đâu: „Hãy đến với Ta.“ Và khi tận mắt chứng kiến một gánh nặng trong cuộc sống hay một trạng huống mà nó gây buồn rầu và lo lắng cho chúng ta, thì chúng ta thường cố gắng để nói với một ai đó lắng nghe chúng ta, với một người bạn, hay với một nhà chuyên môn… Làm thế là rất tốt, nhưng chúng ta đừng quên Chúa Giê-su! Chúng ta đừng quên mở tấm lòng mình ra cho Ngài cũng như kể cho Ngài nghe về cuộc sống, giao phó cho Ngài những con người và những trạng huống. Có lẽ đang có „những khu vực“ trong cuộc sống chúng ta mà chúng ta đã chưa bao giờ mở ra cho Ngài thấy, và chúng ta muốn nó cứ được giữ bí mật mãi, vì nó chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng của Chúa.

Mỗi người trong chúng ta đều có những câu chuyện và lịch sử riêng của mình. Và nếu một ai đó đang có những khu vực đen tối ấy, thì ước chi họ sẽ tìm kiếm Chúa Giê-su, sẽ đi đến với một vị Thừa Sai của Lòng Xót Thương: Hãy đi đến với một vị Linh mục, hãy đi! Hãy đi đến cùng Chúa Giê-su và kể cho Ngài nghe! Hôm nay Ngài đang nói với từng người một: „Hãy can đảm, đừng để mình bị đè nặng bởi những gánh nặng cuộc sống; đừng khép mình lại trước những nỗi sợ hãi và trước tội lỗi, nhưng hãy đến với Ta!“ Ngài đang chờ đợi chúng ta, Ngài luôn luôn chờ đợi chúng ta, không phải để giải quyết những vấn đề theo cách thức ma thuật, nhưng để làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn trong những vấn đề. Chúa Giê-su không lấy đi những gánh nặng khỏi cuộc sống, nhưng lấy đi những nỗi sợ hãi khỏi những con tim; Ngài không lấy đi khỏi chúng ta những Thánh Giá, nhưng Ngài cùng mang Thánh Giá đó với chúng ta.

Và với Ngài thì bất cứ gánh nặng nào cũng đều trở nên nhẹ nhàng (xc. Mt 11,30), vì Ngài chính là sự nghỉ ngơi bồi dưỡng mà chúng ta kiếm tìm. Khi Chúa Giê-su bước vào trong cuộc sống, thì rồi sự bình an cũng sẽ đến. Đó là sự bình an mà nó luôn tồn tại ngay cả trong những cơn thử thách và trong những nỗi khổ đau. Chúng ta hãy đi đến cùng Chúa Giê-su, trao cho Ngài thời gian của chúng ta, gặp gỡ Ngài trong cầu nguyện, trong một cuộc đối thoại hoàn toàn tín thác và cá nhân; hãy làm cho mình thân quen với Lời của Ngài, đừng sợ hãi trước việc tái khám phá ra ơn tha thứ của Ngài, cũng như hãy nuôi dưỡng mình bằng lương thực sự sống: chúng ta sẽ cảm thấy mình được yêu thương, sẽ cảm thấy mình được Ngài an ủi.

Chính Ngài là Đấng thiết tha xin chúng ta điều đó. Ở cuối bài Tin Mừng hôm nay, Ngài đã lập lại điều ấy một lần nữa: „Anh em hãy học cùng tôi; […] Tâm hồn an hem sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng“ (Mt 11,29). Và như thế, chúng ta hãy học để đi đến với Chúa Giê-su. Và trong những tháng mùa Hè này, khi chúng ta đang tìm kiếm cho mình một chút nghỉ ngơi, đang cố gắng tránh xa điều gây mệt mỏi cho thân xác, thì chúng ta cũng đừng quên rằng, người ta chỉ có thể tìm thấy được sự nghỉ ngơi đích thực trong Thiên Chúa. Ước chi Đức Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu của chúng ta, sẽ giúp đỡ chúng ta trong cuộc tìm kiếm này. Mẹ đã luôn luôn nhận về cho mình những nỗi khổ đau của chúng ta khi chúng ta mệt mỏi và phải mang những gánh nặng trên mình, Mẹ luôn đồng hành với chúng ta trên đường đi đến cùng Chúa Giê-su.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật ngày mồng 09 tháng 07 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017