Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư 30.08.2017: „Bất cứ ơn gọi đích thực nào cũng đều bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su“

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay Cha muốn quay trở lại với một đề tài quan trọng: Mối tương quan giữa niềm hy vọng và sự tưởng nhớ, với sự tham chiếu một cách đặc biệt tới sự hồi tưởng về ơn gọi. Và Cha coi ơn gọi của của các môn đệ đầu tiên như là khuôn mẫu. Trong sự hồi tưởng về ơn gọi đó, kinh nghiệm này đã để lại rất nhiều dấu ấn, đến độ một ai đó đã ghi lại cả thời giờ mà biến cố đó xảy ra: „Lúc ấy là giờ thứ mười“ (Ga 1,39). Tác giả Tin Mừng Gio-an đã kể lại sự kiện đó như một hồi ức của thời trẻ mà giờ đây nó vẫn còn rất rõ ràng, bởi Ngài, với tư cách là một cụ già, đã bảo trì nó cách nguyên vẹn trong ký ức của mình: vì khi Thánh Gio-an viết ra những điều ấy thì Ngài đã luống tuổi rồi.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trên bờ sông Gio-đăng, nơi Gio-an Tẩy Giả làm Phép Rửa; và một số thanh niên người Galilêa đã chọn vị Tẩy Giả làm vị Thầy tinh thần của mình. Và rồi vào một ngày nọ, Chúa Giê-su đã đến và xin phịu Phép Rửa dưới dòng sông đó. Ngày hôm sau, Ngài lại đi ngang qua chỗ đấy, và khi nhìn thấy Ngài, Gio-an Tẩy Giả đã nói với hai người môn đệ của ông rằng: „Đó là Chiên Thiên Chúa!“ (Ga 1,36).

Và đối với cả hai, đó là một „tia lửa“. Họi rời bỏ vị Thầy đầu tiên của mình rồi dấn thân theo Chúa Giê-su. Trên đường đi, Chúa Giê-su quay mặt lại nhìn hai người thanh niên và đưa ra cho họ một câu hỏi có tính quyết định: „Các anh tìm gì thế?“ (Ga 1,38). Trong các sách Tin Mừng, Chúa Giê-su đã xuất hiện với tư cách là một chuyên viên về tâm hồn con người. Trong khoảnh khắc đó, Ngài đã gặp gỡ hai người thanh niên đang trên đường tìm kiếm, với nỗi bất an lành mạnh. Vì làm gì có bạn trẻ nào, cho dù là rất hài lòng với bản thân mình đi chăng nữa, lại không hề có những thắc mắc về ý nghĩa? Người thanh niên nào không hề kiếm tìm bất cứ một điều gì, thì đó không còn phải là một thanh niên nữa, nhưng là người đã vào nhà hưu dưỡng mất rồi, bởi anh ta già trước tuổi. Thật buồn biết chừng nào khi phải nhìn thấy những thanh niên sớm phải vào nhà hưu dưỡng như thế… Và trong toàn bộ Tin Mừng, trong tất cả những cuộc gặp gỡ mà Ngài thực hiện trên đường, Chúa Giê-su đều xuất hiện với tư cách là „người thiêu đốt“ các tâm hồn. Vì thế, qua câu hỏi của mình, Ngài đã cố gắng làm sáng tỏ niềm khát khao được sống và được hạnh phúc mà mỗi bạn trẻ đều mang trong mình: „Con đang tìm kiếm cái gì vậy?“ Hôm nay Cha cũng muốn hỏi các bạn trẻ đang hiện diện tại quảng trường Thánh Phê-rô này, cũng như các bạn trẻ khác đang theo dõi buổi tiếp kiến này qua các phương tiện truyền thông: „Hỡi bạn trẻ, con đang tìm kiếm điều gì vậy? Con đang tìm kiếm điều gì trong tâm hồn mình vậy?“ Ơn gọi của Gio-an và của Andrea đã bắt đầu như thế: Đó là sự bắt đầu của tình bằng hữu với Chúa Giê-su, mà tình bằng hữu đó mạnh mẽ đến độ dẫn tới một sự hiệp thông sống động và mãnh liệt với Ngài cách tất yếu. Cả hai môn đệ đã bắt đầu ở lại với Chúa Giê-su, và ngay lập tức, trở thành những nhà thừa sai, vì sau cuộc gặp gỡ đó, họ không còn ở yên được nữa khi trở về nhà: thậm chí, hai người anh trai của họ - Si-mon và Gia-cô-bê – đã ngay lập tức được kể vào số những người đi theo. Hai ông đã đến với anh của mình và nói: „Chúng tôi đã thấy Đấng Messia, chúng tôi đã thấy một đại Ngôn Sứ.“ Họ chuyển tin tức. Họ là những thừa sai của cuộc gặp gỡ ấy. Đó là cuộc gặp gỡ đầy cảm động và rất hạnh phúc, đến độ các môn đệ đã luôn nhớ tới ngày mà nó đã chiếu sáng tuổi trẻ của họ, cũng như đã trao cho họ sự định hướng.

