Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Tại Rangun, Myanmar Với Sự Tham Dự Của 150.000 Tín Hữu: Tình Yêu giống như là thiết bị chỉ đường

 

Anh chị em thân mến,

Cha đã chờ đợi giây phút này từ rất lâu để được đến với đất nước này. Nhiều người trong anh chị em đã đến đây từ rất xa, cũng như từ những ngôi làng hẻo lánh tại những vùng đồi núi, thậm chí một số người trong anh chị em đã phải đi bộ. Cha đã đến đây với tư cách là một người hành hương để lắng nghe anh chị em, để học hỏi từ anh chị em, cũng như để nói với anh chị em một vài lời của niềm hy vọng và của niềm ủi an.

Bài Đọc I hôm nay được trích từ sách Đa-ni-en, đã giúp cho chúng ta hiểu được sự khôn ngoan của vua Ben-sát-xa và của những nhà thị nhân của ông bị hạn chế đến mức nào. Họ chỉ biết ca ngợi „những vị thần bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bắng sắt, bằng gỗ và bằng đá“ (Đn 5,4), nhưng họ không sở hữu sự khôn ngoan để ca ngợi Thiên Chúa, mà hơi thở và sự sống của chúng ta nằm trong đôi tay của Ngài. Trái lại, Đa-ni-en đã sở hữu sự khôn ngoan của Thiên Chúa, và đã có khả năng giải thích những đại mầu nhiệm của Ngài.

Người giải thích chung cuộc các mầu nhiệm của Thiên Chúa chính là Chúa Giê-su. Ngài là sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong ngôi vị (xc. Cor 1,24). Chúa Giê-su đã không dậy cho chúng ta biết về sự khôn ngoan của Ngài qua những bài thuyết giảng dài dòng, và cũng không dậy về sự khôn ngoan thông qua những màn diễu hành hoành tráng của những thế lực chính trị hay thế gian, nhưng Ngài dậy điều đó thông qua sự tế hiến chính mạng sống của Ngài trên Thập Giá. Đôi khi chúng ta bị sa vào một chiếc bẫy muốn tin cậy vào sự khôn ngoan của riêng mình; nhưng sự khôn ngoan ấy lại nằm ở chỗ là, chúng ta dễ dàng đánh mất phương hướng. Trong những khoảnh khắc như thế, chúng ta nên nhớ rằng, mình đang có một chiếc la bàn đáng tin cậy trước mắt: Chúa Ki-tô chịu đóng đinh. Trên Thánh Giá, chúng ta thấy được sự khôn ngoan mà nó có thể chỉ cho cuộc sống chúng ta một hướng đi thông qua ánh sáng đến từ Thiên Chúa.

Ơn cứu độ cũng đến từ Thánh Giá. Tại đó, Chúa Giê-su đã trình bày cho Thiên Chúa Cha thấy những vết thương của Ngài vì chúng ta, đó là những vết thương mà nhờ đó, chúng ta được cứu độ (xc. 1Phr 2,24). Ước chi đừng bao giờ thiếu sự khôn ngoan nơi chúng ta để nhìn thấy nguồn mạch của mọi ơn cứu độ trong những vết thương của Chúa Ki-tô! Cha biết rằng, nhiều người tại Myanmar đang phải mang trong mình những vết thương hữu hình cũng như vô hình của bạo lực. Cơn cám dỗ nằm ở chỗ phản ứng lại những điều gây tổn thương này bằng một sự khôn ngoan thế gian; nhưng, như sự khôn ngoan của nhà vua trong Bài Đọc I, sự khôn ngoan của thế gian sai lạc một cách sâu sắc. Chúng ta nghĩ rằng, ơn cứu độ có thể diễn ra thông qua sự giận dữ và báo thù. Nhưng phương pháp báo thù lại không phải là cách thế của Chúa Giê-su.

Con đường của Chúa Giê-su hoàn toàn khác. Khi sự hận thù và sự khước từ dẫn Ngài tới với cuộc khổ hình và cái chết, Ngài đã đáp lại nó bằng sự tha thứ và cảm thông. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng, giống như Ngài, chúng ta có thể bị đẩy tới chỗ bị chống đối và khước từ, nhưng Ngài sẽ ban cho chúng ta một sự khôn ngoan mà không ai có thể đối lại được (xc. Lc 21,15). Ở đây Ngài nói về Chúa Thánh Thần, nhờ Ngài mà Tình Yêu của Thiên Chúa được đổ vào lòng chúng ta (xc. Rom 5,5). Nhờ vào ơn Chúa Thánh Thần, Chúa Giê-su ban cho từng người một trong chúng ta khả năng trở thành dấu chỉ sự khôn ngoan của Ngài, mà sự khôn ngoan ấy vượt lên trên sự khôn ngoan thế gian, và trở thành dấu chỉ lòng Thương Xót của Ngài, mà Lòng Thương Xót ấy đem đến ơn xoa dịu cho bất cứ những vết thương nào vẫn còn đang quá đau.

