Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Tôn Phong 7 Hiển Thánh, 14.10.2018

 

Bài Đọc II nói với chúng ta rằng: „Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi“ (Dt 4,12). Đúng là như thế. Lời Chúa không chỉ là một bộ sưu tập những điều khôn ngoan, hay là một trình thuật thiêng liêng có tính răn bảo, không, Lời Chúa là Lời sống động, Lời đụng chạm tới cuộc sống và biến đổi nó. Ở đó, Chúa Giê-su nói một cách cá nhân với những con tim chúng ta, Ngài chính là Lời hằng sống của Thiên Chúa.

Điều đặc biệt là, Tin Mừng mời gọi chúng ta hãy thực hiện một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa theo gương của người thanh niên „đã chạy đến với Ngài“ (xc. Mc 10,17). Chúng ta có thể tái nhìn thấy mình trong người thanh niên, mà tên của anh ta không được nhắc tới trong bản văn, điều đó có thể chỉ cho thấy rằng, anh ta chính là đại diện của từng người một trong chúng ta. Anh ta hỏi Chúa Giê-su rằng, anh ta cần phải làm gì để „được sự sống đời đời làm gia nghiệp“ (Mc 10,17). Anh ta xin sự sống đời đời, sự sống viên mãn: Ai trong chúng ta không muốn điều đó? Nhưng chúng ta nhận thấy rằng, anh ta đã xin điều đó như xin một gia tài mà anh ta muốn có, như một tài sản có thể mua được mà anh ta có thể có được nhờ vào khả năng riêng. Vì để sở hữu tài sản ấy, anh ta đã giữ các Giới Răn ngay từ hồi còn nhỏ, và để đạt được mục tiêu ấy, anh ta còn sẵn sàng giữ thêm những điều răn khác; vì thế anh ta hỏi: „Tôi phải làm gì để có được nó?

Câu trả lời của Chúa Giê-su đã khiến anh ta khó xử. Chúa Giê-su đã nhìn anh ta với tất cả sự trìu mến (xc. Mc 10,21). Ngài đã thay đổi hướng nhìn: đi từ các Giới Răn mà anh ta tuân giữ để nhận được một phần thưởng, tới một Đức Ái nhưng không và hoàn hảo. Người thanh niên này nói trong khái niềm về các Giới Răn cũng như về những yêu cầu, nhưng Chúa Giê-su lại giới thiệu với anh ta về một thiên tình sử. Ngài đòi anh ta phải vượt qua sự tuân giữ Lề Luật để đi đến với sự trao hiến, phải vượt qua hành vi quy ngã để đi tới một sự hiện diện ở đó với Ngài. Và Ngài đã đề nghị anh ta làm một việc „có tính quyết định“ đối với đời sống của anh: „Hãy bán tất cả những gì anh đang có, lấy tiền phân phát cho người nghèo […], rồi hãy đến theo tôi!“ (Mc 10,21). Chúa Giê-su cũng đang nói với bạn: „Hãy đến theo Thầy!“ Hãy đến: đừng đứng lỳ ra đó nữa, vì để thuộc về Chúa Giê-su thì việc người ta không làm bất cứ điều gì xấu, cũng vẫn chưa đủ. Hãy theo Thầy: Đừng chỉ chạy theo sau Chúa Giê-su mỗi khi bạn thấy thuận tiện, nhưng phải tìm kiếm Ngài mỗi ngày; nếu chỉ tuân giữ các Giới Răn, bố thí cho người nghèo và đọc vài lời Kinh mà thôi thì cũng vẫn chưa đủ đối với bạn; hãy thấy được từ nơi Ngài một Thiên Chúa, Đấng luôn luôn yêu thương bạn, cũng như hãy thấy được từ nơi Ngài ý nghĩa cuộc sống của bạn và sức mạnh để trao hiến.

