Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, 14.11.2018: Các Giới Răn (XV)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong bài Giáo Lý hôm nay, chúng ta sẽ đề cập tới lời thứ Tám của Thập Giới: „Ngươi không được làm chứng dối“. Điều răn này – sách Giáo Lý viết – „ngăn cấm việc xuyên tạc sự thật trong các mối tương quan đối với người khác“ (số 2464). Sống trong mối tương quan giả tạo là điều rất tồi, vì nó chính là một rào cản đối với các mối tương quan, và do đó, cũng là một rào cản đối với Đức Ái. Ở đâu có sự gian dối thì ở đó sẽ không có Đức Ái, Đức Ái không thể hiện diện tại đó. Và nếu chúng ta nói về mối tương quan giữa con người, thì chúng ta sẽ không chỉ nghĩ tới những lời nói, nhưng cũng còn nghĩ tới những cử chỉ, những hành động, thậm chí còn nghĩ tới cả sự thinh lặng và sự vắng mặt nữa. Một người nói với tất cả những gì người ấy là và làm. Tất cả chúng ta đều có mối tương quan với nhau, luôn luôn. Tất cả chúng ta đều sống trong sự giao tiếp và thường xuyên ở trong ranh giới giữa chân lý và sự lừa dối.

Nhưng „nói thật“ có nghĩa là gì? Phải chăng nó có nghĩa là sống chân thực? Hay là trở nên chính xác? Trong thực tế, điều đó chưa đủ, vì người ta có thể chân thành trong sự lầm lẫn, hay người ta chính xác trong những chi tiết, nhưng lại không nắm được ý nghĩa của toàn bộ. Đôi khi chúng ta tự biện minh cho mình bằng cách nói rằng: „Tôi đã nói điều mà tôi cảm thấy!“ Vâng, nhưng bạn đã tuyệt đối hóa quan điểm của mình rồi. Hay: „Tôi đã chỉ nói sự thật!“ Rất có thể, nhưng bạn đã để lộ những vấn đề cá nhân hoặc bí mật. Sự ngồi lê đôi mách sẽ hủy hoại sự hiệp thông vì những lời bất xứng hay vì sự thiếu tế nhị biết chừng nào! Vâng, sự ngồi lê đôi mách thậm chí còn có khả năng sát hại nữa, và trong lá thư của mình, Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ đã nói về điều đó: Nó sát hại người khác, vì cái lưỡi có khả năng sát hại như một con dao. Hãy coi chừng! Một kẻ đơm điều đặt chuyện – dù nam hay nữ - đều là một kẻ khủng bố, vì người ấy ném bom bằng cái lưỡi của mình và rồi rón rén bỏ đi, nhưng nó nói cái gì, trái bom được quăng ra sẽ hủy hoại thanh danh người khác. Xin anh chị em đừng quên điều này: đơm điều đặt chuyện có nghĩa là sát hại.

Như vậy: Sự thật là gì? Đó là câu hỏi mà Phi-la-tô đã đặt ra khi Chúa Giê-su áp dụng điều răn thứ Tám vào trong thực tế trước mặt ông (xc. Ga 18,38). Vì những lời „Ngươi không được làm chứng gian chống lại người khác“ có nguồn gốc từ ngôn ngữ tòa án. Các Tin Mừng đã đạt tới cao điểm của mình trong trình thuật về cuộc khổ hình, về cái chết và về sự phục sinh của Chúa Giê-su; và đó là một trình thuật về một vụ án, về việc thi hành bản án và về một hậu quả chưa từng có. Bị Phi-la-tô thẩm vấn, Chúa Giê-su đã trả lời: „Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật“ (Ga 18,37). Và Chúa Giê-su đã thực hiện „việc làm chứng đó“ thông qua cuộc khổ hình cũng như thông qua cái chết của Ngài. Thánh sử Mác-cô tường thuật rằng: „Khi viên đại đội trưởng đứng đối diện với Chúa Giê-su thấy Người tắt thở như vậy thì nói: ´Quả thực, người này là Con Thiên Chúa`“ (Mc 15,39). Vâng, vì Ngài nhất quán, Ngài đã sống nhất quán: nhờ vào cách chết của Ngài, Chúa Giê-su đã mạc khải Thiên Chúa Cha, mạc khải Tình Yêu nhân hậu và trung tín của Ngài.

