Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, CN 2 MC, 25.02.2018: Cuộc hiển dung của Chúa Giê-su

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay hôm nay mời gọi chúng ta hãy chiêm ngưỡng cuộc hiển dung của Chúa Giê-su (xc. Mc 9,2-10). Biến cố này phải được nhìn trong sự liên kết với điều mà nó đã diễn ra trước đó sáu ngày, khi Chúa Giê-su công bố cho các môn đệ của Ngài biết rằng, Ngài sẽ lên Giê-ru-sa-lem, và tại đó, „Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, và bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại“ (Mc 8,32). Sự loan báo này đã đẩy Phê-rô và toàn bộ nhóm môn đệ vào một cuộc khủng hoảng, bởi họ không thể hình dung ra được chuyện, Chúa Giê-su sẽ bị các nhà lãnh đạo trong dân loại bỏ, và rồi sẽ bị họ giết chết. Vì họ mong đợi một Đấng Messias quyền lực, mạnh mẽ và thống trị tất cả. Trái lại, Chúa Giê-su đã tỏ ra rất khiêm nhượng và hiền dịu, với tư cách là tôi trung của Thiên Chúa, với tư cách là người phục vụ con người, Đấng sẽ hiến mạng sống mình làm lễ hy sinh, và sẽ đi trên con đường bị bách hại, con đường đau khổ và bị giết chết.

Nhưng người ta có thể đi theo một vị Thầy, một Đấng Messias, như thế nào đây, trong khi lịch sử trần thế của người ấy lại kết thúc theo cách đó? Các ông đã nghĩ như thế. Và câu trả lời đã đến từ ngay cuộc hiển dung. Cuộc hiển dung của Chúa Giê-su là gì? Nó chính là một sự xuất hiện trước của cuộc Phục Sinh. Chúa Giê-su đã mang ba môn đệ đi theo mình, đó là các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, rồi Ngài „dẫn các ông đi lên một ngọn núi cao“ (Mc 9,2); và ở đó, Ngài đã tỏ cho các ông thấy vinh quang của Ngài, vinh quang của Con Thiên Chúa, nhưng các ông chỉ được thấy vinh quang đó trong một chốc lát thôi. Biến cố hiển dung này đã cho phép các môn đệ đối diện với cuộc khổ hình của Chúa Giê-su với một cách thức tích cực mà không hề bị áp chế bởi cuộc khổ hình ấy. Các ông đã thấy Ngài vinh quang như Ngài sẽ là sau cuộc khổ hình. Và do đó, Chúa Giê-su đã chuẩn bị cho các ông trước cuộc thử thách. Biến cố hiển dung giúp các môn đệ và cũng giúp cả chúng ta nữa, hiểu được rằng, cuộc Vượt Qua của Chúa Ki-tô chính là mầu nhiệm đau khổ, nhưng trước tiên, nó là một tặng phẩm Tình Yêu, Tình Yêu vô hạn của Chúa Giê-su. Biến cố Chúa Giê-su biến hình trên núi cũng làm cho chúng ta hiểu tốt hơn về cuộc phục sinh của Ngài. Để hiểu được mầu nhiệm Thập Giá, thì cần phải biết trước được rằng, Đấng chịu đau khổ và được tôn vinh, không chỉ là một con người, nhưng cũng còn là Con Thiên Chúa nữa, Đấng đã cứu độ chúng ta bằng Tình Yêu trung thành cho đến chết của Ngài. Thiên Chúa Cha đã lập lại những lời có tính Messias của Ngài trên Chúa Con, và đó là những lời mà Ngài đã nói tại bờ sông Gio-an sau khi Chúa Con đã lãnh nhận Phép Rửa, và đã nhắc nhớ rằng: „Các ngươi hãy nghe Lời Ngài!“ (c. 7). Các môn đệ được thôi thúc đi theo vị Thầy với tất cả niềm tín thác và niềm trông cậy, bất chấp cái chết của Ngài; Thần tính của Chúa Giê-su sẽ phải được mạc khải ngay trên Thánh Giá, ngay trong cái chết của Ngài „với cách thức như thế“, đến độ Thánh Mác-cô sẽ có thể đặt những lời tuyên xưng sau đây lên môi miệng của viên đại sĩ quan: „Quả thực, người này là Con Thiên Chúa“ (Mc 15, 39).

 

Giờ đây, trong tâm tình cầu nguyện, chúng ta hãy hướng lên Đức Maria, mà với tư cách là thụ tạo, Mẹ đã được biến hình đổi dạng trong tâm hồn Mẹ nhờ vào ân sủng của Chúa Ki-tô. Hoàn toàn tin tưởng, chúng ta hãy phó thác cho sự phù hộ từ mẫu của Mẹ để tiếp tục bước đi trên con đường Mùa Chay với Đức Tin và lòng quả cảm.

Quảng trường Thánh Phê-rô,

Trưa Chúa Nhật thứ II MC, ngày 25 tháng 02 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018