Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư 21.11.2018: Các Giới Răn (XVI)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay, những cuộc gặp gỡ của chúng ta sẽ dẫn chúng ta tới với điều răn cuối cùng. Chúng ta đã nghe Điều Răn đó lúc bắt đầu. Đó không chỉ là những lời cuối cùng của bản văn, nhưng còn nhiều hơn thế nữa: Những lời đó chính là sự hoàn tất con đường xuyên qua Thập Giới, và chúng đụng chạm tới con tim từ tất cả những gì được tặng ban cho chúng ta trong Thập Giới. Vì khi quan sát một cách kỹ lưỡng hơn, sẽ thấy được rằng, chúng không bổ sung bất cứ điều gì mới: những chỉ dẫn, ngươi không được „thèm muốn vợ người khác cũng như không được thèm muốn bất cứ điều gì của người khác“, ít nhất cũng là cốt lõi của những điều răn cấm ngoại tình và trộm cắp. Vậy thì đâu là chức năng của những lời ấy? Phải chăng chúng là một bản tóm tắt? Hay chúng là một cái gì đó khác?

Chúng ta phải rất lưu ý rằng, tất cả mọi giới răn đều có nhiệm vụ vạch ra những ranh giới trong cuộc sống. Đó là những ranh giới mà nếu vượt ra ngoài, con người sẽ tự hủy hoại chính mình và tha nhân, cũng như sẽ phá vỡ mối tương quan của mình với Thiên Chúa. Nếu bạn bước qua những ranh giới đó, bạn sẽ hủy hoại chính mình, và cũng sẽ hủy hoại mối tương quan của bạn với Thiên Chúa và với người khác. Các giới răn sẽ chỉ cho thấy điều đó. Thông qua lời cuối cùng này, thực tế được nhấn mạnh rằng, tất cả mọi vi phạm đều phát sinh từ một gốc rễ nội tại chung: dục vọng tội lỗi. Tất cả mọi tội lỗi đều phát sinh từ dục vọng tội lỗi ấy. Tất cả. Ở đó, con tim bắt đầu giao động, người ta bị sóng gió bủa vây và kết thúc với một sự sai phạm. Nhưng không có sự vị phạm Lề Luật cách chính thức, nhưng là một sự vi phạm mà qua đó người ta tự gây tổn thương cho chính mình cũng như cho người khác: „Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế“ (Mc 7,21-23).

Vì thế chúng ta hiểu rằng, toàn bộ con đường mà Thập Giới đã đi lên, sẽ không có ích lợi gì, nếu như cuối cùng, nó không đụng chạm gì tới bình diện này, tức con tim nhân loại. Tất cả những điều xấu xa ấy phát sinh từ đâu? Thập Giới đã chỉ rõ khía cạnh ấy cũng như đã đào sâu nó: Điểm kết – Giới Răn cuối cùng – của con đường này chính là con tim, và khi điều này, khi con tim không được giải phóng, thì những điều còn lại sẽ rất ít có lợi. Đó là thách đố: giải thoát con tim khỏi tất cả những điều tội lỗi và xấu xa ấy. Các giới Luật của Thiên Chúa có thể bị cắt xén, chỉ còn là những vẻ đẹp bên ngoài của một cuộc sống, nhưng đó là một kiếp sống của người nô lệ chứ không phải của những người con. Thường thì đàng sau chiếc mặt nạ Pha-ri-siêu với vẻ đứng đắn bị bóp nghẹt, luôn ẩn giấu một cái gì đó tồi tệ và không giải quyết được.

