Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 13.06.2017: Các Gới Răn (I)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Hôm nay là ngày Lễ Kính Thánh An-tôn Padua. Ai trong anh chị em tên là An-tôn? Chúng ta hãy vỗ một tràng pháo tay để mừng tất cả những người có Bổn Mạng là Thánh „An-tôn“. Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu loạt bài Giáo Lý mới về các Giới Răn. Các Giới Răn của Thiên Chúa. Để bắt đầu đề tài này, chúng ta hãy để cho mình được gợi hứng bởi đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe: đó là cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và một thanh niên. Anh ta đến, quỳ gối trước mặt Ngài và hỏi rằng, anh ta phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời (xc. Mc 10,17-21). Sự thách đố đối với từng kiếp sống cũng như đối với mỗi người chúng ta nằm trong câu hỏi đó: Khát khao một cuộc sống viên mãn và không cùng. Nhưng người ta phải làm gì để đạt được cuộc sống đó? Thưa, phải sống thực sự, phải tiến hành một cuộc sống cao quý… Biết bao nhiêu bạn trẻ đang cố gắng để sống, và rồi tự hủy hoại mình bằng cách chạy theo những điều tầm phào.

Một số người nghĩ, tốt nhất là hãy trấn áp xung lượng mà nó thôi thúc người ta sống, vì nó rất nguy hiểm. Cha muốn nói một cách đặc biệt với những bạn trẻ rằng: Kẻ thù nguy hiểm nhất không phải là những vấn đề cụ thể, dẫu có thể là chúng rất nghiêm trọng và bi ai. Mối nguy hiểm lớn nhất đối với cuộc sống đó chính là một tinh thần muốn thích ứng nhưng lại không có sự dịu hiền và sự khiêm nhượng, mà chỉ là sự tầm thường và thiếu cương quyết. Một bạn trẻ tầm thường có phải là một bạn trẻ của tương lai không? Thưa, không! Bạn ấy đứng lỳ tại nơi mà bạn ấy ở, bạn ấy không muốn lớn lên, và bạn ấy sẽ không có được sự thành công. Đó là những người trẻ tầm thường và thiếu kiên quyết. Đó là những bạn trẻ luôn sợ hãi trước mọi sự: „Không, tôi là như thế…“ Những bạn trẻ đó không tiến về phía trước. Hãy hiền từ, khiêm nhượng và đừng nhút nhát, cũng đừng chạy theo những điều tầm thường. Chân Phúc Pier Giorgio Frassati – Ngài là một người trẻ - đã từng nói rằng, người ta phải sống và đừng trì hoãn kiếp sống của mình. Sự tầm thường sẽ trì hoãnh kiếp sống của những người trẻ. Hãy sống với sức sống của tuổi trẻ!

Chúng ta phải cầu xin Cha Trên Trời ban cho những người trẻ hôm nay ơn có được một sự bất an lành mạnh. Nếu người ta thấy trong nhà, trong gia đình có một bạn trẻ cứ ngồi quanh quẩn suốt ngày, thì rồi cha hay mẹ bạn ấy đôi khi sẽ nghĩ: „Chắc con mình đang bị đau, con mình đang có một vấn đề gì đó về sức khỏe“, và họ sẽ đưa bạn trẻ đó tới bác sĩ. Cuộc sống của người trẻ hệ tại ở chỗ tiến về phía trước, trở nên bất an, và có được khả năng không lấy làm đủ với một cuộc sống không vẻ đẹp, với một cuộc sống vô sắc màu. Nếu những người trẻ không khát khao có được một cuộc sống đích thực, thì rồi Cha sẽ tự hỏi, nhân loại sẽ đi về đâu. Nhân loại sẽ đi về đâu với những bạn trẻ an nhiên tự tại và thiếu sự bất an ấy? Câu hỏi của người thanh niên mà chúng ta đã nghe trong Tin Mừng, đang có sẵn trong mỗi người chúng ta: Người ta phải làm gì để có được sự sống, để có được một cuộc sống trong sự viên mãn, để có được hạnh phúc? Chúa Giê-su trả lời: „Hẳn anh đã biết các giời răn“ (Mc 10,19), và Ngài trích dẫn một phần Thập Giới. Đó là một tiến trình sư phạm mà với nó, Chúa Giê-su muốn dẫn tới một điểm có tính xác định. Vì từ câu hỏi của anh ta, vấn để đã trở nên rõ ràng rằng, người thanh niên này chưa có được một cuộc sống viên mãn, anh ta vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và bất an. Điều gì là điều mà anh ta nên hiểu? Anh ta nói: „Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ“ (Mc 10,20).

