Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN, 15.07.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Bài Tin Mừng hôm nay (xc. Mc 6,7-13) tường thuật về khoảnh khắc Chúa Giê-su sai nhóm Mười Hai đi truyền giáo. Sau khi Ngài gọi tên từng người một, „để các ông ở với Ngài“ (Mc 3,14), lắng nghe Lời Ngài và nhìn xem những cử chỉ chữa lành của Ngài, giờ đây Ngài lại gọi các ông đến với Ngài, „và sai các ông đi, cứ hai người một“ (Mc 6,7), để đi tới những nơi mà Ngài muốn tới. Đó là một dạng „thực tập“ đối với điều mà các ông sẽ thực hiện sau khi Chúa sống lại, với quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Đoạn Tin Mừng trên bận tâm tới phong cách truyền giáo mà chúng ta có thể tóm tắt thành hai điểm: truyền giáo có một trung tâm; và truyền giáo có một dung mạo. Trước tiên, người môn đệ truyền giáo có một trung tâm mà mình liên hệ tới, và đó là ngôi vị Chúa Giê-su. Bài tường thuật biểu thị điều đó với một loạt động từ mà chủ từ của những động từ này chính là Chúa Giê-su: „Ngài gọi họ đến với Ngài“, „Ngài sai họ đi“, „Ngài ban cho họ năng quyền“, „Ngài chỉ thị cho họ“, „Ngài nói với họ“ (Mc 6,7.8.10) -, để việc ra đi và hoạt động của nhóm Mười Hai xuất phát từ một trung tâm như một sự phát sóng, như là việc lập lại sự hiện diện và hoạt động của Chúa Giê-su trong hoạt động truyền giáo của các ông. Điều đó cho thấy rằng, các Tông Đồ sẽ không có bất cứ điều gì riêng tư để công bố, cũng không thủ đắc những khả năng riêng mà các ông có thể giới thiệu, nhưng các ông nói và hành động với tư cách là „người được sai đi“, với tư cách là đại sứ của Chúa Giê-su. Sự kiện được Tin Mừng thuật lại đó cũng liên hệ tới chúng ta, và thực ra, không chỉ các Linh mục, nhưng liên hệ đến bất cứ ai đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy. Tất cả đều được kêu gọi hãy làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Ki-tô trong những môi trường sống khác nhau. Và ngay cả đối với chúng ta, sứ vụ này sẽ chỉ trở nên đích thực khi nó xuất phát từ trung tâm bất biến của nó là Chúa Giê-su.

Vấn đề ở đây không phải là một sáng kiến của cá nhân các tín hữu, của các nhóm, hay thậm chí của các hiệp hội, nhưng là sứ mạng của Giáo hội, mà Giáo hội thì hiệp nhất không thể tách rời với Thiên Chúa của mình. Người Ki-tô hữu không loan báo Tin Mừng „vì động cơ riêng“, nhưng chỉ với tư cách là người được Giáo hội sai đi, trong khi Giáo hội lại đón nhận sứ mạng từ chính Chúa Ki-tô. Ngay cả Bí Tích Thanh Tẩy cũng là điều biến chúng ta thành các Thừa Sai. Người nào đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy rồi mà không cảm thấy cần thiết phải loan báo Tin Mừng, loan báo Chúa Giê-su, thì người ấy không phải là một Ki-tô hữu tốt.

Đặc tính thứ hai nơi phong cách của một Thừa Sai có thể nói được rằng, đó là một dung mạo mà nó hệ tại ở chỗ nghèo nàn về phương tiện. Toàn bộ trang thiết bị của nhà truyền giáo tương ứng với tiêu chí của sự đơn sơ. Cụ thể là Chúa Giê-su đã chỉ thị cho nhóm Mười Hai rằng: „Không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị và tiền giắt lưng; được đi dép nhưng không được mặc hai áo“ (Mc 6,8-9). Vị Thầy muốn rằng, các ông phải hoàn toàn tự do và vô tư, không có sự hỗ trợ cũng không có những ưu tiên, nhưng chỉ trong niềm tín thác vào Tình Yêu của Đấng đã sai họ đi, chỉ được củng cố nhờ vào Lời Ngài, tức Lời mà các ông loan báo. Cây gậy đi đường và đôi dép chính là trang thiết bị của những người hành hương, vì các sứ giả của Triều Đại Thiên Chúa chính là những người lữ hành, chứ không phải là những nhà quản lý toàn năng, không phải là những công chức bất khả bãi nhiệm, không phải là những nghệ sĩ nổi tiếng trên những chuyến lưu diễn. Chúng ta hãy nghĩ tới Giáo phận này, tức Giáo phận mà Cha đang làm Giám mục.

Chúng ta hãy nhớ tới một số vị Thánh của Giáo phận Rô-ma: chẳng hạn như Thánh Phi-líp-phê Neri, Thánh Bê-nê-đíc-tô Giu-se Labre, Thánh A-lê-xù, Thánh Ludovica Albertoni, Thánh Francesca Romana, Thánh Gaspare del Bufalo và nhiều vị Thánh khác. Các Ngài không phải là những công chức hay những doanh nhân, nhưng các Ngài chỉ là những nhân viên khiêm tốn của Triều Đại Thiên Chúa. Các Ngài có dung mạo đó. Và những cách thức mà Tin Mừng được đón nhận cũng thuộc về „dung mạo“ đó: Thực tế có thể xảy ra chuyện Tin Mừng không được đón nhận hay không được lắng nghe (xc. Mc 6,11). Ngay cả điều đó cũng là sự khó nghèo: kinh qua những trở ngại. Tiểu sử của Chúa Giê-su, Đấng bị bỏ rơi và bị đóng đinh vào Thập Giá, đã tiên đoán trước số phận của những sứ giả do Ngài sai đi. Và chỉ khi nào chúng ta hiệp nhất với Ngài, Đấng đã chết và đã phục sinh, thì chúng ta mới có thể tìm thấy niềm can đảm để loan báo Tin Mừng.

Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, nữ môn đệ và nữ Thừa Sai đầu tiên của Lời Chúa, giúp chúng ta giới thiệu sứ điệp của Tin Mừng cho thế giới, vượt qua tất cả mọi khước từ, mọi hiểu lầm hay mọi nỗi khốn cùng, trong một niềm vui đầy khiêm tốn nhưng sáng ngời.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật ngày 15 tháng 07 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018