Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Lễ Làm Phép Dầu, Sáng thứ Năm, 29.03.2018

 

Anh em trong sứ vụ Linh mục của Giáo phận Rô-ma và của các Giáo phận khác trên toàn thế giới thân mến:

Khi Cha đọc các bản văn Phụng Vụ hôm nay thì một câu từ sách Đệ Nhị Luật đã gây rất ấn tượng cho Cha: „Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người hay không?“ (4,7). Sự gần gũi của Thiên Chúa… sự gần gũi tông đồ của chúng ta.

Trong văn bản của sách Ngôn Sứ Isaia, chúng ta thấy „Đấng được Thiên Chúa xức dầu và Đấng được Thiên Chúa sai đi“ vào giữa dân Ngài, Đấng gần gũi những người nghèo, các bệnh nhân và các tù nhân…; và Thần Khí „ngự xuống trên Ngài“, thúc giục Ngài cũng như đồng hành với Ngài trên đường.

Trong Thánh Vịnh 89, chúng ta thấy, Đấng đã cầm tay vua Đa-vít để dắt ông đi từ khi ông còn trẻ, và đã trao cánh tay của Ngài cho ông, giờ đây, trong lúc cao niên, đang tiếp nhận tên gọi của niềm thành tín như thế nào. Sự gần gũi được duy trì trong suốt quá trình thời gian có tên là sự thành tín.

Sách Khải Huyền của Thánh Gio-an trao cho chúng ta một tầm nhìn xa với cụm từ »ρχμενος« (»Erchomenos«) – Thiên Chúa trong ngôi vị, Đấng „đến“ luôn luôn, luôn luôn. Lời tiên đoán: „họ sẽ nhìn lên Đấng mà họ đã đâm thâu“, cho phép chúng ta nhận ra rằng, những vết thương của Đấng Phục Sinh sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, Thiên Chúa luôn luôn đến với chúng ta khi chúng ta „biến mình thành người thân cận“ về thân xác với tất cả những ai đang đau khổ, đặc biệt là các em bé.

Trong hình ảnh trung tâm của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa Giê-su bằng cặp mắt của những người đồng hương với Ngài, mà họ „chăm chú nhìn Ngài“ (Lc 4,20). Chúa Giê-su đứng dậy, tiến tới chỗ đặt bục sách trong hội đường để đọc sách. Người ta trao cho Ngài cuộn Kinh Thánh Ngôn Sứ Isaia. Ngài mở cuộn Kinh Thánh đó ra và thấy đoạn nói về Đấng được Thiên Chúa sai đi. Ngài đọc lớn: „Thần Khí Chúa ngự trên tôi. Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi; Người đã sai tôi đi…“ (61,1). Và Ngài kết luận bằng cách là Ngài tuyên bố về sự gần gũi đầy phấn khích với những lời sau: „Hôm nay đã ứng nghiệm những lời mà tai các ngươi vừa nghe“ (Lc 4,21).

Chúa Giê-su thấy đoạn sách và đọc đoạn sách ấy trong sự ủy quyền của các Luật Sĩ. Ngài không hề muốn trở thành một Luật Sĩ hay một chuyên viên Kinh Thánh, nhưng Ngài muốn trở thành một „nhà loan báo Tin Mừng“, một nhà giảng thuyết trên đường, „người mang tin mừng“ đến cho dân mình, nhà giảng thuyết, mà những bước chân của người ấy, như Ngôn Sứ Isaia nói, thật tuyệt diệu biết bao (xc. Is 52,7). Nhà giảng thuyết thì luôn gần gũi.

Điều sau đây chính là sự chọn lựa duy nhất của Chúa Giê-su: Chúa Giê-su quyết định trở thành một người gần gũi với Dân Ngài. Ba mươi năm sống trong âm thầm! Chỉ sau đó Ngài mới bắt đầu rao giảng. Đó là khoa sư phạm của mầu nhiệm Nhập Thể… của mầu nhiệm Nhập Thể; không chỉ trong những nền văn hóa xa xôi, kể cả trong các Giáo xứ riêng của mình, nhưng trong nền văn hóa của những người trẻ…

Hơn nữa, sự gần gũi còn là một chỉ dấu cho một đức hạnh đặc biệt; nó là một thái độ liên hệ tới toàn bộ con người để tạo nên cách thức cũng như những mối liên kết của nó, được khẳng định trong chính mình và đồng thời,  kính trọng người khác… Khi người ta nói về một Linh mục rằng, Ngài „rất gần dân“, thì cứ sự thường, người ta muốn đề cao hai điều: thứ nhất là Ngài „luôn luôn ở đó“ (trái ngược với sự xác định rằng, Ngài „không bao giờ ở đó“: „Con biết, thưa Cha, Cha rất bận rộn…“ – người ta thường nói như thế). Và dấu hiệu thứ hai là, Ngài có thể tìm ra những lời thích hợp để nói với mỗi người. „Ngài nói với tất cả“ – người ta nói thế: với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, với cả người nghèo lẫn những người không có Đức Tin… Những Linh mục gần dân, các Ngài ở đó, các Ngài nói chuyện với tất cả mọi người… Các Linh mục trên đường.