Sau đó Chúa Giê-su nói tiếp: „Hãy bán tất cả những gì anh có, rồi phân phát cho người nghèo“. Chúa Giê-su không nói về sự khó nghèo và sự giầu có theo lý thuyết, nhưng Ngài nói trực tiếp về sự sống. Ngài yêu cầu bạn phải buông bỏ tất cả những gì đang đè nặng con tim mình, giải thoát mình khỏi những tài sản để tạo không gian cho Ngài, Đấng duy nhất tốt lành. Người ta sẽ không thể thực sự bước đi theo Chúa Giê-su nếu như người ta bị độc chiếm bởi một cái gì đó. Vì nếu con tim bị chất lên quá nhiều với những đồ vật thì nó sẽ không còn chỗ cho Thiên Chúa nữa, và rồi Thiên Chúa sẽ bị coi là một trong muôn vàn những đồ vật khác. Vì thế, sự giầu có rất nguy hiểm – Chúa Giê-su đã nói như thế -, nó khiến cho việc đạt tới được ơn cứu độ trở nên khó khăn. Không phải vì Thiên Chúa nghiêm khắc, không! Vấn đề nằm ở phía chúng ta: việc chúng ta có quá nhiều cũng như ước muốn quá nhiều sẽ bóp ngạt chính chúng ta, bóp ngạt con tim chúng ta, và khiến chúng ta không còn có khá năng để sống Đức Ái nữa. Vì thế, Thánh Phao-lô nhắc nhớ chúng ta rằng, sự tham lam „chính là cội rễ của mọi điều xấu xa“ (1Tm 6,10). Chúng ta thấy điều đó: nơi đâu tiền bạc là trung tâm thì ở đó sẽ không có chỗ cho Thiên Chúa nữa, và cũng chẳng có chỗ cho con người luôn!

Chúa Giê-su rất cương quyết. Ngài trao hiến tất cả và cũng đòi hỏi tất cả: Ngài trao ban tất cả Tình Yêu, và Ngài đòi hỏi một con tim không sẻ chia. Ngay cả trong thời đại hôm nay Ngài cũng vẫn đang còn tiếp tục trao ban chính bản thân Ngài cho chúng ta với tư cách là bánh hằng sống. Chúng ta có thể trao cho Ngài một vài mụn bánh được không? Chúng ta không thể đáp lại Đấng đã biến mình thành người phục vụ chúng ta, đến độ đã vác lấy Thập Giá vì chúng ta, một cách đơn giản là tuân thủ một số Giới Răn được. Sẽ không đủ nếu chỉ trao một chút thời gian cho Đấng giới thiệu sự sống đời đời cho chúng ta. Chúa Giê-su không hài lòng với „những phần trăm Tình Yêu“: Chúng ta không thể yêu mến Ngài với hai chục, ba chục hay sáu chục phần trăm. Hoặc là tất cả hoặc là chẳng có gì.

Anh chị em thân mến, con tim chúng ta được ví như một cục nam châm: nó để cho mình bị lôi cuốn bởi Tình Yêu, nhưng nó chỉ có thể ghép vào một mặt, và vì thế nó phải chọn lựa: Hoặc là nó sẽ yêu mến Thiên Chúa, hay là nó yêu mến sự giầu sang thế gian (xc. Mt 6,24); hoặc là nó sẽ sống để yêu, hay là nó sẽ sống cho chính nó (xc. Mc 8,35). Chúng ta hãy tự hỏi xem, mình đang đứng ở phía nào. Chúng ta hãy tự hỏi xem, mình đang đứng ở đâu trong thiên tình sử với Thiên Chúa. Phải chăng là chúng ta lấy làm đủ khi tuân giữ một số Giới Răn, hay chúng ta đi theo Chúa Giê-su với tư cách là những người được yêu, tức những người thực sự sẵn sàng dâng lên Ngài một điều gì đó? Chúa Giê-su đang đặt ra cho từng người một trong chúng ta cũng như cho tất cả chúng ta với tư cách là một „Giáo hội lên đường“, một câu hỏi: Liệu có phải chúng ta đang là một Giáo hội chỉ rao giảng về những Giới Răn tốt lành không, hay là một Giáo hội hiền thê trao hiến chính bản thân cho Thiên Chúa trong Tình Yêu? Liệu có phải là chúng ta đang thực sự bước đi theo Ngài không, hay chúng ta lại quay về với thế gian giống như người thanh niên trong Tin Mừng? Vậy thì: Chúa Giê-su đã đủ cho chúng ta chưa, hay chúng ta còn phải tìm kiếm thêm những điều an toàn khác của thế gian? Chúng ta hãy cầu xin cho được ơn có khả năng buông bỏ tất cả vì Tình Yêu đối với Thiên Chúa: sự giầu có, sự khát khao địa vị và quyền lực, những cơ cấu không còn thích hợp với việc loan báo Tin Mừng nữa, những đồ dư thừa mà chúng đang kìm hãm sứ vụ truyền giáo của chúng ta, và những gắn bó với thế gian. Việc không có sự tiến bộ trong Tình Yêu sẽ khiến cuộc sống chúng ta trở nên bệnh tật, và Giáo hội của chúng ta sẽ trở nên „tự mãn và quy ngã“ (Evangelii gaudium, 95): Người ta tìm kiếm niềm vui trong những thú vui ngắn ngủi, người ta tự nhốt mình lại trong những câu chuyện phiếm vô sinh, người ta trao mình cho sự đơn điệu của một đời sống Ki-tô giáo mà không hề có sự phấn khích, ở đó có một chút hội chứng tự mê đang che đậy sự u sầu của một kiếp sống bất toàn.

