Bài  Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi đọc Kinh Regina Coeli, Trưa CN V PS, 29.04.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong ngày Chúa Nhật thứ năm Phục Sinh hôm nay, Lời Chúa cũng chỉ cho chúng ta thấy con đường và những điều kiện để chúng ta có thể ở trong sự hiệp thông với Đấng Phục Sinh. Vào hôm Chúa Nhật tuần trước, Lời Chúa nhấn mạnh tới mối tương quan giữa các tín hữu và Chúa Giê-su, vị mục tử nhân lành. Hôm nay Tin Mừng trình bày cho chúng ta khoảnh khắc mà trong đó Chúa Giê-su giới thiệu mình như là cây nho đích thực, và mời gọi chúng ta hãy ở lại trong sự hiệp nhất với Ngài để đơm bông kết trái (xc. Ga 15,1-8). Cây nho là một loại cây được hình thành nên từ một sự hiệp nhất với những nhánh nho; và những nhánh nho sẽ chỉ đơm bông kết trái nếu nó hiệp nhất với thân nho. Mối tương quan đó chính là mầu nhiệm của đời sống Ki-tô giáo, và Thánh sử Gio-an đã diễn tả mầu nhiệm đó bằng động từ „lưu lại“, mà trong đoạn Tin Mừng hôm nay nó được lập đi lập lại tới chín lần. „Hãy ở lại trong Thầy“ – Chúa Giê-su nói: lưu lại trong Thiên Chúa.

Vấn đề nằm ở chỗ là lưu lại nơi Chúa, tìm thấy can đảm để đi ra khỏi chính mình, đi ra khỏi những ươn lười của chúng ta, ra khỏi những không gian hạn chế và được phòng thủ kiên cố của chúng ta, để tiến vào đại dương bao la của những nhu cầu mà người khác đang có, cũng như để đem lại cho chứng tá Ki-tô giáo một lượng định có tính toàn diện. Sự can đảm để đi ra khỏi chính mình cũng như để đặt mình vào trong những nhu cầu của người khác, phát sinh từ niềm tin vào Chúa Phục Sinh, và từ niềm xác tín rằng, Thần Khí Ngài luôn đồng hành với lịch sử chúng ta.

Một trong những hoa trái chín mọng mà chúng được phát sinh từ sự hiệp thông với Chúa Ki-tô, chính là sự dấn thân của Đức Ái đối với tha nhân, bằng cách là chúng ta yêu thương những người anh chị em đến độ quên mình cho đến những hậu quả cuối cùng, như Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta. Động lực Đức Ái của các tín hữu không phải là kết quả của những chiến lược, động lực ấy không phát sinh từ những tác động bên ngoài, cũng như bởi những đòi hỏi có tính xã hội hay ý thức hệ, nhưng nó phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su và từ việc lưu lại trong Ngài. Đối với chúng ta, Ngài chính là gốc nho mà từ đó chúng ta nhận được nhựa sống, có nghĩa là „sự sống“, để mang vào xã hội một cách sống cũng như một cách trao hiến mới, mà cách sống ấy đặt người cùng rốt lên chỗ trên cùng.

Nếu người ta gắn bó mật thiết với Chúa Giê-su, như gốc nho và những nhánh nho gắn bó mật thiết với nhau, thì người ta sẽ có thể sinh ra những bông trái của sự sống mới, bông trái của Lòng Thương Xót, bông trái công lý và hòa bình mà chúng phát xuất từ sự phục sinh của Chúa Ki-tô. Đó là điều mà các Thánh đã thực hiện, các Ngài là những con người đã sống đời sống Ki-tô giáo và chứng tá Đức Ái trong sự viên mãn, vì các Ngài chính là những nhánh nho đích thực gắn liền với thân nho là Chúa Giê-su. Nhưng để nên thánh, „người ta không nhất thiết phải là Giám mục, Linh mục, Nam tu hay Nữ tu. […] Tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh, bằng cách là chúng ta sống trong Đức Ái và đưa ra chứng tá cá nhân trong những công việc hằng ngày, ở bất nơi đâu chúng ta hiện diện“ (Tông Huấn Gaudete et exsultate, 14). Tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh. Chúng ta phải nên thánh với sự dồi dào phong phú mà chúng ta đã lãnh nhận từ Đấng Phục Sinh.

Bất cứ sinh hoạt nào – công việc hay sự nghỉ ngơi, gia đình hay đời sống xã hội, việc thi hành trách vụ chính trị, văn hóa hay kinh tế -, bất cứ hoạt động nào, dù lớn hay nhỏ, khi chúng được sống trong sự hiệp thông với Chúa Giê-su và trong thái độ bác ái và sự phục vụ, thì cũng đều trở thành một cơ hội để sống Bí Tích Thanh Tẩy và sự thánh thiện mà nó tương ứng với Tin Mừng, trong sự viên mãn. Đức Maria, Nữ Vương các Thánh và là mẫu gương tuyệt hảo về sự hiệp thông trọn vẹn với người con Thần Tính của Mẹ sẽ giúp chúng ta. Xin Mẹ dậy cho chúng ta biết lưu lại trong Chúa Giê-su như những nhánh nho nơi thân nho, và không bao giờ bị tách ra khỏi Tình Yêu của Ngài. Thực chất thì chúng ta sẽ không thể làm được bất cứ điều chi nếu không có Ngài, vì sự sống của chúng ta chính là Chúa Ki-tô hằng sống, Đấng luôn hiện diện trong Giáo hội và trên thế giới.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật V PS, ngày 29 tháng 04 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018