Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, Ngày 07.02.2018: Phụng Vụ Lời Chúa

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Hôm nay chúng ta lại tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Thánh Lễ. Chúng ta đã đề cập tới các Bài Đọc. Đó là sự đối thoại giữa Thiên Chúa và Dân Người, mà cuộc đối thoại ấy được thể hiện trong phần Phụng Vụ Lời Chúa của Thánh Lễ, và đạt tới cao điểm trong phần công bố Tin Mừng. Trước khi Tin Mừng được công bố thì bài ca Halleluja – hay một lời tung hô khác trong Mùa Chay – được cất lên, và với bài ca này, cộng đoàn các tín hữu sẽ đón nhận và kính chào Chúa Ki-tô, Đấng nói trong Tin Mừng. Nếu như mầu nhiệm Chúa Ki-tô chiếu sáng toàn bộ mạc khải của Kinh Thánh thế nào, thì trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, Tin Mừng cũng chính là ánh sáng giúp hiểu biết ý nghĩa của các bản văn Thánh Kinh như vậy, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, mà những bản văn ấy được đọc trước khi công bố Tin Mừng. Vì „như Chúa Ki-tô là trung tâm và là sự viên mãn của toàn bộ Kinh Thánh thế nào, thì Ngài cũng là trung tâm và là sự viên mãn như thế của toàn thể Phụng Vụ“. Chúa Giê-su luôn luôn đứng trong trung tâm điểm, luôn luôn.

Vì thế, chính Phụng Vụ đã đề cao Tin Mừng hơn tất cả các Bài Đọc khác, và thể hiện một niềm tôn kính đặc biệt đối với Tin Mừng. Do đó, việc đọc Tin Mừng phải được thực hiện bởi người có chức Thánh, và khi đọc xong, người này sẽ hôn sách Thánh; người ta đứng nghe Tin Mừng, và làm dấu Thánh Giá trên trán, trên môi và trên ngực; hương và nến để tôn kính Chúa Ki-tô, Đấng làm cho Lời đầy hiệu nghiệm của Ngài được lắng nghe thông qua việc đọc Tin Mừng. Qua những dấu chỉ đó, cộng đoàn sẽ làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Ki-tô, Đấng mang „Tin Vui“ đến cho họ, mà Tin Vui ấy có khả năng hoán cải và biến đổi. Một sự đối thoại trực tiếp sẽ diễn ra, như được thể hiện qua những việc tán thành, mà với chúng, người ta đáp lại việc công bố Tin Mừng: „Lạy Chúa, vinh danh Chúa“ và „Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa“. Chúng ta ngẩng đầu lên để lắng nghe Tin Mừng: đó là Chúa Ki-tô, Đấng nói với chúng ta ở đó. Và vì thế, chúng ta lưu tâm, vì đó là một cuộc nói chuyện trực tiếp. Đó là Thiên Chúa, Đấng nói với chúng ta.

Do vậy, trong Thánh Lễ, chúng ta đọc Tin Mừng không phải để biết được những sự việc đã diễn ra như thế nào, nhưng chúng ta lắng nghe Tin Mừng để chúng ta được dẫn tới niềm ý thức về điều mà ngày xưa Chúa Giê-su đã thực hiện và đã nói; và Lời này là Lời hằng sống, Lời Chúa Giê-su trong Tin Mừng là Lời hằng sống và đến được với con tim của tôi. Vì thế, điều quan trọng là phải lắng nghe Lời Chúa với con tim rộng mở, vì đó là Lời hằng sống. Thánh Augustinô viết: „Môi miệng của Chúa Ki-tô chính là Tin Mừng. Ngài ngự trị trên trời, nhưng không ngừng nói trên trái đất“. Nếu quả thực trong Phụng Vụ, „Chúa Ki-tô vẫn còn luôn tiếp tục công bố Tin Mừng“, thì chúng ta phải đáp lại Lời Ngài khi chúng ta tham dự Thánh Lễ. Chúng ta lắng nghe Tin Mừng và phải đưa ra lời đáp trả trong cuộc sống của mình.

