Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô Trong Đại Lễ Dâng Chúa Giê-su Vào Đền Thánh

 

Anh chị em thân mến,

Bốn mươi ngày sau Đại Lễ Giáng Sinh, chúng ta lại mừng kính Chúa Ki-tô, Đấng đi đến với Dân Ngài thông qua việc bước vào đền thờ. Vì thế, tại Phương Đông Ki-tô giáo, Đại Lễ này được gọi là „Đại Lễ Gặp Gỡ“: đó là sự gặp gỡ giữa người Con của Thiên Chúa, Đấng mang tới điều mới mẻ, với nhân loại trong sự đợi chờ mà nó được thể hiện trong Đền Thờ bởi những cụ già.

Tại đền thờ cũng đã diễn ra một cuộc gặp gỡ khác, cụ thể là giữa hai cặp: một bên là hai người trẻ - Đức Maria và Thánh Giu-se -, và bên kia là hai cụ già – cụ Simêon và cụ Anna. Những cụ già đã tiếp nhận từ những người trẻ, và những người trẻ đã kín múc từ những cụ già. Vì thế, Đức Maria và Thánh Giu-se đã thấy được nguồn cội của Dân Chúa trong đền thờ, và đó là điều rất quan trọng, vì lời hứa của Thiên Chúa không được hiện thực hóa một cách riêng lẻ và đột nhiên, nhưng phổ quát và trong quá trình lịch sử. Và các Ngài cũng thấy được gốc rễ của Đức Tin, vì Đức Tin không phải là một thuật ngữ mà người ta học được từ trong một cuốn sách, nhưng là một nghệ thuật để sống với Thiên Chúa. Người ta học được nghệ thuật đó từ kinh nghiệm của những người đã đi trước chúng ta trên con đường lữ hành. Và vì thế, trong cuộc gặp gỡ của họ với hai cụ già, hai người trẻ đã nhận ra chính mình. Và vào những ngày cuối đời của họ, hai cụ già đã tiếp nhận Chúa Giê-su, tiếp nhận ý nghĩa của cuộc đời mình. Sự kiện này đã ứng nghiệm lời Ngôn Sứ Giô-en: „Những cụ già của các ngươi sẽ có những giấc mơ, và những người trẻ của các ngươi sẽ có những thị kiến“ (3,1). Trong cuộc gặp gỡ này, những người trẻ đã thấy được sứ mạng của họ và những cụ già đã hiện thực hóa được những giấc mơ của mình. Tất cả những điều đó đã diễn ra, vì Chúa Giê-su đứng trong trung tâm điểm của cuộc gặp gỡ.

Chúng ta hãy nhìn vào mình, hỡi những anh chị em sống đời Thánh Hiến thân mến. Tất cả đã bắt đầu ngang qua cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Con đường của đời sống Thánh Hiến đã phát sinh từ một cuộc gặp gỡ và từ một tiếng gọi mời. Người ta phải nhớ tới điều đó. Và nếu chúng ta nhớ kỹ được điều đó, thì chúng ta sẽ thấy rằng, trong cuộc gặp gỡ ấy, chúng ta đã không hề đơn độc với Chúa Giê-su: trong cuộc gặp gỡ đó cũng có cả Dân Thiên Chúa, cũng có cả Giáo hội, có cả những người trẻ lẫn những cụ già như trong Tin Mừng. Ở đó có một chi tiết rất hấp dẫn: trong khi hai người trẻ là Đức Maria và Thánh Giu-se trung thành tuân giữ những mệnh lệnh của Lề Luật – Tin Mừng nói về điều đó với chúng ta tới bốn lần – và hai người trẻ này đã không hề nói gì, thì cụ ông Simêon và cụ bà Anna đã tới và đã nói những lời Ngôn Sứ. Thực ra, đó phải là điều ngược lại: Cứ sự thường thì những người trẻ sẽ là những người nói về tương lai với sự hào hứng, còn những cụ già sẽ là những người bảo tồn quá khứ. Nhưng trong Tin Mừng thì điều ngược lại đã diễn ra, vì người ta gặp gỡ nhau trong Thiên Chúa, những điều gây ngỡ ngàng của Thiên Chúa đã xảy ra ngay lập tức. Việc để cho những điều gây ngỡ ngàng đó của Thiên Chúa diễn ra trong đời sống Thánh Hiến là điều rất tốt để nhớ rằng, người ta không thể canh tân cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa nếu không có người khác: không đuổi cổ bất cứ ai, không bao giờ loại trừ các thế hệ đến sau, nhưng đồng hành với nhau mỗi ngày, với Thiên Chúa ở trung tâm điểm. Vì nếu những người trẻ được kêu gọi mở ra những cánh cửa mới, thì những cụ già lại có những chiếc chìa khóa cho việc ấy. Và sự trẻ trung của một cộng đoàn Dòng Tu hệ tại ở chỗ trở về với cội nguồn qua việc lắng nghe những cụ già. Sẽ không có tương lai nếu không có cuộc gặp gỡ ấy giữa những cụ già và những người trẻ; sẽ không có sự phát triển nếu không có bộ rễ, và cũng sẽ không có sự đơm bông kết trái nếu không có những chồi non mọc ra. Đừng bao giờ nói tiên tri mà không có sự hồi tưởng, cũng đừng bao giờ hồi tưởng mà không đưa ra những lời có tính Ngôn Sứ; và hãy luôn luôn gặp gỡ nhau.

