Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN, 22.07.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng hôm nay (xc. Mc 6,30-34) tường thuật lại cho chúng ta biết, sau chuyến truyền giáo đầu tiên của mình, các Tông Đồ đã trở về với Chúa Giê-su và báo cáo cho Ngài biết „mọi việc các ông đã làm, và mọi việc các ông đã dậy“ (Mc 6,30). Sau một cuộc truyền giáo đầy phấn khích nhưng cũng rất mệt mỏi, các ông cần phải nghỉ ngơi. Chúa Giê-su hiểu rất rõ chuyện đó, Ngài biết các ông cần phải được nghỉ ngơi, nên Ngài nói với các ông: „Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!“ (Mc 6,31). Nhưng ý định của Chúa Giê-su lần này đã không thành hiện thực, vì dân chúng đoán được nơi mà Chúa Giê-su cùng các môn đệ của Ngài sẽ đi thuyền tới đó, và họ đã đón đầu Ngài.

Trong thời đại hôm nay, một điều như thế cũng có thể xảy ra. Nhiều khi chúng ta không thể hiện thực hóa được những kế hoạch của mình, vì một điều gì đó không lường trước được đã xen vào giữa, hay một điều gì đó cấp thiết xảy ra, khiến cho những chương trình của chúng ta bị rối loạn và đòi hỏi phải có sự linh hoạt cũng như phải có sự sẵn sàng cho những nhu cầu của người khác. Trong giữa những hoàn cảnh như vậy, chúng ta được kêu gọi hãy làm theo những gì Chúa Giê-su đã làm: „Ra khỏi thuyền, Chúa Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài bắt đầu dậy dỗ họ nhiều điều“ (Mc 6,34). Qua câu văn vừa rồi, tác giả Tin Mừng đã giới thiệu cho chúng ta thấy một kiểu ảnh được chụp với ánh đèn pha có cường độ cao mà nhờ thế, ông chụp được cặp mắt của vị Thầy mang thần tính và giáo huấn của Ngài. Chúng ta hãy quan sát ba động từ liên quan đến bức hình đó: thấy, chạnh lòng thương và dậy dỗ. Chúng ta có thể gọi chúng là những động từ của người mục tử. Ánh mắt của Chúa Giê-su không chung chung, không soi mói, không lạnh lùng và không lảng tránh, vì Chúa Giê-su luôn luôn nhìn xem bằng cặp mắt của con tim. Con tim Ngài đầy trìu mến và cảm thông, đến độ Ngài có thể thấu hiểu và nhận ra được những nhu cầu của con người, dù đó là những nhu cầu thầm kín nhất. Bên cạnh đó, sự đồng cảm của Ngài không đơn thuần chỉ là một phản ứng đầy cảm xúc trước tình cảnh khốn cùng của con người, nhưng đúng hơn, đó là mối thiện cảm và lòng hảo tâm của Thiên Chúa đối với con người cũng như đối với những câu chuyện trong đời họ. Chúa Giê-su xuất hiện với tư cách là sự hiện thực hóa mối quan tâm và sự chu đáo của Thiên Chúa đối với Dân Người.

Vì khi Chúa Giê-su nhìn vào tất cả những con người ấy, Ngài đã nhận ra rằng, họ cần tới sự dẫn dắt và giúp đỡ, nên chúng ta sẽ mong chờ Ngài thực hiện một phép lạ nào đó ngay lúc này. Tuy nhiên, thay vì thế, Ngài lại dậy dỗ họ nhiều điều. Như vậy, đó là lương thực đầu tiên mà Đấng Messias giới thiệu cho đám đông đói khát và lạc lõng: Lương thực Lời Chúa. Tất cả chúng ta đều cần tới Lời chân lý mà Lời ấy dẫn dắt chúng ta cũng như soi dẫn con đường của chúng ta. Nếu không có chân lý là chính Chúa Ki-tô thì sẽ không thể thấy được hướng đi chính xác cho cuộc sống. Nếu người ta sống xa cách Chúa Giê-su và Tình Yêu của Ngài, thì người ta sẽ đánh mất chính mình, và kiếp sống sẽ trở thành sự thất vọng và bất mãn. Đi cùng phía với Chúa Giê-su, chúng ta sẽ có thể tiến về phía trước, chúng ta sẽ có thể vượt qua được những cơn thử thách, chúng ta sẽ có được sự tiến bộ trong Đức Mến đối với Thiên Chúa và trong Đức Ái đối với tha nhân.

Chúa Giê-su đã biến chính bản thân Ngài thành một tặng phẩm cho người khác, và như thế, trở thành một mẫu gương về Đức Ái và về sự phục vụ đối với từng người một trong chúng ta. Cầu xin Rất Thánh Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết quan tâm đến những vấn đề, những nỗi khổ đau và những khó khăn của tha nhân, thông qua thái độ chia sẻ và phục vụ.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật ngày 22 tháng 07 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018