Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN, 02.09.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong ngày Chúa Nhật này, chúng ta lại được nghe Tin Mừng theo Thánh Mác-cô. Trong bài Tin Mừng hôm nay (Mc 7,1-8.14-15.21-23), Chúa Giê-su đã liên hệ đến một đề tài hết sức quan trọng đối với tất cả chúng ta với tư cách là những tín hữu: Sự tuân phục đích thực của mình đối với Lời Chúa, ngược lại với tất cả những ô nhiễm thế gian hay ngược lại với chủ nghãa vụ hình thức và vụ luật. Câu chuyện bắt đầu với sự phản đối mà các Luật Sĩ và những người Pha-ri-siêu đã hướng về Chúa Giê-su, trong khi họ kết tội các môn đệ của Ngài là không tuân thủ những quy định về tập tục chiếu theo truyền thống. Bằng cách đó, các đối tác đã muốn gây tổn hại cho tính đáng tin cậy và cho uy quyền của Chúa Giê-su với tư cách là một vị Thầy, bởi họ nói: „Vị Thầy này đã cho phép các môn đệ không cần phải tuân thủ các quy định của truyền thống“. Nhưng Chúa Giê-su đã đáp lại họ một cách rất dứt khoát, và nói với họ những lời sau: „Quả là Ngôn Sứ Isaia đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi, bằng miệng, nhưng lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dậy chỉ là giới luật phàm nhân“ (Mc 7, 6-7). Chúa Giê-su đã nói như thế. Những lời đó thật rõ ràng và mạnh mẽ! Có thể nói được rằng, giả hình là một trong những tính từ mạnh nhất mà Chúa Giê-su đã sử dụng trong Tin Mừng, và Ngài dùng từ đó khi Ngài hướng về các nhà lãnh đạo tôn giáo: đó là các Luật Sĩ, những chuyên viên Luật… Chúa Giê-su gọi tất cả bọn họ là „đồ giả hình“.

Trong thực tế, Chúa Giê-su muốn kéo những nhà Luật Sĩ và những người Pha-ri-siêu ra khỏi sự lầm lạc mà họ đã sa vào. Và sự lầm lạc đó hệ tại ở đâu? Thưa, hệ tại ở chỗ trình bày cách sai lạc về Thánh Ý của Thiên Chúa, sao nhãng đối với các giới răn của Ngài, nhưng lại chạy theo những tập tục con người. Phản ứng của Chúa Giê-su rất nghiêm khắc, vì điều to lớn đang lâm vào tình thế nguy hiểm: vấn đề nằm ở chỗ là mối tương qua đích thực giữa con người với Thiên Chúa, cũng như sự chân thực của đời sống tôn giáo. Kẻ giả hình là một kẻ lừa dối, anh ta không có sự thật.

Trong thời đại hôm nay Thiên Chúa cũng đang mời gọi chúng ta hãy tránh cho xa mối nguy hiểm đó, cũng như tránh cho xa việc coi trọng hình thức hơn là bản chất. Ngài kêu gọi chúng ta hãy không ngừng nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi của kinh nghiệm Đức Tin, và điều cốt lõi đó chính là Đức Mến đối với Thiên Chúa và Đức Ái đối với tha nhân. Đức Ái sẽ tẩy rửa chúng ta sạch khỏi sự giả hình của chủ nghĩa duy luật cũng như của chủ nghĩa duy hình thức. Sứ điệp của Bài Tin Mừng hôm nay cũng còn được củng cố bởi giọng nói của Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ. Ngài đã nói một cách rất vắn gọn để chúng ta hiểu được tôn giáo đích thực là gì. Ngài nói, đạo thật có nghĩa là: „Thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian“ (Gc 1,27).

Thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân“ có nghĩa là, thực hành Đức Ái đối với người khác, bắt đầu từ những người cùng khốn nhất, những người mỏng manh nhất, và những người thường bị loại trừ nhất. Họ chính là những con người mà Thiên Chúa đón nhận cách đặc biệt, và Ngài đòi hỏi chúng ta cũng phải làm như vậy. 

Hãy giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian“ có nghĩa là không tự cô lập mình, không khép mình lại đối với thực tế. Đừng. Ngay cả ở đây cũng không được phép chỉ có những hành vi bên ngoài, nhưng phải là một hành vi bên trong và mang tính cốt thiết: có nghĩa là, cảnh giác và suy nghĩ về cách thức của mình và đừng hành động theo tâm tính thế gian, tức tâm tính bị gây hiềm khích bởi sự kiêu căng, bởi thói tham lam và bởi sự tự mãn. Một người nam hay một người nữ sống trong sự kiêu ngạo, tham lam và tự mãn, đồng thời cũng tin và biểu lộ cho người ta thấy rằng, mình là người sùng đạo, và thậm chí còn kết án người khác, thực tế thì họ chỉ là những kẻ giả hình.

Chúng ta hãy thẩm tra lương tâm để thấy được mình đang đón nhận Lời Chúa như thế nào. Mỗi ngày Chúa Nhật chúng ta đều được nghe Lời Chúa trong Thánh Lễ. Nếu chúng ta nghe Lời Chúa cách đãng trí hay chỉ nghe cách hời hợt, thì Lời Chúa sẽ không giúp gì được nhiều cho chúng ta. Thay vì thế, chúng ta phải đón nhận Lời Chúa với một tinh thần và một con tim rộng mở giống như một thửa đất tốt, để Lời Chúa được hấp thụ và đơm bông kết trái trong cuộc sống cụ thể. Chúa Giê-su nói rằng, Lời Chúa giống như hạt lúa mì phải được phát triển và lớn lên trong những công việc cụ thể. Và như thế, chính Lời Chúa sẽ thanh luyện con tim chúng ta, thanh luyện những hành vi của chúng ta, và mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng như với người khác sẽ được giải phóng khỏi sự giả hình. Ước gì gương mẫu và lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria sẽ giúp chúng ta luôn luôn tôn kính Thiên Chúa với tất cả tâm hồn mình, và làm chứng trong những quyết định cụ thể cho Đức Mến của chúng ta đối với Ngài, hầu mang đến niềm hạnh phúc cho những người anh chị em của chúng ta.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật ngày mồng 02 tháng 09 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018