Người ta khám phá ra ơn gọi riêng của mình trong thế giới này như thế nào? Thưa, người ta có thể khám phá ra nó qua nhiều cách thức khác nhau, nhưng đoạn Tin Mừng này nói với chúng ta rằng, cách thức đầu tiên chính là niềm vui về cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su. Đời sống hôn nhân, đời sống Thánh Hiến, đời sống Linh Mục: Bất cứ ơn gọi đích thực nào cũng đều bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su và trao cho chúng ta niềm vui và niềm hy vọng mới; và nó dẫn chúng ta đến một cuộc gặp gỡ càng ngày càng phong phú và mênh mông hơn, ngay cả khi phải xuyên qua những thử thách và những khó khăn – cuộc gặp gỡ sẽ phát triển, sẽ càng ngày càng trở nên lớn hơn, cuộc gặp gỡ với Ngài – và dẫn tới sự viên mãn của niềm vui.

Thiên Chúa không muốn có những người nam và những người nữ đi theo Ngài một cách miễn cưỡng đến độ không có làn gió niềm vui nào trong con tim. Cha hỏi anh chị em, những người đang ở trên quảng trường này – mỗi người hãy tự trả lời lấy cho mình -, anh chị em có làn gió niềm vui nào trong tâm hồn mình không? Mỗi người có thể tự hỏi: „Tôi có làn gió niềm vui nào trong mình, trong con tim của mình không?“ Chúa Giê-su muốn người ta có kinh nghiệm rằng, việc ở bên Ngài sẽ trao tặng niềm vui bao la, mà niềm vui ấy có thể được canh tân trong mỗi ngày sống. Một môn đệ của Triều Đại Thiên Chúa mà không có niềm vui tròn đầy, sẽ không thể loan báo Tin Mừng cho thế giới này, người ấy chỉ là một con người sầu muộn. Người ta sẽ không trở thành người loan báo Tin Mừng của Chúa Giê-su bằng cách mài sắc vũ khí của thuật hùng biện: Bạn có thể nói, nói và nói, nhưng nếu bạn không có bất cứ điều gì khác… Người ta sẽ trở thành người công bố Tin Mừng của Chúa Giê-su như thế nào? Thưa, bằng cách là người ta duy trì ánh hào quang của niềm hạnh phúc đích thật trong cặp mắt. Chúng ta vẫn thấy nhiều Ki-tô hữu, trong đó cũng có cả chúng ta nữa, đang tiếp tục trao đi niềm vui của Đức Tin với cặp mắt: với cặp mắt!

Vì lý do đó, người Ki-tô hữu – giống như Đức Trinh Nữ Maria – sẽ bảo vệ những tia lửa phát xuất từ Tình Yêu say đắm của Ngài: được yêu say đắm trong Chúa Giê-su. Dĩ nhiên, luôn có những thử thách trong cuộc sống, luôn có những khoảnh khắc mà trong đó người ta phải tiến về phía trước, bất chấp những giá lạnh và những cơn gió ngược, bất chấp những cay đắng to lớn. Nhưng các Ki-tô hữu biết được con đường dẫn tới ngọn lửa thánh thiêng mà nó được đốt lên một lần cho muôn lần.

Nhưng xin vui lòng, Cha đặt điều này vào trong con tim anh chị em: Chúng ta đừng nghe theo những con người thất vọng và bất hạnh; chúng ta đừng nghe theo những loại người chỉ khuyên răn một cách cay độc rằng, đừng nâng cao niềm hy vọng trong cuộc sống nữa; chúng ta đừng tin tưởng những kẻ luôn bóp nghẹt sự nhiệt tình ngay từ trong trứng nước, bằng cách nói rằng, không có bất cứ công việc nào khiến chúng ta phải hy sinh cả đời hết; chúng ta đừng nghe theo những người mà họ đã trở nên „già nua“ trong tâm hồn, và dập tắt mọi niềm hưng phấn của tuổi trẻ. Chúng ta hãy đi đến với những người lớn tuổi mà họ có một cặp mắt ngời sáng trước niềm hy vọng! Bên cạnh đó, chúng ta hãy trân quý những giấc mơ lành mạnh: Thiên Chúa muốn rằng, chúng ta luôn ở trong tình trạng ước mơ như Ngài và cùng mơ với Ngài, trong khi chúng ta vẫn lưu tâm tới những thực tế trên đời. Chúng ta hãy mơ về một thế giới khác. Và nếu một giấc mơ bị dập tắt, thì chúng ta phải tái mơ lại nó, bằng cách là, với niềm hy vọng, hãy kín múc từ ký ức những gì có từ ban đầu, từ vật nung đỏ, mà - có lẽ sau một cuộc đời không hoàn toàn tốt đẹp – nó đang bị che lấp trong lớp tro của cuộc gặp gỡ đầu tiên mà chúng ta đã có được với Chúa Giê-su.

Và đó chính là động lực căn bản của đời sống Ki-tô giáo: nhớ tới Chúa Giê-su. Thánh Phao-lô nói với người môn sinh của Ngài rằng: Hãy nhớ tới Chúa Giê-su Ki-tô (xc. 1Tim 2,8); đó là lời khuyên của Thánh Phao-lô – một vị đại Thánh: Hãy nhớ tới Chúa Giê-su Ki-tô. Nhớ tới Chúa Giê-su, nhớ tới ngọn lửa Tình Yêu mà với nó, vào một ngày kia trong đời mình, chúng ta đã có những dự định tốt lành, và tái hồi sinh niềm hy vọng của chúng ta với tia lửa đó.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 30 tháng 08 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017