Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 21.03.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Hôm nay là ngày đầu tiên của Mùa Xuân. Cha xin cầu chúc cho tất cả anh chị em một Mùa Xuân thật tốt đẹp! Nhưng điều gì sẽ diễn ra trong Mùa Xuân? Cây cối đâm chồi nẩy lộc, và hoa màu trổ bông. Cha muốn đặt ra vài câu hỏi. Một cây mang bệnh liệu có thể trổ được những bông trái tốt tươi không? Không! Cây cối không gặp trời mưa hay không được người ta tưới tắm cho thì liệu có thể đơm bông kết trái tốt tươi được không? Không! Cây cối bị trốc rễ hay không có rễ, thì liệu có sinh bông hạt tốt tươi được không? Không!

Người ta có thể đơm bông kết trái được không nếu không có gốc rễ? Không! Đó là một sứ điệp: Đời sống Ki-tô hữu phải là một đời sống đơm bông kết trái trong những công việc của Đức Ái đối đối với tha nhân – và hệ tại ở chỗ là người ta làm điều thiện. Nhưng nếu bạn không có gốc rễ thì bạn không thể đơm bông kết trái. Và ai là cội rễ của bạn? Thưa, đó là Chúa Giê-su! Nếu bạn không ở bên Chúa Giê-su, ở đó, trong cội rễ, thì rồi bạn sẽ không đơm bông kết trái. Nếu anh chị em không tưới gội cho cuộc sống mình bằng sự cầu nguyện và các Bí Tích, thì liệu anh chị em có đơm bông kết trái Ki-tô giáo được không? Không! Vì sự cầu nguyện và các Bí Tích sẽ tưới gội cho cội rễ, và đời sống chúng ta sẽ trổ bông. Và Cha xin cầu chúc cho anh chị em rằng, mùa Xuân này sẽ có thể trở thành một Mùa Xuân đơm bông kết trái đối với anh chị em. Và Cha cũng xin cầu chúc rằng, Đại Lễ Phục Sinh cũng sẽ có thể đơm bông kết trái đối với anh chị em: Đó là sự đơm bông kết trái của những công việc tốt lành, của các Đức Hạnh, của các hành vi tốt đẹp đối với tha nhân. Anh chị em hãy nhớ kỹ điều này, đây là một châm ngôn rất tuyệt vời từ quê của Cha: „Điều làm cho một cây đơm bông kết trái đến từ điều mà cây đó có ở dưới đất.“ Anh chị em đừng bao giờ cắt đứt gốc rễ khỏi Chúa Ki-tô.

Và bây giờ chúng ta lại tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Thánh Lễ. Việc cử hành Thánh Lễ mà chúng ta đang đề cập tới các phần khác nhau của nó, được hướng đến sự Hiệp Lễ, cụ thể là nhắm tới việc hiệp nhất chúng ta với Chúa Giê-su. Đó là việc rước Mình Máu Thánh Chúa, chứ không phải là Rước Lễ thiêng liêng mà bạn có thể lãnh nhận ở nhà, bằng cách nói rằng: „Lạy Chúa Giê-su, con muốn rước Chúa cách thiêng liêng“, không, nhưng đây là việc hiệp lễ có tính Bí Tích, có nghĩa là rước Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô. Chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể để nuôi dưỡng bản thân mình bằng Chúa Ki-tô, Đấng trao hiến bản thân mình cả trong Lời lẫn trong Bí Tích Bàn Thánh, để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Chính Chúa Giê-su đã nói: „Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì ở trong tôi và tôi ở trong người ấy“ (Ga 6,56). Vì cử chỉ của Chúa Giê-su, Đấng đã trao hiến Mình và Máu Ngài cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, vẫn còn được tiếp diễn trong thời đại hôm nay xuyên qua sứ mạng của Linh mục và Phó Tế, những thừa tác viên thường trực của việc phân phát bánh hằng sống và chén cứu độ cho những người anh chị em.

