Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư, 01.08.2018: Các Giới Răn (IV)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Chúng ta đã nghe Điều Răn thứ nhất của Thập Giới: „Ngươi không được có thần nào khác bên cạnh Ta“ (Xh 20,3). Thật tốt khi nói về đề tài tôn thờ ngẫu tượng, bởi đề tài này có một tầm quan trọng rất lớn và rất có tính thời sự. Điều răn này cấm không cho phép tạc hình tạc tượng các ngẫu thần hay bất cứ nhân vật nào: vì tất cả đều có thể được sử dụng như là những ngẫu tượng. Một trong những xu hướng của con người là tránh không đụng chạm đến cả các tín hữu lẫn những người vô thần. Những người Ki-tô hữu chúng ta có thể tự hỏi: Thiên Chúa thực sự của tôi là gì? Phải chăng Ngài là Tình Yêu Ba Ngôi, hay chỉ là hình ảnh của tôi, là sự thành công cá nhân của tôi, và thậm chí còn là sự thành công ngay trong Giáo hội? „Việc tôn thờ ngẫu tượng không chỉ xuất hiện trong những nền văn hóa sai lạc của ngoại giáo. Nó vẫn luôn là một cơn cám dỗ liên tục đối với Đức Tin. Khi con người sùng bái và thờ phượng một điều gì đó nơi thụ tạo thay vì thờ phượng chính Thiên Chúa, thì đó là việc tôn thờ ngẫu tượng“ (Sách GLHTCG, số 2113).

Một „Thiên Chúa“ trên bình diện hiện sinh sẽ là gì? Đó chính là điều đứng trong trung tâm điểm của cuộc sống mỗi người, và tùy thuộc vào việc mà người ta thực hiện và suy nghĩ. Người ta có thể lớn lên trong một gia đình Ki-tô giáo trên danh nghĩa, nhưng trong thực tế, gia đình ấy lại hướng đến những điểm quy chiếu mà chúng rất xa lạ với Tin Mừng. Con người sẽ không thể sống nếu không quy chiếu về một điều gì đó. Vì thế, thế gian luôn luôn giới thiệu những „siêu thị“ ngẫu tượng, mà chúng có thể là những đồ vật, những hình ảnh, những ý tưởng hay những chức vụ.

Việc cầu nguyện cũng là một thí dụ. Chúng ta nên cầu nguyện với Thiên Chúa Cha của chúng ta. Cha nhớ rằng, một lần kia khi Cha đến một Giáo xứ thuộc Giáo phận Buenos Aires để cử hành một Thánh Lễ, và dự định sẽ đến ban Bí Tích Thêm Sức tại một Giáo xứ khác nằm cách đó một cây số. Cha đã đi bộ tới đó, và đã đi xuyên qua một khu công viên rất đẹp. Nhưng tại công viên đó có để sẵn trên 5 chục chiếc bàn nhỏ, và mỗi chiếc bàn đều được đặt kèm theo hai chiếc ghế. Người ta ngồi đối diện với nhau trên những chiếc ghế đó. Điều gì đang diễn ra ở đó? Thưa, tại đó có đặt những con bài Ta-rốt. Họ đi tới đó để „cầu xin“ với các ngẫu tượng. Thay vì cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Đấng làm chủ tương lai, thì người ta lại đi tới đó để đọc những con bài hầu biết về tương lai. Đó là sự tôn thờ ngẫu tượng của thời đại chúng ta. Cha xin hỏi anh chị em: Bao nhiêu người trong anh chị em đã đến nhờ người ta đọc cho mình nghe những con thẻ bài đó để biết về tương lai? Bao nhiêu người trong anh chị em đã giơ bàn tay mình ra cho người ta xem chỉ tay để biết về tương lai thay vì cầu nguyện với Thiên Chúa? Đó là sự khác biệt: Thiên Chúa hằng sống; còn những thứ khác chỉ là ngẫu tượng; sự tôn thờ ngẫu tượng sẽ không đem đến bất cứ ích lợi gì.

Sự tôn thờ ngẫu tượng đã phát triển như thế nào? Điều răn đã mô tả về những giai đoạn riêng biệt: „Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ“ (Xh 20,4-5). Trong tiếng Hy-lạp, cụm từ „tôn thờ ngẫu tượng“ phát xuất từ động từ „nhìn ngắm“. Một sự tôn thờ ngẫu tượng chính là một „ảo ảnh“, nó sẽ trở thành một ý tưởng xác định, một sự ám ảnh. Trong thực tế, sự tôn thờ ngẫu tượng chính là một sự quy chiếu của cá nhân mình trên những sự vật hay trên những dự tính. Động lực này luôn tìm cách quảng cáo: Tôi không thấy những đồ vật nơi mình, nhưng tôi lại đang sử dụng ô-tô, điện thoại thông minh, và đang nắm giữ các chức vụ nọ, chức vụ kia – hay những đồ vật khác – với tư cách là những phương tiện thực sự để phát huy hết năng lực bản thân cũng như để thỏa mãn những nhu cầu căn bản của mình. Và tôi khát khao điều đó, tôi nói về điều đó và nghĩ về nó. Ý tưởng muốn sở hữu những đồ vật, muốn hiện thực hóa những kế hoạch, hay muốn có được những chức vụ nào đó, xem ra có vẻ là một con đường tuyệt vời để đạt tới hạnh phúc: một ngọn tháp để đi lên trời (xc. St 11,1-9), và tất cả đều phải bị đặt dưới mục tiêu đó.