 

Nơi người thanh niên – như Tin Mừng nói – là như thế: „buồn rầu bỏ đi“ (Mc 10,22). Anh kẹp chặt tất cả vào Lề Luật và vào rất nhiều những tài sản của mình, nhưng anh lại không trao đi con tim của mình. Và mặc dầu anh gặp Chúa Giê-su và có được kinh nghiệm về cái nhìn đầy tình mến thương của Ngài, nhưng anh vẫn buồn rầu bỏ đi. Buồn rầu chính là bằng chứng cho thấy một Tình Yêu không được đáp ứng, một dấu chỉ cho thấy một con tim vô cảm. Trái lại, một con tim trút được gánh lo và được tự do để yêu mến Thiên Chúa, sẽ luôn luôn phát tán niềm vui; một con tim như thế sẽ rất cần cho thời đại hôm nay. Thánh Phao-lô VI Giáo Hoàng viết: „Ngay trong giữa tất cả những nỗi khốn cùng của mình, nhân loại ngày nay phải khám phá ra niềm vui và phải nghe thấy được giai điệu du dương của niềm vui ấy“ (Gaudete in Domino, I). Hôm nay Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy trở về với nguồn mạch niềm vui: Hãy đi tới cuộc gặp gỡ với Ngài, đi tới một quyết định can đảm và dám chấp nhận rủi ro để bước đi theo Ngài, để vui lòng từ bỏ một cái gì đó và chọn đi theo con đường của Ngài. Các Thánh đã đi theo con đường đó.

Thánh Phao-lô VI đã thực hiện điều đó theo gương của vị Thánh Tông Đồ mà Ngài đã nhận cho mình tên của vị Thánh ấy. Giống như Thánh Tông Đồ, Ngài đã sống hoàn toàn cho Tin Mừng của Chúa Ki-tô, bằng cách vượt qua những ranh giới để bước vào những vùng đất mới, cũng như trở nên chứng nhân của Ngài thông qua việc loan báo Tin Mừng và đối thoại, trở thành Ngôn Sứ của một Giáo hội biết lên đường, tức Giáo hội có một cái nhìn rộng mở và biết chăm lo cho người nghèo. Đôi khi bị bao trùm bởi những nỗi vất vả và những hiểu lầm, nhưng Thánh Phao-lô VI vẫn trở thành một chứng nhân đầy nhiệt thành để làm chứng cho vẻ đẹp cũng như cho niềm vui của toàn bộ cuộc đi theo Chúa Giê-su. Hôm nay, cùng với Công Đồng Vatican II mà Ngài chính là người điều khiển đầy khôn ngoan của Công Đồng ấy, Ngài vẫn đang còn tiếp tục khuyên nhủ chúng ta hãy sống ơn gọi chung của mình: ơn gọi nên thánh là ơn gọi phổ quát. Không chỉ đạt đến mức độ trung bình, nhưng là đạt tới sự thánh thiện. Thật là tuyệt vời khi cùng với Ngài trong số các vị Tân Hiển Thánh cũng còn có Thánh Rô-mê-ô Giám mục. Ngài đã khước từ những che chắn của thế gian, khước từ sự an toàn riêng của mình để hiến trao mạng sống mình chiếu theo Tin Mừng. Ngài đã gần gũi những người nghèo cũng như gần gũi dân của mình. Con tim của Ngài bị lôi cuốn bởi Chúa Giê-su và bởi những người anh chị em của mình. Đó cũng là điều đã diễn ra nới các Thánh Francesco Spinelli, Vincenzo Romano, Maria Katharina Kasper, Nazaria Ignacia de Santa Teresa, cũng như nơi vị Thánh trẻ tuổi Nunzio Sulprizio người Napoli: Ngài là một vị Thánh trẻ, can đảm và đầy khiêm nhượng, đã biết cách gặp gỡ Chúa Giê-su trong đau khổ, trong những khó khăn, cũng như đã trao hiến cho Ngài chính bản thân mình. Trong những hoàn cảnh khác nhau cũng như qua cuộc sống của mình, tất cả các vị Thánh nêu trên đều đã làm cho Lời Chúa của ngày hôm nay được nên sáng tỏ, các Ngài đã dám chấp nhận mạo hiểm để buông bỏ tất cả mà không hề do dự, không tính toán, nhưng với niềm hăng hái. Anh chị em thân mến, ước gì Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta biết noi theo gương sáng đó của các Ngài.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng Chúa Nhật ngày 14 tháng 10 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018