Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Sáng Thứ Tư, 12.09.2018: Các Giới Răn (VIII)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Trong bài Giáo Lý hôm nay, chúng ta sẽ đi tới Điều Răn thứ Ba về ngày nghỉ. Thập Giới được lưu truyền lại trong sách Xuất Hành, và được lập lại trong sách Thứ Luật theo một cách thức hầu như là giống hệt như thế, ngoại trừ Lời thứ ba, trong đó xuất hiện một sự khác biệt khá lớn: Trong sách Xuất Hành, lý do cho ngày nghỉ chính là sự chúc phúc cho vũ trụ; trái lại, trong sách Thứ Luật, nó nhắc người ta nhớ tới việc chấm dứt kiếp nô lệ. Vào ngày đó, người nô lệ cũng phải được nghỉ ngơi giống như người chủ, để tưởng nhớ biến cố Vượt Qua, tức sự giải phóng.

Vì theo định nghĩa, người nô lệ không được phép nghỉ ngơi. Nhưng có nhiều loại nô lệ, cả nơi bên ngoài lẫn bên trong. Có những sự cưỡng bức bên ngoài chẳng hạn như sự đàn áp, và cuộc sống bị sử dụng thông qua bạo lực và thông qua những hình thức bất công khác. Bên cạnh đó còn có những tù nhân nội tâm, chẳng hạn như những phong tỏa về khía cạnh tâm lý, những mặc cảm, những hạn chế về tư chất và những điều khác. Dưới những hoàn cảnh như thế liệu người ta có thể nghỉ ngơi được không? Một người bị bắt bớ hay bị áp bức liệu có thể bất chấp những điều ấy để sống tự do được không? Và một người luôn bị hành hạ bởi những khó khăn nội tại liệu có thể sống tự do được không? Thực tế, có những con người có khả năng sống trong sự tự do nội tâm to lớn dù họ phải ở trong tù. Chúng ta hãy nghĩ tới chẳng hạn như Thánh Maximilian Kolbe hay Đức Hồng Y Thuận, các Ngài đã biến sự áp bức của bóng tối thành nơi của ánh sáng. Đồng thời cũng có những con người luôn bị đánh dấu bởi những yếu đuối nặng nề, nhưng vẫn nhận ra sự yên bình của Lòng Nhân Hậu, và cũng luôn biết cách để tiếp tục chuyển giao cho người khác sự bình yên đó. Lòng Nhân Hậu của Thiên Chúa làm cho chúng ta được tự do. Và khi bạn gặp gỡ Lòng Nhân Hậu của Thiên Chúa, thì rồi bạn sẽ có được một sự tự do nội tâm to lớn, và sẽ có khả năng để tiếp tục chuyển giao sự tự do đó. Vì thế, điều quan trọng là phải mở tâm hồn mình ra cho Lòng Nhân Hậu của Thiên Chúa, cũng như đừng tiếp tục làm nô lệ cho chính chúng ta nữa.

Vậy sự tự do đích thực là gì? Phải chăng nó hệ tại ở chuyện được tự do quyết định? Một cách nào đó, nó là một phần của tự do, và chúng ta hãy dấn thân để bảo đảm cho bất cứ người nam hay người nữ nào cũng đều có được sự tự do (Gaudium et spes,73). Nhưng chúng ta biết rõ rằng, nếu chỉ có thể thực hiện điều mà người ta muốn để được hạnh phúc cũng như để được tự do thực sự thì chưa đủ. Sự tự do đích thực cần nhiều hơn nữa. Vì có một loại nô lệ mà nó giam hãm người ta còn chặt hơn cả một nhà tù, gây sợ hãi còn hơn cả một cuộc tấn công kinh hoàng, gây ức chế còn hơn cả sự cưỡng bức thuộc bất cứ thể loại nào: đó là sự nô lệ cho sự ích kỷ riêng. Bất cứ ai chiêm ngưỡng mình cả ngày trong gương để ngắm nghía cái tôi riêng, thì cũng đều là những nô lệ của sự ích kỷ đó. Và cái tôi riêng chính là cái dáng vóc còn lớn hơn cả thân thể. Họ chính là những tên nô lệ của cái tôi. Cái tôi có thể trở thành kẻ tra tấn, kẻ hành hạ con người, ở bất cứ nơi đâu có mặt hắn, và hắn còn bổ sung thêm vào cho con người một sự áp bức tồi tệ nhất, mà sự áp bức đó được gọi là „tội lỗi“. Tội lỗi không phải chỉ là một sự vi phạm thông thường trước một khoản luật, nhưng còn là sự tan vỡ của kiếp hiện sinh cũng như là một sự nô lệ hóa (xc. Ga 8,34). Thực ra, tội lỗi có nghĩa là một lời nói và là một hành động ích kỷ: „Tôi muốn làm cái đó, và tôi chẳng quan tâm tới chuyện có giới hạn nào hay không, có Giới Luật nào hay không, và tôi cũng chẳng quan tâm tới chuyện có Đức Ái hay không!

