Bài  Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư 07.11.2018 - Các Giới Răn (XIV)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Chúng ta lại tiếp tục bình luận về Thập Giới, và hôm nay đến lượt Lời thứ Bảy: „Ngươi không được trộm cắp!“ Khi chúng ta nghe tới Điều Răn này thì chúng ta sẽ nghĩ ngay tới đề tài về sự trộm cắp, cũng như nghĩ ngay tới khía cạnh chiếm hữu tài sản của những người khác. Không có bất cứ nền văn hóa nào mà trong đó sự trộm cắp và sự biển thủ tài sản lại được coi là hợp pháp cả; vì quan điểm của con người rất chú trọng tới việc bảo vệ tài sản.

Nhưng sẽ có lợi cho chúng ta nếu biết mở bản thân mình ra cho một sự giải thích theo nghĩa rộng của lời này, cũng như quan sát đề tài về sự sở hữu tài sản trong ánh sáng của sự khôn ngoan Ki-tô giáo. Trong học thuyết xã hội của Giáo Hội cũng có nói tới mục tiêu phổ quát của tài sản vật chất. Điều đó có nghĩa là gì? Chúng ta hãy lắng nghe điều mà Sách Giáo Lý nói: „Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã ủy thác trái đất và những tài sản của nó cho nhân loại để cùng quản lý, để con người chăm sóc trái đất, làm chủ nó thông qua lao động của mình, cũng như thưởng nếm những hoa trái của nó. Những tài sản thiên nhiên được xác định cho mọi thế hệ nhân loại“ (số 2402). Và tiếp theo: „Việc mọi tài sản đều được xác định cho tất cả mọi người vẫn luôn được ưu tiên, ngay cả khi ích lợi chung đòi hỏi phải tôn trọng quyền sở hữu cũng như quyền sử dụng tài sản riêng“ (số 2403).

Nhưng sự quan phòng của Thiên Chúa đã không muốn có một thế giới „được chế tạo hàng loạt“: có sự khác biệt, cũng như có những điều kiện sống và những nền văn hóa khác nhau. Như thế, người ta có thể sống bằng cách quan tâm tới nhau cũng như chăm lo cho nhau. Thế giới rất giầu tài nguyên để bảo đảm cho tất cả mọi người đều có được những tài sản căn bản. Nhưng rất nhiều người lại đang phải sống trong sự nghèo đói đến gây tai tiếng, và những tài nguyên mà chúng được sử dụng không tuân theo bất cứ một tiêu chuẩn nào, đang bị lãng phí. Nhưng chỉ có một thế giới duy nhất. Và cũng chỉ có một nhân loại! Nhưng ngày nay, sự giầu có của thế giới lại đang nằm trong tay của một thiểu số, của một ít người, trong khi sự nghèo túng, sự bần cùng và nỗi khổ đau lại đang liên lụy đến nhiều người, đến số đông.

Nếu nạn đói khát thống trị trái đất này thì điều đó xảy ra không phải vì thiếu lương thực thực phẩm! Trái lại, vì những lý do kinh tế nên đôi khi lương thực thực phẩm bị vứt bỏ, thậm chí, bị tiêu hủy. Điều đang thiếu ở đây chính là một tổ chức kinh doanh tự do với cái nhìn bao quát mà nó bảo đảm rằng, có một nền sản xuất xứng hợp và một sự tiếp cận có tính liên đới, cũng như bảo đảm rằng, có một sự phân phối hợp lý. Sách Giáo Lý còn viết tiếp: „Vì thế, người nào sử dụng những tài sản ấy, không nên chỉ coi những điều bên ngoài mà họ đang sở hữu cách hợp pháp, như là của riêng cá nhân mình, nhưng đồng thời cũng phải coi chúng là tài sản chung, trong ý nghĩa, chúng không chỉ được sử dụng bởi một mình người ấy, nhưng cũng còn được sử dụng bởi những người khác nữa“ (số 2404). Bất cứ sự giầu có nào, để nên tốt, cũng đều phải có một chiều kích xã hội.