Và một người đã học được từ Chúa Giê-su để trở thành nhà giảng thuyết trên đường, chính là Phi-líp-phê. Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại rằng, Phi-líp-phê di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác để loan báo Tin Mừng, bằng cách là ông giảng trong tất cả các Thành phố, đến độ các thành phố đó đều được lấp đầy niềm vui (xc. Cv 8,4.5-8). Phi-líp-phê là một trong số những người mà Chúa Thánh Thần có thể „đem theo“ trong từng khoảnh khắc, và có thể làm cho họ đi đến khắp nơi để loan báo Tin Mừng, để đi từ chỗ này sang chỗ khác; và ông cũng là một người có khả năng Rửa Tội cho những con người có Đức Tin vững chắc, như viên thái giám của nữ hoàng Ê-thi-ô-pi-a, và đã thực hiện điều đó ngay trong lúc họ đang còn trên đường (xc. Cv 8,5; 36-40).

Anh em thân mến, sự gần gũi chính là chìa khóa của người loan báo Tin Mừng, vì nó chính là một thái độ có tính chìa khóa trong Tin Mừng (Chúa Giê-su đã sử dụng nó để miêu tả về Triều Đại Thiên Chúa). Chúng ta đã chấp nhận rằng, sự gần gũi chính là chìa khóa của Lòng Xót Thương, vì Lòng Xót Thương sẽ chẳng là điều gì cả nếu nó không ngừng cố gắng để vượt qua những khoảng cách với tư cách là một người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu. Nhưng Cha tin rằng, chúng ta vẫn còn phải chấp nhận thực tế rằng, sự gần gũi chính là chìa khóa của chân lý; không phải chỉ của Lòng Xót Thương, nhưng cũng còn là chìa khóa của chân lý nữa. Liệu người ta có thể vượt qua sự ngăn cách để vào trong chân lý được hay không? Thưa được, người ta có thể làm điều đó. Vì chân lý không chỉ là một khái niệm mà nó có thể tạo điều kiện cho bạn nêu đích danh các trạng huống và các sự vật từ khoảng cách xa của một chương trình hay của một suy tư đầy lô-gích. Nó không chỉ là như thế. Chân lý cũng còn là sự thành tín nữa, tức điều mà nó tạo điều kiện cho bạn gọi đích danh những con người bằng tên riêng của họ, giống như Chúa Giê-su đã gọi tên họ vậy, trước khi người ta xếp họ vào một phạm trù hay xác định „tình cảnh của họ“. Và ở đó có những tập tục, „văn hóa tính từ“ này - xấu xa, hay? –:  người này thì như thế, người kia thì khác, còn người ấy thì… Không, đó là một người con của Thiên Chúa. Ngoài ra, người ấy còn thủ đắc những đức hạnh hay những lỗi lầm, nhưng vấn đề ở đây là chân lý thành tín của con người, mà không phải là một tính từ, tức điều bị biến thành đối tượng.

Người ta phải canh chừng để đừng sa vào chước cám dỗ muốn tạo nên một ngẫu tượng từ một số chân lý trừu tượng. Đó là những ngẫu tượng dễ dãi, và tiện lợi, chúng trao tặng một thanh thế hay một sức mạnh nào đó và thật khó để nhận ra. Vì „chân lý với tư cách là ngẫu tượng“ sẽ  tự che đậy, chúng sử dụng  những lời Tin Mừng như một bộ quần áo, nhưng chúng không để cho những Lời đó đụng chạm tới con tim. Và còn có điều tồi tệ hơn nhiều: chúng tách những con người đơn sơ mộc mạc ra xa khỏi sự gần gũi có tính chữa lành của Lời nói và của các Bí Tích của Chúa Giê-su.