Nói về sự ích kỷ, chúng ta hãy nghĩ tới một ví dụ, chẳng hạn như sự đam mê của con người: những kẻ ham ăn, ham khoái lạc, hà tiện, nóng giận, thù hận, căm ghét, kênh kiệu. v.v… chính là những kẻ nô lệ cho những thói xấu của mình, chúng sẽ trấn áp và hành hạ họ. Không có sự thanh thản đối với những kẻ háu ăn, vì sự ăn uống vô độ chính là thói giả hình của cái bao tử đầy bứ, nhưng lại khiến chúng ta tin rằng, nó thực sự trống rỗng. Cái bao tử giả hình khiến cho chúng ta trở thành những kẻ háu ăn. Chúng ta là những tên nô lệ cho một cái bao tử giả hình. Không có sự thanh thản đối với những kẻ háu ăn và những kẻ ham khoái lạc, tức những kẻ phải sống trong sự tiêu thụ. Việc lo lắng cho tài sản sẽ hủy hoại những kẻ hà tiện. Họ luôn luôn chất tiền thành đống và làm những việc ác đức khác; lửa hận thù và ngọn gai ghen tỵ sẽ hủy hoại các mối tương quan. Các tác giả Kinh Thánh nói rằng, sự ghen tỵ sẽ làm cho cả thân xác lẫn tâm hồn bị vàng úa, vì họ sẽ không bao giờ có thể có được sức khỏe thực sự trong tâm hồn. Sự đố kỵ sẽ hủy hoại. Sự căm ghét mà nó tránh né bất cứ sự cố gắng nào sẽ làm cho người ta không còn có khả năng để sống nữa; việc quy về cái tôi một cách đầy ngạo mạn – tức cái tôi mà Cha đã nói về nó – sẽ tạo ra một hố sâu giữa mình và người khác.

Anh chị em thân mến, vậy ai thực sự là nô lệ? Ai là kẻ không biết đến sự thanh thản? Ai không có khả năng sống Đức Ái? Và tất cả những thói xấu ấy, những tội lỗi ấy và sự ích kỷ ấy sẽ tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu, và khiến chúng ta không còn có khả năng sống Đức Ái nữa. Chúng ta sẽ là nô lệ cho chính mình và không thể sống Đức Ái, vì Đức Ái luôn luôn được dành cho người khác. Giới răn thứ ba mời gọi chúng ta ăn mừng cuộc giải phóng trong sự nghỉ ngơi, và giới răn này cũng chính là lời tiên tri của Chúa Giê-su, Đấng đập tan kiếp nô lệ tội lỗi có tính nội tại, để làm cho con người có khả năng sống Đức Ái. Tình Yêu đích thực cũng chính là sự tự do đích thực: Tình Yêu ấy tách người ta ra khỏi sự chiếm đoạt, tái đặt ra các mối tương quan, biết đón nhận cũng như coi trọng tha nhân, biến nỗi vất vả khổ cực thành niềm vui trao hiến, và làm cho người ta có khả năng hiệp thông. Tình Yêu làm cho con người được tự do, kể cả khi bị nhốt trong tù, hay ngay cả khi chúng ta yếu đuối và có nhiều giới hạn. Đó là sự tự do mà chúng ta đón nhận từ Đấng cứu độ, từ Chúa Giê-su Ki-tô của chúng ta. 

 

Vatican, Đại Sảnh đường tiếp kiến

Sáng thứ Tư ngày 12 tháng 09 năm 2018

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