Sau đó người ta bước vào gia đoạn thứ hai: „Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ“. Các ngẫu tượng đòi hỏi một nền phụng tự và những nghi thức; người ta phủ phục trước chúng và tiến dâng cho chúng tất cả. Trong thời cổ đại, người ta còn sát tế cả con người cho các ngẫu tượng nữa, nhưng ngày nay thì sao: Con cái sẽ phải hy sinh vì sự nghiệp, bằng cách là người ta bỏ mặc chúng, hay đơn giản là không sinh con cái nữa. Việc làm đẹp đòi hỏi con người phải hy sinh. Nhiều người đã phải mất bao nhiêu là thời gian để đứng trước chiếc gương! Người ta đã phải bỏ ra biết bao nhiêu là chi phí cho việc trang điểm? Và đó cũng là một sự tôn thờ ngẫu tượng.

Trang điểm không phải là một điều xấu, nhưng nó phải diễn ra theo cách thức bình thường, để không trở thành một nữ thần. Việc làm đẹp đòi hỏi phải sát tế con người. Sự nổi tiếng đỏi hỏi phải hy sinh chính bản thân mình, hy sinh sự trong trắng và tính xác thực. Tiền bạc cướp đi cuộc sống, và sự tiêu thụ luôn dẫn tới sự cô đơn. Những cấu trúc kinh tế sẽ sát tế cuộc sống con người cho những lợi nhuận lớn hơn. Chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những người thất nghiệp. Tại sao vậy? Thưa, vì đôi khi vẫn có chuyện những chủ doanh nghiệp, những chủ công ty quyết định sa thải một số công nhân để kiếm được nhiều tiền hơn.

Ngẫu tượng „tiền bạc“. Người ta sống trong sự giả hình, làm và nói điều mà những người khác mong chờ, vì vị thần của sự thành công riêng sẽ đặt gánh nặng trên điều đó. Và người ta hủy hoại cuộc sống, nguời ta hủy hoại các gia đình, và người ta phó mặc những bạn trẻ cho những trò chơi cút bắt của những mô hình hủy hoại, chỉ cốt sao tăng thêm lợi nhuận. Việc nghiện ngập ma-túy cũng là một sự tôn thờ ngẫu tượng. Biết bao nhiêu bạn trẻ đang hủy hoại sức khỏe của mình hay thậm chí là mạng sống của mình trong khi họ tôn thờ ngẫu tượng „ma-túy“. Ở đây, giai đoạn thứ ba và là giai đoạn có tính bi ai hơn nhiều, sẽ bắt đầu: „Không được phụng sự các ngẫu tượng“. Các ngẫu tượng sẽ nô lệ hóa. Chúng hứa hẹn hạnh phúc nhưng không bao giờ gửi hạnh phúc tới; và người ta lại sống cho những đồ vật hay cho những ảo giác, nhốt mình vào trong một vực thẳm tự hủy, trong việc mong chờ một biến cố mà nó không bao giờ diễn ra.

Anh chị em thân mến, các ngẫu tượng hứa hẹn sự sống, nhưng trong thực tế, chúng lại cướp đi sự sống. Thiên Chúa đích thực không đòi mạng sống, nhưng trao ban sự sống. Thiên Chúa đích thực không giới thiệu việc lập dự án cho sự thành công của chúng ta, nhưng dậy chúng ta biết yêu thương. Thiên Chúa đích thực không đòi hỏi phải hy sinh con cái, nhưng trao hiến Con một Ngài cho chúng ta. Các ngẫu tượng chiếu phóng những giấc mơ tương lai và làm cho chúng ta khinh thường hiện tại. Thiên Chúa đích thực dậy chúng ta sống trong thực tế, trong sự cụ thể mỗi ngày, chứ không phải sống với những ảo giác về tương lai: lên đường tiến về tương lai trong hôm nay, ngày mai và ngày kia. Sự cụ thể của Thiên Chúa đích thực đối lập với sự nông cạn hời hợt của các ngẫu tượng. Hôm nay Cha mời gọi anh chị em hãy suy tư về điều này: Tôi đang có bao nhiêu ngẫu tượng, hay ngẫu tượng yêu thích của tôi là gì? Vì việc nhận ra được sự tôn thờ ngẫu tượng của mình chính là một sự bắt đầu của ân sủng, và dẫn đưa chúng ta đi vào con đường Đức Ái. Thực tế thì Đức Ái không bao giờ thích hợp với việc tôn thờ ngẫu tượng: Khi một điều gì đó trở thành tuyệt đối và bất khả xâm phạm, thì rồi nó sẽ trở nên quan trọng hơn một người bạn đời, hơn một đứa con, hay hơn một tình bạn. Việc bấu bám vào một đồ vật hay vào một ý tưởng, sẽ khiến người ta trở nên mù lòa đối với Đức Ái. Và như thế chúng ta sẽ khước từ thậm chí là cha mẹ, con cái, hay vợ chồng và gia đình…, những điều đáng yêu nhất, để chạy theo những ngẫu tượng. Việc bấu bám vào một đồ vật  hay một ý tưởng sẽ khiến người ta bị mù lòa đối với Đức Ái. Hãy mang điều đó trong tâm hồn: Các ngẫu tượng sẽ cướp đi mất Đức Ái của chúng ta, các ngẫu tượng sẽ khiến chúng ta trở nên mù lòa đối với Đức Ái, và để sống Đức Ái thực sự, người ta phải tự do đối với các ngẫu tượng. Ai hay điều gì đang là ngẫu tượng của tôi? Hãy túm lấy hắn, và quẳng hắn ra bên ngoài cửa sổ!

 

Tòa Thánh Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Thứ Tư ngày mồng 01 tháng 08 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018