Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 27.06.2018: Các Giới Răn (III)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Buổi tiếp kiến hôm nay sẽ diễn ra giống như thứ Tư tuần trước. Các bệnh nhân ở lại trong đại sảnh đường Phao-lô VI. Họ ở đó để được bảo vệ trước sự oi bức và có được sự tiện nghi hơn. Nhưng họ sẽ theo dõi buổi tiếp kiến này qua màn hình lớn, và chúng ta cũng cùng hiệp thông với họ: như vậy là sẽ không có hai cuộc tiếp kiến, nhưng chỉ có một. Chúng ta hãy chào thăm các bệnh nhân tại đại sảnh đường Phao-lô VI.

Chúng ta sẽ tiếp tục nói về các Giới Răn, mà thực ra, như đã nói, chúng không phải là những Lề Luật, nhưng đúng hơn, đó là những Lời của Thiên Chúa nói với Dân Người. Mười Lời bắt đầu như sau: „Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ“ (Xh 20,2). Sự bắt đầu này có vẻ như không có bất cứ điều gì để làm với những khoản luật thực sự sau đó. Nhưng không phải như thế.

Tại sao có sự tuyên bố mà Thiên Chúa thực hiện về chính Ngài cũng như về sự giải thoát ấy? Thưa, vì người ta đã đi tới được núi Sinai sau khi vượt qua Biển Đỏ: Thiên Chúa giải thoát Israel trước, sau đó Ngài mới yêu cầu Dân này tín thác vào Ngài. Nói theo cách khác: Thập Giới bắt đầu từ sự quảng đại của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ xin bất cứ điều gì mà không cho đi trước. Không bao giờ. Ngài cứu thoát trước, Ngài cho đi trước, sau đó Ngài mới xin. Đó là Cha của chúng ta, Thiên Chúa tốt lành.

Và chúng ta hiểu được tầm quan trọng to lớn của lời tuyên bố đầu tiên ấy: „Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi“. Có một đại từ sở hữu, có một mối tương quan, người ta thuộc về nhau. Thiên Chúa không phải là một người lạ: Ngài là Thiên Chúa của bạn. Điều đó soi chiếu toàn bộ Thập Giới cũng như mạc khải mầu nhiệm hành động Ki-tô giáo, vì đó chính là hành động của Chúa Giê-su, Ngài nói: „Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy“ (Ga 15,9). Chúa Ki-tô chính là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa Cha, và Ngài yêu chúng ta bằng chính Tình Yêu của Cha mình. Ngài không xuất phát từ chính mình, nhưng từ Chúa Cha. Những công việc của chúng ta thường gặp trở ngại, vì chúng ta khởi đi từ chính mình, chứ không khởi đi từ niềm biết ơn. Vậy ai khởi đi từ chính mình thì sẽ đi tới đâu? Thưa, người ấy lại đi tới với chính bản thân mình! Người ấy không có khả năng tiến về phía trước, nhưng thụt lùi vào trong chính mình. Đó chính là thái độ ích kỷ mà người ta thường nói về nó với sự bông đùa rằng: „Người này là một cái TÔI, với TÔI, và cho TÔI“. Ai khởi đi từ chính mình thì người ấy sẽ thụt lùi lại với chính mình. Đời sống Ki-tô giáo trước tiên là một lời đáp trả đầy biết ơn trước một người Cha đầy quảng đại. Những Ki-tô hữu nào chỉ lo chu toàn „các bổn phận“, sẽ chứng tỏ rằng, họ không hề có được kinh nghiệm cá nhân với Thiên Chúa, Đấng là „của chúng ta“. Tôi phải làm điều này, điều kia và điều nọ… Chỉ là những bổn phận. Nhưng bạn còn thiếu một cái gì đó!

Đâu là nền tảng căn bản của bổn phận? Thưa, nền tảng căn bản của bổn phận chính là Tình Yêu của Thiên Chúa, của Chúa Cha, Đấng cho đi trước rồi mới xin sau. Đặt Lề Luật lên trước mối tương quan sẽ không giúp gì cho con đường Đức Tin cả. Một bạn trẻ sẽ có thể mong muốn trở thành Ki-tô hữu thế nào đây, nếu như chúng ta chỉ bắt đầu nơi những bổn phận, nơi những trách nhiệm và nơi sự hợp lý, chứ không bắt đầu tự sự giải phóng? Nhưng việc trở thành Ki-tô hữu là một con đường giải phóng! Các Giới Răn sẽ giải phóng bạn khỏi sự ích kỷ của bạn, và chúng giải phóng bạn, vì Tình Yêu Thiên Chúa sẽ mang bạn tiến về phía trước. Điều Răn Ki-tô giáo không đặt nền tảng trên sức mạnh của ý chí, nhưng dựa trên sự đón nhận ơn cứu độ - dựa trên việc để cho mình được yêu: Trước tiên là Biển Đỏ rồi mới đến núi Sinai. Trước hết là ơn cứu độ: Thiên Chúa cứu Dân Ngài trong Biển Đỏ; sau đó trên núi Sinai Ngài mới nói điều mà Dân nên thực hiện. Nhưng Dân biết rằng, mình nên làm điều đó, vì Dân được một người Cha cứu thoát, Đấng yêu thương Dân. Niềm biết ơn chính là một nét đặc thù của con tim được Chúa Thánh Thần viếng thăm; để tuân phục Thiên Chúa, người ta phải nghĩ một cách đặc biệt tới những điều thiện hảo của Ngài. Thánh Ba-si-li-ô nói: „Ai không lãng quên những điều thiện hảo ấy, người đó sẽ hướng về những đức hạnh tốt lành cũng như hướng về công việc của đức công chính“ (Regulae brevius tractatae, 56).