Ở đây, chúng ta hãy hướng về Đức Maria, Thân Mẫu của các Linh mục. Chúng ta có thể kêu cầu Mẹ với tư cách là „Thánh Mẫu của sự gần gũi“: „Với tư cách là Thân Mẫu đích thực, Mẹ đồng hành với chúng ta, chiến đấu cho chúng ta, và không hề mệt mỏi trong việc trải rộng sự gần gũi của Tình Yêu Thiên Chúa“ (Thông Điệp Evangelii gaudium, 286), để đến độ không ai có thể cảm thấy mình bị loại trừ. Thân Mẫu của chúng ta không chỉ gần gũi để phục vụ với sự „sẵn sàng“ (nt, 288) mà nó là một cách gần gũi, nhưng cũng còn để nói những điều khác thông qua sự khôn ngoan của Mẹ. Tại Cana, ánh mắt và giọng nói thích hợp mà với nó, Mẹ đã nói với các gia nhân: „Ngài nói gì, các anh cứ làm như vậy“, đã dẫn tới chỗ làm cho những lời ấy trở thành phong cách đầy từ mẫu của toàn bộ ngôn ngữ trong Giáo hội. Nhưng để nói ngôn ngữ đó giống như Mẹ, người ta không phải chỉ xin cho được ơn đó, nhưng cũng còn phải có thể ở đó, nơi những điều quan trọng được „xào nấu“, tức những điều có ý nghĩa đối với từng con tim, từng gia đình và từng nền văn hóa. Chỉ từ sự gần gũi đó – chúng ta có thể gọi nó là sự gần gũi „nhà bếp“ – người ta mới có thể biện phân, rượu nào đang bị thiếu và rượu nào là rượu có chất lượng hơn mà Thiên Chúa muốn ban cho.

Cha khuyên anh em hãy quan sát ba lãnh vực của sự gần gũi thuộc về Linh mục, mà trong ba lãnh vực đó, những lời: „Ngài nói gì, các anh cứ làm theo“, phải vang vọng trong các tâm hồn của những con người mà chúng ta nói với họ trong lãnh vực đồng hành thiêng liêng, trong lãnh vực giảng dậy và trong lãnh vực ban Bí Tích Giải Tội, với hàng ngàn cách thức khác nhau, nhưng với cung giọng đầy từ mẫu ấy.

Chúng ta có thể suy tư về sự gần gũi trong việc đối thoại thiêng liêng, bằng cách là chúng ta chiêm ngưỡng cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su với người phụ nữ Samarita. Trước hết, Chúa Giê-su dậy cho bà biết việc người ta sẽ tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và sự thật như thế rào; sau đó, với sự tinh tế, Ngài giúp bà nhận ra tội lỗi của bà mà không hề xúc phạm đến bà; và sau cùng, Ngài để cho mình bị thiêu đốt bởi tinh thần truyền giáo của bà, và cùng với bà, đi vào làng để loan báo Tin Mừng. Khuôn mẫu cho mọi cuộc đối thoại tinh thần chính là cuộc đối thoại của Chúa Giê-su, Đấng có thể phơi bày những tội lỗi của người phụ nữ Samarita, mà không hề làm ảnh hưởng xấu tới niềm tôn thờ của bà, cũng không tạo ra rào cản cho sứ mạng truyền giáo của bà.

Chúng ta có thể suy tư về sự gần gũi trong lãnh vực Giải Tội, bằng cách là chúng ta quan sát đoạn văn nói về người phụ nữ ngoại tình. Ở đó người ta sẽ thấy rõ được sự gần gũi có tầm quan trọng như thế nào, vì những chân lý của Chúa Giê-su luôn luôn phải được mang từ con người tới con người và được nói từ người này với người kia (người ta có thể nói luôn luôn về những chân lý đó). Vì việc lưu tâm tới người khác – như Chúa Giê-su, Đấng đứng lên sau khi đã quỳ bên cạnh người phụ nữ ngoại tình mà người ta đang muốn ném đá, và nói với bà: „Tôi cũng không kết án chị“ (Ga 8,11) – không có nghĩa là, chống lại Lề Luật. Và người ta có thể bổ sung thêm: „Chị hãy đi và từ nay, đừng phạm tội nữa!“ (nt.): không phải với một cung giọng mà nó thuộc về lãnh vực chính đáng của chân lý được định nghĩa – giọng nói của kẻ phải quy định những điều kiện cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa -, nhưng là với một cách thức diễn tả mà người ta áp dụng trong lãnh vực chân lý như là sự thành tín mà nó cho phép tội nhân nhìn về phía trước và không quay trở lại đàng sau. Cung giọng chính xác của câu nói „Đừng phạm tội nữa“ chính là cung giọng của Cha Giải Tội, người nói với hối nhân trong sự sẵn sàng lập lại với hối nhân ấy bảy mươi lần bảy (xc. Mt 18,22).

