Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN V MC, 18.03.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 12,20-33) tường thuật lại một biến cố mà nó diễn ra trong những ngày sau cùng của cuộc đời Chúa Giê-su. Biến cố ấy xảy ra tại Giê-ru-sa-lem, nơi Ngài vừa đến đó để mừng Lễ Vượt Qua. Một số người Hy-lạp cũng đến để tham dự đại Lễ này. Đó là những người mộ đạo, họ được lôi cuốn bởi Đức Tin của dân tộc Do-thái, họ đã được nghe nói về vị Đại Ngôn Sứ này, và đã đi gặp ông Phi-líp-phê, một trong số 12 Tông Đồ, để nói với ông: „Chúng tôi muốn thấy Chúa Giê-su“ (Ga 12, 21). Thánh Gio-an đã đề cao câu nói đó, và đã đặt động từ „thấy“ vào trong trung tâm điểm của cái mà trong bảng danh mục các từ vựng của tác giả Tin Mừng, nó có nghĩa là, vượt lên trên vẻ bên ngoài để nhận thức được mầu nhiệm của một con người. Động từ mà Thánh Gio-an sử dụng – „thấy“ -, có nghĩa là, đạt tới được con tim và với ánh mắt, với sự hiểu biết về  điều sâu thẳm nhất của con người để xâm nhập vào bên trong con người đó.

Phản ứng của Chúa Giê-su hết sức ngỡ ngàng. Ngài không trải lời „có“ hay „không“, nhưng Ngài nói: „Đã đến giờ Con Người được tôn vinh“ (Ga 12,23). Những lời mà trước tiên xem ra có vẻ muốn phớt lờ lời yêu cầu của những người Hy-lạp ấy, nhưng trong thực tế, đã đưa ra một câu trả lời thích đáng, vì ai muốn thấy Chúa Giê-su, người ấy phải nhìn sâu vào trong nội tại của Thập Giá, nơi vinh quang của Ngài được mạc khải: Hướng cái nhìn về Thập Giá. Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng cái nhìn lên Thánh Giá, mà Thánh Giá đó không phải là đồ vật được trang trí hoa mỹ, hay là một vật trang sức thời trang – điều đôi khi bị lạm dụng! -, nhưng là một dấu chỉ tôn giáo mà nó nên được chiêm ngưỡng và được hiểu. Hình ảnh Chúa Giê-su bị treo trên Thập Giá đã mạc khải mầu nhiệm sự chết của Chúa Con như là một hành vi tuyệt đỉnh của Tình Yêu, nguồn mạch sự sống và ơn cứu độ cho nhân loại mọi thời. Chúng ta đã được cứu độ nhờ vào những vết thương của Ngài.

Tôi có thể suy tư về điều đó: „Tôi nhìn ngắm Thánh Giá thế nào? Có phải là nhìn ngắm như một tác phẩm nghệ thuật để xem nó có đẹp hay không? Hay tôi nhìn sâu vào trong, tôi bước vào trong những vết thương của Chúa Giê-su để tới được với con tim của Ngài? Liệu tôi có nhìn lên mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng bị khước từ tới chết giống như một tên nô lệ, và như một tên tội phạm hay không?“ Xin anh chị em đừng quên điều này: Nhìn lên Thánh Giá, nhưng nhìn sâu vào trong đó. Có một sự tôn kính rất tuyệt vời, đó là đọc mỗi Kinh Lạy Cha khi suy ngắm một trong năm vết thương của Chúa Giê-su: Nếu chúng ta đọc Kinh Lạy Cha theo kiểu này, thì chúng ta hãy cố gắng đi xuyên qua những vết thương của Chúa Giê-su để đi sâu vào trong con tim của Ngài. Và ở đó chúng ta sẽ học được sự khôn ngoan to lớn của mầu nhiệm Chúa Ki-tô, sự khôn ngoan vĩ đại của Thập Giá.

Và để giải thích về ý nghĩa của cái chết cũng như về ý nghĩa của sự phục sinh mà Ngài sẽ trải qua, Chúa Giê-su đã sử dụng một hình ảnh và nói: „Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác“ (Ga 12,24). Ngài muốn làm cho chúng ta nhận thức được rằng, những sự kiện sau cùng nơi cuộc sống của Ngài – tức biến cố Thập Giá, cuộc khổ hình và sự phục sinh – chính là một hành vi của sự phong nhiêu – những vết thương của Ngài đã cứu độ chúng ta -, đó là một sự phong nhiêu sẽ đơm bông kết trái dồi dào. Và rồi Ngài so sánh bản thân Ngài với hạt lúa được gieo vào lòng đất, chết đi, và sinh ra sự sống mới. Với mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giê-su đã đến trái đất; nhưng điều đó không đủ: Ngài cũng còn phải chết đi để cứu nhân loại khỏi kiếp nô lệ tội lỗi và ban cho họ một sự sống mới mà nó được giao hòa trong Tình Yêu. Cha nói: „để cứu nhân loại“: Giờ đây, để cứu độ tôi, cứu độ bạn, cứu độ tất cả chúng ta, cứu độ từng người một trong chúng ta, Ngài đã trả giá cho chúng ta. Đó là mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Hãy bước vào trong những vết thương của Ngài, bước vào, chiêm ngắm; hãy nhìn ngắm Chúa Giê-su, nhưng từ bên trong.

Và sự năng động này của hạt lúa mà nó đã hiện thực hóa trong Chúa Giê-su, cũng sẽ phải được hiện thực hóa trong chúng ta, các môn đệ của Ngài: chúng ta được kêu gọi lĩnh hội giới luật có tính phục sinh này: đánh mất cuộc sống của mình, để tiếp nhận nó với tư cách là sự sống mới và vĩnh cửu. Và việc đánh mất sự sống mình có nghĩa là gì? Trở thành hạt lúa có nghĩa là gì? Có nghĩa là bớt nghĩ về chính mình đi, bớt nghĩ về những mối quan tâm cá nhân đi.

Nó có nghĩa là có thể „thấy “ và có thể cảm thông với những nhu cầu của tha nhân chúng ta, đặc biệt nhất là của những con người cùng rốt. Việc hoàn toàn vui mừng để thực hiện những công việc Đức Ái cho tất cả những ai đang phải đau khổ cả nơi thân xác lẫn trong tâm hồn, chính là một cách thức đích thực để sống Tin Mừng. Đó là nền tảng căn bản để cho các cộng đoàn của chúng ta được lớn lên trong tình huynh đệ và đón nhận lẫn nhau. Tôi muốn thấy Chúa Giê-su, nhưng thấy trong chiều sâu. Hãy bước vào trong những vết thương của Ngài và hãy chiêm ngưỡng Tình Yêu phát xuất từ con tim của Ngài đối với bạn, đối với tôi và đối với tất cả.

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã luôn hướng cái nhìn nội tâm của mình về Con của Mẹ suốt từ hang đá Bê-lem cho tới tận chân Thập Giá trên đồi Golgotha, giúp chúng ta để chúng ta gặp được Ngài và nhận ra Ngài như Ngài muốn, để chúng ta có thế sống trong sự soi sáng của Ngài, cũng như có thể mang hoa trái công lý và bình an vào trong thế giới.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa CN V MC, ngày 18 tháng 03 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018