Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN IV MC, 11.03.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Vào ngày Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay hôm nay, hay cũng được gọi là Chúa Nhật »Laetare«, có nghĩa là „hãy vui lên!“, ca khúc Nhập Lễ mà nó mời gọi chúng ta hãy vui lên, có nội dung như sau: „Mừng vui lên hỡi thành thánh Giê-ru-sa-lem!“ – đó là một lời mời gọi hãy vui lên – „Hãy vui mừng với Giê-ru-sa-lem hỡi tất cả những ai đang khổ sầu“. Thánh Lễ bắt đầu như thế. Vậy đâu là lý do để có được niềm vui này? Thưa, lý do cho niềm vui này chính là Tình Yêu vĩ đại của Thiên Chúa đối với nhân loại, như bài Tin Mừng hôm nay phác họa cho chúng ta: „Vì Thiên Chúa rất yêu thương thế giới, đến độ đã trao hiến Con một duy nhất của Ngài để bất cứ ai tin vào người Con ấy, cũng sẽ không bị hư đi, nhưng có sự sống đời đời“ (Ga 3,16). Những lời trên, tức những lời mà Chúa Giê-su đã nói trong lúc Ngài đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô, đã tóm lược một đề tài, mà nó đứng trong trung tâm điểm của việc loan báo Tin Mừng Ki-tô giáo: ngay cả khi hoàn cảnh xem ra có vẻ vô vọng, thì Thiên Chúa cũng vẫn can thiệp và giới thiệu cho nhân loại biết về ơn cứu độ và niềm vui của Ngài. Thực ra, Thiên Chúa không đứng ở bên ngoài, nhưng bước vào trong lịch sử nhân loại, Ngài „hòa lẫn“ vào trong cuộc sống chúng ta, Ngài bước vào trong đó để gây phấn chấn cho nó cũng như cứu độ nó với ân sủng của Ngài. Chúng ta được kêu gọi hãy lắng nghe Tin Mừng ấy, và hãy chống lại cơn cám dỗ muốn coi mình như là sự chắc chắn mà không hề cần tới Thiên Chúa, nhưng lại đòi hỏi được tự do tuyệt đối khỏi Ngài và khỏi Lời của Ngài.

Nếu chúng ta có can đảm để nhận ra mình như là điều mà chúng ta là – cần phải có can đảm để làm điều đó! -, thì rồi chúng ta sẽ nhận ra rằng, chúng ta được kêu gọi với tư cách là con người để quan tâm đến những nỗi yếu nhược và những giới hạn của chúng ta. Và cũng có chuyện chúng ta bị tấn công bởi nỗi sợ hãi, bởi nỗi bất an trong mối liên hệ tới tương lai, bởi sự sợ hãi trước bệnh tật và cái chết. Điều đó giải thích cho thấy, tại sao lại có quá nhiều người đang tìm kiếm một lối thoát, đôi khi sử dụng những con đường tắt đầy nguy hiểm, chẳng hạn như đường ngầm của ma túy hay của sự mê tín dị đoan, hay những nghi thức ma thuật độc hại.

Chúng ta phải biết nó, không phải để tuyệt vọng, nhưng để giãi bày nó ra cho Thiên Chúa thấy; và Ngài sẽ giúp chúng ta trên con đường chữa lành, Ngài cầm lấy tay chúng ta và không bao giờ để cho chúng ta phải cô độc, không bao giờ! Thiên Chúa ở cùng chúng ta, và vì thế hôm nay „tôi phải mừng vui“, „chúng ta phải vui lên“: „Vui lên hỡi Giê-ru-sa-lem“ vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và chúng ta có niềm hy vọng thực sự và to lớn vào Thiên Chúa, Đấng là Cha, Đấng giầu Lòng Thương Xót, Đấng ban tặng cho chúng ta Con của Ngài để cứu độ chúng ta, và đó là niềm vui của chúng ta. Chúng ta cũng có nhiều những nỗi khổ đau, nhưng nếu chúng ta là những Ki-tô hữu đích thực, thì rồi niềm hy vọng mà nó là một niềm vui nho nhỏ, sẽ lớn lên và trao ban cho chúng ta sự chắc chắn. Chúng ta không được phép đánh mất niềm hy vọng khi nhìn thấy những giới hạn, những tội lỗi và những yếu nhược của mình: Thiên Chúa đang ở gần, Chúa Giê-su đang ở trên Thánh Giá để cứu độ chúng ta.

Đó là Tình Yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy hướng nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh và hãy nói trong lòng rằng: „Thiên Chúa yêu tôi“. Thực sự là có những giới hạn, có những yếu đuối và có những tội lỗi. Nhưng xin anh chị em đừng quên điều này: Thiên Chúa vĩ đại hơn những yếu nhược, những bất trung và những tội lỗi của chúng ta. Và chúng ta hãy vớ lấy tay Thiên Chúa, chúng ta hãy nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh và tiến về phía trước. Cầu xin Đức Maria, Thân Mẫu của Lòng Xót Thương, ban cho chúng ta niềm xác tín trong lòng rằng, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Xin Mẹ luôn ở gần chúng ta trong những giây phút mà chúng ta cảm thấy cô đơn, trong những phút giây mà chúng ta bị cám dỗ muốn bỏ cuộc khi phải đối diện với những khó khăn của cuộc sống. Ước chi Mẹ sẽ làm lan tỏa trên chúng ta những cảm nhận của Chúa Giê-su, Con của Mẹ, để con đường xuyên qua Mùa Chay của chúng ta có thể trở thành một cảm nghiệm về ơn tha thứ, về ơn được đón nhận và về tình Bác Ái đối với tha nhân.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật IV MC, ngày 11 tháng 03 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018