Vào buổi chiều hôm trước cuộc khổ hình của mình, Chúa Giê-su đã trao hiến chính bản thân Ngài dưới hình bánh và rượu cho các môn đệ của Ngài. Trong hồng ân Bí Tích Thánh Thể, với cặp mắt Đức Tin, chúng ta không chỉ nhận ra hồng ân mình và máu Ngài; nhưng chúng ta cũng còn học được cách để làm sao thấy được sự yên bình trong những vết thương của Ngài, cũng như thấy được sự thanh tẩy khỏi tất cả mọi tội lỗi và những lầm lạc của chúng ta. Anh chị em thân mến, trong khi anh chị em tìm nơi trú ẩn trong những vết thương của Chúa Giê-su, ước chi anh chị em cũng có thể thưởng nếm được niềm an ủi có khả năng chữa lành của Lòng Thương Xót phát xuất từ Thiên Chúa Cha, cũng như có thể thấy được sức mạnh để mang niềm an ủi đó đến cho những người khác, để rưới niềm an ủi đó lên trên từng vết thương và trên từng ký ức khổ đau. Bằng cách đó, anh chị em sẽ trở thành những chứng nhân của sự hòa giải và hòa bình, mà sự hòa giải và nền hòa bình ấy, theo nguyện ước của Thiên Chúa, nên ngự trị trong con tim của từng người, và trong từng cộng đoàn.

Cha biết rằng, Giáo hội tại Myanmar đã thực hiện rất nhiều việc để mang dầu an ủi có khả năng chữa lành của Lòng Thương Xót Chúa đến cho những người khác, đặc biệt là cho những người túng thiếu nghèo hèn nhất. Đối với điều đó, có một dấu chỉ rõ ràng rằng, nhiều cộng đoàn cũng đang công bố Tin Mừng cho các dân tộc thiểu số khác với những phương tiện hết sức hạn chế, và bằng những cách thế luôn luôn có tính gọi mời và đáng khính trọng, mà không hề có sự đàn áp hay cưỡng bức. Giữa sự nghèo túng cùng cực và giữa muôn vàn những khó khăn, nhiều người trong anh chị em đã mang đến cho những người nghèo và những người khổ đau một sự giúp đỡ cụ thể và tình liên đới. Thông qua sự dấn thân hằng ngày của các Giám mục, của các Linh Mục, các Tu Sĩ và các Giáo Lý Viên của anh chị em, và đặc biệt là thông qua công việc đáng khen ngợi của tổ chức Catholic Karuna Myanmar và sự hỗ trợ quảng đại của Hội Truyền Giáo Tòa Thánh, Giáo hội tại quốc gia này đã giúp đỡ nhiều người nam và nữ, cũng như những em nhỏ, bất chấp tất cả mọi khác biệt về tôn giáo hay chủng tộc. Cha có thể xác tín rằng, Giáo hội đang rất sống sộng tại đây, Chúa Ki-tô hằng sống, và Ngài đang hiện diện ở đây bên anh chị em và bên cạnh những anh chị em của các cộng đoàn Ki-tô giáo khác. Cha khuyến khích anh chị em hãy tiếp tục chia sẻ với những người khác sự khôn ngoan vô giá mà anh chị em đã đón nhận, cũng như chia sẻ với họ Tình Yêu của Thiên Chúa, tức Tình Yêu phát xuất từ con tim của Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su muốn ban tặng sự khôn ngoan trong sự dồi dào. Chắc chắn Ngài sẽ thưởng công cho những nỗ lực của anh chị em khi anh chị em rắc gieo hạt giống cứu độ và sự tha thứ trong các gia đình và trong các cộng đoàn của anh chị em, và trong toàn xã hội của quốc gia này. Ngài đã chẳng từng nói với chúng ta thế này sao: sự khôn ngoan của Ngài sẽ không có gì có thể đối lại được (xc. Lc 21,15)? Tin Mừng tha thứ và Lòng Thương Xót của Ngài chính là một lô-gích mà không phải tất cả đều có thể hiệu được, và gặp nhiều rào cản. Nhưng, Tình Yêu của Ngài, mà Tình Yêu ấy đã trở nên hữu hình trên Thánh Giá, cuối cùng sẽ không thể bị ngăn chặn. Tình Yêu ấy được ví như „một hệ thống chỉ đường thiêng liêng“, mà hệ thống đó chắc chắn sẽ dẫn đưa chúng ta bước vào trong sự sống nội tại của Thiên Chúa, cũng như dẫn tới con tim của những người sống bên cạnh chúng ta.

Đức Trinh Nữ Maria đã bước theo Con của Mẹ đến tận đồi Calvariô đen tối; xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong bất cứ bước đi nào trên cuộc hành trình dương thế này. Ước chi Mẹ vẫn tiếp tục mang đến cho chúng ta ơn được trở nên những sứ giả của sự khôn ngoan đích thực, ơn được trở nên nhân hậu thẳm sâu với những người cùng khốn, với niềm vui mà nó đến với chúng ta từ sự yên bình trong những vết thương của Chúa Giê-su, Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em! Xin Thiên Chúa chúc lành cho Giáo hội tại Myanmar! Xin Ngài chúc lành cho quốc gia này với sự bình an của Ngài! Xin Thiên Chúa chúc lành cho Myanmar!

 

Rangun, Myanmar ngày 28 tháng 11 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017