Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa Chúa Nhật 04.02.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay tiếp tục tường thuật về một ngày của Chúa Giê-su tại Ca-pha-na-um, đó là một ngày Sabbat, một ngày Lễ hằng tuần của người Do-thái (xc. Mc 1,21-39). Lần này, Thánh Mác-cô, tác giả Tin Mừng, đã nhấn mạnh tới mối tương quan giữa những phép lạ của Chúa Giê-su với sự trưởng thành của Đức Tin nơi những con người mà Ngài gặp gỡ. Vì thế, với những dấu chỉ chữa lành mà Ngài thực hiện cho các loại bệnh nhân, Chúa Giê-su đã muốn khơi lên Đức Tin như là một lời đáp trả.

Ngày của Chúa Giê-su tại Ca-pha-na-um được bắt đầu với việc chữa bệnh cho mẹ vợ của ông Phê-rô, và kết thúc với cảnh đoàn người kéo đến từ toàn thành phố, họ chen lấn nhau trước cửa nhà, nơi Chúa Giê-su đang ở, để mang đến cho Ngài tất cả mọi loại bệnh nhân. Có thể nói được rằng, đám đông đang bị đánh dấu bởi những nỗi khổ đau về thể xác và những nỗi bất hạnh về tinh thần, đã hình thành nên một „bối cảnh sống động“ mà sứ mạng của Chúa Giê-su được hiện thực hóa ở đấy, mà sứ mạng đó phát sinh từ những lời nói và những cử chỉ có khả năng chữa lành và an ủi. Chúa Giê-su đã đến không phải để mang sự chữa lành vào phòng thí nghiệm. Ngài không thực hiện những bài giảng „từ phòng thí nghiệm“, xa cách với con người: Ngài ở giữa đám đông! Ngài ở giữa dân! Hãy nhớ rằng, một phần lớn đời sống công khai của Chúa Giê-su đã diễn ra trên các con đường, để công bố Tin Mừng giữa những con người, để chữa lành các vết thương cả nơi thân xác lẫn nơi tâm hồn. Đám đông ấy mà Tin Mừng thường nói tới, là một nhân loại đang bị hằn sâu bởi những nỗi khổ đau. Đó là một nhân loại đang bị hằn sâu bởi những nỗi thống khổ, bởi những điều cơ cực và bởi các vấn đề: hoạt động đầy quyền năng, có khả năng giải phóng và canh tân của Chúa Giê-su đã nhắm tới nhân loại nghèo khổ ấy. Ngày Sabbat đó đã kết thúc bằng cách này, giữa đám đông, cho tới tận chiều tối.

Và sau đó Chúa Giê-su đã làm gì? Trước khi buổi bình minh của ngày hôm sau xuất hiện, Ngài đã đi ra khỏi thành, và tìm tới một nơi hoang vắng để cầu nguyện. Chúa Giê-su cầu nguyện. Bằng cách đó, Chúa Giê-su cũng đã tách con người và sứ mạng của Ngài ra khỏi một quan điểm chiến thắng mà nó hiểu sai về ý nghĩa của những phép lạ cũng như về quyền năng thiên phú của Ngài. Thực ra, những phép lạ chỉ là những dấu chỉ mời gọi đưa ra một lời đáp trả của Đức Tin. Đó là những dấu chỉ luôn luôn đi kèm theo những lời nói, để làm cho những lời đó được thêm sáng tỏ; những dấu chỉ và những lời nói đều cùng mang Đức Tin và sự hoán cải nhờ vào sức mạnh ân sủng của Chúa Ki-tô, tiến về phía trước. Đoạn cuối của Bài Tin Mừng hôm nay (c. 35-39) chỉ cho thấy rằng, việc loan báo Triều Đại Thiên Chúa thông qua Chúa Giê-su đã tìm thấy địa điểm thích hợp nhất của nó trên các con đường.

Tuy nhiên, các môn đệ đã tìm kiếm Ngài để đưa Ngài trở về lại thành phố - các môn đệ đã lên đường để đến tìm Ngài tại nơi Ngài đang cầu nguyện, và muốn đưa Ngài quay trở lại thành phố -. Vậy Chúa Giê-su đã trả lời họ như thế nào? „Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa“ (Mc 1,38). Đó là con đường của Con Thiên Chúa và cũng sẽ là con đường của các môn đệ Ngài. Và đó sẽ phải là con đường của từng Ki-tô hữu. Con đường, với tư cách là nơi chốn của việc loan báo Tin Mừng, sẽ đặt sứ mạng của Giáo hội bên dưới dấu chỉ của sự „ra đi“, của sự lên đường, bên dưới dấu chỉ của sự „chuyển động“, và không bao giờ ở bên dưới dấu chỉ của sự bất động.

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết mở ra đối với giọng nói của Chúa Thánh Thần, Đấng thôi thúc Giáo hội ngày càng mở rộng khung trời của mình ra giữa nhân loại, hầu mang Lời có khả năng chữa lành của Chúa Giê-su, của vị bác sĩ cả về thân xác lẫn tâm hồn, đến cho tất cả mọi người.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô, Chúa Nhật ngày mồng 04 tháng 02 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018