Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư 19.09.2018 - Các Giới Răn (IX)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trên con đường xuyên qua „Mười Lời“, hôm nay chúng ta sẽ đi tới Điều Răn về sự thảo kính cha mẹ. Điều răn này nói về sự tôn kính dành cho Cha Mẹ. „Tôn kính“ có nghĩa là gì? Thuật ngữ này theo tiếng Do-thái liên quan đến niềm vinh dự, giá trị, được sử dụng theo nghĩa đen là „trọng lượng“, và sự kiên định của một thực tại. Nó không phải là một vấn nạn thuộc hình thức bên ngoài, nhưng thuộc chân lý. Theo Kinh Thánh, tôn kính Thiên Chúa có nghĩa là nhìn nhận thực tại của Ngài, lưu tâm tới sự hiện diện của Ngài. Điều đó cũng được diễn tả nhờ vào Phụng Vụ, nhưng trước tiên, nó có nghĩa là trao cho Thiên Chúa một nơi xứng hợp trong kiếp sống. Tôn kính Cha mẹ có nghĩa là nhìn nhận tầm quan trọng của các ngài, và với những hành vi cụ thể, diễn tả sự hy sinh, mối thiện cảm và sự quan tâm lo lắng cho các ngài. Nhưng vấn đề không phải chỉ là như thế.

Lời thứ bốn có một nét đặc trưng: đó là Điều Răn chứa đựng một đáp số. Nội dung của nó như sau: „Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi“ (Đnl 5,16). Sự tôn kính Cha mẹ sẽ dẫn tới một đời sống trường thọ và hạnh phúc. Trong Thập Giới, cụm từ „hạnh phúc“ chỉ xuất hiện trong sự liên kết với mối tương quan đối với cha mẹ. Nền khôn ngoan cổ đại đã giải thích về điều mà các nhà khoa học nhân văn mới chỉ có thể nghiên cứu tới từ cách nay khoảng một thế kỷ mà thôi, và nền khôn ngoan ấy giải thích rằng, hình ảnh được khắc ghi trong thời niên thiếu sẽ phác thảo toàn bộ cuộc sống. Thường thì người ta rất dễ dàng hiểu được việc một ai đó có phải là đã lớn lên trong một môi trường lành mạnh và cân đối hay không. Nhưng người ta cũng nhận ra việc một người đã phải trải qua những kinh nghiệm với tình trạng bị bỏ mặc và bạo lực. Thời niên thiếu của chúng ta là một cái gì đó giống như một con dấu không thể xóa nhòa được; nó sẽ thể hiện ra trong quan điểm về sự thẩm mỹ cũng như trong cách hành xử, ngay cả khi một số người cố gắng che đậy những vết thương nơi xuất xứ của mình.

Nhưng Điều Răn thứ tư còn nói nhiều hơn nữa. Điều Răn ấy không nói về phẩm chất của cha mẹ và cũng không đòi hỏi cha mẹ phải hoàn hảo. Điều Răn ấy nói về thái độ của con cái, không phụ thuộc vào sự xứng đáng của cha mẹ, và nói về một cái gì đó phi thường và miễn trừ: ngay cả khi không phải tất cả mọi bậc cha mẹ đều tốt lành và đối xử một cách vô tư đối với mọi đứa con, vì việc đạt được một cuộc sống viên mãn và hạnh phúc phụ thuộc vào niềm biết ơn xứng hợp đối với những bậc đã sinh thành nên chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ xem, lời này có tính khuyên răn biết dường nào đối với những người trẻ mà họ đã trải qua những kinh nghiệm đầy khổ đau, và đối với tất cả những ai đã phải đau khổ quá nhiều trong thời thanh xuân của mình. Nhiều vị Thánh – và vô vàn các Ki-tô hữu – đã thực hiện một cuộc sống đầy tươi sáng sau khi đã phải trải qua một thời niên thiếu đầy khổ ải, vì nhờ vào Chúa Giê-su Ki-tô, các Ngài đã giao hòa với cuộc sống. Chúng ta hãy nghĩ tới một người trẻ mà hôm nay đã là Chân Phúc, và sang tháng tới sẽ được tôn phong lên bậc Hiển Thánh, đó là Chân Phúc Nunzio Sulprizio. Ngài đã từ giã cõi đời khi mới 19 tuổi, đã giao hòa với nhiều nỗi khổ đau, với nhiều sự việc, vì con tim của Ngài bình an, và Ngài không bao giờ phủ nhận cha mẹ của mình. Chúng ta hãy nhớ tới Thánh Ca-mi-lô Lellis, người đã xây dựng một cuộc đời đầy bác ái và phục vụ sau một thời niên thiếu bị bỏ mặc; tới Thánh Giuseppina Bakhita, người đã lớn lên trong cảnh nô lệ kinh khủng, hay Chân Phúc Carlo Gnocchi, một người mồ côi nghèo hèn; và cả Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng nữa, người đã bị mất thân mẫu khi tuổi đời còn trẻ măng.