 

Trong Thánh Lễ, sau khi đã bẻ Bánh Thánh, tức thân mình Chúa Ki-tô, Linh mục sẽ chỉ cho các tín hữu thấy điều đó, và mời gọi họ tham dự Bàn Tiệc Thánh Thể. Chúng ta thuộc lòng những lời mà chúng được cất lên từ Bàn Thánh: „Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa!“ Được truyền cảm hứng từ một câu của sách Khải Huyền – „Phúc thay ai được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!“ (Kh 19,9): Ở đây là „Tiệc Cưới“, vì Chúa Giê-su chính là Tân Lang của Giáo hội – lời mời này mời gọi chúng ta hãy nếm trải sự hiệp nhất nội tâm với Chúa Ki-tô, nguồn mạch niềm vui và thánh thiện. Đó là một lời mời đem đến sự vui mừng và đồng thời thôi thúc việc kiểm thảo lương tâm dưới sự soi sáng của Đức Tin. Vì một mặt, nếu chúng ta thấy được sự xa cách mà nó đang tách chúng ta ra khỏi sự thánh thiện của Chúa Ki-tô, thì mặt khác chúng ta hãy tin rằng, máu Thánh Ngài đã „đổ ra để thứ tha tội lỗi“.

Tất cả chúng ta đều đã được tha thứ trong Phép Rửa, và mỗi lần, khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thống Hối, chúng ta lại được tha thứ hay sẽ được thứ tha. Và xin anh chị em đừng quên: Chúa Giê-su tha thứ luôn luôn. Chúa Giê-su không bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc tha thứ. Chúng ta là những người dễ trở nên mệt mỏi trong việc cầu xin ơn tha thứ. Trong mối liên hệ đến giá trị cứu độ của Máu này, Thánh Ăm-brô-xi-ô đã nói như sau: „Tôi, người luôn luôn phạm tội, phải luôn luôn sở hữu các phương tiện cứu độ“ (De sacramentis, 4,28: PL 16,446A). Trong niềm tin tưởng đó, chúng ta cũng hướng nhìn về Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, và kêu cầu Ngài: „Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh!“ Chúng ta cầu xin như thế trong mỗi Thánh Lễ.

Khi chúng ta xếp hàng lên Rước Lễ, xếp hàng đi tới Bàn Thờ để Rước Lễ, thì trong thực tế, chính Chúa Ki-tô là Đấng đang đến với chúng ta, để đồng hình đồng dạng với chúng ta. Có một cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su! Việc nuôi sống bản thân mình bằng Bí Tích Thánh Thể có nghĩa là, để cho mình được biến thành điều mà chúng ta lãnh nhận. Thánh Augustinô sẽ giúp chúng ta hiểu điều đó khi Ngài nói về ánh sáng mà Ngài đã lãnh nhận, khi Ngài nghe thấy Chúa Ki-tô nói với Ngài rằng: „Ta là của ăn đầy sức mạnh; hãy lớn lên, và con sẽ thưởng thức Ta. Nhưng con sẽ không biến Ta thành con như những món ăn thể chất, nhưng con sẽ được biến thành Ta“ (Tự Thú, VII,10,16: PL 32,742). Mỗi lần, khi chúng ta Rước Lễ, thì chúng ta sẽ trở nên giống Chúa Ki-tô, chúng ta sẽ càng được biến thành Chúa Giê-su hơn. Như bánh và rượu được biến thành Mình và Máu của Chúa thế nào, thì tất cả những ai lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa trong Đức Tin, cũng đều trở thành Bí Tích Thánh Thể sống động như thế. Khi vị Linh mục trao mình Thánh Chúa cho bạn và nói: „Mình Thánh Chúa Ki-tô“, thì bạn sẽ thưa lại rằng: „Amen“. Có nghĩa là, bạn nhìn nhận ân sủng và nghĩa vụ mà nó mang theo với mình, tức là trở thành Thân Mình Chúa Ki-tô. Vì khi bạn lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, bạn sẽ trở thành thân mình Chúa Ki-tô. Đó là điều tuyệt vời. Đó là điều thật tuyệt vời. Nếu như việc Rước Lễ hiệp nhất chúng ta với Chúa Ki-tô, và tách chúng ta ra khỏi sự ích kỷ của mình, thì nó cũng mở chúng ta ra và hiệp nhất chúng ta với tất cả những ai đang là một trong Ngài. Đó là phép lạ của việc Hiệp Lễ: Chúng ta trở thành điều mà chúng ta lãnh nhận!

