Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN 3 MC, 04.03.2018

 

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng theo Thánh Gio-an hôm nay tường thuật lại cho chúng ta biết về sự kiện Chúa Giê-su xua đuổi các con buôn ra khỏi Đền Thờ (xc. Ga 2,13-25). Ngài đã dùng dây thừng để đuổi những kẻ buôn bán đó, lật đổ bàn ghế của chúng và nói với họ: „Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán!“ (Ga 2,16). Hành động cương quyết được thực hiện ngay trước Lễ Vượt Qua ấy đã tạo ra một ấn tượng lớn nơi quần chúng, cũng như đã tạo ra một thái độ thù địch nơi những kẻ nắm quyền trong đạo và nơi những kẻ thấy rằng, mối lợi về kinh tế của họ đang bị đe dọa.

Nhưng chúng ta nên giải thích sự kiện đó thế nào? Chắc chắn, đó không phải là một hành vi bạo lực, vì nó không khiêu khích sự can thiệp của những kẻ bảo vệ trật tự công cộng, tức cảnh sát. Không! Đúng hơn, nó được coi như một hành động tiêu biểu cho các Ngôn Sứ, mà các Ngài thường nhân danh Thiên Chúa để trách mắng trước những lạm dụng và những điều sai quấy. Câu hỏi được đặt ra, đó là câu hỏi về năng quyền. Vì thế, người Do-thái đã chất vấn Chúa Giê-su: „Ông lấy dấu lạ nào để chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?“ (Ga 2,18). Điều đó có nghĩa là: Ông có năng quyền nào để làm những việc đó? Khi họ đòi trưng ra các bằng chứng cho việc đó, thì có nghĩa là, Ngài đã thực sự hành động nhân danh Thiên Chúa. Để giải thích hành vi của Chúa Giê-su trong việc thanh tẩy Nhà Thiên Chúa, thì các môn đệ của Ngài đã sử dụng một bản văn Kinh Thánh được trích từ Thánh Vịnh 69: „Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi nay phải thiệt vào thân“ (c. 17).

Câu Thánh Vịnh trên cũng có thể được dịch là: „Lòng nhiệt tâm đối với nhà Thiên Chúa sẽ gây kiệt sức cho tôi“. Thánh Vịnh này chính là một lời kêu cứu trong những hoàn cảnh nguy hiểm cùng cực nhất vì sự căm ghét của những kẻ thù: sự nhiệt tâm của Ngài chính là sự nhiệt tâm của Tình Yêu mà nó sẽ dẫn Ngài đi tới sự hy sinh bản thân mình – chứ không phải là một sự nhiệt tình sai quấy, mà nó tự tiện cho mình có quyền phụng sự Thiên Chúa bằng bạo lực. Vì „dấu lạ“ mà Chúa Giê-su sẽ đưa ra để làm bằng chứng cho năng quyền của Ngài, chính là cái chết và sự phục sinh của Ngài: „Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi; nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại“ (Ga 2,19). Và tác giả Tin Mừng giải thích rằng: „Nhưng Đền Thờ mà Đức Giê-su muốn nói ở đây, là chính thân thể Người“ (Ga 2,21). Với cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su, một nền phượng tự mới sẽ bắt đầu trong Đền Thờ mới, và đó là Đền Thờ Tình Yêu, Đền Thờ mới đó là chính Ngài. 

Thái độ của Chúa Giê-su mà đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật lại, nhắc chúng ta đừng sống cuộc đời mình dựa trên việc kiếm tìm những điều có lợi cho bản thân, cũng đừng kiếm tìm những mối quan tâm riêng của mình, nhưng hãy kiếm tìm vinh quang Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. Chúng ta được kêu gọi hãy luôn luôn nhớ tới những lời vô cùng mạnh mẽ đó của Chúa Giê-su: „Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán!“ (Ga 2,16). Sẽ là điều rất tồi tệ nếu như Giáo hội rơi vào tình trạng biến nhà Thiên Chúa thành nơi buôn bán. Những lời trên của Chúa Giê-su cũng sẽ giúp chúng ta tránh được nguy cơ biến tâm hồn mình, tức nơi cư cụ của Thiên Chúa, thành nơi chợ búa, và thường xuyên sống trong thái độ kiếm tìm những điều có lợi cho mình thay vì sống trong Đức Ái quảng đại và liên đới. Giáo huấn trên của Chúa Giê-su vẫn luôn còn mang tính thời sự, không chỉ đối với các Cộng Đoàn trong Giáo hội, nhưng cũng còn đối với từng cá nhân một, đối với các cộng đồng dân sự, và đối với toàn xã hội nữa.

Vì cơn cám dỗ muốn lợi dụng những hoạt động tốt và đôi khi bắt buộc để lo cho những mối quan tâm riêng, thậm chí còn phi pháp, nói chung là vẫn luôn tồn tại. Đó là một mối nguy lớn, đặc biệt nhất là khi nó biến chính Thiên Chúa cũng như biến việc tôn thờ Ngài, hay biến việc phục vụ con người, hình ảnh của Thiên Chúa, thành những công cụ. Vì thế, hồi ấy Chúa Giê-su đã phải „dùng biện pháp mạnh“ để kéo chúng ta ra khỏi sự nguy hiểm chết người đó. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria hỗ trợ chúng ta trong lúc chúng ta đang nỗ lực biến Mùa Chay thành một cơ hội tốt để tuyên xưng Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất của cuộc sống chúng ta, và đẩy xa bất cứ hình thức tôn thờ ngẫu tượng nào khỏi tâm hồn chúng ta cũng như khỏi những công việc của chúng ta.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật III MC, ngày mồng 04 tháng 03 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018