Sau cùng là lãnh vực giảng dậy. Chúng ta hãy suy tư về điều đó bằng cách là chúng ta hãy nghĩ tới những người đang đứng ở xa, và chúng ta hãy thực hiện điều đó trong sự lắng nghe bài giảng đầu tiên của Thánh Phê-rô, mà bài giảng ấy đứng trong mối liên hệ với biến cố Ngũ Tuần. Thánh Phê-rô công bố rằng, Lời có hiệu lực „với tất cả những người ở xa“ (Cv 2,39), và Ngài đã giảng bằng một cách thức để lời rao giảng ban đầu bắt gặp họ „ngay giữa con tim“, và dẫn họ tới chỗ đặt vấn đề: „Chúng tôi nên làm gì?“ (Cv 2,37). Đó là một câu hỏi, mà, như chúng ta đã nói, chúng ta phải luôn luôn đặt vào trong cung giọng của Đức Maria và của Giáo hội, và phải trả lời cho nó. Bài giảng chính là „viên đá thử để đánh giá về sự gần gũi và khả năng giao tiếp của một mục tử với dân mình“ (Thông Điệp Evangelii gaudium, 135). Trong bài giảng, người ta sẽ thấy được chúng ta đã gần gũi với Thiên Chúa trong cầu nguyện như thế nào, cũng như sẽ thấy được chúng ta gần gũi với dân trong cuộc sống hằng ngày của họ như thế nào.

Tin Mừng sẽ được mang ra thực hành nếu hai cách thức đó của sự gần gũi tạo điều kiện cho nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Nếu bạn cảm thấy mình đang xa cách Thiên Chúa, thì xin bạn hãy đi đến với Dân của Ngài, dân đó sẽ chữa cho bạn tránh khỏi những ý thức hệ mà chúng sẽ làm cho lòng nhiệt thành của bạn trở nên lạnh nhạt. Những con người bé nhỏ sẽ dậy cho bạn biết nhìn ngắm Chúa Giê-su theo một cách khác. Trong cặp mắt của họ, con người Chúa Giê-su vô cùng hấp dẫn, gương sáng của Ngài tạo ra một uy quyền về luân lý, và những giáo huấn của Ngài sẽ có ích cho cuộc sống. Và nếu bạn cảm thấy mình đang xa cách con người, thì xin bạn hãy đến gần với Chúa và Lời của Ngài: Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su sẽ dậy cho bạn cách thức của Ngài trong việc nhìn xem dân chúng, để thấy được một người trong số những người mà Ngài đã đổ máu của Ngài ra cho họ trên thập Giá, thì giá trị trong cặp mắt của Ngài biết là dường nào. Trong sự gần gũi với Thiên Chúa, Lời sẽ trở thành xác thể trong bạn, và bạn sẽ lại trở thành một Linh mục biết gần gũi với tất cả mọi xác thể. Trong sự gần gũi với Dân Thiên Chúa, thân xác đầy khổ đau của Ngài sẽ trở thành Lời trong con tim của bạn, và bạn sẽ biết, bạn nên nói với Chúa về điều gì, bạn sẽ trở thành một Linh mục biết nguyện giúp cầu thay.

Người ta không chỉ kính trọng vị Linh mục gần gũi, tức người Linh mục đi vào giữa dân của mình với sự gần gũi và với sự trìu mến của một mục tử tốt lành (và nếu tiến về phía trước trong sứ vụ mục vụ của mình một lần thì đi vào giữa họ tới hai lần, và lại thêm một lần nữa cho tới hết); không những thế, người ta còn vượt xa sự kính trọng đó; người ta có cảm giác rằng, nơi Ngài có một điều gì đó đặc biệt, một cái gì đó mà họ chỉ cảm thấy trong sự hiện diện của Chúa Giê-su. Vì thế, sự hiểu biết này về sự gần gũi của chúng ta không chỉ là một lời văn hoa mỹ được thêm vào. Trong đó, chúng ta sẽ liều mạng để đặt vấn đề, liệu Chúa Giê-su có hiện diện trong đời sống nhân loại hay không; liệu Ngài có lưu lại trên bình diện các ý tưởng hay không, hay rốt cục lại hóa thân trong bản chữ cái và cao hơn thì trong một số những thói quen tốt lành, nhưng dần dần những thói quen đó lại biến thành những kỹ năng hay kỹ xảo. 

Anh em trong sứ vụ Linh mục thân mến, chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Maria, „Trinh Nữ của sự gần gũi“, xin Mẹ mang chúng ta đến gần nhau, và trong khoảnh khắc mà chúng ta phải nói với dân mình rằng, „Chúa Giê-su nói gì, anh chị em cứ việc làm theo“, thí xin cho chúng ta được biết thống nhất cung giọng của mình, để trong sự khác biệt về những quan niệm, sự gần gũi từ mẫu của Mẹ sẽ vẫn hiện hữu, tức sự gần gũi mà nó đã mang chúng ta đi vào trong sự gần gũi của Chúa Giê-su, với lời thưa „Xin Vâng“ vĩnh viễn của Mẹ.

 

Đền Thờ Thánh Phê-rô

Sáng thứ Năm Tuần Thánh, ngày 29 tháng 03 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018