Dù xuất thân từ bất cứ kinh nghiệm nào đi nữa thì người ta cũng vẫn luôn nhận được từ Điều Răn này một sự định hướng, mà sự định hướng ấy sẽ dẫn tới Chúa Giê-su: vì Người Cha đích thực, Đấng mời gọi chúng ta „tái sinh từ trên cao“ (xc. Ga 3,3-8), được mạc khải trong Ngài. Những bí mật của cuộc sống chúng ta sẽ được soi sáng khi người ta khám phá ra rằng, ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta một cuộc sống với tư cách là con cái của Ngài, mà với cuộc sống đó, bất cứ hành vì nào cũng đều là một sứ mạng được đón nhận từ Ngài. Những vết thương của chúng ta sẽ bắt đầu có khả năng, nếu nhờ Ân Sủng, chúng ta khám phá ra rằng, những bí mật thực sự sẽ không đem đến câu hỏi „tại sao“ nữa, nhưng là „cho ai?“ Điều đó xảy ra với tôi nhưng cho ai? Vì việc gì mà Thiên Chúa đã định hình nên tôi thông qua lịch sử của tôi? Ở đây tất cả đều quay lại, tất cả đều trở nên quý giá, và tất cả đều trở nên sáng tỏ. Kinh nghiệm của tôi, dẫu buồn sầu và khổ đau, nhưng trong ánh sáng của Đức Ái, sẽ trở nên nguồn ơn cứu độ cho người khác – cho ai – như thế nào? Và rồi chúng ta sẽ có thể bắt đầu tôn kính cha mẹ của chúng ta với sự tự do của những người con đã trưởng thành, và với sự chấp nhận đầy nhân hậu đối với những giới hạn của các ngài. Hãy tôn kính cha mẹ vì các ngài đã sinh thành nên chúng ta!

Nếu bạn đã rời xa cha mẹ của mình thì hãy tự lên đường để trở về, trở về với các ngài; có lẽ các ngài đã luống tuổi… Các ngài đã trao cho bạn sự sống. Bên cạnh đó, giữa chúng ta còn có thói quen nói những điều tồi tệ, thậm chí là chửi mắng… Xin đừng bao giờ xúc phạm, đừng bao giờ, đừng bao giờ xúc phạm cha mẹ người khác. Đừng bao giờ! Người ta không bao giờ được phép xúc phạm mẹ, không bao giờ được phép xúc phạm cha. Không bao giờ! Không bao giờ! Đích thân bạn hãy đưa ra quyết định này trong lòng: Từ hôm nay trở đi tôi sẽ không bao giờ xúc phạm cha mẹ của bất cứ ai nữa! Các ngài đã ban tặng sự sống cho họ! Các ngài không được phép bị xúc phạm. Sự sống nhiệm màu này đã được ban cho chúng ta, chứ không phải bị cưỡng bức: Được tái sinh trong Chúa Ki-tô chính là một hồng ân phải được đón nhận với tất cả sự tự nguyện (xc. Ga 1,11-13), và đó là sự quý báu của Phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận, và trong Phép Rửa ấy, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, chỉ có một Thiên Chúa Cha của chúng ta, Đấng ngự trên trời (xc. Mt 23,9; 1Cor 8,6; Ep 4,6). Xin cám ơn anh chị em!

 

Vatican, Đại sảnh Đường tiếp kiến

Sáng thứ Tư ngày 26 tháng 09 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018