Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN, 09.09.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (xc. Mc 7,31-37) thuật lại sự kiện Chúa Giê-su chữa lành cho một người bị câm điếc. Người ta mang một người vừa bị câm vừa bị điếc đến cho Chúa Giê-su và xin Ngài đặt tay trên anh ta. Nhưng Ngài đã không chỉ đặt tay mà còn làm nhiều cử chỉ khác với anh ta: Trước tiên, Ngài dẫn anh ta ra xa khỏi đám đông. Giống như những trường hợp khác, trường hợp này cũng vậy, Chúa Giê-su luôn luôn hành động một cách kín đáo. Ngài không muốn gây ấn tượng mạnh cho đám đông, Ngài cũng không tìm kiếm việc được dân chúng yêu quý, cũng chẳng kiếm tìm thành công, nhưng Ngài chỉ muốn làm điều tốt lành cho con người. Với thái độ như thế, Chúa Giê-su dậy chúng ta rằng, không nên thực hiện điều tốt lành với sự ồn ào, với sự khoe khoang, và với việc „thổi kèn trăm-bôn“. Sự chữa lành của Chúa Giê-su đã diễn ra trong âm thầm. Sau khi Chúa Giê-su đã đi xa khỏi đám đông, thì Ngài bắt đầu đặt ngón tay vào lỗ tai người bị câm điếc, và xức nước miếng vào miệng lưỡi anh ta. Những cử chỉ đó lưu ý tới mầu nhiệm Nhập Thể.

Con Thiên Chúa là một con người, đã được đặt vào trong thực tế của con người: Ngài đã trở thành người. Vì thế, Ngài có thể hiểu được tình trạng đau khổ của một người, và đã can thiệp với một cử chỉ mà nhân tính của Ngài được bao hàm trong đó. Đồng thời, Chúa Giê-su muốn làm sáng tỏ rằng, phép lạ diễn ra nhờ vào sự hợp nhất của Ngài với Thiên Chúa Cha, vì thế Ngài đã ngước mắt lên trời, lấy hơi và nói một lời có tính quyết định: „Effata!“ – có nghĩa là: „Hãy mở ra!“. Và anh thanh niên đã ngay lập tức được chữa lành: cặp tai của anh được mở ra, lưỡi anh được giải phóng khỏi cái cùm của nó. Đối với anh, sự chữa lành chính là một sự „mở ra“ cho người khác và cho thế giới.

Trình thuật nhấn mạnh tới sự cần thiết của một pha chữa lành kép. Trước tiên, đó là sự chữa lành bệnh tật và nỗi khổ đau nơi thân xác để đem đến sự hồi phục về sức khỏe nơi thân thể; ngay cả khi mục tiêu này không đạt tới được sự trọn vẹn, dẫu có rất nhiều những cố gắng của khoa học và y học trong viễn tượng trần thế. Nhưng có một sự chữa lành thứ hai mà có lẽ khó khăn hơn nhiều, và đó là sự chữa lành khỏi nỗi sợ hãi. Chữa lành khỏi nỗi sợ hãi mà nó đẩy chúng ta tới chỗ loại trừ các bệnh nhân, loại trừ những người đau khổ và những người tàn tật.

Có nhiều hình thức loại trừ khác nhau, kể cả loại trừ bằng sự đồng cảm giả tạo hay bằng việc gạt qua một bên những vấn đề. Người ta vẫn tiếp tục câm và điếc khi giáp mặt với những nỗi khổ đau của những con người mà họ bị đánh dấu bởi bệnh tật, bởi nỗi sợ hãi và bởi những nỗi khó khăn. Rất nhiều khi những bệnh tật và những nỗi khổ đau đã trở thành một vấn đề, thay vì phải trở thành một cơ hội để diễn tả mối quan tâm và tình liên đới của một xã hội đối với những người yếu đuối.

Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta biết về mầu nhiệm của một phép lạ mà chúng ta cũng có thể lập lại, bằng cách là chúng ta trở thành những nhân vật chính của tiếng hô „Effrata!“, có nghĩa là „Hãy mở ra!“, mà với nó, Ngài sẽ trao lại thính giác và giọng nói cho người bị câm điếc. Vấn đề nằm ở chỗ là chúng ta phải mở bản thân mình ra cho những nhu cầu của những người anh chị em đang gặp khổ đau và cần sự giúp đỡ, cũng như tránh xa việc tìm kiếm bản thân mình và việc đóng chặt con tim mình lại. Chính vì thế mà Chúa Giê-su đã đến để mở con tim nhân loại ra, bởi con tim có nghĩa là căn nguyên nội tại nhất của con người, giải phóng và làm cho chúng ta có khả năng sống mối tương quan với Thiên Chúa và với người khác trong sự viên mãn. Ngài đã trở thành người, để con người vốn đã bị câm điếc trong lòng vì tội lỗi, có thể nghe được giọng nói của Thiên Chúa, đó là giọng nói của Tình Yêu nói với con tim nhân loại, và dậy cho con người biết, về phía mình, nói được ngôn ngữ của Tình Yêu, và chuyển dịch ngôn ngữ đó thành những cử chỉ quảng đại và trao hiến bản thân. Ước gì Đức Maria, người đã hoàn toàn „mở“ bản thân mình ra cho Tình Yêu của Thiên Chúa, sẽ giúp chúng ta có được kinh nghiệm hằng ngày và trong Đức Tin, về phép lạ của lời „Effata!“, để sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với những người anh chị em của chúng ta.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật ngày mồng 09 tháng 09 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018