Đúng hơn, chúng ta phải để cho mình được lột trần bởi những Điều Răn ngăn cấm dục vọng này, vì chúng sẽ chỉ cho chúng ta thấy sự nghèo hèn của chúng ta để dẫn chúng ta tới với một sự hạ mình thánh thiện. Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: Dục vọng tội lỗi nào thường bất thần ập xuống trên tôi? Phải chăng đó là sự đố kỵ, lòng tham và sự ngồi lê đôi mách? Tất cả những điều đó đều phát xuất từ trong lòng tôi. Mỗi người đều có thể tự hỏi, và điều đó sẽ rất có lợi. Con người cần tới sự hạ mình đầy phúc lành ấy, qua đó con người sẽ khẩn cầu Thiên Chúa để được cứu độ. Thánh Phao-lô đã giải thích rõ điều đó qua một cách thức không gì tốt hơn, bằng cách là Ngài liên hệ tới Giới Răn „ngươi không được thèm muốn“ (xc. Rm 7,7-24).

Thật vô ích khi nghĩ rằng người ta có thể tự sửa chữa mà không cần tới ân sủng của Chúa Thánh Thần. Thật vô ích khi nghĩ rằng chúng ta có thể làm cho con tim mình trở nên trong sạch nhờ vào một sự cố gắng phi thường mang tính thuần ý chí của chúng ta: đó là điều không thể. Người ta phải mở bản thân mình ra cho mối tương quan với Thiên Chúa, trong chân lý và trong sự tự do: chỉ như thế, những nỗ lực của chúng ta mới đơm bông kết trái, vì Chúa Thánh Thần chính là Đấng mang chúng ta tiến về phía trước. Nhiệm vụ của Lề Luật Kinh Thánh không phải là việc đánh lừa con người, để việc vâng lời tối mặt có thể đem con người tới với một ơn cứu độ giả tạo, và ngoài ra thì không thể đạt tới được. Sứ mạng của Lề Luật chính là việc dẫn đưa con người tới chân lý: tới sự khó nghèo mà nó dẫn tới sự mở ra thực sự, tới một sự mở ra có tính cá nhân đối với Lòng Nhân Hậu của Thiên Chúa, mà Lòng Nhân Hậu ấy có khả năng biến đổi và canh tân chúng ta. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có khả năng canh tân chúng ta, với điều kiện là chúng ta phải mở con tim mình ra cho Ngài. Đó là điều kiện tiên quyết và duy nhất; Ngài làm tất cả, nhưng chúng ta phải mở con tim mình ra cho Ngài.

Những Lời cuối cùng của Thập Giới dậy cho tất cả mọi người biết nhận ra chính mình như là những người hành khất; những lời ấy giúp đặt chúng ta trước sự lộn xộn của con tim mình, để không còn sống ích kỷ nữa, nhưng trở nên nghèo khó trước mặt Thiên Chúa, chân thật trước tôn nhan Thiên Chúa Cha và để cho mình được cứu độ bởi Chúa Con, cũng như để cho mình được chỉ dậy bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần chính là Thầy dậy, Đấng hướng dẫn chúng ta: Chúng ta hãy để cho mình được giúp đỡ. Chúng ta là những người hành khất, chúng ta hãy cầu xin ơn ấy. „Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ“ (Mt 5,3). Vâng, phúc thay những ai ngừng tự lừa dối chính mình, bằng cách tin rằng, họ có thể tự cứu mình thoát khỏi những yếu đuối riêng mà không cần đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, mà chỉ mình Ngài mới có thể cứu độ. Chỉ có Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mới có thể chữa lành con tim. Phúc thay những ai biết nhận ra những dục vọng tội lỗi của mình, và đứng trước mặt Thiên Chúa với con tim tan nát và hối hận, và đứng trước những người khác không phải với tư cách là những người công chính nhưng là những tội nhân. Những lời mà Thánh Phê-rô nói với Chúa thật tuyệt vời: „Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi!“ Đó là một lời cầu nguyện tuyệt vời: „Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi!“ Đó là những người hiểu để có sự cảm thông, những người biết để biểu lộ Lòng Nhân Hậu đối với những người khác, vì họ không có được kinh nghiệm về Lòng Nhân Hậu nơi bản thân mình.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 21 tháng 11 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018