Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư 31.10.2018 - Các Giới Răn (XIII)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay Cha muốn kết thúc Bài Giáo Lý về Lời thứ sáu của Thập Giới: „Ngươi không được ngoại tình“, và ở đây, muốn nhấn mạnh rằng, Tình Yêu trung tín của Chúa Ki-tô chính là ánh sáng để sống vẻ đẹp tình cảm của con người. Vì khía cạnh tình cảm của chúng ta chính là một ơn gọi yêu thương, được diễn tả trong sự trung tín, trong sự đón nhận và trong Lòng Nhân Hậu. Đó là điều rất quan trọng. Tình Yêu được diễn tả như thế nào? Thưa, qua sự trung tín, qua sự đón nhận và qua Lòng Nhân Hậu.

Nhưng người ta không được phép quên rằng, Điều Răn này liên hệ cách dứt khoát tới sự chung thủy trong hôn nhân. Vì thế, sẽ thật tốt khi suy nghĩ kỹ về tầm quan trọng của nó. Đoạn Kinh Thánh này, đoạn thư này của Thánh Phao-lô chính là một cuộc cách mạng! Với khoa nhân chủng học thời đại hôm nay, người ta có thể nghĩ và nói rằng, người chồng phải yêu thương vợ mình như Chúa Ki-tô yêu thương Giáo hội: Nhưng đó là một cuộc cách mạng! Có lẽ đó là cuộc cách mạng lớn nhất mà trong bất cứ thời đại nào người ta có thể nói về hôn nhân. Luôn luôn trên con đường Tình Yêu. Chúng ta có thể tự hỏi: Điều Răn chung thủy này được xác định cho ai? Phải chăng chỉ cho những người sống đời hôn nhân? Trong thực tế, Điều Răn này được áp dụng cho tất cả mọi người, đó là một lời hiền phụ của Thiên Chúa, Điều Răn này được dành cho bất cứ người nam hay người nữ nào.

Chúng ta hãy nhớ rằng, con đường dẫn tới sự trưởng thành của con người chính là con đường Tình Yêu, là con đường khởi đi từ việc đón nhận sự quan tâm tới khả năng trao đi sự quan tâm, từ việc đón nhận sự sống tới khả năng trao hiến sự sống. Trở thành những người nam và những người nữ trưởng thành đồng nghĩa với việc sống đời hôn nhân và đời sống cha mẹ, mà đời sống ấy được diễn tả trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, chẳng hạn như trong khả năng tiếp nhận gánh nặng của người khác về cho mình, và yêu thương người ấy cách chân thành. Đó là một thái độ chung của những ai hiểu để đón nhận thực tế và bước vào mối tương quan sâu xa với người khác.

Vậy ai là kẻ ngoại tình, kẻ ham khoái lạc, kẻ bất trung? Thưa, đó là kẻ thiếu trưởng thành, kẻ giữ sự sống lại cho riêng mình, và giải thích những hoàn cảnh dựa trên cơ sở niềm hạnh phúc và sự thỏa mãn của riêng mình. Vì thế, việc kết hôn là chưa đủ để tổ chức đám cưới! Người ta phải đi con đường từ cái TÔI để đến với cái CHÚNG TÔI, từ nếp nghĩ thiển cận tới nếp nghĩ rộng lớn, từ cuộc sống đơn độc tới cuộc sống mênh mông: Đó là một con đường tuyệt vời, một con đường thật tuyệt vời. Nếu chúng ta thành công trong việc đem bản thân mình ra khỏi trung tâm điểm, thì rồi tất cả mọi hành vi sẽ đều mang tính hôn nhân: Chúng ta làm việc, nói năng, quyết định và gặp gỡ người khác trong một hành vi đón nhận và trao tặng. 

Bất cứ ơn gọi Ki-tô giáo nào cũng đều ở trong ý nghĩa đó… Giờ đây chúng ta có thể mở rộng viễn tượng và nói rằng, trong ý nghĩa này, bất cứ ơn gọi Ki-tô hữu nào cũng đều mang tính hôn nhân. Ơn gọi làm Linh mục cũng là như thế, vì đó là ơn gọi trong Chúa Ki-tô và trong Giáo hội, để phục vụ cộng đoàn với tất cả mối thiện cảm, mối quan tâm cụ thể và sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban cho. Giáo hội không cần đến các ứng viên đóng vai Linh mục – không, Giáo hội không cần tới họ, tốt nhất là họ nên ở lại nhà mình -, nhưng Giáo hội cần tới những con người mà con tim của họ đã được Chúa Thánh Thần đụng chạm tới với một Tình Yêu vô điều kiện đối với hiền thê của Chúa Ki-tô. Trong chức Linh mục, người ta sẽ mến yêu Dân Chúa với tất cả tình hiền phụ, với tất cả sự trìu mến và sức mạnh của một lang quân, và của một người Cha. Đồng thời người ta cũng sống đức thanh tịnh thánh hiến trong Chúa Ki-tô với sự trung tín và với niềm vui với tư cách là mối tương quan, hôn nhân và phong nhiêu giữa mẫu tính và phụ tính.

Cha xin lập lại: bất cứ ơn gọi Ki-tô hữu nào cũng đều có tính hôn nhân, vì ơn gọi đó chính là hoa trái của mối tương quan Tình Yêu, mà tất cả chúng ta đều được tái sinh trong đó, mối tương quan Tình Yêu với Chúa Ki-tô, như bài trích thư của Thánh Phao-lô chúng ta vừa nghe lúc đầu, đã nhắc nhớ chúng ta. Xuất phát từ lòng trung tín, từ sự trìu mến và từ sự quảng đại của Ngài, chúng ta hãy ngắm nhìn hôn nhân cũng như nhìn vào bất cứ ơn gọi nào với Đức Tin, và sẽ hiểu được ý nghĩa tròn đầy của tính dục. Con người với tư cách là thụ tạo, trong sự hiệp nhất không thể tách rời giữa tinh thần và thể xác của mình và trong sự khác biệt giữa nam và nữ, chính là một thực tế rất tốt, mà thực tế đó được xác định để yêu thương cũng như để được yêu thương. Thân xác con người không phải là công cụ của sự thèm muốn, nhưng là nơi diễn ra ơn gọi sống yêu thương của chúng ta, và trong Tình Yêu đích thực thì sẽ không có chỗ cho sự thèm khát nhục dục cũng như cho sự nông nổi của nó. Người chồng và người vợ xứng đáng nhận được nhiều hơn thế.

Như vậy, lời „Ngươi không được ngoại tình“ hướng về tất cả chúng ta, và dù trong hình thức tiêu cực đi nữa thì cũng hướng đến ơn gọi nguyên thủy của chúng ta: hướng tới Tình Yêu hôn nhân được kiện toàn và trung tín mà Chúa Giê-su Ki-tô đã mạc khải cũng như đã ban tặng cho chúng ta (xc. Rm 12,1).

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 31 tháng 10 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018