Với khía cạnh ấy, ý nghĩa tích cực và bao la của Lời „Ngươi không được trộm cắp“ đã trở nên rõ ràng. „Việc sở hữu một tài sản làm cho người sở hữu nó trở thành một viên quản lý trong sự phục vụ sự quan phòng“ (nt.). Không ai là người chủ tuyệt đối trên tài sản cả: Người sở hữu tài sản thực ra chỉ là người quản lý nó mà thôi. Việc sở hữu là một trách nhiệm: „Nhưng tôi giầu có về mọi sự…“ – đó là một trách nhiệm mà bạn đang có. Và bất cứ tài sản nào mà nó bị tách ra khỏi lô-gích của Đấng Quan Phòng, đều bị phản bội trong ý nghĩa thẳm sâu nhất của nó. Điều mà tôi thực sự sở hữu chính là điều mà tôi biết trao tặng. Đó là mức độ để đánh giá xem tôi đang quản lý tài sản như thế nào, liệu có tốt không, hay đang rất tồi. Cha thấy lời này rất quan trọng: Điều mà tôi thực sự sở hữu đó là điều mà tôt biết trao tặng. Nếu tôi biết trao tặng, thì tôi sẽ luôn rộng mở, và rồi tôi sẽ không chỉ giầu có nơi những gì mà tôi sở hữu, nhưng cũng còn giầu có trong sự quảng đại nữa, trong sự quảng đại ngay cả với tư cách là bổn phận phải trao tặng tài sản, để tất cả đều được thừa hưởng. Vì nếu tôi không thành công trong việc trao tặng đi một cái gì đó, thì rồi những tài sản đó sẽ sở hữu chính tôi, sẽ có quyền hành trên tôi, và tôi sẽ trở thành nô lệ của nó. Việc sở hữu tài sản là một cơ hội để làm cho nó được sinh lời với sự sáng tạo, và như thế, sẽ lớn lên trong Tình Yêu và trong sự tự do. Chúa Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, „Nhưng Ngài đã không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế“ (Pl 2,6-7), và nhờ vào sự nghèo khó của Ngài, đã làm cho chúng ta trở nên giầu có (xc. 2Cr 8,9).

Trong khi nhân loại cố gắng để ngày càng có nhiều hơn nữa thì Thiên Chúa lại cứu độ họ bằng cách trở nên nghèo khó. Đấng bị đóng đinh vào Thập Giá đã thanh toán cho tất cả một khoản tiền chuộc đồ sộ từ phía Thiên Chúa Cha, „Đấng giầu Lòng Xót Thương “ (Ep 2,4; xc. Gc 5,11). Điều làm cho chúng ta trở nên giầu có, không phải là những tài sản vật chất, nhưng là Tình Yêu. Chúng ta thường hay nghe thấy điều mà Dân Chúa nói: „Ma quỷ đến thông qua túi tiền“. Nó bắt đầu với việc yêu thích tiền bạc, khát khao được sở hữu; và sau đó sự kiêu căng sẽ đến: „Đúng là tôi rất giầu, tôi tự hào vì mình có cái này“; và cuối cùng là sự kênh kiệu và sự tự phụ. Ma quỷ hoạt động như thế trong chúng ta. Nhưng cửa vào chính là túi tiền. Anh chị em thân mến, một lần nữa, Chúa Giê-su lại mạc khải cho chúng ta biết ý nghĩa tròn đầy của Kinh Thánh. „Ngươi không được trộm cắp“ có nghĩa là: sống yêu thương bằng tài sản của bạn, sử dụng những phương tiện của bạn để yêu thương như bạn có thể. Và rồi cuộc sống của bạn sẽ trở nên tốt đẹp, và những gì bạn sở hữu sẽ thực sự trở thành một quà tặng. Vì cuộc sống không phải là thời gian để chiếm hữu, nhưng là để yêu thương. Xin cám ơn anh chị em.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày mồng 07 tháng 11 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018