Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư, 24.10.2018 - Các Giới Răn (XII)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong loạt bài Giáo Lý của chúng ta về các Giới Răn, hôm nay chúng ta sẽ đến với Lời thứ sáu, tức Lời có liên hệ đến chiều kích tình cảm và giới tính. Lời đó có nội dung như sau: „Ngươi không được ngoại tình.“ Mối liên hệ trực tiếp ở đây là sự thủy chung, và trong thực tế, sẽ không có mối tương quan nhân loại đích thực nếu không có sự thủy chung và sự trung tín. Người ta không thể chỉ yêu thương cho tới khi nào còn „có lợi“; Tình Yêu được biểu lộ vượt ra bên ngoài ngưỡng cửa của mối lợi riêng khi người ta trao tặng tất cả cách vô điều kiện. Trong sách Giáo Lý có đoạn viết: „Tình Yêu đòi hỏi sự dứt khoát. Nó không thể bị coi là ´có tính tạm thời`“ (số 1646).

Sự chung thủy chính là nét đặc trưng của mối tương quan tự do, trưởng thành và có ý thức trách nhiệm nhất giữa con người với nhau. Ngay cả một người bạn cũng sẽ biểu lộ là một người bạn đích thực khi người ấy vẫn luôn là một người bạn như thế giữa tất cả mọi hoàn cảnh, nếu không thì người ấy không còn phải là bạn nữa. Chúa Ki-tô đã mạc khải Tình Yêu đích thực. Ngài sống nhờ vào Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa Cha, và nhờ vào Tình Yêu ấy, Ngài chính là một người bạn tín trung, Ngài vẫn đón nhận chúng ta ngay cả khi chúng ta lầm lỗi, và Ngài luôn luôn mong muốn điều tốt lành cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta bất xứng. Con người phải được yêu thương vô điều kiện, và ai không tiếp nhận sự đón nhận này, người ấy sẽ mang một sự bất hạnh nào đó trong mình, nhưng thường là không biết. Con tim nhân loại sẽ cố gắng lấp đầy sự trống rỗng đó bằng một phương tiện thay thế, bằng cách là tiếp nhận những thỏa hiệp và những điều tầm thường mà chúng chỉ có một dư vị mập mờ của Tình Yêu. Mối nguy hiểm nằm ở chỗ là coi những mối tương quan cay đắng và ấu trĩ như là „Tình Yêu“, trong khi người ta phó mặc bản thân mình cho sự lừa dối để đi tìm ánh sáng sự sống trong một điều gì đó mà dù tốt nhất đi nữa thì nó cũng chỉ là một sự phản chiếu của ánh sáng đó mà thôi.

Chúng ta hãy đưa ra một thí dụ, chẳng hạn như sự đánh giá quá cao về sức quyến rũ của cơ thể mà nó là một quà tặng của Thiên Chúa nơi mình, nhưng nó giúp chuẩn bị con đường cho một mối tương quan đích thực và trung tín với con người. Thánh Gio-an Phao-lô II đã nói rằng, con người „được kêu gọi để đạt tới sự trưởng thành hoàn toàn nơi tính tự phát của các mối tương quan“, mà chúng chính là „hoa trái vươn tới từng bậc của sự biện phân khôn ngoan nơi sự thôi thúc của con tim mỗi người“ (Cuộc tiếp kiến chung, 12.11.1980). Vì thế, ơn gọi sống đời hôn nhân đòi hỏi một sự hiểu biết chính xác về phẩm chất của các mối tương quan, cũng như đòi hỏi một thời gian đính ước để thẩm tra mối tương quan đó. Để lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối, nơi những người hứa hôn, lương tâm phải trưởng thành để bàn tay của Thiên Chúa được hiện diện trong mối liên kết của họ, mà mối liên kết ấy xuất hiện trước họ và đồng hành với họ, cũng như sẽ cho phép họ nói rằng: „Trước tôn nhan Thiên Chúa, anh đón nhận em […] Anh hứa chung thủy với em.“ Họ không thể hứa chung thủy với nhau „trong những ngày thuận tiện cũng như lúc gian nan, khi khỏe mạnh cũng như lúc bệnh hoạn“, và yêu thương, tôn trọng, trân kính lẫn nhau mọi ngày trong suốt đời họ, chỉ trên nền tảng căn bản là ý muốn ngay lành của họ, hay dựa trên niềm hy vọng rằng, „mọi sự sẽ trôi chảy“. Họ phải đặt mình trên nền tảng vững chắc nơi Tình Yêu trung tín của Thiên Chúa. Vì thế, trước khi lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối, cần phải có một sự chuẩn bị chu đáo. Cha sẽ nói với một người được hứa hôn như thế, vì trong Tình Yêu, toàn bộ cuộc sống sẽ ở trong tình trạng nguy hiểm, và người ta sẽ không đùa cợt với Tình Yêu. Người ta không thể coi ba hay bốn bài thuyết trình trong nhà xứ là sự „chuẩn bị cho hôn nhân“ được. Không, đó không phải là sự chuẩn bị: Đó là một sự chuẩn bị giả tạo. Và trách nhiệm của người làm điều đó sẽ bị quy về chính người ấy: Cha xứ hay Giám mục, hay bất cứ người nào cho phép làm điều đó. Sự chuẩn bị phải được cân nhắc kỹ lưỡng, và nó cần phải có thời gian. Sự kết hôn không phải là hành vi công cộng: đó là một Bí Tích. Nhưng nó cần phải được chuẩn bị với một lớp Giáo Lý thực thụ.

Vì sự chung thủy là một hình thức hiện hữu, một lối sống. Người ta làm việc với sự trung kiên, người ta nói với sự chân thành, người ta trung tín với chân lý trong cảm nghĩ và trong hành động của mình. Một cuộc sống được đan dệt bởi sự trung tín sẽ được diễn tả trong mọi chiều kích và dẫn tới chỗ trở thành những người nam và những người nữ trung tín và đáng tin cậy trong mọi hoàn cảnh. Nhưng, để đạt tới được một cuộc sống tuyệt vời thì sẽ không đủ nếu chỉ có riêng bản tính con người, nhưng Thiên Chúa phải bước vào trong kiếp sống chúng ta, cũng như phải thiêu đốt chúng ta. Lời thứ sáu này kêu gọi chúng ta hãy hướng cái nhìn lên Chúa Ki-tô, mà nhờ lòng trung tín của mình, Ngài có thể lấy đi con tim ngoại tình của chúng ta và ban cho chúng ta một quả tim mới. Trong Ngài và chỉ trong Ngài mới có Tình Yêu vô điều kiện và không thay đổi ý kiến, trao hiến hoàn toàn và không để ý tới một điều gì đó, cũng như kiên tâm chấp nhận đến cùng.

Niềm trung tín của chúng ta phát sinh nhờ vào sự chết và sự phục sinh của Ngài, còn sự kiên định trong các mối tương quan thì phát sinh nhờ vào Tình Yêu vô điều kiện của Ngài. Sự hiệp thông giữa chúng ta cũng như khả năng sống những mối liên kết của chúng ta trong sự trung tín, đến từ sự hiệp thối với Ngài, với Thiên Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 24 tháng 10 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018