Người ta đạt tới được sự chín muồi của giới trẻ như thế nào? Thưa, khi người ta bắt đầu chấp nhận những giới hạn riêng. Người ta sẽ lớn lên khi người ta tự đặt mình vào sự tương đối và ý thức về „điều còn thiếu“ (xc. Mc 10,21) nơi mình. Người thanh niên này bị ép buộc phải nhìn nhận rằng, điều mà anh có thể „thực hiện“ chưa vượt qua được một mức độ nhất định nào đó, chưa vượt qua được một giới hạn. Thật tuyệt vời biết chừng nào khi trở thành những người nam và những người nữ! Cuộc sống của chúng ta quý báu biết chừng nào! Nhưng có một sự thật mà trong lịch sử của những thế kỷ vừa qua, con người đã thường xuyên từ chối, với những hậu quả bi ai: sự thật về những giới hạn của mình.

Trong Tin Mừng Chúa Giê-su nói với chúng ta một điều mà nó có thể giúp chúng ta: „Đừng tưởng rằng Ta đến để bãi bỏ Lề Luật và các Ngôn Sứ! Ta đến không phải để bãi bỏ nhưng để kiện toàn“ (Mt 5,17). Chúa Giê-su ban tặng sự viên mãn. Ngài đến vì điều đó. Bất cứ người nào cũng đều phải đi tới ngưỡng của một cú nhảy, nơi mà khả năng được mở ra để sống những công trình và những điều tốt lành của mình, không còn phải vì chính mình nữa, nhưng – vì thiếu một cuộc sống viên mãn – để từ bỏ tất cả, hầu bước đi theo Chúa. Thật ra, trong lời mời gọi cuối cùng của Chúa Giê-su – một lời mời gọi vĩ đại và tuyệt vời – vấn đề không phải là giới thiệu sự nghèo túng, nhưng là giới thiệu sự giầu có, sự giầu có đích thực: „Anh còn thiếu một điều: Hãy đi bán hết những gì anh có, đem cho người nghèo, rồi anh sẽ có được một kho tàng trên trời; sau đó hãy đến theo Ta!“ (Mc 10,21).

Ai sẽ chọn bản sao nếu như người ta có thể chọn lựa giữa bản gốc và bản sao? Đó là một thách đố: tìm kiếm bản gốc của cuộc sống chứ không phải bản sao. Chúa Giê-su không giới thiệu một vật thay thế, nhưng là một cuộc sống đích thực, Tình Yêu đích thực và sự giầu có đích thực! Những bạn trẻ sẽ đi theo chúng ta trong Đức Tin thế nào đây nếu như họ không thấy được rằng, chúng ta đã chọn bản gốc, nếu họ thấy rằng, chúng ta có thói quen sống nửa vời? Thật là tồi tệ nếu trở thành những Ki-tô hữu chỉ có một nửa thân hình, mà có thể nói được rằng đó là – cha xin phép nói câu này – „những Ki-tô hữu tí hon“. Họ phát triển tới một hình thù nào đó và rồi không phát triển nữa; đó là những Ki-tô hữu mang trong mình một quả tim bị teo và khép kín. Thật là khủng khiếp khi thấy điều đó. Chúng ta cần tới gương mẫu của một ai đó mời gọi tôi hãy phát triển „vượt lên trên điều đó“, và phát triển hơn nữa. Thánh I-nha-xi-ô gọi cái đó là „magis“: „ngọn lửa, tức lòng hăng say cháy bỏng có khả năng đánh thức những người đang ngủ“. Con đường dẫn tới điều còn đang thiếu xuyên qua điều đang có đó. Chúa Giê-su đến không phải để bãi bỏ Lề Luật và các Ngôn Sứ, nhưng để kiện toàn hai điều đó. Chúng ta phải phát xuất từ thực tế để thực hiện một cú nhảy hầu bước vào cái còn „đang thiếu“. Chúng ta phải điều tra cho ra những điều thông thường để mở bản thân mình ra cho những điều bất thường.

Trong những bài Giáo Lý tới đây, chúng ta sẽ quan tâm tới hai tấm bia của Mô-sê với tư cách là những Ki-tô hữu, bằng cách là chúng ta bám vào tay Chúa Giê-su hầu đi từ những ảo tưởng của tuổi trẻ để đạt tới được kho tàng Nước Trời, trong lúc chúng ta bước đi sau Ngài. Trong những Giới Luật đáng kính và khôn ngoan, chúng ta sẽ khám phá ra cánh cửa mà Cha trên Trời đã mở ra, để Chúa Giê-su, Đấng đã bước qua đó, dẫn chúng ta bước vào sự sống đích thực, bước vào sự sống của Ngài, tức sự sống của con cái Thiên Chúa.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 13 tháng 06 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018