Để làm cho chúng ta đến được với sứ điệp của Ngài, Chúa Ki-tô cũng sử dụng lời của Linh mục khi vị này giảng giải sau khi công bố Tin Mừng. Rất được đề cao bởi Công Đồng Vatican II như là một phần của chính Phụng Vụ, bài giảng không phải là một chuyện phiếm – và cũng chẳng phải là một bài Giáo Lý như bài Giáo Lý mà Cha đang thực hiện lúc này -, cũng chẳng phải là một bài thuyết trình hay một bài diễn văn. Bài giảng là một điều gì đó khác. Vậy bài giảng là cái gì? Thưa, nó „tiếp nhận sự đối thoại mà nó đã được khai mở giữa Thiên Chúa và Dân Người“, để nó tìm thấy được sự thành toàn trong cuộc sống. Việc giải thích Tin Mừng đúng nghĩa chính là đời sống thánh thiện của chúng ta! Lời Chúa hoàn tất quá trình của mình bằng cách trở thành xác thể trong chúng ta, và sẽ tiếp tục được dịch chuyển vào trong các công việc, như đã diễn ra nơi Đức Maria và nơi các Thánh. Anh chị em hãy nhớ tới điều mà Cha đã nói trong lần trước: Lời Chúa bước vào ngang qua đôi tai, đạt đến con tim, rồi đi tới đôi tay và đi tới những công việc tốt lành. Bài giảng cũng đi theo cách của Lời Chúa, và cũng sử dụng con đường này để giúp chúng ta, hầu cho Lời Chúa đến được trên đôi tay trong khi Lời ấy đi qua con tim.

Trong Tông Huấn Evangelii gaudium, Cha đã trình bày về bài giảng rồi, ở đó Cha đã nhắc nhớ rằng, bối cảnh Phụng Vụ „đòi hỏi việc công bố Tin Mừng phải hướng cộng đoàn, kể cả nhà giảng thuyết, tới chỗ hiệp thông với Chúa Ki-tô trong Bí Tích Thánh Thể, tức Bí Tích có khả năng biến đổi cuộc sống“.

Ai giảng giải, người ấy phải thực hiện tốt việc phục vụ của mình – nhà giảng thuyết, tức Linh mục, Phó tế hay Giám mục – và tất cả những ai tham dự Thánh Lễ, đều phải thể hiện một sự phục vụ đầy công hiệu, nhưng các thính giả cũng phải đóng góp phần của mình. Đặc biệt, trong khi họ lưu tâm một cách thích đáng tới sự phục vụ, tức khi họ có được một thái độ nội tâm đúng mực mà không hề đưa ra những yêu sách chủ quan, trong sự hiểu biết rằng, bất cứ nhà giảng thuyết nào cũng đều có những ưu điểm và những giới hạn. Nếu đôi khi có một lý do để lấy làm chán ngán với một bài giảng quá dài dòng, thiếu đi vào trọng tâm hay khó hiểu, thì ở những bài giảng khác, sự tiên kiến chính là một rào cản. Và ai giảng dậy, người ấy phải ý thức rằng, mình không được làm bất cứ điều gì của riêng mình, nhưng chỉ giảng dậy, bằng cách là để cho Chúa Giê-su lên tiếng; người ấy phải giảng Lời Chúa Giê-su. Và bài giảng phải được chuẩn bị tốt, nó phải ngắn gọn, ngắn gọn!

Một Linh mục đã kể cho Cha biết rằng, một lần kia Ngài đã đi sang một thành phố khác, nơi ông bà Cố của Ngài đang sống ở đó, và ông Cố đã nói với Ngài rằng: „Con có biết bố đang rất vui thế nào không, vì bố mẹ và một số bạn bè của bố đã tìm thấy được một nhà thờ mà ở đó có một Thánh Lễ không có bài giảng!“ Và chúng ta vẫn thường thấy rằng, trong lúc Linh mục giảng thì một số người đã ngủ gật, một số người khác quay sang nói chuyện gẫu với nhau, còn một số khác thì bỏ ra ngoài để hút thuốc… Vì thế, bài giảng phải ngắn gọn, nhưng nó phải được chuẩn bị cẩn thận. Và người ta chuẩn bị một bài giảng như thế nào hỡi các Linh mục, Phó tế và Giám mục thân mến? Người ta phải chuẩn bị nó như thế nào? Thưa phải nhờ vào việc cầu nguyện, nhờ vào việc học hỏi và nghiên cứu Lời Chúa, và bằng cách là người ta trao đi một bản tóm tắt rõ ràng và vắn gọn – xin đừng vượt quá mười phút. Sau cùng chúng ta có thể nói rằng, trong Phụng Vụ Lời Chúa, Thiên Chúa nói với Dân Người thông qua Tin Mừng và thông qua bài giảng, còn Dân Chúa thì phải lắng nghe Ngài với tất cả sự chú tâm và niềm kính cẩn, và đồng thời nhận ra Ngài đang hiện diện và hoạt động. Vì thế, nếu chúng ta lắng nghe „Tin Mừng“, thì rồi chúng ta sẽ được Tin Mừng đưa tới chỗ hoán cải và biến đổi, cũng như làm cho chúng ta có khả năng thay đổi chính mình và thế giới. Tại sao vậy? Thưa, vì Tin Mừng, vì Lời Chúa sẽ bước vào ngang qua đôi tai, rồi đi đến con tim và đến với đôi tay để thực hiện những công việc tốt lành.

 

Đại sảnh đường tiếp kiến

Sáng thứ Tư ngày mồng 07 tháng 02 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018