Giáo hội khẩn khoản cầu mong sao cho các tín hữu được rước Mình Thánh Chúa từ chính bánh lễ được truyền phép ngay trong Thánh Lễ mà họ đang tham dự; và dấu chỉ của bữa tiệc Thánh Thể sẽ được diễn tả theo một cách thế hoàn hảo, khi việc Hiệp Lễ được trao dưới hai hình, ngay cả khi Đức Tin Ki-tô giáo dậy rằng, chỉ cần rước một hình trong số hai hình thôi thì cũng có nghĩa là đã rước trọn vẹn Chúa Ki-tô rồi, Ngài không bị phân chia (xc. Lời dẫn vào Sách Lễ Rô-ma, 85; 281-284). Theo thói quen vẫn được thực hành trong Giáo hội, thì người tín hữu sẽ xếp hàng để lên Rước Lễ, và sẽ lãnh nhận mình Thánh Chúa với sự kính cẩn, có thể đứng hoặc quỳ để Rước Lễ, tùy theo sự ấn định của Hội Đồng Giám Mục, và cũng có thể rước bằng miệng hay bằng tay, nếu Hội Đồng Giám Mục nào cho phép như vậy với quyết định riêng (xc. nt., 160-161). Sau khi lên Rước Lễ thì sự thinh lặng và việc cầu nguyện âm thầm sẽ giúp chúng ta duy trì trong tâm hồn hồng ân đã lãnh nhận. Việc kéo dài khoảnh khắc thinh lặng này một chút và việc nói với Chúa Giê-su trong tâm hồn, sẽ giúp cho chúng ta ở lại bên Chúa, và đồng thời, việc hát một Thánh Vịnh hay một bài Thánh Ca, cũng sẽ giúp cho chúng ta như vậy (xc. nt, 88).

Phần Phụng Vụ Thánh Thể sẽ chấm dứt với lời nguyện kết thúc sau khi Hiệp Lễ. Trong phần này, nhân danh mọi người, Linh mục sẽ hướng lên cùng Chúa để tạ ơn Ngài vì Ngài đã ban cho chúng ta được cùng tham dự vào bàn tiệc với Ngài, và cầu xin Ngài biến điều mà chúng ta vừa lãnh nhận trở nên sự sống cho chúng ta. Bí Tích Thánh Thể sẽ củng cố chúng ta để chúng ta có thể sinh ra những hoa trái là những công việc tốt lành, cũng như có thể sống với tư cách là những người Ki-tô hữu. Lời nguyện kết Lễ hôm nay có rất nhiều ý nghĩa; với lời cầu đó, chúng ta cầu xin Thiên Chúa rằng: „Ước chi Bí Tích Thánh Thể mà chúng con vừa lãnh nhận, trở nên linh dược chống lại sự ác trong tâm hồn chúng con, và bảo vệ chúng con trước bất cứ hiểm nguy nào“ (SLRM, Thứ Tư, tuần V MC). Chúng ta hãy đi đến với Bí Tích Thánh Thể: rước Chúa Giê-su, Đấng biến đổi chúng ta thành chính Ngài, và tăng thêm sức lực cho chúng ta. Thiên Chúa thật là tốt lành và vĩ đại!

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 21 tháng 03 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018