Tất cả những điều đó sẽ dẫn chúng ta tới đâu? Hãy tập luyện để nhớ: Thiên Chúa đã thực hiện cho từng người một trong chúng ta biết bao nhiêu là những điều tốt đẹp! Cha trên trời của chúng ta quảng đại biết là dường nào! Giờ đây Cha muốn đề nghị anh chị em thực hiện một sự luyện tập nho nhỏ, trong sự thinh lặng, mỗi người hãy tự trả lời trong lòng mình. Thiên Chúa đã thực hiện cho tôi bao nhiêu những điều thiện hảo? Đó là câu hỏi. Trong thinh lặng, mỗi người trong chúng ta hãy tự trả lời cho mình. Thiên chúa đã thực hiện cho tôi biết bao nhiêu là những điều kỳ diệu? Đó là ơn giải phóng của Thiên Chúa. Thiên Chúa thực hiện biết bao nhiêu là những điều kỳ diệu và giải phóng chúng ta. Nhưng một ai đó có thể cảm thấy rằng, mình chưa từng có được kinh nghiệm thực sự về sự giải phóng của Thiên Chúa. Điều đó có thể xảy ra. Vấn đề có thể là do người ta nhìn vào bản thân mình và chỉ thấy ở đó những cảm giác bổn phận, một linh đạo của những kẻ nô lệ chứ không phải là linh đạo của những người con. Người ta có thể làm gì trong trường hợp ấy? Thưa, thực hiện điều mà Thiên Chúa đã thực hiện cho dân được tuyển chọn.

Trong sách Xuất Hành có đoạn viết như sau: „Con cái Ít-ra-en rên siết trong cảnh nô lệ. Họ ta thán, và tiếng họ kêu từ cảnh nô lệ đã thấu tới Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Thiên Chúa đã nhìn thấy con cái Ít-ra-en và Thiên Chúa đã biết“ (Xh 2,23-25). Thiên Chúa nhớ đến tôi. Hành động giải phóng của Thiên Chúa, mà nó được đặt ra ngay từ đầu của Thập Giới – tức Mười Điều Răn -, chính là câu trả lời cho lời than van đó. Chúng ta không thể tự cứu độ chính mình, nhưng chúng ta có thể thốt lên một lời cầu cứu: „Lạy Chúa, xin cứu con; Lạy Chúa, xin chỉ cho con con đường; lạy Chúa, xin hãy âu yếm con; Lạy Chúa, xin ban cho con một chút niềm vui!“ Đó là một lời cầu cứu, lời cầu xin sự giúp đỡ.

Đó là bài tập của chúng ta: cầu xin cho được ơn được giải phóng khỏi sự ích kỷ, khỏi tội lỗi, khỏi xiềng xích nô lệ. Lời cầu cứu này rất quan trọng, đó là lời cầu nguyện, là niềm ý thức về điều vẫn đang còn trấn áp trong chúng ta và chưa được gỡ bỏ. Có nhiều điều chưa được gỡ bỏ trong tâm hồn chúng ta. „Xin cứu con, xin giúp con, xin giải thoát con.“ Đó là một lời cầu nguyện tuyệt vời dâng lên Thiên Chúa. Thiên Chúa chờ đợi lời cầu cứu đó, vì Ngài muốn bẻ gẫy những xích xiềng của chúng ta; Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta  bước vào cuộc sống không phải để bị trấn áp mãi mãi, nhưng để được giải phóng, để sống trong niềm biết ơn và tuân phục Ngài với niềm vui, Đấng đã ban cho chúng ta rất nhiều, vô vàn, nhiều hơn rất nhiều so với những gì chúng ta có thể cho đi. Đó là điều tuyệt vời. Thiên Chúa luôn luôn đáng ngợi khen vì tất cả những gì Ngài đã thực hiện trong chúng ta, cũng như những gì Ngài đang và sẽ thực hiện trong chúng ta.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 27 tháng 06 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018