Sự thật đã thấy được sự hiện thực hóa hoàn toàn của nó trong con người của Chúa Giê-su (xc. Ga 14,6), trong cách sống và chết của Ngài, trong hoa trái phát sinh từ mối tương quan của Ngài đối với Thiên Chúa Cha. Đấng Phục Sinh cũng ban cho chúng ta kiếp sống với tư cách là những người con của Thiên Chúa, bằng cách là Ngài sai Chúa Thánh Thần đến, đó là Thần Khí sự thật, Đấng làm chứng cho những con tim của chúng ta rằng, Thiên Chúa là Cha của chúng ta (xc. Rm 8,16). Trong từng hành động của mình, con người sẽ xác nhận những người này, chân lý này, hay khước từ nó – từ những trạng huống nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày tới những quyết định quan trọng nhất. Nhưng luôn luôn là chính lô-gích ấy: đó là những gì mà cha mẹ hay ông bà dậy cho chúng ta nếu họ nói với chúng ta rằng, chúng ta không nên nói dối.

Chúng ta hãy tự hỏi: Những công việc của chúng ta với tư cách là những người Ki-tô hữu, những lời nói và những quyết định của chúng ta sẽ làm chứng cho chân lý nào? Mỗi người đều có thể tự hỏi: Phải chăng tôi đang là một chứng nhân sự thật, hay ít nhiều tôi lại là kẻ nói dối, kẻ khoác áo „sự thật“? Mỗi người đều có thể hỏi mình như vậy. Các Ki-tô hữu chúng ta không phải là những người nam hay những người nữ phi thường. Nhưng chúng ta là con cái của Cha trên Trời, Đấng tốt lành và không bao giờ gây thất vọng cho chúng ta, và Ngài đặt vào trong con tim chúng ta Tình Yêu đối với những người anh chị em. Người ta không nói sự thật này bằng những lời, nhưng đó là một cách thức hiện hữu, một lối sống, và người ta thấy nó trong từng hành vi riêng biệt (xc. Gc 2,18). Ông này là người thật thà, bà kia là người thật thà: người ta thấy thế. Nhưng tại sao, khi ông ấy hay bà ấy không mở miệng ra? Người này, ông kia hay bà nọ, hành xử với tư cách là một con người „thật thà“. Ông ấy nói thật, ông ấy hành động theo sự thật. Đó là một lối sống tuyệt vời đối với chúng ta.

Chân lý là một mạc khải tuyệt vời của Thiên Chúa, dung nhan hiền phụ của Ngài, nó là Tình Yêu vô biên của Ngài. Chân lý ấy tương ứng với lý trí nhân loại, nhưng nó siêu việt lý trí, vì nó là một hồng ân, nó đã xuống thế và trở thành người trong Đức Ki-tô chịu đóng đinh và phục sinh; nó được làm cho nên hữu hình nhờ vào những người thuộc về Ngài và thực hiện những hành vi giống như Ngài. Không làm chứng gian có nghĩa là sống với tư cách là con Thiên Chúa, Đấng không bao giờ, không bao giờ chối bỏ chính mình, Đấng không bao giờ lừa dối ai; sống với tư cách là con Thiên Chúa, và trong tất cả mọi hành động, luôn luôn phơi bày chân lý vĩ đại rằng: Thiên Chúa là Cha, và người ta có thể tín thác nơi Ngài. Tôi tín thác vào Thiên Chúa: đó là sự thật vĩ đại của tôi. Từ niềm tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng là Cha và rất mực yêu thương tôi, sẽ phát sinh ra chân lý của tôi và thực tế rằng, tôi là người trung thực và không phải là kẻ nói dối.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 14 tháng 11 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018