Cuộc sống vội vã của thời đại hôm nay đang dẫn tới chỗ khép lại nhiều cánh cửa cho cuộc gặp gỡ, thường thì vì sự sợ hãi trước người khác; chỉ có những cánh cửa của những trung tâm mua sắm và của việc nối mạng là luôn luôn mở. Trái lại, trong đời sống Thánh Hiến thì không nên như vậy: những người anh em hay chị em mà Thiên Chúa trao cho tôi, chính là thành phần của lịch sử đời tôi, họ chính là ân ban phải được bảo toàn. Ước chi đừng bao giờ xảy ra chuyện người ta chăm chăm chú chú vào màn hình điện thoại di động hơn là nhìn vào đôi mắt của những người anh em hay chị em; và ước chi đừng bao giờ xảy ra chuyện chúng ta tập trung vào những kế hoạch của mình hơn là vào Thiên Chúa. Vì nếu người ta đặt những dự án, những kỹ thuật và những cấu trúc vào trung tâm điểm, thì đời sống Thánh Hiến sẽ thôi không còn hấp dẫn nữa, và cũng sẽ không còn giới thiệu bất cứ điều gì nữa; nó sẽ không còn đâm bông kết trái nữa, vì nó đã quên mất điều mà nó đang có „ở dưới mặt đất“, tức bộ rễ.

Đời sống Thánh Hiến phát sinh và được canh tân nhờ vào cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su như Ngài là: nghèo khó, khiết trinh và vâng phục. Đời sống ấy sẽ sở hữu hai điều ngang nhau: một mặt là sáng kiến Tình Yêu của Thiên Chúa mà tất cả đều phát xuất từ đó, và chúng ta phải không ngừng quay trở về với điều đó; mặt khác là lời đáp trả của chúng ta, và đó sẽ luôn luôn là một lời đáp trả của Tình Yêu đích thực khi nó không hề có NẾU hay NHƯNG, khi nó noi gương Chúa Giê-su khó nghèo, khiết trinh và vâng phục. Trong khi đời sống thế gian cố gắng tích cóp thì đời sống Thánh Hiến lại để cho những điều sang giầu trôi đi để ôm ghì lấy Đấng duy nhất tồn tại muôn đời. Đời sống thế gian chạy theo những niềm vui và những hứng thú của cái TÔI, nhưng đời sống Thánh Hiến lại giải phóng mình khỏi cảnh bấu bám vào những của cải vật chất để hoàn toàn yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Đời sống thế gian khăng khăng với việc thực hiện những điều mình muốn, còn đời sống Thánh Hiến thì lại chọn sự tuân phục đầy khiêm nhu như là một sự tự do lớn hơn. Trong khi đời sống thế gian để lại tay trắng, và con tim trống rỗng, thì đời sống theo gương Chúa Giê-su lại được lấp đầy bởi niềm vui cho đến cùng, như được thuật lại trong Tin Mừng, nơi những cụ già vui mừng đạt tới tuổi xế chiều của cuộc đời, với việc bồng ẵm Chúa trên tay và niềm vui trong tâm hồn.

Việc „ẵm lấy Chúa trên tay“ (Lc 2,18) giống như cụ Simêon đã làm, đem đến cho chúng ta nhiều điều tốt lành biết là dường nào! Không chỉ đón nhận Chúa trong đầu và trong con tim, nhưng còn cả trên đôi tay và trong bất cứ điều gì chúng ta thực hiện nữa: trong cầu nguyện, trong công việc, nơi bàn ăn, trong lúc gọi điện thoại, trong lúc đến trường, với đôi tay và ở khắp mọi nơi. Việc ẵm lấy Chúa trên đôi tay chính là một phương dược chống lại chủ nghĩa thần bí tách biệt và chủ nghĩa hoạt động không giới hạn, vì cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giê-su vừa có khả năng uốn nắn những công việc đạo đức có xu hướng đa cảm, cũng vừa có khả năng uốn nắn những hoạt động đầy náo động. Sống cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su cũng là một phương dược chống lại sự trì trệ tê liệt bởi những điều tầm thường; nó có nghĩa là mở bản thân mình ra cho sự khuấy đảo hằng ngày của ân sủng. Tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su, cho phép gặp gỡ Chúa Giê-su: đó là một mầu nhiệm để nhận lãnh ngọn lửa đời sống tinh thần cách sống động. Đó là cách thức để làm cho mình không bị hút hết sinh lực bởi một cuộc sống bị bóp ngạt, mà nơi cuộc sống đó, những than phiền, những đắng cay và những thất vọng không thể tránh khỏi, sẽ thắng thế. Gặp gỡ nhau trong Chúa Giê-su với tư cách là những người anh chị em, với tư cách là những người trẻ và những cụ già để vượt thắng thuật hùng biện vô sinh của „những thời xưa tốt đẹp“ – thắng vượt bất cứ nỗi luyến tiếc quá khứ nào mà nó sát hại tâm hồn – và để làm cho cái „ở đây không có gì ổn cả“ phải ngậm miệng. Nếu người ta gặp gỡ Chúa Giê-su và gặp gỡ anh chị em mình mỗi ngày, thì con tim sẽ không hướng về quá khứ hay tương lai, nhưng nó sẽ sống ngày hôm nay của Thiên Chúa trong sự bình an với tất cả.

Ở cuối các sách Tin Mừng có một cuộc gặp gỡ khác với Chúa Giê-su, mà cuộc gặp gỡ ấy có thể khích lệ đời sống Thánh Hiến: cuộc gặp gỡ của những người phụ nữ bên mộ Chúa. Các bà đã đi để gặp một người chết, con đường của họ có vẻ như vô ích. Anh chị em cũng đang bơi ngược dòng đời: đời sống thế gian dễ dàng vứt bỏ sự khó nghèo, khiết trinh và vâng phục. Nhưng anh chị em hãy tiến về phía trước như những người phụ nữ ấy, bất chấp những lo lắng và những phiến đá nặng mà chúng phải được lăn sang một bên (xc. Mc 16,3). Và giống như những người phụ nữ ấy, anh chị em sẽ là những người đầu tiên gặp gỡ Chúa Giê-su phục sinh và đang sống, anh chị em hãy ôm lấy Ngài (xc. Mt 28,9) và ngay lập tức hãy công bố Ngài cho những người anh chị em, với cặp mắt rạng ngời niềm vui (xc. Mt 28,8). Và như thế, anh chị em sẽ luôn là buổi bình minh của Giáo hội: anh chị em, những người nam và những người nữ được thánh hiến thân mến, anh chị em chính là buổi sáng bình minh vĩnh cửu của Giáo hội! Hôm nay Cha xin cầu chúc cho anh chị em được tái hồi sinh cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su nơi bản thân mình, bằng cách là anh chị em hãy cùng đi đến với Ngài; và điều này sẽ làm cho cặp mắt của anh chị em được tỏa sáng cũng như sẽ ban tặng sức mạnh cho những bước chân của anh chị em.

 

Đền Thờ Thánh Phê-rô, thứ Sáu ngày mồng 02 tháng 02 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018